2011/08/18

Lại thêm một phiên toà rừng rú


Lê Vĩnh

Phiên toà xử phúc thẩm tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ với việc giữ nguyên mức án của toà sơ thẩm đã tạo nên một làn sóng phản đối của dư luận khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, để răn đe và triệt hạ tinh thần yêu nước của giới trí thức, chỉ một tuần sau đó nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại đưa thêm một nhà trí thức yêu nước khác ra xử và kết án nặng nề. Trong phiên toà hôm 10 tháng 8, giáo sư đại học Phạm Minh Hoàng đã bị toà sơ thẩm Sài Gòn kết án 3 năm tù cộng thêm 3 năm quản chế. Theo bản tin sau đó của hãng thông tấn AP, thì thẩm phán Vũ Phi Long chỉ trong vòng vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ đã "xử" xong những hành vi bị cáo buộc là "có nguy hại trầm trọng đến an ninh quốc gia". Một kỷ lục xử án hiếm có trong thời đại ngày nay.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng, giảng viên đại học mang hai quốc tịch Pháp-Việt, bị quy kết tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vì ông là đảng viên đảng Việt Tân và đã viết trên trang blog của mình những bài có nội dung bị coi là “xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”, cũng như đã tổ chức các lớp học về “kỹ năng mềm” cho sinh viên, hoạt động này bị cho là nhằm “tuyên truyền, xây dựng lực lượng nòng cốt cho Việt Tân”.
Cũng như vụ xử án tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vụ xử án giáo sư Phạm Minh Hoàng ngay lập tức đã khiến nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối mặt với làn sóng chỉ trích rộng khắp trên thế giới (1). Văn thư phản đối của bộ ngoại giao Pháp, Hoa Kỳ và khối Liên Âu (EU) đều nhấn mạnh việc Hà Nội truy tố các cá nhân (như giáo sư Phạm Minh Hoàng) chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm là "đi ngược lại cam kết của Việt Nam trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc Tế". Cụ thể hơn, bà Catherine Ashton, người đứng đầu ngành ngoại giao của EU vạch rõ rằng, bản án của giáo sư Hoàng cũng như những bản án của các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam gần đây đều đi ngược lại với quyền căn bản của công dân trong việc bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa, theo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Bên cạnh đó, các tổ chức nhân quyền thế giới cũng mạnh mẽ lên án phiên toà xử giáo sư Phạm Minh Hoàng và cho rằng, những họat động của ông Phạm Minh Hòang không chỉ là những quyền được định rõ trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị; mà còn nằm trong khuôn khổ các điều 35, 50, 53 và 69 của Hiến pháp Việt Nam. Đặc biệt, giáo sư Phạm Minh Hoàng còn được một số tổ chức khoa học, chuyên môn như Hội Toán Học Pháp, Ban Giáo Sư Toán Đại Học Arizona, v.v.. lên tiếng bênh vực.
Bên cạnh sự vi phạm trắng trợn những thoả ước nhân quyền mà cộng sản Việt Nam đã ký kết, thì vụ xử án tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và giáo sư Phạm Minh Hoàng vừa qua còn vi phạm ngay chính luật pháp của CSVN. Trường hợp của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã được rất nhiều bài phân tích vạch rõ. Ở đây chỉ đề cập đến trường hợp của giáo sư Phạm Minh Hoàng.
Theo nguyên tắc luật pháp thì người dân có quyền làm những điều không bị pháp luật ngăn cấm. Theo luật pháp Việt Nam hiện hành, việc giáo sư Phạm Minh Hoàng là thành viên của đảng Việt Tân không hề cấu thành một tội trạng nào cả. Trong bộ luật hình sự của Việt Nam hiện nay không có điều luật nào quy định hoạt động đảng phái là có tội. Mới đây, blogger Tạ Phong Tần, một người am tường về luật pháp Việt Nam đã lên tiếng thách thức bất cứ ai trưng ra một điều khoản của luật pháp Việt Nam hiện hành minh thị sự cấm đoán một đảng phái chính trị hoạt động tại Việt Nam bên cạnh đảng Cộng Sản. Như thế có nghĩa là mọi đảng chính trị, mà cụ thể là đảng Việt Tân, hoàn toàn hợp pháp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngay cả quy định về sự cầm quyền của đảng CSVN trong điều 4 hiến pháp thì bản thân của điều này cũng không hề khẳng định chỉ có đảng Đảng Cộng Sản là đảng duy nhất cầm quyền. Còn việc Hà Nội gán ghép một cách trơ trẽn rằng Việt Tân là đảng “khủng bố” (để kết tội) thì sự gán ghép này đã trở thành một đề tài chế diễu đảng Cộng Sản Việt Nam trên các trang mạng từ nhiều năm qua. Sự hiện diện và hoạt động hợp pháp của đảng Việt Tân trên hầu hết những quốc gia hàng đầu trong việc chống khủng bố, việc tổng thống Mỹ mời chủ tịch đảng Việt Tân hội kiến tại toàn Bạch Ốc, việc đảng Việt Tân điều trần về nhân quyền Việt Nam tại quốc hội Úc, quốc hội Liên Âu, v.v... đã là những cái tát của thế giới vào mặt đảng CSVN. Có lẽ vì vậy mà trong bản cáo trạng của giáo sư Phạm Minh Hoàng đã không nhắc gì đến tội “khủng bố”. Mới đây, khi nhắc đến đảng Việt Tân trong một chương trình truyền hình bôi nhọ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, đài VTV1 cũng đã “cất đi” hai chữ “khủng bố”. Rốt cuộc thì có vẻ như nhà cầm quyền CSVN đã phải thừa nhận Đảng Việt Tân không phải, và không thể, là một tổ chức khủng bố.
“Tội” thứ hai giáo sư Phạm Minh Hoàng bị gán ghép là đã tổ chức các lớp học về “kỹ năng mềm” cho sinh viên. Hoạt động này bị cho là nhằm “tuyên truyền, xây dựng lực lượng nòng cốt cho Việt Tân”. Điều tiên quyết trong vấn đề này là phải biết nội dung khoá học “kỹ năng mềm” dạy về những gì, từ đó mới “luận tội” được. Nhà bình luận Đoàn Hùng, một cây bút chuyên về các vấn đề Việt Nam, đã cho biết nội dung của các khoá huấn luyện này như sau: (2)
Khóa học về “kỷ năng mềm” trong thực tế nó là khóa học giúp cho anh chị em trẻ ở Việt Nam ý thức được những khả năng và tiềm năng lãnh đạo của mỗi cá nhân trong sinh hoạt xã hội. Nội dung của khóa học đề cập vai trò của lãnh đạo (leadership) dựa trên 4 nền tảng: 1/ Khả năng trình bày vấn đề; 2/ Khả năng hóa giải những dị biệt hay xung khắc giữa các cá nhân; 3/ Khả năng tạo sự kết đoàn trong hành động; 4/ Khả năng thu nhận ý kiến của những người chung quanh. Khi một người được trang bị những kỹ năng nói trên sẽ giúp cho họ tự tin và hăng hái hơn với những trách nhiệm mà họ nhận lãnh trong đời sống. Hơn thế nữa, khóa học còn giúp cho các bạn trẻ Việt Nam nhìn ra những vấn đề và cách giải quyết vấn đề theo tinh thần hợp tác chung của mọi người.”
Với những khoá học về “kỹ năng mềm” trong tinh thần và nội dung như vửa kể, nhà bình luận Đoàn Hùng đã nhận định rằng: “Phạm Minh Hoàng là nhà giáo, giúp sinh viên của mình hiểu hơn về tiềm năng lãnh đạo (leadership) là nỗ lực bình thường của những ai quan tâm đến giới trẻ. Đây là hoạt động mang tính xã hội cần phải phát triển nhiều hơn nữa để giúp con người đến với nhau trong tình liên đới. Không thể vì lo sợ tụ họp của những người trẻ lại ngăn cấm bằng cách kết tội ’lật đổ chế độ’”.
Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, sự hiện diện và hoạt động của đảng Việt Tân tại Việt Nam là điều hoàn toàn hợp pháp, do đó kết tội giáo sư Phạm Minh Hoàng tổ chức các khoá học “kỹ năng mềm” cho sinh viên là nhằm “tuyên truyền, xây dựng lực lượng nòng cốt cho Việt Tân” là một cáo buộc phi lý. Chẳng riêng gì đảng Việt Tân, mà tất cả các đảng phái chính trị khác không bị một điều luật nào của Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật, thì đều có quyền phát triển và xây dựng lực lượng cho mình.
Tội trạng thứ ba giáo sư Phạm Minh Hoàng bị quy kết là đã viết trên trang blog với bút danh Phan Kiến Quốc những bài có nội dung bị coi là “xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước”. Để nhận định về “tội trạng” này, cần phải đọc và hiểu nội dung của những bài viết đó. Khi đọc lại 33 bài viết ký tên Phan Kiến Quốc trên trang blog Phan Kiến Quốc (3), phải nói là giáo sư Phạm Minh Hoàng đã không chỉ phân tích những vấn đề thời sự của đất nước, mà còn biểu hiện sự ray rứt của một trí thức trước những vấn nạn mà dân tộc Việt Nam đang phải đối phó. Đây có lẽ không phải là tâm tư của riêng giáo sư Phạm Minh Hoàng, mà những điều ông viết cũng đã được nhiều trí thức trong và ngoài nước nêu lên. Thậm chí có khi còn xuất hiện trên báo chí “lề phải” của nhà nước CSVN qua những lối viết khác. Nhận xét về những bài viết này, qua bài “Giáo sư Phạm Minh Hoàng – Nhân kiệt, hồn Việt” (4), nhà bình luận Lê Nguyên Hồng đã cho rằng: “Đọc tất cả các bài viết của Giáo Sư dưới bút danh Phan Kiến Quốc thì người ta không thể tìm kiếm được câu chữ nào là tuyên truyền chống nhà nước cả”. Nhà báo Lê Nguyên Hồng còn nhận xét thêm: “Đối với giáo sư Phạm Minh Hoàng, một người can đảm, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống tự do về tinh thần, dư thừa về vật chất tại hải ngoại, để trở về quê hương cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình, lay chuyển nổi ý chí của một con người như vậy hẳn không đơn giản. Đọc những bài viết của giáo sư Hoàng phổ biến trên mạng Internet, đã thể hiện Ông không chỉ là giáo sư giảng dạy một môn học vốn rất khô khan như môn toán, dưới bút danh Phan Kiến Quốc, chúng ta thấy một giáo sư Hoàng khác: Sâu sắc, trí tuệ và không kém phần dí dỏm…”.
Ở một cách nhìn khác người ta thấy những bài viết của giáo sư Phạm Minh Hoàng chỉ là những bài viết nói lên sự thực. Đối với một nhà cầm quyền sợ sự thực, chỉ dựa vào bưng bít và dối trá để tồn tại như nhà cầm quyền CSVN thì việc họ kết án những bài viết của giáo sư Phạm Minh Hoàng là điều dễ hiểu.
Chính vì những cáo buộc không có cơ sở và phi lý như trên, nên cũng như trong vụ xử án tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, người ta thấy chánh án đã không dám để cho luật sư tranh tụng về chứng cớ, về pháp lý, mà chỉ làm qua quất cho xong. Ở đây, một câu viết nổi tiếng của giáo sư Ngô Bảo Châu viết về phiên toà xử tiến sĩ Cù huy Hà Vũ cũng hoàn toàn thích hợp. Giáo sư Ngô bảo Chấu viết rằng: “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.”
***
Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã có câu nói rất nổi tiếng: “Điều duy nhất dẫn đến chiến thắng của cái ác là những người tốt không làm gì cả”. Ông đã nói lên chân lý này và chính ông đã dấn thân để ngăn chặn sự “chiến thắng của cái ác” qua những cống hiến cho quê hương đất nước. Sau khi ông bị bắt vào tháng 8 năm ngoái, một số trang blog của sinh viên trường Đại Học Bách Khoa cho biết, vẫn còn hơn 100 nhóm sinh viên tiếp tục theo đuổi lý tưởng của Thầy Phạm Minh Hoàng. Có lẽ việc tiếp tục đi theo lý tưởng của giáo sư Phạm Minh Hoàng trong giới trẻ đã đã trở thành một hiện thực đáng lo ngại cho nhà cầm quyền CSVN nên trong một buổi gặp gỡ báo chí vào cuối tháng 9 năm ngoái, đại tá Nguyễn Xuân Mừng, phó thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An đã đưa ra lời kêu gọi giới công nhân, sinh viên học sinh có liên hệ hoặc “đã tham gia và hoạt động trong tổ chức chức Việt Tân mau chóng ra trình diện để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước". Tuy nhiên cho đến nay chưa thấy bộ Công An báo công về bất cứ một ai muốn được “hưởng sự khoan hồng” đó. Hẳn nhiên những học trò của thầy Hoàng không ngây thơ khờ dại để dễ bị lừa bịp. Dù thầy Phạm Minh Hoàng nhất thời đang bị cái ác giam hãm trong ngục tối, nhưng lý tưởng của ông vẫn luôn luôn vượt ra khỏi song sắt của nhà giam đến với giới trẻ. Cũng như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, chắc chắn rồi đây tổ quốc và nhân dân, đặc biệt là giời trẻ, sẽ phá án cho giáo sư Phạm Minh Hoàng.
— -
(1) Dưới đây là một số địa chỉ nối kết của các cơ quan truyền thông có bài viết về vụ xử án, hoặc lên tiếng ủng hộ GS Phạm Minh Hoàng:
http://jt.france3.fr/1920 (truyền hình Pháp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét