2010/10/15

Vui mừng, hãnh diện… nhưng giữ trong lòng

Ngô Văn

Mỗi năm cứ vào đầu thu, tức khoảng đầu tháng 10, cả chính trị bộ Cộng sản Trung quốc lẫn Cộng sản Việt Nam đều lên cơn dị ứng nặng. Không phải tại khí trời. Mà vì một giải thưởng ở tận trời Âu có tên là giải Nobel Hòa Bình.
Trong lúc Bắc Kinh lo ngại giải này rơi vào tay ông Liu Xiaobo (tức Lưu Hiểu Ba), một nhà văn tranh đấu cho nhân quyền đang bị nhà cầm quyền bắt ngồi tù, thì Hà Nội lo lắng Hòa thượng Thích Quảng Độ sẽ được chọn để nhận giải. Cả hai nhà nước cộng sản này lo sợ là phải vì nếu ông Hiểu Ba hay thầy Quảng Độ được chọn thì tất cả những nỗ lực tuyên truyền về việc tôn trọng nhân quyền của Bắc Kinh và Hà Nội bấy lâu nay này trở thành vô nghĩa. Chính vì lẽ đó mà Bắc Kinh áp lực mạnh với chính phủ Na Uy để yêu cầu không trao giải này cho Lưu Hiểu Ba. Hà Nội, không có bắp thịt kinh tế để tạo áp lực, đành bám gót theo dè bỉu giải Nobel Hòa Bình chẳng còn giá trị nếu trao cho thầy Quảng Độ.
Được biết năm nay (2010) có tất cả 237 người được đề cử vào danh sách ứng viên giải Nobel Hòa bình. Trong đó nhà văn Lưu Hiểu Ba và Hòa thượng Thích Quảng Độ được nhiều sự chú ý. Mỗi vị có tên trong danh sách cao quí này đều có quá trình phục vụ, cống hiến cho con người, đặc biệt trong phạm vi Nhân Quyền, và được các dân biểu, nghị sĩ các quốc gia hay những nhân vật nổi tiếng trên thế giới tiến cử.
Ngày 8 tháng 10, tại Oslo, thủ đô Na Uy, Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa Bình, ông Thorbjoern Jagland, đã công bố ông Lưu Hiểu Ba là người được chọn cho giải Nobel Hòa Bình 2010. Trong diễn văn tuyên bố lý do, ông Jagland nói rằng: “Ông Lưu Hiểu Ba hội đủ điều kiện để được trao giải. Hơn thế nữa, nếu chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước việc nhân quyền bị chà đạp tại Trung quốc thì tình trạng nhân quyền căn bản của cả thế giới sẽ bị xuống cấp”. Khi các ký giả hỏi rằng Ủy ban Nobel Hòa Bình có bị Bắc Kinh áp lực không, ông Jagland đáp ngay là: “Có, nhưng Ủy ban không bao giờ khuất phục cho dù áp lực đó đến từ bất kỳ ai”.
Hầu như năm nào các nước cộng sản, độc tài đều cử quan chức lớn đến Na Uy tạo áp lực với Ủy ban Nobel Hoà Bình. Năm nay cũng vậy, vào tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Trung quốc đã gặp Tổng thư ký Ủy ban Nobel Hòa Bình để làm áp lực không trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba. Ông Jagland trình bày quan điểm của Ủy ban rằng tuy giải mang tên Nobel Hòa Bình, nhưng muốn có hòa bình thì trước tiên phải có nhân quyền. Nên những ai vận động cho nhân quyền đều được Ủy ban đánh giá cao và xét duyệt để trao giải. Không có gì mâu thuẫn trong lý luận đó cả.
Ngay sau khi Ủy ban Nobel Hòa Bình công bố tin ông Lưu Hiểu Ba đã được chọn để lãnh giải, các ký giả nước ngoài ở Bắc Kinh liền tìm đến nhà bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, để phỏng vấn. Nhưng công an còn nhanh hơn họ và đã dựng hàng rào không cho bất kỳ ai đến gần nhà bà Lưu Hà. Phỏng vấn bà Hà không được, các ký giả xoay qua hỏi cảm tưởng người dân quanh vùng về việc ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình. Câu trả lời nhận được từ đa số người dân là: “Các ông muốn tôi bị công an bắt hay sao mà hỏi tôi câu đó. Tôi có vui mừng, hãnh diện nhưng giữ trong lòng thôi. Các ông đã biết nhà nước này chống đối tới cùng việc trao giải thưởng Nobel Hòa Bình cho ông Ba mà.”
Hệ thống tiếp vận của các đài truyền hình ngoại quốc như CNN, BBC, NHK ở Trung quốc khi loan tin này đều bị cúp đồng loạt. Đến lúc này thì nhà nước cộng sản Bắc Kinh, hoặc vì mệt mỏi hoặc vì quá tự tin vào sức mạnh kinh tế, bất chấp sự phê phán của thế giới về những hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận như thế này. Họ chỉ cần làm sao bịt mắt người dân Trung quốc bằng mọi giá.
Tổng thống Obama của Hoa Kỳ, người được giải Nobel Hòa Bình 2009, lên tiếng ca ngợi ông Lưu Hiểu Ba và yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc trả tự do ngay cho ông Ba. Nhật Bản là quốc gia ít khi muốn đề cập đến chuyện đàn áp nhân quyền của nước khác, nhưng lần này Thủ tướng Nhật đã lên tiếng. Ngoài lời chúc mừng, ông còn nói thêm rằng khi chọn ông Lưu Hiểu Ba để trao giải, Ủy ban Nobel Hòa Bình cũng đã gởi một thông điệp cho nhà nước Trung quốc: phải cải thiện tình trạng nhân quyền. Ông khuyên Bắc Kinh hãy chấp nhận thông điệp đó để cải thiện hơn là gay gắt chống đối.
Hà Nội tuy không có bắp thịt kinh tế như Bắc Kinh nhưng cũng hung hăng ra mặt. Cách đây hai năm vào ngày 09/10/2008, tất cả báo đài ở Việt Nam đều nhận được chỉ thị do Nguyễn Thế Kỷ, Vụ trưởng vụ Báo chí-Xuất bản của ban Tuyên giáo Trung ương đảng CSVN, tung ra để đối phó với tình huống Hòa thượng Thích Quảng Độ được chọn để nhận lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình. Nội dung công điện chỉ đạo ghi rõ rằng: “trong trường hợp Thích Quảng Độ được trao giải, báo chí ta đăng lời phát ngôn của người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam kịch liệt phê phán việc trao giải vừa phi lý, thiếu thiện chí, vừa làm hoen ố một giải thưởng vốn danh giá, hướng thiện. Lên án những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng của nhà nước để vi phạm pháp luật, giáo lý nhà Phật, phản dân, hại nước, đi ngược lại ước nguyện hòa bình, hạnh phúc, tiến bộ của nhân dân Việt Nam. Chuẩn bị sẵn bài viết, phóng sự, hình ảnh, tư liệu về vấn đề này để đấu tranh. Chú ý phỏng vấn, lấy ý kiến người dân, ý kiến các bậc chân tu phản đối việc trao giải, lên án Thích Quảng Độ và các thế lực đen tối khác …”. Tóm tắt là chuẩn bị cả một kế hoạch bôi nhọ bất cần chứng cớ hay lý lẽ.
Trong lúc cả thế giới khinh bỉ những kẻ độc tài, lạc hậu, gian ác tại Bắc Kinh và xem thường các trò áp lực của họ, thì lãnh đạo Hà Nội lại tiếp tục ôm lấy họ làm thầy, làm cha và ngày càng run rẩy trước từng đòi hỏi của Bắc Triều.
Liệu dân tộc Việt Nam có chấp nhận tiếp tục quì rạp đầu sau lưng lãnh đạo đảng CSVN trước Thiên Triều không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét