Nguyễn Trung
I. Từ Quyền lực và Tiền bạc – Mẫu số chung của những chế độ độc tài
Không có gì là quá đáng nếu nói rằng thế kỷ XX là thế kỷ của những cuộc “Cách mạng”. Những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng văn hóa nghệ thuật, và những cuộc cách mạng giành độc lập của các nước thuộc địa phần lớn đều ở thế kỷ XX. Thế kỷ “Cách mạng” này đã làm thay đổi toàn bộ thế giới và nhân loại. Những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã đem đến những sản phẩm khoa học kỹ thuật hữu ích để phục vụ đời sống con người tốt hơn. Những cuộc cách mạng văn hóa nghệ thuật đã phá bỏ những hủ tục, phong cách bảo thủ để đem đến cho nhân loại những món ăn tinh thần, những cái đẹp mà những trường phái bảo thủ không có được. Còn những cuộc cách mạng giành độc lập của các nước thuộc địa đã hạ huyệt chủ nghĩa thực dân và đem Tự Do và Dân Chủ đến cho người dân ở những quốc gia thuộc địa.
Những tưởng nhân loại sẽ không còn thấy những cuộc cách mạng hay những phong trào cách mạng vĩ đại để đòi Tự Do và Dân Chủ trong thế kỷ XXI này. Bởi lẽ, một khi chủ nghĩa thực dân chuyên đi áp bức và bóc lột đã bị “hạ huyệt” thì những cuộc “cách mạng” đòi Tự Do và Dân Chủ cũng không còn đất để dụng võ. Nhưng quả là rất sai lầm với suy nghĩ trên đây.
Ngày nay, tuy chủ nghĩa thực dân đã mồ yên mả đẹp nhưng không có nghĩa là “áp bức và bóc lột” cũng được chôn theo chủ nhân của nó. Ngay sau khi những chế độ bù nhìn do chủ nghĩa thực dân dựng lên để cai trị người bản địa sụp đổ thì tên đầy tớ đồ tể “áp bức và bóc lột” đã quay 180 độ và nhanh chân chạy theo người chủ nhân mới để tiếp tục hoành hành. Không quá khó khăn để nhận ra vị chủ nhân mới của tên đầy tớ đồ tể “áp bức và bóc lột” này. Vâng. Đó là các chế độ độc tài. Dù là chế độ độc tài ở châu Âu, ở châu Phi, ở châu Á, hay ở châu Mỹ – những chế độ độc tài đều rất dễ nhận ra bởi chúng đều có một mẫu số chung . Vâng. Mẫu số chung của những chế độ độc tài là Quyền lực và Tiền bạc.Quyền lực. Có thể nói rằng lãnh đạo của những chế độ độc tài là những ông vua của thời hiện đại. Vì cái ghế quyền lực, những lãnh đạo ở các chế độ độc tài luôn tìm mọi cách để ngồi, để trụ vững trên cái ghế quyền lực của mình. Chúng sẵn sàng nâng đỡ bọn vô lại nhưng có máu gian manh hay lập bè lập nhóm để cùng nhau bảo vệ cái ghế quyền lực của mình. Vì ghế cái quyền lực, những lãnh đạo ở các chế độ độc tài không ngần ngại nói “không” với hiền tài. Bởi một khi người hiền tài được trọng dụng thì rất khó duy trì cái ghế quyền lực trong các chế độ độc tài. Vì cái ghế quyền lực, lãnh đạo ở các chế độ độc tài sẵn sàng hại người trung lương vì người trung lương luôn đối đầu với bọn người tham lam quyền lực. Vì cái ghế quyền lực, lãnh đạo ở các chế độ độc tài không ngại liên kết với ngoại bang – hay tệ hợn là chịu thuần phục, lệ thuộc ngoại bang – để duy trì chế độ độc tài của mình. Tóm lại, các chế độ độc tài luôn tìm trăm phương ngàn kế để duy trì cái thế độc tôn lãnh đạo của mình.
Ngoài quyền lực, tiền bạc là điều không thể thiếu ở các chế độ độc tài. Có quyền ắt sẽ có tiền vì các chế độ độc tài không có chỗ cho sự giám sát của người dân. Tiền từ tham nhũng. Tiền từ bảo kê làm ăn phi pháp. Tiền từ nguồn lợi bán tài nguyên thiên nhiên của quốc gia. Tiền từ mua rẻ bán đắt sản phẩm của người dân. Tiền từ đầu tư xây dựng đất nước do quyền lực mà có.
Ngay sau khi ông Tổng thống Mubarak của Ai Cập từ chức thì Chính phủ Thụy Sĩ đã ra lệnh phong tỏa tài sản của ông Mubarak (1). Cũng theo bài báo đăng trên mạng Yahoo này thì gia tài của ông Mubarak khoảng chừng từ 40 tỉ đô la đến 70 tỉ đô la. Nếu tài sản của ông Mubarak là 40 tỉ đô la thì trong vòng 30 năm cầm quyền, ông Mubarak kiếm được 1 tỉ 300 triệu đô la một năm. Còn nếu tài sản của ông Mubarak là 70 tỉ đô la thì trong vòng 30 năm cầm quyền, ông Mubarak kiếm được 2 tỉ 300 triệu đô la một năm. Dù là 40 tỉ hay 70 tỉ, thì một năm mà kiếm được hơn 1 tỉ hay 2 tỉ đô la đều là những số tiền khổng lồ. Và tất nhiên là số tiền khổng lồ này của ông Mubarak không phải có được từ kinh doanh chân chính mà số tiền khổng lồ này có được nhờ vào cái ghế quyền lực của mình.
Ngoài ông Tổng thống Mubarak của Ai Cập, có thể điểm tên một số lãnh đạo của các chế độ độc tài khác.
- Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân
- Bagbo của Bờ Biển Ngà (Cote d’Ivoire)
- Zein al-Abidine Ben Ali của Tunisia
- Saddam Hussein của Iraq
- Haji Muhammad Suharto của Indonesia
- Jean-Claude ‘Baby Doc’ Duvalier của Haiti
- Muammar al-Gaddafi của Libya
- Mobutu Sese Seko của Congo (hay còn gọi là Zaire)
- Augusto Pinochet của Chile
- Bagbo của Bờ Biển Ngà (Cote d’Ivoire)
- Zein al-Abidine Ben Ali của Tunisia
- Saddam Hussein của Iraq
- Haji Muhammad Suharto của Indonesia
- Jean-Claude ‘Baby Doc’ Duvalier của Haiti
- Muammar al-Gaddafi của Libya
- Mobutu Sese Seko của Congo (hay còn gọi là Zaire)
- Augusto Pinochet của Chile
Như đã trình bày ở trên, vì quyền lực và lòng tham vô đáy để vơ vét cho đầy túi của mình, lãnh đạo các chế độ độc tài phải bắt buộc “áp bức và bóc lột” người dân của mình. Nhà tù, không cho phép tự do báo chí, không cho phép người dân phản đối, xây dựng bộ máy chính quyền để phục vụ giới lãnh đạo cùng những nhóm lợi ích thay vì phục vụ người dân. Đó là hình thức “áp bức” mà các chế độ độc tài vẫn thích dùng. Bóc lột thì tham nhũng, nhũng nhiễu người dân với những luật lệ, giấy tờ hà khắc. Mở những dự án tốn nhiều tiền nhưng lại không có hiểu quả kinh tế. Đầu tư những công trình lớn, hoành tráng nhưng lợi ích chỉ phục vụ giới có tiền thay vì phục vụ người dân nghèo trong xã hội. Nạn mua quan bán chức cũng là điều thường thấy trong các chế độ độc tài.
Như giọt nước tràn ly, tất cả những áp bức và bóc lột của lãnh đạo các chế độ độc tài sẽ khiến người dân nổi dậy phản đối. Chỉ hơn một tháng sau ngày người dân Tunisia xuống đường mà Tổng thống Ben Ali của Tunisia phải trốn chạy sang Arab Saudi. Chỉ chưa đầy một tháng mà ông Tổng thống Mubarak của Ai Cập phải từ nhiệm. Có thể nói rằng, hai cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập ở đầu thế kỷ XXI này vĩ đại hơn những cuộc cách mạng đòi Tự Do và Dân Chủ trước đây. Vĩ đại vì cả hai cuộc cách mạng này chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Vĩ đại vì không có nhiều máu đổ thịt rơi như vẫn thường thấy trong các cuộc cách mạng trước đây. Vĩ đại vì quân đội của hai nước này biết được Sứ mạng của mình cũng như biết được Chân lý của thời đại. Ngoài ra, chúng tôi nghĩ rằng cũng nên khen hai ông lãnh đạo của Tunisia và Ai Cập. Dù gì thì trong họ vẫn còn chút “liêm sỉ” để từ bỏ quyền hành thay vì mù quáng để từ đó có thể gây ra những hậu quả khôn lường đầy nước mắt!
II. đến Nhà nước Pháp quyền bền vững
Cách đây hơn 2 thế kỷ – còn nếu nói chính xác là 234 năm. Có một cuộc cách mạng giành độc lập từ chủ nghĩa thực dân. Nhưng có lẽ cuộc cách mạng này ít được sách báo trong nước chúng ta nhắc đến, hay ca tụng vì cuộc cách mạng này không đi theo con đường của Marx và Engel (Mà không đi theo Marx và Engel cũng đúng thôi. Vì lúc đó Marx và Engel còn chưa chào đời thì đi theo thế nào được). Đó là cuộc cách mạng giành độc lập của người Mỹ, một cuộc cách mạng hết sức vĩ đại vì là sự khởi đầu nền móng vững chãi của chế độ dân chủ pháp quyền trên toàn thế giới.
Ngay sau khi nước Mỹ giành được độc lập từ Anh quốc, ông Washington đã trở thành Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông Washington tại nhiệm hai nhiệm kỳ và về hưu chứ không làm Tổng thống cho đến chết. Nước Mỹ giành độc lập cách đây 234 năm. 234 năm trước, ở vào cái thời làm vua, hay làm lãnh chúa là một điều bình thường cho những ai nắm được cái cơ hội ngàn vàng này. Ấy vậy mà ông Washington chỉ làm Tổng thống đúng 2 nhiệm kỳ mà thôi.
Không những vậy, trong thời gian làm Tổng thống vào thời kỳ phôi thai của nhà nước Dân chủ theo thể chế Tam quyền phân lập của nước Mỹ, ông Washington còn cổ động những người không cùng đảng phái với ông nên thành lập đảng phái đối lập. Do đó, thay vì đảng trị theo kiểu độc tài, Nhà nước Dân chủ của Mỹ đã hình thành và đứng vững trong 234 năm qua. Người dân Mỹ chưa bao giờ chứng kiến cảnh đảo chánh bao giờ. Người đắc cử Tổng thống thì có quyền hành tối thượng. Nhưng khi rời Nhà trắng thì làm dân thường. Tuyệt nhiên không có chuyện cố vấn cố véo hay quyền lực ngầm sau khi rời Nhà trắng gì cả. Các sử gia của Mỹ không cần phải tô hồng chuốt lục cho ông Washington. Ông lấy một người đàn bà góa làm vợ. Cũng chẳng sao. Ông không có con nối dõi. Cũng chẳng sao. Trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống, ông Washington đã có những chính sách sai lầm. Cũng chẳng sao. Bởi đó mới là ông Washington – người Cha già của nước Mỹ. Đến nay, người dân Mỹ vẫn dành cho ông Washington một chỗ đứng trang trọng trong trái tim của mình.
Sở dĩ chúng tôi hơi dài dòng vì trên thế giới này không thiếu gì người trở thành lãnh tụ của quốc gia sau khi làm cách mạng – nhất là ở vào thế kỷ XX. Những lãnh tụ cách mạng ở thế kỷ XX thường trở thành lãnh tụ và cũng thường làm lãnh đạo cho đến chết chứ không từ bỏ quyền lực của mình. Lênin cũng chết già chứ không bỏ quyền lực. Mao Trạch Đông cũng thế và không những vậy – đến lúc chết, Mao Trạch Đông vẫn sẵn lòng hại chết những ai mà ông ta nghĩ rằng sẽ làm hại cho cái ghế quyền lực của mình. Ở xứ Bắc Hàn thì có dòng họ Kim thay nhau làm lãnh đạo. Kim cha truyền cho Kim con và giờ đây Kim con đang chuyển giao quyền lực cho Kim cháu. Còn hai anh em của đồng chí Fidel Castro ở Cuba thì đến khi răng rụng mắt mờ mới dám mở miệng thừa nhận rằng “Mô hình nhà nước XHCN của Cuba đã thất bại”! Nhưng cả hai anh em nhà Cuba vẫn khư khư ôm cái ghế lãnh đạo chứ vẫn không chịu buông xuôi để cứu đất nước Cuba ra khỏi lầm than.
III. Thay cho lời kết
Theo dấu ấn của thời gian, và những gì lịch sử ghi lại, có thể khẳng định rằng chỉ có Nhà nước Pháp quyền do dân vì dân thì mới bền vững. Và cũng chỉ có Nhà nước Pháp quyền bền vững mới trường tồn.
NT
(1) http://news.yahoo.com/s/ac/20110211/pl_ac/7837312_swiss_banks_again_freeze_assets_target_hosni_mubarak
Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/17083
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét