Nguyễn Trọng Việt - Lý Thái Hùng
Diễn Đàn Pal Talk: “Tìm Hiểu và Thảo Luận Về Đấu Tranh Bất Bạo Động”Ngày 11/12/2010 lúc 12 giờ trưa giờ Việt Nam; 4 giờ chiều giờ Sydney, Úc Châu; 6 giờ sáng giờ Paris, Âu Châu và 9 giờ tối giờ California ngày 10/12/2010
Bài 5: Những Nguyên Lý, Đặc Tính và Quy Luật Hành Động Của Đấu Tranh Bất Bạo Động
Diễn Giả:
Bác Sĩ Nguyễn Trọng Việt (Ủy Viên Trung Ương Đảng)
Kỹ Sư Lý Thái Hùng (Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân)
Bác Sĩ Nguyễn Trọng Việt (Ủy Viên Trung Ương Đảng)
Kỹ Sư Lý Thái Hùng (Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân)
— -
Kính chào toàn thể quý vị (Nguyễn Trọng Việt)
Đấu tranh bất bạo động là một phương pháp đấu tranh không sử dụng các phương tiện bạo lực, giết người. Đây là phương pháp mà mục tiêu chính yếu là dấy lên một phong trào phản kháng chính trị trong quần chúng, để làm soi mòn quyền lực của chế độ độc tài, làm gia tăng lực lượng và khả năng của phong trào dân chủ, đồng thời góp phần phát triển xã hội dân sự.
Trong phản kháng chính trị, những thế trận được tính toán luôn luôn ở vào thế thay đổi liên tục với những đòn công và phản công giữa lực lượng đối kháng và chế độ độc tài, nên vì thế mà ngoài việc hiểu rõ bản chất quyền lực trong xã hội, chúng ta phải nắm vững một số những nguyên lý, đặc tính và quy luật hành động của đấu tranh bất bạo động. Đây là những nội dung chính yếu mà chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận trong buổi trao đổi ngày hôm nay.
Trước khi đề cập về một số nguyên lý cốt lõi của đấu tranh bất bạo động, tôi muốn trình bày đến quý vị ba yếu tố cần phải nắm vững khi vận động quần chúng tham gia đấu tranh.
Trong thực tế, mỗi thành phần quần chúng có những sở trường và sở đoản khác nhau trong cách phản kháng, nên khó có thể đòi hỏi họ hành động giống nhau. Nhưng để vận động được số đông tham gia - dù bất cứ dưới mục tiêu gì – chúng ta cần phải chú ý đến ba yếu tố căn bản. Đó là 1/ Đối tượng vận động; 2/ Thông điệp tranh thủ và 3/ Môi trường tụ họp.
- Đối Tượng Vận Động: Kinh nghiệm cho thấy là nếu một phong trào đấu tranh bất bạo động tác động đến bốn nhóm đối tượng chính sau đây sẽ tăng khả năng thu hút được sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các mục tiêu vận động của phong trào dân chủ.
Đối tượng thứ nhất là những người tích cực trong các tập hợp quần chúng như thanh niên sinh viên, trí thức, dân oan, công nhân… có khả năng lãnh đạo hoặc điều phối phong trào phản kháng ở nhiều mức độ khác nhau. Đối với những đối tượng này cần phải giúp họ nắm vững lý thuyết và các nguyên tắc của đấu tranh bất bạo động, đồng thời có thể chấp nhận rủi ro khi phải đứng ở những vị trí tiên phong lãnh đạo phong trào.
Đối tượng thứ hai là những tác nhân liên hệ đến một cuộc vận động nào đó. Tức là những thành phần, từ cả đối thủ của phong trào là nhà cầm quyền cho tới những người hay những nhóm có cảm tình hay ủng hộ mục tiêu đấu tranh của phong trào. Đối với những đối tượng này chúng ta phải có một thông điệp gây được sự đồng cảm nơi họ dù họ là những cán bộ nhà nước. Ví dụ bà con dân oan tụ tập biểu tình đòi nhà nước giải quyết vấn đề ruộng đất bị cướp đoạt. Đối tượng tranh thủ không những là bà con dân oan, quần chúng, cán bộ nhà nước mà còn cả công an, cảnh sát và các viên chức chính quyền cảm thông sự đau khổ và tuyệt vọng của người bị cướp đất. Một ví dụ khác là cuộc biểu tình của giới trẻ, sinh viên về việc đòi hỏi chủ quyền của VN trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối tượng cần tranh thủ không những là sinh viên giáo chức trí thức, mà còn là thành phần cựu chiến binh, bộ đội, chiến sĩ biên phòng... là những người đã và đang hy sinh để bảo vệ bờ cõi và cũng phẫn uất khi tổ quốc bị cưỡng chiếm, xâm phạm.
Đối tượng thứ ba là những đồng minh, bao gồm tất cả những nhóm quần chúng, những tổ chức tôn giáo đang cùng chia xẻ một mục tiêu đấu tranh và nhất là cùng áp dụng phương thức đấu tranh bất bạo động để đối kháng lại chế độ độc tài. Đây là những đối tượng cần có sự phối hợp hàng ngang để tiếp sức lẫn nhau trong thế tấn công “xa luân chiến” hầu có thể luôn đặt chế độ độc tài ở vào thế rối trí, đuối lực, tiến thoái lưỡng nan.
Ví dụ khi công nhân tổ chức cuộc đình công đòi tăng lương vì cuộc sống quá khó khăn do vật giá leo thang, thì tập thể sinh viên phát động cuộc bãi trường yêu cầu giảm tiền học phí hoặc bỏ môn học vô bổ Mác Lê-nin. Song song, các tổ hợp Taxi, xe Buýt đòi hỏi nhà cầm quyền phải cho tăng giá xe để chống lại tình trạng suy thoái kinh tế và nếu không đồng ý sẽ tổ chức cuộc đình công. Trong đấu tranh bất bạo động, sự liên kết rộng lớn giữa các đoàn thể, đảng phái để phát triển thế đồng minh chiến lược rất quan trọng.
Đối tượng thứ tư là những đoàn thể quốc tế, bao gồm những tổ chức phi chính phủ (NGO), những hiệp hội báo chí và truyền thông, những cơ quan chuyên môn về luật pháp và những định chế quốc tế về nhân quyền, tài chánh, kinh tế… Đây là những đoàn thể để giúp cho phong trào dân chủ quảng bá rộng rãi những hoạt động và chủ trương của mình đến dư luận quốc tế và nhất là tranh thủ họ lên tiếng ngăn chận ngay những hành động đàn áp của chế độ độc tài.
- Thông Điệp Tranh Thủ: Thông điệp là lời kêu gọi cho một hành động nào đó trước một sự kiện mà mọi người không thể im lặng. Thông điệp cần phải chuyển tải thường xuyên để cập nhập, nhắc nhở, khuyến khích và tác động hầu khơi dậy phản ứng tích cực nơi các nhóm đối tượng muốn tranh thủ. Trong tinh thần đó, việc công bố một Thông điệp không chỉ giới hạn nơi chính quyền hay các đảng phái đấu tranh mà mọi cá nhân, nhóm, tổ chức, đoàn thể đều có thể chuyển tải một Thông điệp miễn là trình bày được những lý do thuyết phục để những nhóm đối tượng chọn lựa và hành động dựa trên sự chọn lựa đó.
Ví dụ, việc Trung Quốc đã ngang ngược công bố quyết định cấm ngư dân Việt Nam không được đánh cá trên vùng Biển Đông trong ba tháng từ ngày 15 tháng 5 đến cuối tháng 8 hàng năm với lý do bảo vệ hải sản là một sự kiện không thể nào im lặng. Nếu im lặng thì mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và hoàn toàn quay lưng với sự tuyệt vọng của ngư dân Việt Nam. Thông điệp nêu ra trong trường hợp này là đánh thức lòng ái quốc của mọi người và bảo vệ quyền lợi của ngư dân Việt Nam; đồng thời các cá nhân, đoàn thể, nhóm, kể cả các tổ chức tôn giáo đều có thể chuyển tải Thông điệp kêu gọi bằng những hành động khác nhau.
Ví dụ khác: Thông điệp tranh thủ của những người trẻ thuộc nhóm Hành Động Vì Đất Nước đã tác động rộng rãi đến mọi người, dễ dàng thực hiện và được hưởng ứng lan rộng nhanh chóng đến 20 tỉnh thành chỉ trong vài tháng.
Thông Điệp giữ hai vai trò quan trọng:
Thứ nhất là huy động số đông tham gia vào một hành động nào đó.
Thứ hai là làm mất chính nghĩa hay lung lạc ý chí của đối phương.
Khi soạn một Thông điệp, chúng ta phải dựa trên những sự kiện cụ thể có thể kiểm chứng được, nhắm vào đối tượng nào là chính trong bước khởi đầu và chọn cách chuyển tải thông điệp đến những đối tượng cho phù hợp. Dựa theo ví dụ ở trên, chúng ta không thể nào sử dụng cùng một nội dung và cùng một hành động, cùng một cách chuyển tải trong Thông điệp để gửi cho ngư dân, dân oan, sinh viên mà phải làm khác nhau. Đối với sinh viên, nội dung tác động là lòng yêu nước, kêu gọi biểu tình hoặc gửi thư phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc qua mạng Internet. Nhưng đối với dân oan hay công nhân, chú trọng sự chia xẻ cuộc sống khó khăn của ngư dân, phản đối bằng cách lãng công hay biểu tình ngồi trước văn phòng chính phủ để yêu cầu giải quyết. Các đoàn thể tôn giáo thì đưa ra Thông điệp kêu gọi sự hiệp thông cầu nguyện cho sự an bình của đồng bào ngư dân.
- Môi Trường Tụ Họp: Một trong những nguyên tắc lớn của đấu tranh bất bạo động là công khai, cho nên tất cả mọi hành động và môi trường vận động đều phải tổ chức nơi công cộng. Khi tổ chức nơi công cộng sẽ làm cho mọi thành phần quần chúng biết về mục tiêu Thông điệp mà chúng ta muốn chuyển tải; đồng thời gián tiếp cho mọi người thấy rằng, chúng ta không có gì phải sợ chế độ độc tài khi đông đảo người tham gia. Việc chọn lựa môi trường công cộng có ba tác dụng lớn:
Thứ nhất là dễ tổ chức và dễ huy động, ngay cả trong điều kiện căng thẳng vì những áp lực của chế độ độc tài. Nghĩa là tụ tập và hành động ở những chỗ công cộng như công viên, trước đài chiến sĩ trận vong, trước trụ sở quốc hội hay trước một di tích lịch sử nào đó sẽ khó làm cho nhà cầm quyền tìm lý cớ giải tán.
Thứ hai là dễ thu hút giới truyền thông nên giúp cho việc chuyển tải Thông điệp của phong trào một cách rộng lớn và miễn phí đến mọi tầng lớp quần chúng. Khi hình ảnh đông đảo người tham gia được truyền thông quốc tế loạn tải sẽ gia tăng sức mạnh và tư thế của phong trào đối kháng.
Thứ ba là trong các buổi tổ chức công khai, muốn thu hút đông đảo cần phải có trình diễn văn nghệ với sự tham dự của một vài ca sĩ hay tài tử nổi tiếng. Điều này không chỉ thu hút số đông vào lúc đó mà còn tạo ra sự chờ đợi của mọi người ở những cuộc tụ họp công cộng trong tương lai.
Sau khi chúng ta hiểu rõ về những yếu tố để vận động quần chúng, bấy giờ chúng ta cùng tìm hiểu về những Nguyên Lý cốt lõi của đấu tranh bất bạo động:
Những Nguyên Lý Cốt Lõi:
Đấu tranh bất bạo động dựa trên 4 nguyên lý cốt lõi sau đây:
Thứ nhất là người cầm quyền sẽ không thể có quyền lực cai trị khi người dân không tuân phục, dù là tự nguyện hay bị ép buộc. Các nguồn quyền lực này được thâu tóm và kiểm soát bằng các định chế xã hội. Không có sự hợp tác từ người dân, các định chế xã hội sẽ bị suy yếu, dẫn đến sự sụp đổ chế độ.
Ví dụ, vận động người dân không bỏ tiền vào ngân hàng, tất cả đổi tiền để giữ vàng và ngoại tệ mạnh ở nhà thì sẽ làm cho toàn bộ hệ thống tín dụng của chế độ CSVN khốn đốn, ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế quốc gia và nếu kéo dài lâu sẽ làm cho nền kinh tế - tài chính gặp khủng hoảng.
Thứ hai là chế độ độc tài không phải là một khối thuần nhất và không có sức mạnh vĩnh viễn. Nó là một cấu trúc gồm nhiều bộ phận rời rạc nương tựa nhau như là những trụ cột hay định chế để giúp duy trì quyền lực của chế độ. Khi một trụ cột hay một định chế nào bị suy yếu hay bị tê liệt vì những phản kháng của người dân thì nó sẽ làm ảnh hưởng đến những trụ cột khác, tạo ra tình trạng mà các chế độ Cộng sản luôn luôn cảnh giác là bất ổn định chính trị.
Ví dụ, thay vì tấn công trực diện vào guồng máy công an, quân đội, phong trào dân chủ nhắm vào thành phần công nhân viên chức nhà nước ở những bộ phận khác như bộ giáo dục, y tế, hành chánh, kinh tế… để kêu gọi họ không hợp tác hay không còn tích cực phục vụ chế độ thì dù lực lượng công an, quân đội có ra sức bảo vệ chế độ cũng không thể nào ngăn cản những suy thoái từ bên trong của guồng máy độc tài.
Thứ ba là mỗi trụ cột hay mỗi định chế chống đỡ chế độ được cấu thành bởi nhiều vòng nhân sự. Mỗi nhân sự có nhu cầu, vai trò, quyền lợi từ chế độ, và sự trung thành với chế độ khác nhau. Chỉ cần làm sao lôi kéo và tách lìa - chứ không phải tấn công hay tiêu diệt – các cá nhân đúng cách, đúng lúc thì sự trung thành với chế độ sẽ thay đổi và vì thế các trụ cột sẽ thay đổi và quyền lực độc tài không thể đứng vững.
Ví dụ: sự lên tiếng của một số đại biểu yêu cầu Quốc hội lập ủy ban điều tra đồng thời bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng và những cán bộ liên hệ trong vụ sụp đổ Vinashin trong thời gian điều tra, cho thấy đây có thể là chỉ dấu của sự đấu đá của các thế lực khác nhau trong nội bộ đảng CS, nhưng cũng có thể cho thấy sự trung thành của những đại biểu quốc hội đối với lãnh đạo đảng CSVN đang soi mòn. Tuy vụ án Vinashin chưa tạo thành sức ép chính trị to lớn, nhưng những phê phán mạnh mẽ của một số đại biểu cho thấy quốc hội đang là nơi có thể tạo ra những chỉ dấu làm soi mòn quyền lực chính trị đảng CSVN hiện nay.
Thứ tư là phải mở rộng vòng liên kết giữa các lực lượng đối kháng có cùng mục tiêu xóa bỏ độc tài và xây dựng dân chủ bền vững cho đất nước thì mới tạo được sức mạnh tổng hợp. Không nên hành động riêng lẻ từng nhóm, từng đoàn thể vì sẽ dễ bị chế độ độc tài cô lập và tiêu diệt. Sức mạnh để chấm dứt mọi chế độ độc tài đến từ sự thống nhất lực lượng và khả năng huy động số đông quần chúng. Không làm được hai điều này sẽ không có phong trào công khai đấu tranh bất bạo động.
Ví dụ, một tổ chức đứng ra kêu gọi đồng bào tẩy chay không tham gia bầu cử quốc hội CSVN sẽ không làm cho dư luận chú ý bằng nhiều đoàn thể từ tôn giáo, chính trị, xã hội cho đến giáo dục, nghệ thuật đồng loạt kêu gọi tẩy chay, sẽ không những gây lúng túng cho chế độ mà còn lôi kéo nhiều thành phần khác từ chối sự đề nghị ra ứng cử đại biểu của đảng CSVN.
Vừa rồi quý vị đã theo dõi về những Nguyên Lý cố lõi của đấu tranh bất bạo động, sau đây ông Lý Thái Hùng sẽ trình bày đến quy vị các đặc tính và những quy luật hành động của đấu tranh bất bạo động.
Kính chào toàn thể quý vị, (Lý Thái Hùng)
Dựa trên những nguyên lý cốt lõi của đấu tranh bất bạo động mà Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt vừa trình bày, Tiến sĩ Gene Sharp, lý thuyết gia về đấu tranh bất bạo động đã cho rằng khối quần chúng phản kháng có khả năng trải rộng, nhưng cũng có thể tập trung vào một mục tiêu nhất định khiến cho chế độ độc tài khó có thể đánh lại khi số đông làm tệ liệt một phần hay toàn phần sinh hoạt xã hội. Trong chiều hướng đó, đối đầu bất bạo động còn có khả năng điều hướng nhiều mũi tiến công nhằm xoáy thêm vào những nhược điểm của chế độ và ngay cả việc cắt đứt những quyền lực chính trị của họ, đẩy thiểu số lãnh đạo liên tục phạm những sai lầm này đến sai lầm khác trong cách đối phó những yêu sách của các thành phần quần chúng.
Những Đặc Tính Căn Bản:
Để làm được điều này, mọi cuộc vận động phải nắm vững 5 đặc tính của đấu tranh bất bạo động:
1/ Số Đông: Mọi cuộc phản kháng phải có số đông quần chúng tham gia.
Trong mọi cuộc phản kháng, lúc khởi đầu thường chỉ do một số người rất nhỏ xướng xuất ví dụ như một số sinh viên tụ họp chống tăng học phí, một số công nhân phản đối sự đối xử bất công của Ban giám đốc xí nghiệp; một số người dân bày tỏ sự bực tức về những hành vi đánh đập, vô lễ của cảnh sát lưu thông… Nếu những cuộc phản kháng nói trên không quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết để ủng hộ thì sẽ bị nhà cầm quyền dập tắt, ém nhẹm và một số người phản kháng có thể bị theo dõi, trả thù.
Do đó, nỗ lực quảng bá cuộc phản kháng cho nhiều người đồng tình và ủng hộ rất quan trọng trong giai đoạn khởi đầu với mục tiêu then chốt là gia tăng thêm số người tham gia trực tiếp vào cuộc phản kháng. Sự tham gia số đông không chỉ tạo áp lực lên đối phương phải giải quyết các yêu cầu của nhóm phản kháng mà còn giúp cho những người chung quanh chấm dứt sự thờ ơ hay là sự sợ hãi của chính họ để hòa nhập vào dòng người phản kháng. Nhiệm vụ của những người lãnh đạo cuộc phản kháng là phải có một kế hoạch cụ thể để làm sao tác động lên dư luận hầu gia tăng số người tham gia hàng ngày.
Để quy tụ số đông, nhóm phản kháng phải chọn những Thông Điệp đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi của số đông và những hành động đưa ra phải phù hợp cho mọi người tham gia. Đặc biệt là trong giai đoạn khởi đầu phải tránh rủi ro, không tạo lý cớ để cho công an giải tán. Khi nhóm phản kháng đã quy tụ đông đảo người tham gia, tức đã tạo sự chú ý của công luận. Đây là lúc mà chế độ sẽ tung ra những thủ đoạn hù dọa nhằm ngăn chận sự tham gia của số đông hoặc cho người xâm nhập làm rối loạn trật tự để lấy cớ giải tán.
Khi chưa quy tụ đủ số đông từ hàng chục ngàn người trở lên, các nhóm phản kháng không nên chọn thái đố đối đầu một cách gay gắt với công an. Nếu nhận thấy có nguy cơ bị đàn áp thì nên tuyên bố chiến thắng với những gì mà nhà cầm quyền đã thỏa thuận các yêu cầu và tạm giải tán để chờ một cơ hội khác. Khi số đông đã có thể gia tăng liên tục từ hàng chục ngàn lên hàng trăm ngàn người thì chắc chắn là người dân không còn sợ và chế độ sẽ phải bó tay.
Từ không sợ sệt, người dân mới bắt đầu gan dạ để nghĩ ra những cách phản đòn thích hợp, đẩy thiểu số lãnh đạo độc tài rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Vượt thoát hay kiềm chế được lòng sợ hãi là yếu tố then chốt để quy tụ số đông quần chúng tham gia trong việc phá hủy quyền lực của thiểu số độc tài.
2- Công Khai: Chủ trương và công việc cụ thể trong hành động phải cho mọi người cùng biết.
Để có số đông tham gia và giảm thiểu sợ hãi, mọi hoạt động trong chế độc tài phải công khai. Thật vậy, nhìn từ góc độ của phong trào quần chúng đấu tranh, bí mật không chỉ bắt nguồn từ sự sợ hãi mà còn góp phần làm gia tăng sự sợ hãi, và chính sợ hãi sẽ làm suy giảm tinh thần kháng cự và làm giảm số người tham gia vào hành động. Hơn nữa, bí mật, một khi bị lộ dễ mang đến những nghi ngờ, trách móc và cáo buộc trong nội bộ của phong trào quần chúng mà thường là oan uổng về việc ai đã là nội gián cho đối phương.
Sở trường của các chế độ độc tài là bưng bít, hù dọa và ném đá giấu tay, nên công an luôn luôn tung ra những đòn hỏa mù để vừa đánh lừa dư luận, vừa gây ra những nghi ngờ trong nội bộ phong trào. Với sự tụ họp đông đảo của nhiều người, nhiều khuynh hướng, chắc chắn là có những di biệt về cách nhìn vấn đề. Không để cho công an khai thác những dị biệt này hầu làm lớn chuyện mà ban điều hành phong trào nên công khai những gì có thể công khai.
Thông thường trong đấu tranh bất bạo động, người ta đề nghị nên công khai về chủ trương và công việc cụ thể trong hành động, ngoại trừ những kế hoạch mang tính sống còn của phong trào phản kháng. Công khai chủ trương là việc làm đầu tiên của mọi nỗ lực phản kháng. Nó không những giúp cho mọi người cùng biết rõ mục đích của cuộc tụ họp mà còn để tránh trường hợp nhà cầm quyền tung ra những đòn xuyên tạc cuộc đấu tranh. Nhưng công khai chủ trương không chưa đủ, ban lãnh đạo cuộc phản kháng còn phải trình bày tóm lược về những kế hoạch hành động mang tính ôn hòa, bất bạo động để cho mọi người an tâm tham gia. Nếu cuộc tụ họp bị công an gây khó dễ hay ngăn cản thì ban lãnh đạo cuộc phản kháng có đủ lý cớ để tố cáo trước công luận.
Trong việc công khai kế hoạch hành động, ban lãnh đạo phải biết cân nhắc và lượng giá những kế hoạch gì cần công khai và không nên công khai, đồng thời phải biết sắp xếp thứ tự của việc công khai theo một chuỗi những hành động để gia tăng sức ép của số đông lên đối phương. Cụ thể ra chỉ nên công khai những công việc cụ thể để vận động số đông tham gia, như cùng nhau tụ họp tại công trường A, cùng nhau mặc áo trắng, cùng nhau kẽ chữ VN trên áo… Những kế hoạch liên quan đến việc điều phối nhân sự, soạn thảo Thông Điệp, in ấn tài liệu quảng bá, nguồn tài chánh đóng góp nuôi dưỡng phong trào, liên lạc thông tin đều phải giữ bí mật.
3- Quyết Liệt: Đấu tranh để xóa bỏ vĩnh viễn mọi cơ chế độc tài.
Tuy đấu tranh bất bạo động dựa trên nền tảng ôn hòa và không có vũ khí, nhưng các hành động phản kháng phải quyết liệt thì mới chiến thắng được bạo lực của đối phương. Đặc tính Quyết Liệt trong đấu tranh bất bạo động mang hai ý nghĩa.
Tuy đấu tranh bất bạo động dựa trên nền tảng ôn hòa và không có vũ khí, nhưng các hành động phản kháng phải quyết liệt thì mới chiến thắng được bạo lực của đối phương. Đặc tính Quyết Liệt trong đấu tranh bất bạo động mang hai ý nghĩa.
Thứ nhất là không đấu tranh một cách cầm chừng. Mọi hành động phản kháng phải lên kế hoạch rõ ràng, nhất là phải biết linh động điều hướng những đòi hỏi để đạt từng chiến thắng nhỏ trong suốt quá trình đấu tranh. Điều này sẽ giúp cho các thành viên tham gia cuộc đấu tranh không nãn lòng dù phải kéo dài cuộc tranh đấu, đồng thời lôi kéo thêm những thành viên mới tham gia. Ngoài ra, đấu tranh bất bạo động là phương thức nhằm từng bước gia tăng quyền lực về phía quần chúng, cho nên quyền lực này chỉ tăng khi mà tất cả những người tham gia cùng đồng lòng và sẵn sàng chấp nhận mọi đàn áp từ chế độ độc tài.
Hơn thế nữa, khi huy động đám đông quần chúng tụ tập lên đến hàng trăm, rồi hàng ngàn người tham gia, sẽ là lúc mà công an tung ra những thủ đọan dụ dỗ hầu phân tán mỏng đoàn biểu tình hoặc cho người xâm nhập để khiêu khích gây rối. Để giữ vững khí thể của phong trào phản kháng trong mọi trường hợp, phải liên tục kêu gọi các thành viên tham gia luôn luôn dũng cảm và kỹ luật để đối kháng một cách quyết liệt.
Thứ hai là phải triệt để xóa bỏ và ngăn chận mọi sự trở lại của độc tài. Sự tan ra của chế độ độc tài thực ra chỉ cung cấp điểm khởi đầu cho những nỗ lực lâu dài nhằm cải tổ xã hội và đáp ứng các nguyện vọng của người dân, trong khung cảnh của một xã hội tự do. Kinh nghiệm cho thấy là ngay sau khi chế độ độc tài chuyên chính sụp đổ, toàn thể đất nước sẽ đối diện với rất nhiều nan đề trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Lòng dân thì chờ đợi chính quyền dân chủ đẩy nhanh cải cách, để sớm mang lại cho họ một cuộc sống mới, tốt hơn; nhưng thực tế cho thấy là tất cả những chính quyền xuất hiện trong bối cảnh này rất khó ổn định, vì thiếu tài nguyên, phương tiện và kinh nghiệm nên các chính quyền dễ bị tan vỡ.
Chính trong bối cảnh này, một số cá nhân và tổ chức lợi dụng tình thế, tung ra những đòn mị dân để giành chính quyền. Có những trường hợp, trước khi chế độ độc tài sụp đổ, một số phần tử của chế độ tìm cách cắt ngang cuộc đấu tranh cho dân chủ bằng cách giàn dựng một cuộc đảo chánh để chận trước chiến thắng sắp tới của quần chúng đối kháng. Nhóm này tuyên bố là đã lật đổ chế độ độc tài nhưng thực ra chỉ áp đặt lại mô hình chế độ cũ đã được chỉnh trang theo kiểu bình cũ rượu mới. Do đó, dù thành công trong việc gỡ bỏ chế độ độc tài bằng đối kháng chính trị, phải quan tâm đến việc ngăn chận một chế độ áp bức khác nổi lên nhân lúc xã hội còn đang rối loạn.
Đây là lúc đòi hỏi sự quyết liệt của nhiều cá nhân, đảng phái, đoàn thể tôn giáo, xã hội để vừa giải quyết các vấn nạn xã hội, vừa thực hiện cuộc chuyển tiếp trong trật tự qua chế độ dân chủ thật sự một cách thành công.
4- Thương Lượng: Chỉ là giải pháp gỡ bí của thiểu số lãnh đạo độc tài.
Khi lực lượng đối kháng chủ động và cứng rắn trong những đòi hỏi leo thang để từng bước đẩy chế độ độc tài rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, kinh nghiệm cho thấy là hầu hết các lãnh đạo độc tài đều tìm cách gặp gỡ phe đối kháng để thượng lượng qua những cuộc đối thoại gián tiếp hay trực tiếp về tương lai của chế độ. Trong phản kháng chính trị, thương lượng không thể được chọn là một giải pháp. Lý do là khi đã kiểm soát toàn thể xã hội và giữ chặt quyền lực cai trị trong nhiều thập niên dài, giới lãnh đạo độc tài không bao giờ muốn chia quyền lực cho bất cứ ai, bất cứ phe nhóm nào dù là bị đẩy ở thế phải đối thoại với lực lượng đối kháng. Khi cuộc đấu tranh rơi vào những hoàn cảnh này, lực lương đối kháng phải nhận diện rõ ràng về hai tình huống có thể xảy ra:
Thứ nhất là coi chừng những cuộc gài bẫy nguy hiểm mà chế độ độc tài dựng ra để triệt tiêu tư thế chính trị của lực lượng dân chủ hoặc để thủ tiêu những kẻ muốn đi đường tắt. Tuy chế độ độc tài vẫn còn kiểm soát tình hình, nhưng vì liên tục gặp khó khăn bởi những cuộc đấu tranh của quần chúng, giới lãnh đạo muốn thương lượng với lực lượng đối kháng để họ chịu đầu hàng dưới dạng làm "hòa", qua đó cùng chia xẻ trách nhiệm đối phó những vấn nạn đang đè nặng trên cả nước. Sự mời gọi thương lượng nghe qua có vẻ hấp dẫn nhưng phải nói là rất nguy hiểm vì lực lượng đối kháng sẽ không chỉ bị phân hóa trong phòng hội nghị mà còn hứng chịu những đòn trấn áp ngay sau đó.
Thứ hai là trong trường hợp lực lượng đối kháng rất mạnh đang đẩy chế độ độc tài rơi vào hoàn cảnh bị đe dọa thật sự, giới lãnh đạo độc tài muốn thương lượng để cố vớt vát quyền lực và tài sản được bao nhiêu hay bấy nhiêu trước khi buông quyền lực. Trong trường hợp này, lực lượng dân chủ không nên giúp cho nhóm độc tài thực hiện những ý định nói trên mà phải dốc toàn lực để đẩy sập ách độc tài; bởi vì họ chỉ muốn thương lượng để được an toàn ở lại hay ra đi với những tài sản đã tham ô trong nhiều năm cầm quyền mà thôi.
Trong phản kháng chính trị, yếu tố chính tạo ra những thay đổi xã hội là đấu tranh đến cùng chứ không phải là những cuộc thương lượng trên bàn hội nghị. Nhìn vào sự thành công của những cuộc đấu tranh tại Đông Âu và tại một số quốc gia Serb (2000), Georgia (2003), Ukraine (2004)… đa số không được định đoạt bởi sự thương lượng mà là kết quả của những nỗ lực kháng cự liên tục và bền bỉ của các phong trào quần chúng trên đường phố.
5- Kỷ Luật: Là chìa khóa thành công của mọi cuộc phản kháng chính trị.
Một trong phương cách mà chế độ độc tài sử dụng để chống lại phong trào phản kháng là tạo ra một không khí khủng bố bao trùm để đe dọa người tham gia. Trong những bối cảnh như vậy, quần chúng lại càng sợ hãi hơn khi tay không đối đấu với bạo lực. Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên đối với các điều kiện mà tư duy và cơ thể của con người cảm nhận sự nguy hại do những áp chế từ bên ngoài. Chính tâm lý sợ hãi này - nếu không được khắc phục - sẽ tạo ra những rối loạn trong nội bộ của phong trào phản kháng.
Do đó, tinh thần kỷ luật và tự thắng mình là hai nguyên tắc được đề cao trong khi tiến hành đấu tranh bất bạo động. Tinh thần kỷ luật giúp cho khối quần chúng ô hợp trở thành một tập thể có sức mạnh tổng hợp. Tinh thần tự thắng mình sẽ giúp cho mọi người luôn luôn tự chuẩn bị những đối phó trong các trường hợp khó khăn mà không nản lòng hay bỏ cuộc vì quá sợ hãi trước những trấn áp, đe dọa liên tục của công an.
Ngoài ra, trong tiến trình phản kháng chính trị, chế độ độc tài luôn luôn tìm những lý cớ bạo động, phá hoại để tấn công và dập tắt các cuộc tập trung của số đông. Lúc đầu, số người tham gia vào phong trào phản kháng còn ít nên mức tự chế và kiểm soát lẫn nhau còn hữu hiệu. Nhưng khi số người càng đông, khả năng kiểm soát bạo động rất khó và dù chỉ bạo động trong một giới hạn nào đó cũng sẽ phản tác dụng, vì nó sẽ chuyển cuộc đấu tranh qua một trận thế mà chế độ độc tài có thể khai thác để ra tay đàn áp. Các chế độ độc tài thường hay cho công an giả làm du đảng, xâm nhập vào các phong trào phản kháng để xúi dục bạo động hay làm những điều bất hợp lý.
Ví dụ trong cuộc tập trung cầu nguyện của hàng ngàn giáo dân Thái Hà vào đêm 16 tháng 6 năm 2008, Cộng sản Việt Nam đã cho khoảng 20 tên công an đóng vai du đãng, xâm nhập vào đoàn người đang cầu nguyên tại khoảnh đất mà công ty May Chiến Thắng dự tính bán cho một công ty khác để kiếm lợi. Những tên công an du đãng này đã hành hung một số bà mẹ và cố tình tạo cho đám đông phẫn nộ để tấn công ngược lại các tay du đãng. Nhưng các vị Linh mục lãnh đạo buổi cầu nguyện đã kêu gọi mọi người tham dự bình tĩnh và ai là giáo dân thì ngồi xuống. Khi tất cả giáo dân ngồi xuống đất, lòi ra những tên công an giả làm du đãng đứng lêu ngêu trước mặt hàng ngàn giáo dân, nên bọn họ đã phải tự động rút lui. Kỷ luật trong đấu tranh bất bạo động là chìa khóa thành công và phải được duy trì bất chấp mọi sụ khiêu khích và đàn áp của công an.
Nói tóm lại, đối đầu bất bạo động là một phương thức phản kháng chính trị dựa trên sự tụ họp của số đông quần chúng bị áp bức chống lại một thiểu số lãnh đạo độc tài. Trong suốt tiến trình đối kháng này, việc duy trì kỷ luật, can đảm không sợ hãi và công khai đối đầu là ba yếu tố then chốt. Nhưng yếu tố quan trọng bậc nhất là phải có số đông tham gia thì mới đủ áp lực để tạo thay đổi; và số đông này sẽ chỉ trở thành một lực lượng đối kháng dứt điểm độc tài khi ba yếu tố nói trên được tuyệt đối tôn trọng.
Kính thưa quý vị,
Trong đấu tranh bất bạo động, nắm vững các nguyên lý cốt lõi và những đặc tính căn bản chỉ mới đi nửa con đường đấu tranh. Nghĩa là chỉ mới có hiểu cốt tủy của đấu tranh bất bạo động, nhưng chưa hiểu rõ làm sao để chiến thắng. Muốn dấy lên phong trào phản kháng chính trị mạnh mẽ và nhất là chủ động mở ra mặt trận đấu tranh toàn diện vào chế độ độc tài, chúng ta phải biết áp dụng hiệu quả bốn quy tắc hành động như sau:
Bốn Quy Tắc Hành Động:
Thứ nhất là dễ làm. Mọi kế hoạch hành động đều phải nhắm đến công khai, đơn giản, tối thiểu rủi ro và có thể bắt chước ở nhiều nơi khác nhau.
Ví dụ kêu gọi một số người cùng nhau tập hợp trước trại tù của công an cầu nguyện mỗi khi có một nhà dân chủ bị bắt hay bị mang ra tòa. Đây là loại hành động đơn giản, ai tham gia cũng được và có thể áp dụng ở bất cứ đâu.
Thứ hai là chẻ nhỏ. Cần chia thành nhiều chiến thắng nhỏ để tạo sự phấn chấn cho người tham dự và lôi kéo thêm những người khác tin tưởng tham gia. Tuyệt đối không nên tập trung vào một mục tiêu với thành quả quá lớn ngoài tầm tay.
Ví dụ không nên đưa ra mục tiêu đầu tiên là đòi bãi bỏ môn học chính trị và lịch sử đảng Cộng sản trong học đường mà nên khởi đầu bằng việc yêu cầu Bộ giáo dục để cho sinh viên chọn nhiệm ý môn học chính trị và lịch sử đảng. Sau kết quả này, nhóm vận động tiếp tục yêu cầu Bộ giáo dục bỏ môn học nói trên ở các ngành xã hội học, công nghiệp và cuối cùng mới vận động bỏ hẳn môn chính trị và lịch sử đảng CSVN tại các trường.
Thứ ba là lôi kéo. Ưu tiên chọn những công tác lôi kéo hơn là tấn công. Khi phải chọn thế tấn công thì chọn mục tiêu thu nhỏ thay vì tấn công vào một tập thể.
Ví dụ khi bà con dân oan gửi kiến nghị yêu cầu một cơ quan nào đó giải quyết vấn đề ruộng đất của mình bị chiếm đoạt thì không nên quy trách nhiệm cho toàn bộ cán bộ xã hay huyện mà chỉ nên vạch mặt những cán bộ nào có trách nhiệm trong vụ chiếm đất và cùng nhau tranh đấu đến cùng để đòi cấp chính quyền phải giải quyết.
Thứ tư là đẩy chế độ rơi vào thể tiến thoái lưỡng nan. Luôn luôn tìm cách dồn chế độ độc tài phải đối diện và lúng túng trước các vấn đề.
Ví dụ Khối 8406 đưa ra lời kêu gọi cùng nhau mặc áo trắng vào ngày 1 và 15 mỗi tháng. Việc mặc áo trắng tuy chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng đã là một Thông điệp chính trị nói lên hai ý nghĩa: ủng hộ khối 8406 và bày tỏ sự phản kháng chính trị. Khi việc mặc áo trắng ngày một gia tăng và trở thành phong trào rộng lớn trên cả nước thì sẽ đặt chế độ Hà Nội ở vào thế rất khó xử. CSVN không có lý do gì để bắt giữ những người mặc áo trắng, mà nếu không ngăn chận làn sóng kêu gọi mặc áo trắng thì có ngày những người mặc áo trắng sẽ tạo thành biển người gây những áp lực chính trị lên đảng CSVN.
Kính thưa quý vị,
Đến đây, chúng tôi hy vọng là quý vị đã phần nào hiểu rõ đấu tranh bất bạo động không phải phương pháp đấu tranh thụ động, đầu hàng bạo lực; mà trái lại là phương pháp đấu tranh tiệm tiến trong cách tấn công, nhưng vô cùng quyết liệt trong hành động.
Trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét