Lê Quốc Trinh
Thân mến chào bác Tưởng Năng Tiến,
Nhân đọc bài viết của bác về những bản nhạc Xuân trong dịp đón mừng năm mới trên DanChimViet, tôi xin phép được trao đổi với bác vài hàng và chia xẻ với bạn đọc khắp nơi như một lời mừng Xuân. Trước hết tôi xin thân chúc bác Tưởng Năng Tiến, các bạn độc giả xa gần và Ban Biên Tập DanChimViet, Ban Biên Tập web Việt Tân, một năm mới đầy an khang, thịnh vượng, sức khoẻ dồi dào, hạnh phúc tràn trề.
Bác Tiến à, giống như bác, nói về nhạc Xuân là tôi bồi hồi cảm xúc nhớ về những kỷ niệm êm đềm xa xưa trong ký ức. Tôi là du học sinh đi từ miền Nam thời kỳ trước 1975, sống tha hương suốt 40 năm trời ở hải ngoại, chưa thể hồi hương vì điều kiện chính trị đất nước không cho phép, cho nên đành phải mượn những giòng nhạc miền Nam thời thơ ấu để xoa dịu nỗi nhớ nhà. Phải thú nhận rằng nếu không nhờ kỹ thuật tân tiến thời đại Internet và Multi Media thì tôi không có cơ hội tích lũy hơn 2700 bản nhạc yêu thích download từ nhiều Website hải ngoại, trong đó thể loại nhạc Xuân chiếm hơn 40 tác phẩm nổi tiếng từ thập niên 40 cho đến nay. Do đó khi nghe bác hồ hởi trích dẫn những bài ca quen thuộc tôi cũng xin phép chia sẻ với bác niềm vui đó.
Bác trích dẫn từ bài Xuân và Tuổi Trẻ (La Hối, Thế Lữ) cho đến Ly Rượu Mừng (Phạm Đình Chương), Hoa Xuân (Phạm Duy), rồi Phiên Gác Đêm Xuân (Nguyễn Văn Đông), nhưng có lẽ bác chưa được nghe nhiều bản nhạc Xuân khác cũng tươi vui, êm ái, nhẹ nhàng không kém, ví dụ như: Bến Xuân Xanh (Dương Thiệu Tước), Xuân Hoà Bình (Thương Anh), Xuân Vui Ca (Văn Phụng), Đồn Vắng Chiều Xuân (Trần Thiện Thanh), Gái Xuân (Tô Vũ), Xuân Trong Rừng Thẳm, Mộng Chiều Xuân (Ngọc Bích), Mộng Đêm Xuân (Tuấn Khanh), Ca Khúc Mừng Xuân (Văn Phụng), Xuân Miền Nam (V. Phụng), Cánh Thiệp Đầu Xuân (Lê Dinh), Hạnh Phúc Đầu Xuân (Minh Kỳ), Đám Cưới Đầu Xuân (TT Thanh), Đêm Xuân (P. Duy), Gió Mùa Xuân Tới (Hoàng Trọng), Khúc Nhạc Ngày Xuân (Nhật Bằng), Khúc Hát Thanh Xuân (P. Duy), Lá Thư Mùa Xuân (PĐ Chương), Mừng Nắng Xuân Về (Huỳnh Anh), Đón Xuân Thanh Bình, Xuân Tha Hương, Xuân Ly Hương, Xuân Thì, Xuân Nghệ Sĩ Hành Khúc, Chiến Sĩ Của Mùa Xuân, Tôi Chưa Có Mùa Xuân, Đón Xuân Này Tôi Nhớ Xuân Kia, Câu Chuyện Đầu Năm hay Xuân Về (Thẩm Oánh) và còn nhiều nữa ...
Nói chung đa số bản nhạc Xuân mà chúng ta còn được nghe loáng thoáng trên đài, TV, CD là những tuyệt tác do các nhạc sĩ miền Nam sáng tác. Ngay cả bây giờ bác có về chơi quê hương trong những ngày cận Tết, thế nào bác cũng được nghe rỉ rả trong các quán cà phê: Anh Cho Em Mùa Xuân (Nguyễn Hiền, Kim Tuấn), Đón Xuân (PĐ Chương), Xuân Họp Mặt (Văn Phụng), Xuân Đã Về (Minh Kỳ), Mùa Xuân Đầu Tiên (Tuấn Khanh). Cách đây nửa năm tôi đã từng lên Mạng Dân Luận phản hồi một bài viết của Nguyễn Thuỵ Kha (trên TuanVietNam) về chủ đề âm nhạc Saigon trước 1975. Tình trạng âm nhạc VN sau 1975 đã xuống dốc quá sức tệ hại, nghệ sĩ bị tước quyền tự do sáng tác, chỉ còn cách đạo nhạc từ những tác phẩm ngoại quốc (Nam Hàn, Nhật) đến mức độ báo động trên TV và báo chí, gây tai tiếng không ít. Ngày xưa tôi hãnh diện bao nhiêu khi biết nhạc miền Nam được người Nhật, Trung Hoa ưa thích như: Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn), Không (Nguyễn Ánh 9), hay Diễm Xưa (Trịnh Công Sơn), ngày nay thì chiều hướng đi ngược lại, cảm thấy xấu hổ cho nên đành phải lục lọi tìm lại những nét nhạc xa xôi, từ nhạc tiền chiến cho đến nhạc Trịnh Công Sơn (Ca Khúc Da Vàng), và Phạm Duy, v.v... để âm thầm sống lại với quá khứ êm đẹp.Bác nhắc đến nhạc sĩ tài ba Nguyễn Văn Đông, chắc hẳn bác không quên những bài Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Hải Ngoại Thương Ca, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp. Tôi có cảm tưởng rằng Đại Tá Nguyễn Văn Đông là một trong những nhạc sĩ phản chiến đầu tiên ở niền Nam thời thập niên 60, mà vài bài đã từng bị cấm phổ biến. Bác phê phán nhạc sĩ NV Đông nhưng bác theo dõi kỹ những tuyệt tác của ông thì sẽ nhận ra con người nghệ sĩ đó mang trái tim yêu quê hương đất nước nồng nàn, yêu hoà bình, ghét chiến tranh, rất muốn quên đi chuyện "thù hận Quốc Cộng" và từng mơ ước một "nước Việt Nam anh dũng oai hùng chen chân thế giới" (Hải Ngoại Thương Ca).
Tôi đi giữa trời bồi hồi!
Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa
Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới.
Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa
Mong sao nước Việt đời đời
Anh dũng oai hùng chen chân thế giới.
Sau này, tôi có đọc trên Internet để biết nhạc sĩ từng bị tù đày "học tập cải tạo" mút mùa, đến mức độ sức khoẻ tàn tệ, suýt chết mới được Nhà nước CS tha cho về nhà "chờ chết", tuy nhiên nhờ ông cao số nên mới còn hiện hữu đến ngày hôm nay. Tôi còn nhớ SaiGonGate.com thuật lại chuyện nhạc sĩ cách mạng Lưu Hữu Phước và Văn Cao đã từng khuyên Nguyễn Hiền nên rời VN sớm nếu còn muốn sáng tác tự do, trong một buổi giao lưu nghệ sĩ hai miền, sau ngày thống nhất đất nước. Tôi còn nhớ bản nhạc Mùa Xuân Đầu Tiên do Văn Cao sáng tác sau ngày 30-04-1975 lại là tác phẩm cuối cùng trong đời nghệ sĩ, lý do: ông đã từng bị khiển trách nặng nề vì những lời hát chân tình bộc trực:
Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương
Làm sao trong Xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh
đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Làm sao trong Xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh
đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.
Giờ dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông,
gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông,
gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Đúng là nghệ sĩ miền Nam tự do mang sắc thái sáng tác yêu chuộng nghệ thuật cho nên họ đã đưa nền âm nhạc VN lên đến cao điểm (trước 1975), họ yêu chuộng hoà bình tự do, cho nên nhạc của họ không mang màu sắc chính trị một chiều "khát máu, hận thù đằng đằng" như nhạc chiến đấu ngoài Bắc (cùng thời điểm), đôi khi có lẽ vì thế nhạc miền Nam mang tính chất uỷ mỵ (ca tụng tình yêu) ảnh hưởng phần nào đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ ngoài mặt trận (Kỷ Vật Cho Em, P. Duy). Dẫu sao tôi vẫn mến phục các nhạc sĩ miền Nam vì tinh thần sáng tác vị nghệ thuật, vị nhân bản của họ. Đến bây giờ nhạc của họ vẫn thường được ca sĩ trẻ hát trên đài hoặc trong các album, nhất là giòng nhạc Trần Thiện Thanh.
Tôi cũng không ngờ rằng bài tình ca bất hủ Nụ Cười Sơn Cước của Tô Hải từng bị nghiêm cấm triệt để ngoài Bắc (trước 1975), thì trong Nam lại được phổ biến tự do. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Elvis Phương hát bài Đợi Anh Về (nhạc của Văn Chung, thơ Tố Hữu, dịch từ thơ của thi sĩ Liên Xô). Thế mới biết giá trị đích thực của một chính thể VNCH tự do dân chủ phôi thai như thế nào, phải so sánh từng chi tiết với chế độ hà khắc miền Bắc CS mới nhận chân được sự thật.
Bác hoài nghi về những hình ảnh miền quê thanh bình, an cư lạc nghiệp do Phạm Duy diễn tả trong bài Hoa Xuân? Theo thiển ý, nếu chúng ta sống lại thời đầu thập niên 50, để biết rằng nhiều nhạc sĩ tài ba thường hay thoát ly tham gia kháng chiến Việt Minh chống Pháp hoặc phải di tản đi khắp mọi miền đất nước thì rất dễ hiểu khi nghe họ ca tụng cảnh đẹp đồng quê (bờ đê, con cò, con trâu, ánh tăng vàng, cánh diều, khúc sáo chiều hôm, câu hò trên sông vắng), và mơ tưởng không khí thanh bình. Nhiều người đã sáng tác nhiều bản nhạc bất hủ về Tình Quê Hương như Việt Lang, Đan Thọ, Phạm Duy (Tình Hoài Hương), Hoàng Quý (Chiều Quê), nhiều người khắc khoải nhớ nhà như Hoàng Giác (Ngày Về), Nhị Hà (Trở Về Quê Cũ), Chung Quân (Làng Tôi), Hoàng Trọng (Chiều Tha Hương, Chiều Về Thôn Xưa), nhiều người mơ ước cuộc sống thanh bình như Nguyễn Hiền (Thanh Bình Ca), hay Hoàng Lang Thuỳ Linh (Miền Quê Tôi). Nói về nhạc ca tụng tình quê hương đất nước con người thì kho tàng âm nhạc miền Nam còn lưu trữ rất nhiều tuyệt tác, xuất hiện thêm nhiều khuôn mặt mới sau này: Nguyễn Vũ, Từ Công Phụng, Ngô Thuỳ Miên, Lê Uyên Phương, Đức Huy, Phạm Thế Mỹ, Mạnh Phát, Nguyễn Hiền, Thanh Trang, Trần Thiện Thanh, Y Vân, vv...Mỗi nhạc sĩ là một phong thái riêng, một giòng nhạc đặc biệt, không ai giống ai, phải chăm chú nghe mới thưởng thức được hết nỗi tâm tư của họ gửi gấm qua những câu từ nâng niu, trau chuốt.
Mời bác thưởng thức bài Khi Em Nhìn Anh của Y Vân để nghe một đoạn kết:
Khi em nhìn anh
Sầu đong mấy Đông cho vừa
Như trăng vừa lên
Đầu ghềnh mờ pha tuyết sương
Ánh mắt bao la tình
Với ý thơ thưa rằng:
" Chí lớn trong thiên hạ
Không đầy, không đựng đầy...
Đôi mắt... mỹ nhân”
Sầu đong mấy Đông cho vừa
Như trăng vừa lên
Đầu ghềnh mờ pha tuyết sương
Ánh mắt bao la tình
Với ý thơ thưa rằng:
" Chí lớn trong thiên hạ
Không đầy, không đựng đầy...
Đôi mắt... mỹ nhân”
Hoặc bài Tà Áo Tím của Hoàng Nguyên:
Để rồi chiều chiều lê chân bên giòng Hương Giang
Mong tìm lại tà áo ấy
Mà áo tím nay thấy đâu?
Người áo tím nay thấy đâu?
Giòng nước vẫn trôi cuốn mau!
Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn
Người áo tím qua cầu
Tà áo tím phai màu
Để giòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao!
Mong tìm lại tà áo ấy
Mà áo tím nay thấy đâu?
Người áo tím nay thấy đâu?
Giòng nước vẫn trôi cuốn mau!
Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn
Người áo tím qua cầu
Tà áo tím phai màu
Để giòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao!
Thế đấy! Các nhạc sĩ miền Nam, dưới chính thể VNCH, chịu đựng cực khổ nhọc nhằn, nhưng vẫn sáng tác từ cảm xúc trong đáy lòng, câu cú trau chuốt từng chữ để tác phẩm của họ đi sâu vào lòng dân tộc, ngược lại ngày nay các ca sĩ trẻ trong xã hội VN sống "sung túc" nhà cửa bạc triệu (US) nhưng đâu biết tôn trọng họ. Nhiều ca sĩ nổi tiếng tự động sửa đổi lời ca để phù hợp với "chủ trương của Đảng", vô tình bôi nhọ tác phẩm, báo chí VN đang bắt đầu nói về tệ trạng này.
Buồn thay cho nền âm nhạc VN!
Mến chào bác,
Lê Quốc Trinh, Canada
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét