Bảo Như - DCVOnline
Tôi đã từng nói với một người bạn nhạc sĩ rằng, thôi, nếu ghét cộng, chống cộng thì cứ dùng tình cảm tài năng của mình sáng tác, nói lên tiếng nói của mình, của người, không cần phải tham gia đảng phái làm gì… Tôi nói vậy vì e ngại rằng tâm hồn đa cảm nghệ sĩ của bạn tôi khi dính vào đảng phái sẽ bị chi phối với những vấn đề chính trị, nhuốm màu chính trị, và khi đứng trước một sự kiện, không còn những rung cảm nguyên sơ của người với người, với những biến động chung quanh.
Nhưng suy nghĩ và hiểu biết của con người không đứng yên một chỗ.
Sau khi đọc bài viết “Thái độ phi chính trị” trong tập Di Cảo của giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh thời Đệ nhị Cộng hoà miền Nam, suy nghĩ tôi đã thay đổi, nhận ra rằng người nghệ sĩ chân chính không thể đứng ngoài vòng chính trị. Giáo sư Bông nhận định:
"Trường hợp của những người cầm bút, của văn sĩ, nghề nghiệp họ đưa đến một lập trường chính trị, hoặc có hậu quả chính trị mà họ không ý thức. Những người cầm bút trong những quyển tiểu thuyết hay những quỷên tùy bút, tiểu luận ... khi họ tố cáo những tệ đoan trong xã hội, khi họ miêu tả chánh giới với những đặc điểm như loạn luân, lãng mạn, những con buôn chánh trị, khi họ tố cáo những thối nát của chính quyền, thì dù muốn dù không , hành vi của họ có tánh cách chánh trị, có hậu quả chánh trị, và đôi khi, nhận định của họ có ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sinh hoạt chánh trị." (Di Cảo, p. 70-71)
Đối chiếu với thực tế, tôi thấy rõ điều này. Chẳng hạn qua những tác phẩm hiện thực của nhà văn trẻ Lê Mỹ Hân, dù cô không hề một lần tuyên bố làm chính trị hay viết những nhận định chính trị trong các tác phẩm này, chỉ vô tư tự kể về cuộc đời mình (Quê hương ngày trở lại, Một Người Một Đời), hay trong phóng sự Thiên Thần trong Địa Ngục, thi sĩ Ngô Tịnh Yên chỉ thuần túy kể lại những thảm cảnh tai nghe mắt thấy về nạn buôn người tại Kampuchia, thì ngòi bút của họ đã có một tác động chính trị không nhỏ. Điều này cũng đúng cho các nhạc sĩ. Không ai có thể phủ nhận vai trò chính trị của các nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh ... dù họ lúc sáng tác ắt hẳn cuốn hút theo hứng thú, tình cảm và đam mê hơn là theo những ý đồ chính trị.Thái độ phi chính trị
Tôi nhận thấy hầu hết nữ giới Việt Nam luôn tự đặt mình ngoài chính trị. Họ cho rằng trách nhiệm của đàn bà là lo việc nhà, chồng con là đủ. Trong trường hợp không bị ràng buộc bởi gia đình, có thì giờ cho các công việc theo ý riêng, họ cũng thường tránh xa các vấn đề chính trị, chỉ làm thơ viết văn hoặc tham gia vào một công việc từ thiện nào đó, với ý nghĩ: Chính trị là lãnh vực của các ông. Tác giả Anh Thư từ Úc mà tôi gặp trong Đại hội Văn chương Phụ nữ, tâm sự với tôi là chị “không muốn dây dưa vào chính trị vì phe nào cũng nhận phần phải về mình và bôi bẩn phe địch, thật khó phân trắng đen, phải trái.” Tôi không tin một người có trình độ và lại “cầm bút” mà chỉ có thể dựa vào “lời nói của hai phe,” thay vì nhận định từ những sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Lý do chị Anh Thư nêu ra chỉ có thể giải thích là từ sự thờ ơ về chính trị.
Nam giới Việt Nam thì sao? Nhận định nghiêm túc, đàn ông Việt Nam cũng ít người thực sự tham gia vào chính trị (không phải bàn luận về chính trị). Những từ ngữ như “chính khách xôi thịt,” “chính khách salon”, “con buôn chính trị” thường được dùng để dè bỉu nhiều người có hoạt động chính trị. Còn trong hiện thực người ta thường thấy những bè phái, xảo trá, thủ đoạn trong chính trị, và những luận điệu được công khai chấp nhận là làm chính trị thì phải độc ác, “cứu cánh biện minh cho phương tiện” cũng là thủ thuật nghiễm nhiên của những nhà chính trị, đặc biệt là các nhà chính trị cộng sản. Nói chung, những khái niệm này làm cho rất nhiều người có cái nhìn chán ngán về chính trị, tuyên bố không làm chính trị, và khoanh tay đứng ngoài vòng chính trị. Tôi sở dĩ có nhận định này cũng là từ những lần nghe chuyện của các người đàn ông trong gia tộc.
Nhưng đến ngày hôm nay chúng ta có thể thấy ra rằng khuynh hướng thờ ơ và thái độ phi chính trị của người công dân trong xã hội Việt Nam đã vô hình chung đưa đất nước đến thảm trạng như hiện tại: Đảng CSVN hoàn toàn khuynh loát, giành độc quyền chính trị trên cả nước.
Lão Tử nói, “Làm thầy thuốc mà sai lầm thì chỉ giết một người; làm chính trị mà sai lầm thì tàn hại cả đất nước; làm văn hóa mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời.” Tuy nhiên, trước các hiện trạng của Việt Nam, ai có thể chối cãi được rằng chính vì nền chính trị sai lầm, cả nước dưới sự cai trị của người Cộng Sản mà nền văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng đã và đang bị hủy diệt, cái họa muôn đời.
Có những quan niệm lý giải ra đủ loại “người Việt xấu xí” (ích kỷ, hèn, dân trí thấp, chia rẽ, etc...) là nguyên do cho sự mất nước, là nguyên do cho họa Cộng Sản, và cũng là hậu quả cho sự việc cả nước vẫn tiếp tục chịu để chúng đè đầu cỡi cổ. Người viết không tin vào những nguyên nhân này, mà tin rằng nguyên nhân chính, chính là quan niệm sống “phi chính trị” của đại đa số người dân Việt chúng ta.
Xin trở lại với một bài viết khác của giáo sư Nguyễn Văn Bông từ thập niên 70 về vai trò của đảng phái, ông viết:
".... Có ý kiến cho rằng ai cũng có thể làm chính trị được và trong xứ dân chủ, bất cứ ai cũng có thể làm bất cứ cái gì. Có ý kiến khác cho rằng chánh quyền là một việc phức tạp, tế nhị lắm và chỉ có những người biết chuyện, quen thuộc, học lực cao mới có thể sử dụng chính quyền được. Đó là hai ý kiến hoàn toàn quá khích. Ý kiến thực tế và hợp lý là chánh quyền có thể được hành xử bởi bất cứ quá nhân nào có một trình độ hiểu biết tối thiểu về các vấn đề chính trị. Trình độ hiểu biết tối thiểu ấy, chính những chính đảng là nhà trường, nơi công dân tìm thấy. Tại sao?
Vì một chánh đảng luôn luôn có vấn đề tổ chức, vấn đề thông tin, vấn đề giải thích, vấn đề thuyết phục, vấn đề lấy những quyết định chính trị ... tất cả những vấn đề tương tự như một chính trị gia phải gặp và giải quyết. Lẽ dĩ nhiên, là đảng viên, họ có thể có những cái nhìn khác biệt, những quan niệm chính trị hay những giải pháp lệch lạc, quá khích. Nhưng đứng trên phương diện kiến thức hiểu biết thì chắc chắn rằng một công dân có tham gia hoạt động của chánh đảng thông thạo các vấn đề chính trị hơn một công dân không phải là đảng viên. Chánh đảng là nơi mà các vấn đề chính quyền được đặt đúng với trình độ hiểu biết của công dân." (Di Cảo, p. 78-79)
Tóm lại, người viết rút ra một kết luận từ những bài giảng của giáo sư Bông: Mỗi người công dân có ý thức chính trị là tài sản quý của đất nước, và đảng phái là môi trường tốt nhất để đào tạo những tài sản quý này.
Từ nhận thức trên, người viết rất tâm đắc khi nghe trong một cuộc phỏng vấn gần đây nhất của ông Dương Phục của đài Saigon Phát thanh, Texas với Lê thị Công Nhân, khi đề cập về đảng phái, cô đã phát biểu đại để như sau:
"Tôi sẽ tham gia vào chính trị chuyên nghiệp. Đảng Thăng Tiến Việt Nam không chỉ là một ý tưởng mà là tham gia đảng phái tạo nên yếu tố chuyên nghiệp. Chúng tôi bắt buộc phải học tập từ các tổ chức đảng phái trên thế giới để trở thành chuyên nghiệp.
Viên gạch của Dân chủ chính là sự đa đảng.
Khả năng của con người tiềm ẩn. Mọi người đều có khả năng làm một số việc, nhưng chưa dám làm. Họ nghĩ là họ không làm được, nhưng họ thật sự có thể làm được.
Không ai thay thế ai, mỗi người đều có câu chuyện của mình, sức mạnh của mình.
Tôi tin rằng trong bất kỳ một sự biến chính trị nào thì lực lượng quần chúng mới là sức mạnh thật sự, chứ không phải là những cá nhân xuất chúng nổi bật. Những người này chỉ có thể làm những ngọn đuốc, những người dẫn đường. Nhưng nếu không có ai theo sau thì chúng ta dẫn đường ai bây giờ? Và chính những bước chân rầm rập theo sau đó mới tạo thành sức mạnh thật sự mà chính quyền họ sợ, nhất là cái chính quyền độc tài CSVN này thì phải nói là ’kinh hãi’..."
Đảng phái và điều 4 Hiến pháp của CS
Trên đường phố, trong quán nhậu, học đường, những cá nhân có thể nói chuyện vung vít, vạch ra mọi điều thượng vàng hạ cám những xấu xa, bạo ngược của quan chức cầm quyền hiện tại. Họ không còn quan tâm lắm nữa, hay nói một cách chính xác, họ không thể tiếp tục kiểm soát như xưa khi con số những cá nhân bất mãn đã quá đông, lên đến mức không còn kiểm soát nổi. Nhưng, họ không bao giờ bỏ qua những người biết liên kết lại với nhau, và có khả năng tập hợp. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình năm xưa chỉ mới làm đơn xin lập đảng đã bị xử tù 4 năm. Những người gia nhập đảng phái, đe dọa sự độc tôn của ĐCSVN, đi ngược lại điều 4 HP như Việt Tân, Dân Chủ, Thăng Tiến, Nhân dân Hành động, Vì Dân, Dân Chủ Nhân Dân … bị những bản án nặng không kể, những người chỉ lập những hội nhỏ như Đoàn văn Diên và Đoàn Huy Chương thành lập Hiệp hội Công Nông, và mới đây có thêm Đỗ thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, hay Điếu Cày của hội Nhà Báo Tự Do, chỉ mở blog kêu gọi học sinh biểu tình chống Trung Cộng… cũng không thoát vòng tù tội lên tới năm, mười năm với nhà cầm quyền CS.
Rõ ràng CSVN sợ đảng phái, sợ hội đoàn, sợ những liên kết. Điều này được chính Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết xác nhận, “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát.” Đây là câu tuyên bố rất thành thật (có lẽ là duy nhất) của một người lãnh đạo Cộng sản. Những nối kết là sức mạnh đáng gờm đối với họ. Chấp nhận cho các đảng phái khác hợp pháp cạnh tranh với ĐCS đồng nghĩa với khai tử ĐCS. Điều này ai cũng hiểu, nhưng hiểu rồi làm gì với hiểu biết này mới chính là công năng của người chống cộng.
Câu nói của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã được người ta thêm vào một vế nữa, theo tôi đúng là một danh ngôn hoàn chỉnh nhất trong các danh ngôn về Cộng sản:
Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm. Đừng sợ những gì Cộng sản làm mà hãy làm những gì Cộng sản sợ.
Người viết cũng vô tình đọc được một góp ý của bạn đọc Trần Công trên diễn đàn của DCVOnline, đơn giản nhưng chí lý biết mấy:
Chỉ có mỗi một cách đó là tự nhủ với nhau một câu “hãy đừng sợ” và sát cánh bên nhau mà thôi. Đó chính là điều tiên quyết của đấu tranh bất bạo động.
Người mẹ đau khổ của Đỗ Minh Hạnh kể con gái bà, sau khi tòa tuyên án 7 năm tù, ra ngoài cô đã hát cho Chương và Hùng nghe rằng “Chúng ta sống chết có nhau” liền bị công an dúi đầu cô xuống đập vào thùng xe. Rõ ràng bất chấp sự có mặt của công an, cô có nhu cầu phải nhắn nhủ với chính mình với hai người bạn đồng chí hướng là họ không cô đơn, họ luôn bên nhau.
Phải, người dân bình thường như chúng ta không có vũ khí, không có quyền lực. Nhưng chúng ta có tiếng nói và số đông. Tiếng nói ngoài việc bàn thảo, tranh luận, sẽ không giúp ích nhiều mà còn cần phải vận động số đông, phải làm. Có thể chăng, tìm một người bạn đồng tình; cao hơn nữa, một nhóm cùng chia xẻ những quan tâm, cùng đồng ý góp sức làm một việc. Và thậm chí khi có điều kiện hoặc cơ hội, tham gia vào một đảng phái để tạo sức mạnh chung ... Một mình riêng rẽ, khó ai tránh khỏi sợ hãi. Chỉ có sát cánh bên nhau mới giúp chúng ta không sợ, lại đồng thời khi sát cánh bên nhau, chính là chúng ta “làm những gì Cộng Sản sợ."
Tôi ước mong tất cả mọi người Việt Nam nhỏ bé như tôi, như bạn đều có thể chia xẻ chung một viễn ảnh đang dần thành sự thật: tấm màn tối xám đang dần phủ trùm lên mảnh đất xinh đẹp nhỏ bé bên biển Thái Bình, Việt Nam của chúng ta, và thảm họa diệt vong đang đe dọa nuốt chửng một dân tộc qua ngàn đời bất khuất. Chống lại hiểm họa đó đòi hỏi tất cả mọi bàn tay giơ lên chống đỡ; nó đòi hỏi mọi người Việt phải làm thêm hơn các việc thường ngày một việc.
Nguồn: http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=8064
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét