Hà Sĩ Phu
Sáng nay đọc trang Boxitvn tôi được gợi cảm sâu sắc, bởi thấy hai bài Hội chứng "ghét cán bộ"... và Văn hóa “Mặt dày” liên quan với nhau mật thiết, bài nọ cắt nghĩa cho bài kia.
Tại sao ghét cán bộ?
Vì đến nay số đông cán bộ đã bị chứng... mặt dày! (không dám vơ đũa cả nắm, nhưng có là số đông mới hình thành nên một thứ “văn hóa mặt dày” chứ?). Tự nhiên một câu hỏi cứ bật ra: Tại sao “cán bộ” của ta lại gắn với “mặt dày” đến nỗi dân cứ thấy cán bộ là ghét? Sao lại có điều vô lý thế, sao lại có thể ăn nói với nhau khó nghe thế?
Xin hãy bình tâm, không vô lý chút nào. Vì đằng sau những cán bộ ấy là một chữ QUYỀN to tướng để dựa lưng. Tôi dám chắc khi chưa dính đến chữ Quyền thì những người này cũng có bộ mặt nếu không mảnh mai dễ thương, thì ít ra cũng biết xấu hổ như mọi người.
Có quyền thì sướng lắm, trong bầu không khí độc quyền thì “có quyền mua tiên cũng được” chứ mua dâm đã ăn nhằm gì? Vì thế muốn mua được cả “tiên” thì trước hết phải mua được chức quyền đã! (bây giờ nhiều chức phải mua tiền tỷ, nhiều tỷ nữa). Mua Quyền còn lãi hơn mua đất, một vốn bốn... mươi lời. Kinh doanh Quyền mới là bọn lái buôn thượng thặng. Vì đất không biết tự đẻ chứ Quyền thì “tự đẻ” mãnh liệt: xu hướng tự nhiên của quyền lực là lạm quyền, nó cứ bành trướng đến khi nào gặp một trở ngại không thể vượt qua. Montesquieu đã có phát hiện rất quý báu này.Vì thế một xã hội văn minh khi tạo lập quyền lực bao giờ cũng phải có ngay một “cơ chế hãm quyền lực” đi kèm theo. Cách tự hãm của hệ quyền lực là tạo ra nhiều trung tâm quyền lực độc lập với nhau, đến mức đủ để kiềm chế nhau (chứ không vào hùa với nhau) và người trọng tài phán quyết cuối cùng là Nhân dân, trọng tài thật chứ không phải trọng tài danh nghĩa.
Sàng lọc mãi, xã hội đã thấy cần ba trung tâm quyền lực là đủ: phải tam quyền phân lập. Công thức tổng quát đó có thể cải biến ít nhiều tùy từng nước, nhưng điều cấm kỵ là 3 quyền đó không được nhập vào một nơi, không được sinh từ cùng một chỗ. Ta thay chữ “phân lập” bằng “phân công” là cách đánh tráo ngôn từ nguy hiểm. Phân công thì phải có một chủ thể phân công, như ba đứa con cùng một MẸ sinh ra lại được Mẹ phân công để thâu tóm toàn bộ quyền lực thì đấy chẳng phải một kiểu “gia đình trị” là gì?
Tính chất tự sinh của quyền lực, ngoài bản tính lạm quyền, còn nằm ở quan hệ tương sinh giữa Quyền và Tiền, còn nằm ở nạn ô dù, cái dù che cho cái cán, dù mẹ đẻ dù con, công ty mẹ đẻ công ty con..., còn nằm ở tính chất mafia: đã sa vào đường dây này thì không dễ tỉnh ngộ mà rút ra được nữa, cuối cùng tội phạm nào cũng đồng thời là nạn nhân. Vì thế, một hệ quyền lực đã có gốc độc quyền thì quyền lực cứ tự sinh sôi, tự kích thích, tự gia tăng... Sự thoái hóa, là đặc điểm đính kèm của quyền lực, cũng theo đó mà gia tăng không thể kìm hãm.
Làm bậy thì sướng, sướng bậy mà không ai làm gì được thì tội gì mà không làm tới? Điều này giải thích tại sao cũng con người ấy, cũng bộ máy ấy, lúc đầu có thể tốt mà càng về sau càng xấu đi, uy tín hao mòn đến mức chỉ còn cách “ăn mày quá khứ”, suốt ngày phải nhấm nháp từng mẩu quá khứ, có khi đã mốc, để sinh tồn. Muốn nêu cao những gương tốt của quá khứ để học tập nhưng số gương tốt mới xuất hiện không kịp với số gương xấu thoái hóa cứ mọc ra như nấm sau mưa, không thể “chặt chém” cách nào cho xuể! (Cảm ơn PTT Nguyễn Sinh Hùng đã diễn đạt sự bất cập này rất tuyệt). Nếu đã biết và có trách nhiệm với cái nền xã hội như thế thì phải thương, rất thương các cháu gái nhỏ đang thành những nạn nhân khốn khổ do “lũ” người “lớn” tạo ra, và thả các cháu Hằng cháu Thúy ra ngay mới phải, thưa ông Phó Thủ tướng! Nhẹ tay với thủ phạm nhưng nặng tay với nạn nhân là nghĩa làm sao?
Kẻ cần danh để dựa vào lòng tin phải sống bằng uy tín, nhưng uy tín là loại thực phẩm rất mau hết hạn sử dụng, đòi hỏi phải được chính chủ nhân làm mới hàng năm, hàng tháng, hàng ngày.
Tóm lại Quyền lực làm phát sinh thoái hóa, quyền lực tuyệt đối thì thoái hóa tuyệt đối, vực thẳm này loài người đã trông thấy từ lâu mà việc tránh xa nó thực không phải dễ vì nó thơm ngon hơn mọi thứ trên đời.
Câu chuyện lại dẫn ta bàn về hai chữ TỰ DO.
Khi nói trong chế độ Hitler hay chế độ Stalinist xã hội không có tự do thì chưa chính xác. Bởi chính Hitler, chính Stalin và bộ máy khổng lồ của họ được tự do hết cỡ, chỉ phần còn lại của xã hội là không có tự do. Tổng số Tự do như một hằng số, chia hết cho cực Thống trị thì cực Bị trị còn số không, nên phải có tỷ lệ thích hợp. Chế độ Tam quyền phân lập giúp xác định và vận hành tỷ lệ thích hợp ấy, khi ấy ta bảo trạng thái của xã hội là có dân chủ.
Khi tỷ lệ Tự do được phân phối thích hợp, xã hội sẽ vận hành trơn tru, linh hoạt và bền vững. Trong sinh giới (trong đó có loài người) sự bền vững không bao giờ là sự ổn định chết cứng, trái lại là sự sống thường xuyên biến động, linh hoạt để đạt đến một giá trị cân bằng, mà chính giá trị cân bằng này cũng giao động linh hoạt nên gọi là “cân bằng động”. Chỉ có sự cân bằng chính trị (tức là có dân chủ) mới đem lại sự cân bằng tâm lý, cân bằng đạo đức và văn hóa. Kẻ quá thừa Tự do sẽ sinh hư, kẻ quá thiếu Tự do cũng rất dễ sinh hư theo một nghĩa nào đó, khi ấy xã hội chẳng những không yên mà còn dần dần sa đọa. Con người thoát thai từ “con”(qua hàng triệu năm thời cổ sơ) nên sự Tự do của con người cũng có hai loại: Tự do của NGƯỜI là yếu tố thuộc về Nhân tính (gắn liền với dân chủ), và Tự do của CON là yếu tố thuộc về thú tính (gắn liền với vô chính phủ). Hai yếu tố của Tự do này chi phối lẫn nhau. Khi quyền Tự do nhân tính bị co lại thì Tự do thú tính sẽ phình ra.
Tất cả những chế độ Chính trị độc tài tuy đề cao quyền lực chính phủ, nhưng là chính phủ của riêng họ áp đặt lên nhân dân, nên bản chất lại là “phi chính phủ/anarchist”, di chứng của Tự do thú tính, cùng loại với những Tự do thú tính khác, như bạo lực, dâm loạn..., nên nó khó chống những tệ nạn này, trái lại nó rất xung khắc với Tự do nhân tính là nền Tự do hướng thượng đã được thuần hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, trong đó “sự tự do của mỗi cá nhân là điều kiện cho tự do của toàn xã hội” như Mác mong muốn, nhưng muốn vậy thì quyền lực lại không được tập trung vào một nguồn duy nhất như ở các nước Xã hội chủ nghĩa hiện thực! Sai lầm cơ bản đáng tiếc của chủ nghĩa Mác-Lê là đã dùng phương tiện chống lại mục đích.
Những hiện tượng Nguyễn Trường Tô, Hoàng Thùy Linh, hiện tượng bạo lực học đường, bạo lực xã hội, nữ sinh lõa lồ đánh nhau đưa clip lên mạng... mà các tác giả trên đề cập chì là những ví dụ nhỏ trong hệ thống thiếu Tự do nhân tinh của một nền dân chủ, dẫn đến phát triển Tự do thú tính hoang dã. Một cách tự nhiên, con “thú” lớn vạch đường cho những con “thú” nhỏ, noi gương nhau cả thôi.
Họ phạm tội lỗi nhưng cũng là nạn nhân, bởi trong thực tiễn xã hội và trong hệ nghe - nhìn (của lề phải đấy!) hàng ngày đầy dẫy những yếu tố khuyếch trương và nuôi dưỡng cái gọi là sự “tự khẳng định mình” một cách hình thức, của thứ Tự do sống sượng, của kẻ thừa QUYỀN thừa TIỀN, của thứ văn hóa hiện đại phù phiếm lai căng, đang chiếm lĩnh quyền làm chủ đất nước. Thứ “Văn hóa mặt dày” sở dĩ vênh váo được vì có một hệ thống công khai nuôi dưỡng nó, (lúc chịu đòn cũng chỉ là đòn giơ cao đánh khẽ), trong khi “đối thủ” của nó là một nền Văn hóa biết xấu hổ, biết đau khổ về tình trạng thua kém, về tình trạng lệ thuộc, đáng tủi nhục của nhân dân mình, của đất nước mình... lại đang ở vào thế bị bị lép vế, bị áp chế, càng yêu nước càng bị người đại diện cho nước đánh đòn.
Trong “Văn hóa mặt dày” có vô số kiểu mặt dày khác nhau, chẳng dâm thì gian, chẳng gian thì nịnh, chẳng nịnh thì lẳng lặng tòng phạm bằng cách quay lưng trước những vấn nạn của xã hội, ngậm miệng ăn tiền và ra vẻ đạo đức ung dung... Có hội chứng “ghét cán bộ” là vì thế.
Trên đời chẳng ai dại gì tuyên bố ủng hộ cái Ác, nhưng cái Ác vốn là yếu tố thường trực, đã phục sẵn trong bản thể sâu xa thầm kín của con người, có mặc cảm bị văn minh kiềm chế nên nó nhạy lắm. Chỉ cần nghe ngóng thấy yếu tố Tự do nhân tính trong xã hội bị lép vế là cái Tự do thú tính lập tức vùng lên chiếm thế thượng phong, và coi chừng, chính nó lại nhân danh cái Thiện (khôn thế)! Vì thế, tôi cảm ơn hai tác giả Nguyễn Thế Thịnh và Nguyễn Trung đã đánh tín hiệu lật tẩy sự nhân danh đánh tráo ấy.
Những tiếng nói Văn hóa bao giờ cũng đáng trân trọng, nhưng Văn hóa và Chính trị là cặp bài trùng. Tạo hóa hóm hỉnh bày ra cuộc chơi Game rất trí tuệ giữa Văn hóa và Chính trị: trong trường kỳ thì Văn hóa quyết định Chính trị, trong đoản kỳ thì Chính trị lại quyết định Văn hóa, nên tránh Chính trị thì cũng khó lòng chấn hưng Văn hóa. Hai thứ ấy có lúc tôn nhau lên, có lúc lại dìm nhau xuống, có anh thắng keo đầu nhưng keo cuối lại thua... Bực mình quá, “Con người” bèn gọi Trời là “Con Tạo” , một thứ “Con” đa đoan như mình cũng phải.
Hà Sĩ Phu
(Trưa 27-7-2010)
(Trưa 27-7-2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét