2011/04/12

Ác mộng của những bạo chúa

Ngô Văn

Theo định nghĩa y học trong tự điển Wikipedia thì ác mộng là những giấc mơ khiến người ta tỉnh giấc vào giữa giấc ngủ, sau đó gây nên cảm giác tiêu cực, sợ hãi. Theo những nghiên cứu khoa học thì điều này ít xẩy ra đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Khi lớn thêm một chút khi ngủ trẻ con hay gặp ác mộng; tuổi thiếu niên là lứa tuổi hay gặp ác mộng nhất trong giấc ngủ; nhưng khi lớn tuổi hơn, đặc biệt là người già, thì rất ít khi gặp ác mộng (*). Ông Kim chính Nhật, lãnh tụ Bắc Hàn, là người chẳng trẻ trung gì nữa nhưng xem ra vẫn thường thấy ác mộng (theo nghĩa đen). Thỉnh thoảng ông vẫn hay nằm mơ thấy bị người ta lôi ra ném đá.
Chuyện này được ông Chung Mong Joon (có âm Hán là Trịnh Mộng Chuẩn) tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình MBC Hàn quốc vào ngày 27 tháng 3 vừa qua.
Có thể nói người dân Hàn quốc ai cũng biết tên tuổi ông Joon. Ông là con trai thứ ba của ông Chung Ju Yung (Trịnh Chu Vĩnh), người sáng lập ra tập đoàn Hyunda Hàn Quốc. Vào năm 2002, ông Joon là Phó Chủ tịch FIFA, đồng Trưởng ban tổ chức giải World Cup Korean - Japan năm đó. Ông còn là một chính trị gia, từng nắm chức Chủ tịch đảng Hannara lúc đảng này cầm quyền.
Trong cuộc phỏng vấn nêu trên, ông Joon cho biết biết, vào năm 1998, khi cha ông là ông Trịnh Chu Vĩnh cầm đầu một phái đoàn ra thăm Bắc Hàn lần thứ hai để tìm cách giúp đỡ cho miền Bắc phát triển kinh tế. Phái đoàn được ông Kim Chính Nhật tổ chức đón tiếp rất long trọng. Mỗi lần có dịp đi ra ngoài với ông Kim Chính Nhật, ông Trịnh Chu Vĩnh đều thấy hàng vạn người dân Bắc Hàn đứng hai bên đường cầm cờ chào đón nhiệt liệt. tiếng hoan hô ông Kim Chính Nhật tưởng chừng không dứt. Nhìn cảnh tượng ấy ông Vĩnh nói với Kim Chính Nhật rằng, ông chưa từng thấy lãnh đạo của bất kỳ quốc gia nào được dân sùng bái như vậy. Ông Kim Chính Nhật quay sang cười nói rằng: “Ông Vĩnh ơi, thấy vậy mà không phải vậy đâu, tôi biết rõ mà,... chỉ ngoài mặt thôi, chứ họ đâu thích gì tôi. Ông biết không, thỉnh thoảng tôi nằm mơ thấy bị ba người ném đá vào đầu. Người thứ nhất là thằng Mỹ, người thứ hai là dân miền Nam của ông, và người thứ ba là dân Bắc Triều Tiên.”
Câu chuyện ông Joon thuật lại trên đài TV MBC đã được bàn tán sôi nổi ở Hàn quốc trong suốt cả hai tuần qua. Người tin cũng lắm và kẻ không tin cũng nhiều. Phía không tin thì lập luận rằng, ông Kim Chính Nhật không ngu ngốc đến nỗi nói ra cái điểm yếu nhất của mình cho người khác biết. Nhất là lại nói với một người mới gặp mặt một hai lần. Phía những người tin thì cho rằng ông Chung Mong Joon là người rất uy tín, cũng chẳng phải là người được xem là chống cộng cực đoan, cũng không phải là cái loa tuyên truyền cho chính quyền Nam Hàn của ông Lý Minh Bác, nên chẳng việc gì ông phải bịa ra chuyện ác mộng của ông Kim Chính Nhật. Nếu ông Kim Chính Nhật đã chết rồi thì chẳng biết hư thực ra sao, đằng này ông ta còn sống sờ sờ ra đó thì chắc chắn ông ta sẽ phủ nhận mọi chuyện; vậy mà ông Joon vẫn nói, đủ thấy đó là sự thật, cho dù ông Joon biết chắc là sẽ bị Bắc Triều Tiên lên án, bêu xấu ông Joon là kẻ bịa chuyện láo khoét.
Đúng như dự đoán, qua ngày hôm sau (28/03/2011), Bình Nhưỡng chẳng những lên tiếng bác bỏ câu chuyện của ông Joon, mà còn sử dụng những ngôn từ hết sức thậm tệ để lên án ông này. Nhưng sự bác bỏ đó chỉ được phổ biến trong chương trình phát thanh qua một bản tin hướng ra hải ngoại mà thôi. Chủ yếu nhắm vào người Bắc Triều Tiên ở Nhật, còn người dân ở Bắc Hàn thì hoàn toàn không biết gì về bản tin này.
Hội Người Triều Tiên tại Nhật, trực thuộc chính quyền Bình Nhưỡng, ngay sau đó lập tức gay gắt lên án ông Joon bằng một hai bài viết trên website của họ, song song với việc loan tin thật đậm nét về chuyện ông Kim Chính Nhật ủy lạo 50 vạn mỹ kim cho các nạn nhân Triều Tiên gặp nạn trong trận động đất và sóng thần ở Nhật vừa rồi, để khẳng định rằng một người yêu nước, thương dân như tướng quân Kim Chính Nhật thì chẳng bao giờ có chuyện bị dân ném đá. Thế nhưng trên nhiều trang mạng, Face Book, Twitter của người Triều Tiên tại Nhật, người ta đọc được những lời như sau: “chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là giấc mơ bị ném đá đó sẽ trở thành hiện thực”. Có người viết rằng, họ không nghĩ ông Kim Chính Nhật chỉ thỉnh thoảng mới nằm mơ bị dân ném đá, mà đúng hơn thì hàng đêm ông ta đều nằm mơ như thế, và “chỉ bị ném đá thôi sao? Bị ném đá thì nhẹ quá đối với một bạo chúa như ông Kim Chính Nhật”.
Lãnh tụ Bắc Bắc Triều Tiên hay nằm mơ thấy ác mộng chắc chẳng phải là người duy nhất. Ở Việt Nam thì gần đây Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có lẽ là cơn ác mộng cho cả bộ sậu lãnh đạo đảng Công Sản Việt Nam (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Thực vậy, sự can đảm và thẳng thắng của ông Cù Huy Hà Vũ trong việc nêu lên các vấn đề “cấm kỵ” trong lòng chế độ độc tài; đặc biệt là với khả năng lý luận sắc bén, thông hiểu luật pháp và những chứng cớ tham nhũng, phản dân hại nước của những người lãnh đạo đảng CSVN, ông Cù Huy Hà Vũ đã vô hình chung khiến Bộ chính trị đảng CSVN mất ăn mất ngủ, không biết sẽ bị khui ra và phê phán lúc nào. Sợ đêm dài lắm... ác mộng, họ bịa ra chuyện “hai bao cao su đã qua xử dụng” để bắt ông và đưa ra xử trong phiên toà “chạy tang” hôm 4 tháng Tư vừa rồi với bản án thật nặng, những mong sẽ được ăn ngon ngủ yên. Thế nhưng, sự can trường của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trước toà án, sự ủng hộ quá mức đông đảo của dân chúng gần nơi xử án cũng như trên các diễn đàn, đặc biệt là của dư luận quốc tế, chắc chắn sẽ khiến giới lãnh đạo đảng khó lòng ăn ngon ngủ yên, và đó chính là những cơn ác mộng không dứt cho những người lãnh đạo ở Hà Nội hiện nay cũng như sau này.
(*) http://en.wikipedia.org/wiki/Nightmare

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét