2011/02/18

Hiện tượng sụp đổ dây chuyền tại các nước độc tài

Lý Thái Hùng

Dường như cơn lốc dân chủ đã xảy ra theo chu kỳ 10 năm một lần?
Năm 1989, cuộc cách mạng dân chủ tại các quốc gia độc tài Cộng sản tại Đông Âu bùng nổ. Khởi đầu là sự thắng thế của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan trong cuộc Tổng Tuyển Cử tự do đầu tiên vào tháng 6 năm 1989, dẫn đến sự mất quyền kiểm soát đất nước và sụp đổ của chế độ độc tài Cộng sản Ba Lan vào tháng 10 năm 1989. Sự thắng thế của Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan đã như cơn địa chấn làm rung chuyển tận gốc rễ các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Chỉ trong 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1989, các cuộc xuống đường rầm rộ của hàng triệu người dân - theo gương của Ba Lan - đã lần lượt đốn ngã các chế độ Cộng sản tại Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Albania, Lỗ Ma Ni, Nam Tư.
Hệ quả của cơn địa chấn dân chủ tại Đông Âu đã làm tan rã thành trì Quốc tế Cộng sản ở Liên Bang Xô Viết vào năm 1991. Hiện chỉ còn 4 quốc gia Cộng sản cuối cùng là Trung Quốc, Cộng sản Việt Nam, Cu Ba và Bắc Hàn đang cố thay đổi để kéo dài thời gian sống còn trong cơn lốc dân chủ toàn cầu.
Năm 1998, cuộc cách mạng dân chủ lại bùng phát một lần nữa bắt đầu từ Nam Dương khi sinh viên vùng lên đòi ông Suharto từ chức sau 32 năm xây dựng chế độ gia đình trị tại đây. Cuối năm 1999, sinh viên trong phong trào Otpor (Kháng Cự) đã cùng với các lực lượng đối kháng thuộc Cộng Hòa Serb (Nam Tư Cũ) đã đứng lên chống lại cuộc bầu cử gian lận và đòi ông Milosevic từ chức Tổng thống. Cuộc đấu tranh kéo dài non 1 năm và đã hạ bệ nhà độc tài Milosevic vào tháng 10 năm 2000. Khí thế này sau đó đã lan sang các quốc gia vùng Trung Á, dưới hình thức của những cuộc cách mạng Màu lần lượt đẩy sập các chế độ độc tài tại Cộng Hòa Georgia vào tháng 11 năm 2003; Cộng Hòa Ukraine vào tháng 1 năm 2005; Cộng Hòa Kyrgystan vào tháng 3 năm 2005 và tại Lebanon vào tháng 4 năm 2005.
Hệ quả của cuộc cách mạng Màu đầu thế kỷ 21 đã một lần nữa tác động mạnh mẽ lên phong trào phản kháng chính trị tại Miến Điện, với những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng trăm ngàn nhà sư tại nhiều thành phố vào giữa năm 2007 và tại Iran, với những cuộc biểu tình chống bầu cử tổng thống gian lận vào giữa năm 2009. Tuy hai cuộc nổi dậy tại Miến Điện và Iran chưa đẩy lùi chế độ độc tài nhưng đã có nhiều mầm mống để bộc phát trở lại trong thời gian tới.
Và bây giờ, làn sóng dân chủ một lần nữa bộc phát tại vùng Bắc Phi và Cận Đông. Từ cuối năm 2010, làn sóng bất mãn của quần chúng đã bùng nổ ở Cộng Hòa Algeria, Yemen, Tunisia, Jordan, Libya, Ai Cập và Iran. Tuy sự bất mãn đã ngấm ngầm trong thế giới Á Rập, nhưng không ai ngờ khởi đầu của làn sóng dân chủ lại xảy ra ở Cộng hòa Tunisia, xứ du lịch thơ mộng nằm trên bờ Địa Trung Hải, khi sinh viên Mohammed Bouazizi tự thiêu để chống lại đời sống bất công vào ngày 17 tháng 12 năm 2010. Cái chết bi thảm của sinh viên Bouazizi đã tác động mạnh mẽ lên hàng triệu người dân, đặc biệt là giới trẻ Tunisia qua mạng Internet và đã nhanh chóng kích lên làn sóng xuống đường đòi hạ bệ nhà độc tài Ben Ali. Trước sức ép của quần chúng và công luận, Tổng thống Ben Ali đã cùng với gia đình bỏ xứ xin tỵ nạn chính trị tại Cộng hòa Á Rập Saudi vào sáng ngày 16 tháng 1 năm 2011, sau 23 năm nắm quyền.
Biến cố Tunisia đã tác động mạnh mẽ lên thế giới Á Rập, nhưng không ở đâu mà ảnh hưởng của biến cố này lại được khai thác tích cực và hiệu quả bằng tại Ai Cập khi nhóm sinh viên tại đây đã qua Facebook, Twitter, kích động dư luận tham gia cuộc biểu tình có tính trước vào ngày 25 tháng 1 năm 2011, để tưởng niệm sinh viên Khaled Saiid bị công an đánh chết vào mùa hè 2010. Buổi lễ tưởng niệm sinh viên quá cố đã biến thành làn sóng đòi hạ bệ nhà độc tài Mubarak với hàng trăm ngàn người tham gia sau đó, và đã đẩy sập chế độ độc tài Mubarak vào ngày 11 tháng 2 năm 2011 sau 30 năm cầm quyền. Biến cố chính trị ở Tunisia xảy ra đúng 4 tuần, nhưng ở Ai Cập chỉ xảy ra 18 ngày, với ba hình ảnh tiêu biểu: 1/ Sự tụ tập đông đảo của người dân tại các quảng trường với tay không, ôn hòa và bất bạo động; 2/ Quân đội tuy đưa chiến xa vào thành phố nhưng đã án binh bất động, không đàn áp hay giải tỏa các cuộc biểu tình; 3/ Sự lúng túng đối phó của chính quyền độc tài trước những phản đối và áp lực mạnh mẽ từ người dân và công luận thế giới.
Hiện nay làn sóng dân chủ đang bùng nổ đồng loạt tại Iran, Yemen, Algeria, Libya và Vương quốc Bahrain. Những tin tức cho thấy là các lực lượng chống đối đã sử dụng hai phương tiện quan trọng để quy tụ số đông tham gia và đối phó các phong tỏa của chế độ độc tài. Đó là: 1/ Phương pháp đấu tranh bất bạo động, ôn hòa; người biểu tình đã không cầm bất cứ vũ khí nào trong tay để cho công an, quân đội lấy lý cớ đàn áp hay tấn công giải tán; 2/ Huy động các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter để thông báo, huy động số đông tham gia và nhất là cập nhập nhanh chóng những hình ảnh đấu tranh đang diễn ra khắp mọi nơi, hầu kích thích thêm những người mới nhập cuộc.
Trước những hình thái đấu tranh mới của phong trào dân chủ hiện nay, các chế độ độc tài đã phản ứng như chúng ta thấy qua biến cố Tunisia và Ai Cập là: 1/ Thương lượng để tìm kế hoãn binh, mua thời gian biến chiêu; 2/ Dùng công an, quân đội để đe dọa, khống chế những người cầm đầu và có khi đàn áp thẳng tay đoàn biểu tình. Các lực lượng đối kháng tại Tunisia và Ai Cập đã, thay vì chấp nhận sự thương lượng với chính quyền, họ đã tìm cách "đối thoại" trực tiếp với quân đội và yêu cầu quân đội đứng ngoài, không đàn áp dân chúng. Kết quả từ những nỗ lực đối thoại này, giới quân đội đã đứng về phía quần chúng phản kháng và khuyên các nhà độc tài ra đi vào giờ phút cuối.
Tình hình còn quá sớm để định lượng về cục diện chính trị hiện nay sẽ kết cuộc như thế nào: liệu chế độ độc tài tại Iran hay Algeria, Yemen hay Bahrain sẽ có tiếp nối "chuỗi dây chuyền" sụp đổ theo chân Tunisia và Ai Cập? Tuy nhiên, điều mà người ta thấy rõ là những biến động dây chuyền nói trên đang có những tác động rất lớn lên các quốc gia độc tài còn sót lại ở vùng Á Châu Thái Bình Dương. Đó là Miến Điện, Cộng sản Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc. Bản thân của 6 quốc gia độc tài này không khác gì các chế độ độc tài tại Tunisia, Ai Cập, Iran, Yemen, Algeria...
Thứ nhất là nền tài chánh không ổn định, gặp khó khăn với sự phá giá đồng bạc có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Hai mối nguy và lo sợ của những quốc gia độc tài nói trên là: 1/ Thâm thủng ngân sách và hết tiền do những chi tiêu quá mức; 2/ Lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Để cứu nguy, chính quyền thường tung ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng, giảm chi và cắt trợ cấp xã hội... trực tiếp ảnh hưởng lên người dân nghèo khó; trong khi một thiểu số quyền lực vẫn sống cuộc đời giàu sang, xa hoa. Mâu thuẫn xã hội bùng nổ khi có một nhóm quần chúng bất mãn bắt đầu chống đối. Miến Điện và Cộng sản Việt Nam đang ở vào hoàn cảnh giống như Tunisia và Ai Cập.
Thứ hai là làn sóng bất tuân dân sự trong xã hội gia tăng khi chế độ độc tài không còn khả năng bưng bít những nghịch lý trong xã hội và người dân đã biết sử dụng những nguồn thông tin độc lập để trao đổi và liên lạc với nhau. Internet đang là phương tiện quan trọng mà các chế độ độc tài không còn có thể kềm chế hay ngăn chận vì nó sẽ ảnh hưởng vào sự điều hành quốc gia. Cắt Internet và hệ thống điện thoại di động tưởng là ngăn chận làn sóng chống đối nhưng lại chính là làm tê liệt hệ thống điều hành quốc gia, giúp gia tăng làn sóng bất tuân dân sự, nhanh chóng đẩy người dân ra đường hành động.
Việt Nam đang có 25 triệu người sử dụng Internet; có non 2 triệu người sử dụng Facebook. Miến Điện có non 5 triệu người sử dụng Internet; có khoảng 200 ngàn người sử dụng Facebook. Riêng truyền hình phát qua vệ tinh thì rất thịnh hành tại Miến Điện. Đặc biệt là các nhóm chống đối tại Miến Điện đã tích cực dùng mạng Internet và truyền hình vệ tinh để chống cuộc bầu cử vào cuối năm 2010 vừa qua. Hiện nay, các nhóm phản kháng Miến Điện đang truyền dẫn những biến động ở Tunisia và Ai Cập vào trong nước; do đó mà chính quyền quân phiệt lo sợ bà Aung San Suu Kyi điều hướng cuộc xuống đường nên đã cho công an canh gác tư gia của Bà và nhiều lãnh tụ đối lập khác.
Tóm lại, lịch sử chỉ là những biến động được lập lại khi nó có hoàn cảnh tương tự để bùng vỡ. Nhìn lại 30 năm vừa qua khởi đi từ cuộc cách mạng dân chủ của Ba Lan vào tháng 6 năm 1989, chúng ta thấy là tuy mỗi thời kỳ các phương tiện vận động người dân có thay đổi và tinh vi hơn; nhưng khát vọng tự do và dân chủ ở đâu và ở thời nào cũng đều giống nhau. Chính khát vọng tự do và dân chủ này sẽ thôi thúc con người - từ một nhóm nhỏ lan tỏa thành những tập hợp lớn – và sẽ chỉ mang đến thắng lợi khi nó được diễn ra dồn dập nhưng không bạo động và có số đông tham gia trên các đường phố. Đây là quy luật của đấu tranh quần chúng mà ngày nay nhân loại đã gọi là đấu tranh bất bạo động.
Chúng ta tin tưởng là người dân của các quốc gia độc tài vùng Á Châu Thái Bình Dương như Miến Điện, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên - được tác động mạnh mẽ bởi trào lưu dân chủ và những phương tiện đấu tranh mới - sẽ sớm nhập cuộc, hòa mình cùng với làn sóng sôi động của những bước chân đi làm lịch sử tại Yemen, Iran, Algeria, Bahrain....
Lý Thái Hùng
Ngày 16/2/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét