Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-09-08
Ngày 5/9, LM Nguyễn Văn Hùng, thuộc Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô Dâu Việt tại Đài Loan, đã đến Bangkok, Thái Lan gặp gỡ, hỗ trợ tinh thần cho số chừng 40 người giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn tại đó.
Sau khi về lại Đài Loan, vào sáng ngày 8 tháng 9, Linh mục Nguyễn Văn Hùng dành cho Đài Á Châu Tự do cuộc nói chuyện về ngày gặp mặt đó. Trước hết Linh mục Nguyễn Văn Hùng thuật lại:
- Linh mục Nguyễn Văn Hùng. Photo courtesy of LM Nguyễn Trung Tây.
LM Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi có may mắn được thăm viếng số giáo dân Cồn Dầu đang tỵ nạn chính trị tại Thái Lan. Chuyến thăm viếng kéo dài một ngày. Chúng tôi đến dân thánh lễ chủ nhật cho giáo dân Xứ Cồn Dầu; sau khi dâng thánh lễ xong, chúng tôi tâm tình với nhau. Có một số bị bệnh cảm, chúng tôi có mang theo thuốc để giúp họ. Bản thân tôi biết châm cứu, nên tôi cũng đã giúp châm cứu cho bà con. Đồng thời chúng tôi cũng dạy cho bà con một số phương pháp trị bệnh bằng cách bấm huyệt để trong thời gian này bà con có thể giúp đỡ cho nhau. Rồi chúng tôi đọc kinh, lần chuỗi trước khi chia tay.
Gia Minh: Linh mục cho biết ngoài việc lo cho tinh thần của các giáo dân tỵ nạn, còn có cuộc nói chuyện tâm tình với họ. Vậy họ chia sẻ những gì?
LM Nguyễn Văn Hùng: Theo tôi nghĩ có ít nhất ba điều quan trọng.
Điều thứ nhất là đức tin, thứ hai sự khủng bố của công an thành phố Đà Nẵng và của ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh; và điều thứ ba là phản ứng của giáo hội Công giáo nói chung và của đức cha Châu Ngọc Tri nói riêng.
- Giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn tại Thái Lan phải sống lén lút (theo yêu cầu vì an toàn chưa tiện để thấy mặt), ảnh chụp tháng 8 năm 2010.
Thứ nhất về đức tin. Từ trước đến giờ tôi vẫn nghĩ giáo dân Xứ Cồn Dầu được cha xứ hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng thực ra đây là đức tin của những người công giáo thuần thành, vì lòng mến Chúa, yêu Giáo hội nên muốn quay quần quanh Nhà Thờ và Thánh địa là nơi họ có thể lấy lại được sức mạnh về tinh thần sau những ngày lao động mệt mỏi. Và cũng nhờ sức mạnh tinh thần đó mà họ hoàn toàn phó thác cho Chúa trong cả chuyến hành trình qua Thái Lan để xin tỵ nạn và nay gặp muôn vàn khó khăn. Và nhờ đức tin này chúng tôi đã hiệp thông với nhau và trong thánh lễ chúng tôi đã xúc động rất nhiều lần. Bản thân tôi trước kia tôi cũng là một tỵ nạn chính trị đi vượt biên, và qua sự hiệp thông đó tôi có một quyết tâm. Đó là phải bằng mọi cách đưa sự kiện này ra trước công luận cho Liên Hiệp Quốc biết được đây là những người tỵ nạn chính trị mà nếu bị đưa về Việt Nam sẽ bị muôn vàn khó khăn, nguy hiểm.
Điều thứ hai là sự tàn bạo, khốc liệt, khủng bố của công an Đà Nẵng tại giáo xứ Cồn Dầu, cũng như của ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Trước khi qua, tôi chỉ nghe, và qua kinh nghiệm bản thân khi còn bé, tôi thấy đối xử của những người chiến thắng với những sĩ quan quân đội miền nam Việt Nam. Nay qua Thái Lan tôi thấy lại sự tàn bạo đó qua lời kể của những nạn nhân bị đánh đập. Họ sử dụng những chiêu thức, như trong trả lời phỏng vấn của chị vợ anh Nguyễn Thành Năm: ‘đánh cho có mà có phải khai’. Những người này đứng ra đòi hỏi quyền được sống cuộc sống tôn giáo mà cách đây cả 135 năm đã là như vậy. Tuy nhiên chỉ vì quyền lợi của ông Nguyễn Bá Thanh liên quan đến mảnh đất mà các cha sở và tổ tiên, cha ông của họ đã vun xới trong một thời gian dài như vậy. Họ nói với chúng tôi họ không vì đất đai mà chỉ vì đức tin mà thôi. Qua đó tôi thấy, chỉ vì đức tin mà những người như anh Nguyễn Thành Năm đã bị giết, và những người đang tỵ nạn tại Thái Lan và gia đình của họ bị quấy nhiễu, áp lực, khủng bố như vậy đó. Tôi không tưởng tượng được chuyện như thế xảy ra trên một đất nước, mà họ tự gọi là ‘hơn triệu lần các nước tư bản khác’.
Điều thứ ba là vấn đề về tôn giáo. Một trong những người tỵ nạn cho biết họ đã đến gặp đức cha Châu Ngọc Tri bốn lần để trình bày với đức cha những sự kiện đã xảy ra như thế nhưng đức cha vẫn vô tri. Trong những trường hợp như vậy, tôi nghĩ đức cha Tri ít nhất là người ‘đại diện cho Chúa Kitô, người có một tấm lòng nhân ái’, chưa nói chuyện ai đúng , ai sai, lòng nhân ái đó phải thúc đẩy ngài đến để an ủi, vỗ về những vết thương của những người đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, mà đại diện là công an đánh đập một cách tàn bạo. Cả những trẻ em và phụ nữ cũng bị đánh đập. Tôi không hiểu lòng nhân từ của một vị mục tử ở đâu; đó là câu hỏi lớn trong đầu tôi.
Gia Minh: Cuộc sống của những người tỵ nạn bao giờ cũng khó khăn, vậy tình hình của số giáo dân Cồn Dầu đang tỵ nạn tại Bangkok thế nào?
LM Nguyễn Văn Hùng: Tôi không được gặp họ ngay tại chỗ họ ở mà ở một nơi khác. Vấn đề mà tôi nhận thấy khó khăn nhất của họ hiện nay là vấn đề tài chính, tiền bạc. Họ phải tự trang trải cho cuộc sống hằng ngày, bệnh tật, thuốc men. Tôi có hỏi họ chi phí hằng tháng cho mỗi người bao nhiêu. Họ cho biết một người, chi phí một tháng khoảng 150 đô la Mỹ gồm tiền thuê phòng, ăn uống hằng ngày, tiền bệnh tật phải đi bác sĩ. Tôi thấy ở đó có nhiều trẻ em bệnh họ sặc sụa, một số anh cũng cảm. Họ lo lắng cho bản thân họ thì ít, mà lo cho gia đình ở quê nhà bị sách nhiễu, khủng bố tinh thần thì nhiều.
Gia Minh: Cám ơn Linh mục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét