2011/04/19

Facebook và Bất Tuân Dân Sự tại Việt Nam

Kết quả của cuộc thăm dò kiểm duyệt Facebook

Việt Tân
2011/03/04

Ban biên tập No Firewall xin chân thành cám ơn tất cả các bạn đọc đã tham gia vào cuộc thăm dò này.

Dù có bị ngăn chặn và hoạt động một cách bất thường từ hồi tháng 11 năm 2009, Facebook vẫn càng ngày càng trở thành mạng xã hội phổ cập và có nhiều ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Như chúng ta đã thấy tại Trung Đông và Bắc Phi, các mạng xã hội đã mở ra môt khoảng không gian cho sự phát triển của xã hội dân sự, qua đó các cá nhân và nhóm có thể tự do chia sẻ tư tưởng, suy nghĩ và các ý tưởng đối kháng. Qua việc đem lại những công cụ để thông tin hữu ích và động viên sự tham dự, Facebook cùng các mạng thông tin xã hội khác đang góp phần tạo sự thay đổi tại Việt Nam.
JPEG - 48.6 kb
Trong một cuộc thăm dò gần đây do Việt Tân thực hiện, chín phần mười số người sử dụng được hỏi cho biết đã gặp khó khăn hay bị ngăn chặn trong việc truy cập vào Facebook. Tuyệt đại đa số những người này cho biết họ sẽ có phản ứng đối với nhà mạng (Internet Service Provider - ISP) bằng cách gửi đơn khiếu nại hoặc áp dụng và chỉ dẫn cho bạn bè các phương pháp chống kiểm duyệt hay vượt qua sự ngăn chặn.
Sự phát triển của Facebook tại Việt Nam, dù gặp phải những hạn chế từ phía chính quyền, đã thể hiện một hình thức bất tuân dân sự trong giới sử dụng Internet. Những cố gắng của chính quyền Hà Nội nhằm hạn chế Facebook cần phải được đối phó lại bằng sự kiên trì đấu tranh cũng như việc quảng bá các phương cách vượt kiểm duyệt của chúng ta để đòi cho được quyền tự do thông tin và kết nối.

Chính quyền Việt Nam coi Facebook như là kẻ thù

Từ đầu năm 2008, Facebook đã bắt đầu giới thiệu các tiện ích dịch thuật (Translations Application) cho phép dịch và địa phương hóa nội dung, do chính người sử dụng phản hồi hay đóng góp. Người sử dụng Facebook trên toàn thế giới đã tham gia vào việc chuyển dịch 24 ngàn cụm từ ngữ của Facebook ra mọi ngôn ngữ chính của thế giới, trong đó có tiếng Việt. Cho tới cuối năm 2008, Facebook đã đặt được chân tại Việt Nam với non 100 ngàn người sử dụng.


JPEG - 73 kb
Con số người dùng tại Việt Nam đã gia tăng với cấp số lũy thừa trong năm kế tiếp và Facebook đã nhanh chóng trở thành trang mạng lớn với mức tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á, và cũng vì lẽ đó đã làm chính quyền để ý. Vào cuối mùa hè năm 2009, trên mạng Internet đã lan truyền một tài liệu được xem là công văn của Bộ Công an Việt Nam ra lệnh ngăn chặn Facebook cùng một số trang mạng khác được quản trị ở ngoài Việt Nam. Tài liệu bị tiết lộ ra ngoài, ghi ngày 27 tháng 8 năm 2009, và nơi nhận là 10 nhà mạng nội địa.
JPEG - 36.8 kb
Trong lúc chính quyền Hà Nội chưa bao giờ công nhận chính thức là đã ban hành tài liệu này, từ tháng 11 năm 2009, người dùng Internet ở Việt Nam bắt đầu cho biết là có sự ngăn chặn Facebook trên một bình diện rộng. Một số nhà mạng đã công nhận một cách không chính thức là họ đã bị chính quyền ép buộc phải ngăn chặn Facebook, với mục đích là đối phó với phong trào người Việt bắt đầu tận dụng lợi thế của mạng xã hội này cho những đòi hỏi chính trị của mình.

Tại Việt Nam, Facebook đã không bị chặn ở tầng địa chỉ IP (Internet Protocol) như tại Trung Quốc hay Syria, mà bị chặn ở tầng tên miền DNS (Domain Name System). Chính quyền đã ra lệnh cho các công ty nhà mạng là định tuyến lại các máy chủ của họ, nhằm tránh các trang mạng mà họ muốn ngăn chặn. Cách kiểm duyệt này thực ra tương đối dễ vượt qua, vì cư dân mạng chỉ cần chuyển sang một nhà cung cấp tên miền DNS khác được quyền cung cấp dịch vụ tự do, là họ có thể truy cập được trang mạng họ muốn.

Kiểm duyệt bằng cách ngăn chặn DNS như vậy tuy không được hiệu quả lắm và không thể ngăn chặn hoàn toàn các trang như Facebook, nhưng lại là một cách khá hữu hiệu để phá vỡ khả năng kết nối xã hội của Facebook.

Có thể các giới chức Việt Nam muốn giết Facebook từ từ hơn là ngăn chặn và tiêu diệt ngay cùng một lúc với rủi ro là sẽ gây phẫn nộ cho hàng triệu người sử dụng, và với cách này họ mong rằng Facebook từ từ bị bỏ lơi, vì người sử dụng sẽ chán nản với hoạt động bất thường của mạng.

Cho dù số lượng người truy cập hàng ngày suy giảm đáng kể tại Việt Nam vào thời điểm tháng 11 năm 2009 (lúc việc ngăn chặn bắt đầu được tiến hành) và tiếp tục suy giảm tiếp vào tháng 12 năm 2010 (trong dịp có các cuộc đàn áp bắt bớ trước đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11), con số người sử dụng Facebook ở Việt Nam vẫn gia tăng và lên tới khoảng 2,6 triệu cho tới nay. Việc làm của chính quyền Việt Nam có vẻ như đã bị tác dụng ngược. Go.vn, một trang mạng xã hội được khai trương vào tháng 5 năm 2010 và do công ty Cổ phần Viễn thông Việt Nam (VTC) do chính quyền đứng đằng sau thành lập, có mục đích là để tiêu diệt và làm giảm ảnh hưởng của Facebook. Bị nhiều người xem là “Facebook Cộng Sản”, trang này đòi người dùng phải có số ID do mạng hay chính quyền tạo cho, cùng với tên họ đầy đủ thì mới thiết lập tài khoản được. Do đó Go.vn đã thất bại trong mục tiêu trở thành mạng xã hội cho người Việt.

Một mạng khác cạnh tranh với Facebook là zing.vn (Zing Me), do công ty VNG Corporation quản lý. Zing Me hứa hẹn nhiều công cụ và khả năng giải trí tương tự như Facebook, thậm chí có cả các gam tương tự như các game vốn được ưa chuộng trên Facebook là Farmville với ZingFarm. Nhưng hình như Zing Me chỉ thu hút được những người ưa chơi game và các vị thành niên.

Cả hai mạng Go.vn và zing.me đều cố gắng bắt chước phần giao diện với người dùng tương tự như Facebook cùng các chức năng trò chơi với hy vọng lôi kéo giới ghiền game Việt Nam. Cùng lúc với việc hạn chế Facebook, các trang do chính quyền Việt Nam giật dây quản lý đang cố gắng tranh giành khách hàng qua việc lợi dụng sự chán nản của họ khi bị ngăn chặn việc truy cập vào Facebook.

Nhưng vì sao Facebook lại vẫn được ưa chuộng tại Việt Nam? Câu trả lời nằm ở sự kỳ diệu của tự do Internet – và khả năng sáng tạo hay trao đổi tư tưởng của các công dân mạng.
JPEG - 26.6 kb
JPEG - 30.5 kb
Cuộc thăm dò về Facebook
Qua trang mạng chuyên cung cấp thông tin về vượt kiểm duyệt nofirewall.blogspot.com, Việt Tân đã thực hiện một cuộc thăm dò với sự tham dự của 380 đọc giả từ Việt Nam về tình trạng truy cập Facebook của họ. Chúng tôi đã hỏi bốn câu hỏi và ghi nhận được các phản ứng như sau:

1. Bạn đang dùng nhà mạng nào?

Người hỏi có các lựa chọn một trong tám công ty trong nước hoặc “Khác” nếu tên công ty của họ không có trong danh sách lựa chọn. Gần như toàn bộ người được hỏi – 96% cho biết họ sử dụng một trong ba công ty có tên sau đây: VDC, FPT hay Viettel. Điều này cũng phản ánh mức tương đồng với phần thị trường của các công ty này tại Việt Nam. Năm nhà mạng còn lại là các công ty nhỏ và chỉ hoạt động trong tầm mức địa phương.

2. Nhà mạng bạn đang dùng có ngăn chặn Facebook hay không?
JPEG - 10 kb
Chín phần mười số người được hỏi trả lời họ đã gặp phải tình trạng ngăn chặn Facebook. Trong số ba ISP lớn, FPT là nơi thực hiện việc ngăn chặn nhiều nhất (99%) kế đó là VDC (93%) và cuối cùng là Viettel (82%).

3. Nếu nhà mạng của bạn ngăn chặn Facebook thì bạn:
◦ Đã biết cách "vượt tường lửa" để vào Facebook
◦ Cần thêm chi tiết / sẽ tìm cách "vượt tường lửa" để vào Facebook
◦ Phức tạp quá, không dùng Facebook nữa

Theo kết quả thăm dò, 86% cho biết họ đã biết cách sử dụng công cụ vượt tuờng lửa hay mong muốn tìm hiểu để biết cách vượt tường lửa. Chỉ có 14% bày tỏ sự chán nản vì bị chặn và dự định thôi không dùng Facebook nữa.

4. Phản ứng của bạn nếu bị ngăn chặn Facebook:
◦ Đã/sẽ viết thư khiếu nại với nhà mạng
◦ Bó tay!!! Họ chặn thì ... đành chịu!
◦ Hướng dẫn bạn bè cách vượt tường lửa

Ý định của những người tham gia thăm dò cũng là điều đáng quan tâm. Khoảng 30% bày tỏ ý là không thể làm gì được. Nhưng 10% cho biết sẵn sàng viết thư khiếu nại hay phàn nàn việc ngăn chặn tới nhà mạng ISP. Và 60% còn lại tập trung vào giải pháp tìm cách cho chính mình và giúp bạn bè vượt xuyên qua hệ thống ngăn chặn. Tóm lại, bảy phần mười số người được hỏi không chịu chấp nhận một cách thụ động việc ngăn chặn Facebook.

Cuộc thăm dò được thực hiện trong khoảng thời gian bảy tuần từ ngày 12 tháng Giêng tới ngày 2 tháng 3 năm 2011. Khoảng thời gian này trùng hợp với thời điểm đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 11 và cũng là lúc các cuộc biểu tình đòi dân chủ lớn đang xảy ra tại Bắc Phi – đây là hai sự kiện lớn và là lý do khiến chính quyền Việt Nam ngày càng xiết chặt Facebook hơn nói riêng và Internet nói chung.

Cuộc thăm dò phản ảnh những cá nhân biết tới trang mạng nofirewall.blogspot.com và tự nguyện tham dự vào cuộc thăm dò này. Tuy trong thực tế khả năng sử dụng Internet trung bình của những người tham gia trả lời cuộc thăm dò có thể cao hơn mức trung bình của những người sử dụng Internet thông thường tại Việt Nam, nhưng chúng tôi tin rằng khả năng này phản ảnh tương đối sát với khả năng của người sử dụng Facebook nói chung tại Việt Nam.

Vượt kiểm duyệt là cánh cửa mở cho hành động bất tuân dân sự và do đó, tự do chính trị
JPEG - 9.3 kb
Qua việc quảng bá các mối quan hệ và kết nối, các mạng truyền thông xã hội đang thu hút đông đảo người tại Việt Nam: nơi tụ họp công cộng mới là những nhóm Facebook, những cuộc tụ họp thảo luận của cư dân mạng nay diễn ra trên các trang thảo luận của Facebook. Qua việc khống chế Facebook, chính quyền Việt Nam đang khiến cho một số đông người dân tức giận.

Blogger Ethan Zuckerman từ Trung tâm Internet và Xã hội Berkman thuộc trường Đại học Harvard (Berkman Center for Internet and Society) đã đưa ra ý tưởng so sánh một con mèo xinh xắn với các công cụ điện tử trong thời đại thông tin mạng và tác dụng đối với người dân cũng như đối với các nhà đối kháng.

Đó là lý thuyết mang tên Chú Mèo Xinh của Hoạt Động trên Mạng (Cute Cat Theory of Digital Activism). Nếu lý thuyết này đúng thì người ta sẽ chỉ bắt đầu để ý khi giới cầm quyền bắt đầu tước đi của họ khả năng chia sẻ các bức ảnh hay đoạn phim hay về những chú mèo xinh xắn của mình. Đó chính là những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Sinh viên và thanh niên, những người thường tránh xa các vấn đề đối lập chính trị nay bắt đầu tổ chức với nhau trên Facebook để phản đối hành động ngăn chặn.
Họ đã tổ chức được các nhóm như “Cần 1 triệu chữ ký phản đối nhà mạng Việt Nam chặn Facebook” hay “Các Chú Chặn Facebook, Thì Chúng Cháu Sẽ Trèo Tường Khoét Vách Để Vào”. Các nhóm này đã thu hút được hàng chục ngàn người ủng hộ. Tại các nước không có chế độ toàn trị, hoạt động trên mạng thường không phải đòi hỏi nhiều hy sinh. Tại Việt Nam, mức độ hoạt động phản kháng trên mạng như thế này chưa từng có trước đây.

Qua việc chặn Facebook, chính quyền Việt Nam đã phải chấp nhận và đối phó với hậu quả : người Việt nay đang tụ tập trên các quảng trường mạng ảo để phản đối sự kiểm duyệt của nhà nước.
JPEG - 50.1 kb
Các bước tiếp theo và đề nghị

Các kết quả cuộc thăm dò do Việt Tân thực hiện cùng các dữ liệu liên quan đến việc sử dụng Facebook cho thấy người dùng Internet tại Việt Nam đã biết cách vượt xuyên các bức màn ngăn kiểm duyệt. Một số đông sẵn sàng có hành động nhằm phản đối chính sách kiểm duyệt Internet, sự việc này đã vượt ra ngoài phạm vi mạng Facebook, và bao gồm cả các mạng xã hội thông dụng khác cũng đang trong trong tình trạng bị chính quyền hạn chế (như Multiply). Để hỗ trợ phương tiện cho giới công dân mạng Việt Nam nhằm luôn luôn đi trước mọi hình thức kiểm duyệt, việc vận động quyền tự do mạng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là ba cách có thể hỗ trợ cho tiến trình này.

1/ Xây dựng một công cụ giám sát sự kiểm duyệt mạng có khả năng cập nhật ngay tức khắc
Một trong các cách tốt nhất để nhận diện được mức độ quy mô của việc kiểm duyệt mạng, là cung cấp cho giới sử dụng các công cụ được địa phương hóa, có khả năng ghi nhận môt cách chi tiết việc ngăn chặn. Công cụ tương tự như Herdict Web, với tác dụng là giúp người sử dụng mạng trên toàn thế giới thông báo tình trạng ngăn chặn hay kiểm duyệt, cần được chuyển qua tiếng Việt cũng như cần được quảng bá rộng rãi đến giới cư dân mạng trong nước.

2/ Quảng bá các phương thức vượt và chống kiểm duyệt và an ninh điện tử
Việt Tân chú trọng đến việc quảng bá các công cụ vượt kiểm duyệt cũng như thông tin về an ninh điện tử vì chúng tôi tin rằng khả năng truy cập mạng Internet của người dân sẽ có tác dụng thúc đẩy và góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên còn rất nhiều điều phải làm trong đó có việc chuyển ngữ qua tiếng Việt các công cụ vượt kiểm duyệt để phù hợp với người sử dụng tại Việt Nam, thực hiện các khóa đào tạo cho giới đối kháng và Bloggers, cũng như quảng bá các kỹ thuật cần có cho cư dân mạng. Một việc nữa cũng rất quan trọng nhằm làm cho mạng Internet không trở thành một vũ khí áp chế của chính quyền, là làm sao mọi người nắm được các kiến thức tối thiểu về an ninh mạng, do đó cũng cần quảng bá rộng rãi các kiến thức này.

3/ Hỗ trợ quyền tự do Internet
Người sử dụng mạng tại Việt Nam đang đấu tranh cho một môi trường Internet tự do. Cuộc đấu tranh này nhắm đến quyền tự do được hội họp, quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do được kết nối. Hãy lên tiếng tố cáo các hạn chế pháp lý hay kiểm duyệt mạng của chính quyền Hà Nội. Hãy gióng lên sự phản đối với các công ty tây phương đã cung cấp các công nghệ kiểm duyệt và sàng lọc thông tin cho chính quyền Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét