2011/05/20

Vào tù trong chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Văn Chu

“Mọi người đều được coi là vô tội cho đến khi chứng minh được tội phạm”. Đó là nguyên tắc xử án định tội tại hầu hết các quốc gia văn minh tiến bộ từ hơn thế kỷ trước. Nguyên tắc này bảo vệ nghi can khỏi những cáo buộc vô cớ có thể làm tê liệt công việc sinh hoạt bình thường của bị cáo khi họ phải dồn tâm trí và thì giờ để cố chứng minh mình không phạm những tội mà công tố viên hoặc những kẻ ác ý gài gán. Nguyên tắc này buộc những người cáo buộc phải có trách nhiệm tìm tòi chứng minh thuyết phục quan tòa và/hay công luận rằng, nghi can đích thị phạm tội, chứ không phải là nghi can là phía phải gánh trách nhiệm chứng minh thuyết phục mình vô tội.
Cũng tại các xứ văn minh, khi liên quan đến tội hình, với những hình phạt có thể tước đi quyền tự do căn bản, hay ngay mạng sống của con người, tiêu chí chứng minh phạm tội còn được nâng cao hơn một bậc. Đó là bên công tố phải chứng minh được rằng nghi can quả là có tội, và đây là điều không còn ngờ vực gì nữa. Chỉ cần một người trong bồi thẩm đoàn còn bán tín bán nghi về sự phạm tội của nghi can, tòa cũng không đủ cơ sở để kết tội. Và ngày nào mà chưa bị kết tội, nghi can vẫn được hưởng mọi quyền công dân bình thường như bao người vô can khác.
Tại xứ có nhà nước pháp quyền thực sự, quyền công dân căn bản bao gồm quyền được tham vấn luật sư bênh vực mình ngay từ đầu, để tránh những lạm dụng nhục hình, gài bẫy, ép cung của bộ phận điều tra, công tố.
Tại Việt Nam, chế độ đương quyền cũng từng tuyên bố hướng tới xây dựng một nhà nước pháp quyền. Trên mặt giấy tờ lý thuyết, luật pháp Việt Nam cũng có vẻ phù hợp với tiêu chuẩn văn minh, nhưng thực tế áp dụng thì phần lớn ngược lại. Và chẳng phải là điều lạ lùng đáng ngạc nhiên khi những hành xử của các bộ phận công quyền thi hành luật pháp của chế độ đều vi phạm ngay chính luật pháp lý thuyết của chế độ.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, những nghi can, nhất là trong các vụ án chính trị, đều đã bị coi là có tội và mất ngay hết cả quyền công dân ngay cả khi mới bắt đầu bị tạm giữ để điều tra. Nghi can bị cách ly không được tiếp xúc lien lạc ngay cả với gia đình, và càng không được gặp luật sư của mình. Nghi can bị kết án ngay từ đầu qua các báo đài của nhà nước. Có khi nghi can còn phải trải qua những màn đấu tố tại phường xã của mình như kiểu tòa án nhân dân man rợ một thời. Bị ép cung và phải ký vào bản nhận tội là điều luôn luôn xẩy ra.
Đứng trước áp lực bắt phải ký tên và đọc bản nhận những tội phần lớn do công an viết sẵn, các nhà đấu tranh cho dân chủ có hai loại phản ứng chính: Hoặc là họ kiên quyết không ký nhận tội để bảo vệ nguyên tắc lập trường lý tưởng của mình, đồng thời để giữ vững ngọn cờ đấu tranh qua việc thể hiện tính thần uy vũ bất năng khuất, không thỏa hiệp với sai trái. Hoặc là họ coi những tờ nhận tội do công an ép viết và đọc là những mảnh giấy lộn vô giá trị. Chỉ có tính cách là rào cản cuối cùng trước khi họ được thả, nên sẵn lòng ký để sớm được ra tù để tiếp tục con đường đấu tranh của họ đã tạm bị gián đoạn.
Thực vậy, trong rọ của chế độ CS, người ta đã quá quen nhàm với những cách thức bắt người tù nhận tội, nên việc nhận tội, nhất là những tội danh chính trị chẳng mang một ý nghĩa nào cả. Hàng chục ngàn người tù cải tạo, trong lúc bị giam cầm hay trước khi được thả về, đều ký vào đơn nhận tội, xin khoan hồng, hứa hẹn với Đảng và nhà nước đủ thứ v.v... Nhưng những điều này đã không làm họ thay đổi lập trường trở thành đỏ. Ngược lại, như người ta đã thấy, các anh em cựu tù nhân chính trị, sau khi thoát sự kìm kẹp ra được nước ngoài, đa số lại là những người đấu tranh tích cực và kiên trì nhất. Họ là một trong những thành phần đem đến luồng sinh khí mới trong các sinh hoạt đấu tranh của người Việt Hải Ngoại trong thập niên 90 mặc dù có một vài trường hợp quá đà dễ gây phân rẽ giữa người Việt trong ngoài mà người ta nghi có thành phần Cộng sản trà trộn cố tình gây ra. Người tù nhân lương tâm nổi tiếng Linh mục Nguyễn Văn Lý hơn ai hết đã hiểu rõ giá trị đích thực của mọi lời nói và chữ viết của tù nhân trong tay bộ máy công an bạo lực của CSVN, nên ngài đã từng dặn trước là khi ngài ở trong tù, bất cứ lời nói và viết gì của ngài từ trong tù gừi ra mà đi ngược với tinh thần đấu tranh, đều vô giá trị.
Cũng có những nhà đấu tranh cho dân chủ mau mắn chủ động nhận tội “đã vi phạm luật pháp của nước CHXHCNVN”. Vì đối với họ, những hành động hay tư tưởng yêu nước, muốn tích cực đóng góp xây dựng đất nước, hay bảo vệ chủ quyền đất biển của tổ quốc, đều là vi phạm luật pháp của nhà nước CHXHCNVN và trở thành trọng tội đối với chế độ. Sự chủ động “nhận tội này” càng thể hiện tính phản dân tộc của Đảng và chế độ CSVN. Và như thế, việc phải vào tù vì lý do chính trị ở xứ CHXHCNVN trở thành một điều đáng hãnh diện, một dấu chứng cho việc họ đang đi làm cho lịch sử sang trang.
Như thế, nhận tội hay không nhận tội, đằng nào cũng làm lộ rõ tính chất sai trái của luật pháp CHXHCNVN. Điều này cùng với niềm tin vào thế tất thắng của đà dân chủ hóa đã giúp cho các nhà đấu tranh cho dân chủ vượt qua được rào cản của sự sợ hãi cảnh tù đầy dưới chế độ CSVN. Biết đâu một ngày nào đó dân ta rủ nhau “tự thú, nhận tội” và xin được vào tù (như sinh viên Nguyễn Anh Tuấn “thú tội” tàng trữ bài viết của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ) để vạch trần bản chất của một chế độ mà trong đó người ngay trở thành tội nhân.
Văn Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét