VV
Ban biên tập web Việt Tân: Tiết mục "Làng Dân Báo" sẽ giới thiệu thường xuyên đến quý độc giả những bài viết đa dạng từ các cây viết bloggers. Đây là những trăn trở chân thực và "ngoài luồng" của quần chúng Việt Nam.
Trong mục tiêu này, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết nhan đề "Ngày quốc khánh và hai vị giáo sư toán" của "VV", một học trò của giáo sư Phạm Minh Hoàng (Nguồn: http://tudophamminhhoang.wordpress.com/)
— -
Hôm nay đất nước tôi mừng ngày quốc khánh, nếu không nhắc đến những khác biệt về ý nghĩa của ngày này theo quan điểm chính trị thì đối với riêng bản thân tôi ngày quốc khánh cũng luôn có ý nghĩa đặc biệt. Đó là ngày đất nước thực sự thành lập được một chính phủ, quyền lực cai trị đất nước không còn nằm trong tay một người hay một chính thể do ngoại bang lập nên (trên giấy tờ). Là ngày Việt Nam tuyên bố với thế giới rằng đất nước này là đất nước của “Dân Chủ” và “Cộng Hòa”. Tự thủa khai sinh, đất nước tôi đã tuyên bố với thế giới như thế, đã hứa với toàn dân như thế. Nhưng giữa lời nói và việc làm luôn có một khoảng cách, xa hay gần là do người hứa thực hiện.
Lựa chọn con đường chính trị khác người, tuyên chiến với phần đông thế giới, tự cô lập mình cả về kinh tế và quân sự, lâu lâu lại “được” chính quyền Mỹ cho vào danh sách đen về nhân quyền, dân chúng ca thán về bao vấn đề mà các quan chức vẫn có người bịt tai không nghe… Đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải tự xem xét lại con đường của mình. Nhiều người nói ta sai mà ta vẫn khăng khăng ta đúng trong khi chính bản thân ta phải chịu nhiều thiệt hại thì cũng đáng phải xem lại mình lắm chứ. Bản chất Chủ Nghĩa Cộng Sản không xấu, chẳng phải xưa kia các tín đồ đầu tiên của Thiên Chúa giáo đã sống trong một cộng đoàn tuyệt vời như thế sao?! Nhưng rồi họ cũng không thể giữ được lâu vì bản chất của con người là yêu thích sự tự do, ai muốn tu hành, sống trong cộng đoàn thì sống, ai không muốn có thể ra ngoài. Nếu cộng sản nắm quyền tốt thì chẳng việc gì phải sợ việc các đảng phái khác được thành lập, nếu không thì rõ ràng là sợ mất quyền lực, mất lợi ích rồi. Cạnh tranh sòng phẳng, thuyết phục được người khác thì nếu anh tốt anh sẽ được người khác công nhận, liên tục cải tiến anh sẽ không sợ đối thủ qua mặt. Nếu cứ khăng khăng độc quyền, không cho người dân quyền lựa chọn thì còn đâu là “Dân Chủ”. Trên những diễn đàn về đất nước, những người ủng hộ chính thể này luôn gọi các người bất đồng chính kiến là phe “Dân Chủ”, vậy chẳng khác nào đã tự nhận mình là “phi Dân Chủ” đó sao?Theo sách vở, theo những gì tôi được học từ trường lớp, được tiếp thu kiến thức và lớn lên hoàn toàn trong “Xã hội chủ nghĩa” thì cộng hòa có nghĩa là người dân được đi bầu cử và được quyền ứng cử để giữ những trọng trách với đất nước. Mỗi lần có dịp bầu cử là người ta lại hoan hô, ca tụng nhân dân rất có nghĩa vụ với đất nước khi tỉ lệ cử tri đi bầu lúc nào cũng trên 90%!!! Nhưng xem kỹ lại thì hình như chỉ có ta biết với nhau và nói với nhau điều đó khi mà chẳng có cuộc bầu cử nào của ta có quan sát viên quốc tế đến theo dõi quá trình bầu và kiểm phiếu. Chính bản thân tác giả khi lần đầu tiên được thực hiện quyền làm chủ này của mình với đất nước cũng đầy hồi hộp và tự hào. Nhưng hỡi ôi, tới ngày bầu cử thì ba mẹ kêu cầm hết thẻ cử tri của cả nhà và của cả cậu, dì đi bầu luôn, hơi ngạc nhiên, hỏi lại thì được nói là cứ cầm hết đi bầu đi, không sao đâu, không có lát nữa người ta tới nhà gọi đi nữa thì phiền. Đến nơi thì cô thư ký ok thiệt! Đưa bao nhiêu thẻ cử tri là lấy bấy nhiêu phiếu bầu, vô phòng bỏ phiếu thì ông nào ông nấy lạ hoắc, chẳng nghe bao giờ, lại toàn đảng viên, thôi thì gạch đại vậy cứ 1-3-5 lại 2-4-6, ông nào cũng có phiếu cho vui vẻ cả làng . Nhìn quanh thì không riêng gì mình mà bà con xung quanh ai cũng thế (cũng cầm một người 3,4 thẻ cử tri và gạch vội vàng cho xong chuyện), chẳng người nào cầm một thẻ hết!!! Cộng hòa là thế đấy! Nhớ lại lời hứa khi khai sinh đất nước đã bị nuốt trọn.
Dạo gần đây báo chí Việt Nam liên tục đưa tin về Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, người vừa lãnh giải thưởng Fields danh giá trong ngành toán. Các cơ quan báo chí liên tục đưa tin về vị giáo sư này, họ kể chuyện đời của vị giáo sư, soi mói vào đời tư từ khi lọt lòng tới khi nhận giải, họ hết lời ca ngợi một người con đã làm rạng danh dân tộc, họ nhận đất là công lao của “xã hội chủ nghĩa”. Nhưng họ không nhắc đến chuyện giáo sư Ngô Bảo Châu cũng là một trong những người ký vào lá thư kiến nghị lên thủ tướng về việc chính phủ đã giao cho Trung Quốc khai thác một cách bừa bãi bauxite ở Tây Nguyên. Họ chỉ đề cập đến vấn đề chuyên môn của giáo sư trong khi thậm chí có người còn chưa hiểu được chữ “bổ đề” nghĩa là gì! Họ hướng cái nhìn của người dân theo một hướng khác, không để cho người dân biết những thứ họ muốn giấu. Trong khi giáo sư Ngô Bảo Châu được ca ngợi, tôn vinh, được nhà nước đòi trao hết giải thưởng này, đến huy chương kia, được tặng cả một biệt thự ở Tuần Châu (nhưng ông không nhận biệt thự, còn huy chương nếu có trao thì chắc ông cũng không dám từ chối đâu).
Cùng thời điểm đó cũng có một giảng viên khác cũng về Toán học lặng lẽ nhận… lệnh bắt khẩn cấp, không một bài báo, không một thông báo chính thức cho sinh viên biết về việc này. Đó là người thầy của tôi, thạc sĩ Phạm Minh Hoàng.
Có nhiều nét tương đồng với giáo sư Châu, thầy Hoàng cũng sang Pháp du học từ khi tốt nghiệp tú tài, khi tự nguyện về nước thầy cũng dạy những môn về Toán như sử dụng và lập trình bằng các phần mềm Matlab, Maple để giải các bài toán cơ học, tối ưu hóa, phương pháp tính nâng cao.
Là người học trò đã từng theo học đầy đủ những môn học của thầy trong chương trình đào tạo, tôi nhận thấy thầy thực sự có tâm huyết với nghề, có tấm lòng đối với đất nước. Thế mà lý do họ bắt thầy là để điều tra khi biết thầy tham gia ký tên vào thư kiến nghị về vấn đề Bauxite ở Tây Nguyên như giáo sư Ngô Bảo Châu cũng như mở các lớp học miễn phí về kỹ năng lãnh đạo cho các sinh viên. Được thầy giới thiệu tham gia khóa học kỹ năng lãnh đạo đó, tôi nhận thấy cả khóa học chỉ là những kỹ năng giúp ích trong cuộc sống như sắp xếp thời giờ, biết quan tâm người khác, tìm cách vượt qua những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Không hề có một vấn đề chính trị được đề cập đến trong khóa học (cái tội mà họ muốn kết cho thầy là “âm mưu lật đổ chính quyền”), thậm chí khi một học viên nào đó đề cập đến vấn đề này thì các giảng viên cũng khéo léo hướng sang hướng khác, cả khóa học hoàn toàn là sự huấn luyện những người trẻ chúng tôi hướng về đất nước, về xã hội, biết hy sinh bản thân một chút để phục vụ cộng đồng, biết nhận thức điều thiện điều ác và chung tay ngăn chặn cái ác.
Có thể chất lượng những buổi học miễn phí này không cao như những khóa học mắc tiền khác đang được mở tràn lan (mà nhà nước không quản lý được!), nhưng việc thầy làm giống như bữa cơm cà đạm bạc mà đủ chất cho những sinh viên nghèo. Ở thầy Hoàng tôi còn nhận thấy sự trung thực và tấm lòng thực sự với đất nước. Khi giảng bài, thầy thường lồng ghép những bài toán thực tiễn mà đất nước đang gặp phải để chúng tôi giải quyết (tất nhiên là theo phương pháp và tầm hiểu biết của sinh viên) như bài toán về tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng của tình trạng lạm phát của nước ta so với nước ngoài, bài toán về giao thông đô thị v.v. Giải xong những bài toán ấy (trên giấy thôi), chẳng biết ngoài đời có làm được không nhưng chúng tôi dần xác định được chính xác hơn vị trí của nước ta trên bản đồ thế giới, từ đó tự hứa với lòng sẽ cố gắng rèn luyện mình hơn nữa để mai sau dù đi đâu cũng sẽ làm rạng danh dân tộc Việt.
Bây giờ đã hơn hai mươi ngày kể từ khi thầy Hoàng bị bắt, gia đình và toàn thể bạn bè, học trò thầy vẫn không có một tin tức gì về thầy, kể cả việc thầy đang bị giam chính xác ở đâu. Ngày 2-9, nói về tự do, nói về dân chủ, về cộng hòa thì xin nhà nước hãy nói thẳng, nói công khai về “tội” của thầy tôi cho toàn dân được rõ! Xin hãy thực thi đúng pháp luật mà quốc hội đã thông qua là trả tự do cho thầy khi đã tạm giam quá hạn điều tra! Các học trò thầy vẫn từng ngày lên internet theo dõi tin tức về thầy nhưng vẫn chỉ là số không. Xin hãy thực hiện đúng tinh thần mà những người khai sinh ra đất nước này đã thề hứa và thậm chí hy sinh sương máu để xây dựng và giữ lấy: tự do – dân chủ – độc lập – hạnh phúc cho cả dân tộc. Thực hiện được điều này thì sẽ không khó để kêu gọi những người con xa xứ như giáo sư Ngô Bảo Châu về giúp đỡ đất nước. Còn nếu không, họ lại nhìn vào hoàn cảnh của thầy Phạm Minh Hoàng thì… Hãy để cho thế hệ trẻ có cơ hội được học tập với những chuyên gia hàng đầu, để đất nước này thực sự có ngày “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” hỡi những nhà lãnh đạo!
Ngày 2 tháng 9 năm 2010
VV, Một học trò của thày Hoàng
VV, Một học trò của thày Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét