2011/05/20

Vẫn là bài học “cho sói gửi chân”

NuVuongCongLy

Tài sản của Dòng Phaolo đang bị đập phá tại Hà Nội
Những ngày gần đây, tại Hà Nội, giáo dân Công giáo tiếp tục xôn xao với việc nhà cầm quyền Hà Nội đang phá dỡ bệnh viện Xanh Pôn là cơ sở của Dòng Thánh Phaolo bị chiếm dụng từ lâu nhưng không trả. Dự kiện này một lần nữa làm người ta nhớ lại chính sách mượn không trả, lấy không cần giấy tờ, thuê không trả tiền thuê và rắp tâm chiếm đoạt bằng mọi giá… của nhà nước Việt Nam trong một quá trình từ khi hình thành đến nay.
Nhiều cơ sở sản xuất, nhà ở gia đình, nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo đã bị chiếm dụng trong quá trình dài kể từ khi “Cách mạng” đã bị biến thành công sở rồi thành tư sở từ bao giờ không rõ, một quá trình âm thầm có, công khai có, êm dịu có, khốc liệt có để cuối cùng thì của dân, của tôn giáo cứ đội nón ra đi đến những ông chủ mới.
Thậm chí, những người dân tốt bụng khi cho cán bộ, cơ quan nhà nước đến ăn nhờ ở đậu rồi bị chiếm đoạt luôn thành của mình, bỏ qua lòng tốt người dân đã giúp đỡ, bỏ qua ân nghĩa một nắm khi đói bằng một gói khi no… đã trở thành bài học quý giá cho nhân dân: Cẩn thận khi cho sói gửi chân.
Chuyện chắc chẳng có nơi nào như ở Việt Nam, sau khi nhà nước “mượn” không trả lại thì tự nhà nước ban hành một “luật” rằng thì là “ nhà nước đã quản lý” thì không giải quyết đòi lại(?). Luật này khác chi luật rừng cậy mạnh ép yếu mà nói thẳng ra là cướp.
Mới đây, ngày 11/3/2011 báo Nhân Dân (nhưng là của Đảng cộng sản) kỷ niệm rình rang 60 năm ra số đầu tiên rồi nhận huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2, tốn kém, hình thức và lãng phí.

Thế nhưng, ngay cái nơi tờ báo này ra số đầu tiên, lại là một nỗi đau của người dân làm ơn mắc oán, làm bạn lỗ vốn với tờ báo của đảng này.
Trên con đường chúng tôi vào “khu căn cứ cách mạng ATK” ở Định Hóa, Thái Nguyên qua xã Quy Kỳ một tấm hình Hồ Chí Minh được đặt trong một chiếc lán bằng tranh rách nát tàn tạ là nơi nuôi lơn bị bỏ hoang làm người đi qua đường chú ý.
Chúng tôi dừng lại tìm hiểu mới được biết có khá nhiều chi tiết bất thường đã xảy ra ở đây.
Ngay trước ngôi nhà nhỏ cạnh đường là tấm bảng: “Nơi xuất bản số 1 báo Nhân Dân ngày 11-3-1951”. Bên cạnh tấm bảng là con đường dẫn xuống một thửa ruộng có hai ngôi nhà ngói lợp bằng Fibrocement được vây quanh bằng hàng rào gạch tự đúc để mộc. Bên cạnh đó là một cái lán tranh tàn tạ, một nhà lợn và một nhà vệ sinh thường thấy ở miền núi.
Trong chiếc lán tranh tàn tạ không cách che, bỏ hoang lâu ngày mốc meo bẩn thỉu, có hoang mọc cả vào nền là một chiếc bàn gỗ ọp ẹp, nứt vỡ và cũ kỹ bẩn thỉu. Trên chiếc bàn là tấm xốp dựng nghiêng dựa vào bức tường xây thấp để nuôi lợn và trên tấm xốp là tấm hình Hồ Chí Minh mốc meo.
Tấm hình Hồ Chí Minh ngồi nhìn ra khoảng sân là nền nhà cũ đã bị dỡ đi, chỉ còn đán sân láng ximăng và vài thứ rác rưởi khác.
Thấy chúng tôi quan tâm tấm hình, một người đàn ông đang chuẩn bị xe máy đi đâu đó đến nói chuyện với chúng tôi, anh ta giới thiệu mình là con trai ông Lô Đức Sinh, người đã cho Báo Nhân Dân mượn nhà để sản xuất số báo đầu tiên tại Xã Quy Kỳ nhăm 1951.
Câu chuyện anh kể là câu chuyện buồn như sau:
Năm 1951, khi cơ quan đảng lên ATK, thời gian đầu đã mượn bố ông căn nhà để sản xuất số báo Nhân Dân đầu tiên. Rồi sau đó một thời gian báo chuyển đi nơi khác và mọi thứ không có gì đáng nói, người dân ở đây vẫn sống vất vưởng, khổ sở như vậy thôi.
Những cán bộ của Đảng ngày ấy ăn nhờ ở đậu nhà ông thì đã về Hà Nội, lên cấp lên chức giàu có nơi thủ đô chẳng còn ai nhớ đến nơi này.
Đột nhiên có một ngày, người ta về lấy đất nhà ông để xây nhà kỷ niệm nơi báo Nhân Dân đã ra số đầu tiên vào ngày 11/3/1951. Bố ông không đồng ý, biết nhà ông có đứa em gái đã học xong Sư phạm chưa xin được việc họ hứa rằng cứ để cho họ lấy đất xây nhà kỷ niệm, rồi họ sẽ đổi cho cô em một suất được vào dạy ở trường trong xã hoặc trong huyện.
Thế là bố ông – Ông Lô Đức Sinh – tin tưởng đồng ý cho họ xây nhà kỷ niệm nơi Báo Nhân dân ra số đầu tiên trên đất nhà mình. Họ xây nhanh chóng.
Nhưng cô em gái được nhận vào dạy hợp đồng 1 năm, thì lại bị đuổi ra vì không thu xếp được. Anh nói: “Đây là cả xã, cả huyện hứa chứ đâu phải là cơ quan nhỏ mà không thu xếp được, trong cả huyện này thiếu gì chỗ cho em gái tôi có thể đi dạy đúng nghề của mình, nhưng mình đã bị lừa”.
Không thu xếp được việc như đã hứa cho con gái mình, ông Lô Đức Sinh đòi tiền đất thì họ trả cho… 2 triệu đồng với lý do đây là đất vườn, chứ không phải đất ở nên chỉ được giá thế thôi.
Vậy là đất nhà ông Sinh từ năm 1951 đã là nhà để báo Nhân Dân ra số đầu tiên, nay khi tính tiền đền bù thì được nhà nước chuyển thành đất vườn.
Thế là đành ngậm ngùi chứ biết làm sao, đã nhỡ để sói gửi chân, đã nhỡ làm ơn làm phúc cho tờ báo đảng, nay mất nhà mất đất mà đành chịu không biết kêu ai.
Từ đó ông Lô Đức Sinh thành người u uất bị chứng tai biến mạch máu não. Bây giờ ông ngày ngày ngồi cửa nhìn ra, nhớ về một thời xa xăm nào đó, thời mà tình người, sự cả tin vào lý tưởng như vẫn còn hiển hiện…
Hàng ngày ông ngồi đó nhìn ra, dưới kia tấm hình ông Hồ Chí Minh cũng ngồi đó nhìn lên đường, chứng kiến những thay đổi, trở mặt của những cán bộ cách mạng đối với nhân dân, đối với ông chủ, với những người đã nhường cơm sẻ áo cho mình.
Tại một vùng núi xa xôi như Định Hóa, một vùng ATK là cái nôi của cách mạng cộng sản, nơi đất đai bạt ngàn, con người dễ thương, hiền lành, chất phác dễ tin mà một cơ quan to lớn như tờ báo Đảng được cấp tiền ngân sách nhà nước in xả láng, bán bắt buộc cho các cơ quan đem về bán đồng nát từng tập còn nguyên nếp gấp nhưng vẫn còn giở trò này với một ông lão già người dân tộc, thì hỏi có chỗ nào các cán bộ chúng ta không trở mặt?
Xưa kia Nguyễn Du từng nói “Máu tham, hễ thấy hơi đồng là mê”, giờ cán bộ nhà nước thể hiện để chứng minh điều đó khá rõ.
Với ân nhân của cách mạng còn như vậy, thì đừng mong rằng các gia đình tư sản, các tổ chức tôn giáo, nhà thờ… lại nhận được sự chân thành của các cán bộ, “nhà nước, đảng ta”.
Một số hình ảnh:
JPEG - 79.9 kb
JPEG - 104.4 kb
JPEG - 56.6 kb
JPEG - 65.8 kb
JPEG - 39.1 kb
JPEG - 67 kb
Nguồn: NuVuongCongLy.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét