2010/12/15

Chính phủ Pháp cần phải gia tăng nỗ lực để đòi tự do cho ông Phạm Minh Hoàng

Ký Giả Không Biên Giới

14/12/2010
Ký Giả Không Biên Giới (RSF) đã tổ chức tại trụ sở Paris một cuộc họp báo ngày 14/12/2010 về trường hợp của ông Phạm Minh Hoàng, một giảng viên đại học kiêm blogger người Pháp gốc Việt đang bị giam giữ. Người em trai của ông là ông Phạm Duy Khánh và các thành viên của đảng Việt Tân qua ông Bình Nguyễn đặc trách tại Âu Châu, cũng đã hiện diện nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về ông Hoàng cũng như bàn thảo về vai trò của nước Pháp trong vụ này.
Bị bắt ngày 13/8/2010, cho đến ngày hôm nay ông đã trải qua 4 tháng trong tù. Nhưng gia đình vừa được thông báo vào sáng ngày 14/12/2010, là nhà cầm quyền đã quyết định tiếp tục giam giữ ông thêm 4 tháng nữa để điều tra. Luật pháp Việt Nam cho phép nhà cầm quyền tạm giam các tù nhân chính trị 4 tháng, và có thể được gia hạn 3 lần không cần xét xử và không có luật sư.
Ông Jean-François Julliard, tổng thư ký tổ chức Ký Giả Không Biên Giới, đã nhắc nhở là "tình hình chính trị trong nước hiện đang cực kỳ căng thẳng trước Đại Hội của đảng cộng sản được dự trù vào đầu năm 2011". RSF lo ngại là các nhà đối kháng có nguy cơ trả giá đắt cho những căng thẳng trong nội bộ đảng. Ông Jean-François Julliard khuyến khích truyền thông Pháp và quốc tế hãy loan báo về số phận của ông Phạm Minh Hoàng và lợi dụng đại hội sắp tới để "rọi đèn vào tình trạng tự do ngôn luận và nhân quyền tại Việt Nam, mà ngày nay được xem như là nhà tù thứ hai đối với công-dân-mạng sau Trung Quốc".
RSF yêu cầu chính phủ Pháp gia tăng nỗ lực để đòi tự do cho ông Phạm Minh Hoàng trong thời gian ngắn nhất. Trong lúc các nhà tranh đấu nhân quyền người Việt có hai quốc tịch thường được trả tự do hay trục xuất sau vài ba tuần lễ là tối đa, ông Phạm Minh Hoàng đã trải qua 4 tháng trong tù. Bộ ngoại giao Úc đã thành công đòi tự do chỉ trong vòng mươi ngày cho bà Võ Hồng, một nhà hoạt động nhân quyền và đảng viên Việt Tân người Úc gốc Việt; bà bị bắt vì đã tham gia một cuộc biểu tình chống lại tham vọng của Trung Quốc trên vấn đề lãnh hải Việt Nam tại Biển Đông.
Ông Bernard Kouchner, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao, đã trả lời một văn thư của RSF hồi tháng 9 vừa qua giải thích rằng quyền thăm viếng lãnh sự đã được thực thi. Gia đình đã thường xuyên được thông báo là "các cuộc thương thuyết tiếp tục", mà không cho biết thêm chi tiết và cũng không thấy được một tiến triển nào. RSF lo ngại tình trạng "làm cho có lệ" từ phía Pháp, để tránh gây nguy hại đến quan hệ Pháp-Việt.
Ông Phạm Duy Khánh đã khen ngợi lòng can đảm của bà chị dâu ông, Lê Thị Kiều Oanh. Ông nói về bà như một bậc nữ lưu kiên cường, như một biểu hiện cho những phẩm giá của chồng đã bị tước đoạt. Ông cũng cho biết, bà đã chỉ được gặp mặt ông Hoàng trong hai lần ngắn ngủi, lần nào cũng bị giám sát bởi công an. Ông cũng lo ngại về sự kiện anh ông "đã ốm đi nhiều, tình trạng sức khỏe suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì bị biệt giam và cô lập thông tin, anh Hoàng không còn là con người của lúc trước, lý luận của anh cũng bị thay đổi". Ông Khánh cũng lo ngại rằng nếu bị giam giữ như thế này trong vòng một năm, nhà cầm quyền có thể ép cung hay đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận để được trả tự do. Đảng Việt Tân quan ngại rằng sẽ có "một bản án với những lý do ngụy tạo để làm gương và gây sợ hãi trong quần chúng".
Ông Phạm Duy Khánh đã nêu ra 4 tình huống có thể xảy ra trong những tháng trước mắt: "Anh Hoàng được trả tự do và miễn tố, anh bị gia hạn tạm giam, nhà cầm quyền trục xuất anh ra khỏi Việt Nam, hay đưa anh ra xét xử bất cứ lúc nào trước một tòa án". Ông Khánh cũng cho biết là ông Phạm Minh Hoàng không có luật sư, mà chỉ có gia đình có luật sư, "nhưng bao lâu chưa kết thúc điều tra thì luật sư không có quyền tham khảo hồ sơ cũng như gặp mặt ông Hoàng". Ông cho biết thêm rằng "đương nhiên gia đình mong muốn ông Hoàng được trả tự do vô điều kiện. Nếu ông Hoàng lựa chọn một cách hoàn toàn tự do ở lại trong nước sau khi được thả thì gia đình sẽ tôn trọng sự lựa chọn của ông nhưng ông phải được sống với điều kiện tốt đẹp, có một cuộc sống bình thường và được tôn trọng. Trường hợp những điều kiện này không được đáp ứng, chúng tôi mong muốn ông bị trục xuất. Những điều kiện để ông được trả tự do cũng quan trọng như sự trả tự do cho ông."
Cuối cuộc họp báo, ông Phạm Duy Khánh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự huy động dư luận quốc tế, của sự thông tin và sự cần thiết không để cho trường hợp của anh ông cũng như của những người tranh đấu cho nhân quyền trong nước bị rơi vào quên lãng. Ông Bình Nguyễn cho biết là Đảng Việt Tân đã tung ra một chiến dịch vận động trên toàn thế giới. Bản kiến nghị yêu cầu trả tự do cho ông Phạm Minh Hoàng và những thành viên khác của đảng Việt Tân đã thu thập được 17 ngàn chữ ký. Ông Bình cũng đưa ra nhận xét rằng sự huy động dư luận mạnh mẽ cho những con tin người Pháp ở hải ngoại đã tương phản một cách kỳ lạ với sự im lặng trong vụ blogger Phạm Minh Hoàng, 55 tuổi, mang quốc tịch Pháp, đã từng sinh sống và học tập tại Pháp trong vòng 20 năm.
Ký Giả Không Biên Giới đã xin có cuộc hội kiến với bà Bộ Trưởng Ngoại Giao, Michèle Alliot-Marie, để đưa trường hợp ông Phạm Minh Hoàng đặt thành vấn đề với những người trách nhiệm Bộ Ngoại Giao. Tổ chức RSF cũng đã viết một bức thư cho Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, nhân dịp bà tới thăm Hà Nội ngày 30/11 vừa qua, yêu cầu bà tạo áp lực để đòi trả tự do cho những ký giả và bloggers đang bị tù đày. Một văn thư khác cũng đã được gửi tới Ngân Hàng Thế Giới yêu cầu đưa các vấn đề nhân quyền và tù nhân chính trị vào trong khuôn khổ các cuộc hội đàm của các quốc gia tài trợ tại Hà Nội, vào các ngày 7 và 8/12/2010 vừa qua. Tổ chức RSF đã nhận được thư phúc đáp, cam kết rằng, Ngân Hàng Thế Giới chú ý tầm quan trọng của những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận, cũng như của sự tiếp tục những cuộc đối thoại xây dựng đối với Việt Nam.
Muốn biết thêm chi tiết về vụ Phạm Minh Hoàng bị bắt giam, xin truy cập các websites sau :
JPEG - 249.4 kb
Binh Nguyen, Jean-François Julliard, Duy-Khanh Pham
JPEG - 197.3 kb
Duy-Khanh Pham
JPEG - 195.6 kb
Jean-François Julliard, Duy-Khanh Pham

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét