Trung Điền
Đảng Cộng sản Việt Nam đang trực diện với rất nhiều sức ép phải đối phó: nạn tham nhũng lan tràn, áp lực dân chủ hóa trong nội bộ, sự khống chế của Trung Quốc, khủng hoảng kinh tế... Mỗi vấn đề nói trên đã tạo ra những sức ép khác nhau, nhưng đều quy về một mối là làm ruỗng nát từ bên trong hạ tầng cơ sở của đảng Cộng sản Việt Nam. Trong các vấn đề nói trên, dân chủ hóa trong nội bộ đảng đã và đang trở thành vấn đế lớn, tạo ra những tranh cãi ngày một gay gắt trong sinh hoạt nội bộ và có thể bùng nổ lớn trong đại hội đảng kỳ XI vào tháng 1 năm 2011.
Vấn đề dân chủ hóa nội bộ không chỉ mới xảy ra gần đây mà đã có từ nhiều năm qua. Chính những người đã từng lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 2 thập niên qua như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu... đều nói đến nhu cầu mở rộng dân chủ ở trong đảng, nhưng trong thực tế họ không dám tiến hành vì hai lý do:
Thứ nhất là nếu cho dân chủ thực sự ở trong đảng thì sẽ có khá nhiều tiếng nói phản biện lại những chủ trương và chính sách sai lầm của ban lãnh đạo, đụng đến quyền và lợi của một thiểu số cán bộ đang nắm vị trí quyền lực trên thượng tầng ở địa phương cũng như trung ương. Nguyên tắc “chuyên chính” từ thời Stalin đã được các lãnh tụ cộng sản áp dụng một cách nhuần nhuyễn để giữ chặt quyền lực trong tay một thiểu số và tìm mọi cách trù dập thẳng cánh những ai tìm cách chống lại quyết định của thiểu số chóp bu. Việc Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định 97 để ngăn chặn sự phản biện của Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) về các chính sách kinh tế, xã hội, chính trị, tài chánh của 12 vị công thần chế độ là một trường hợp điển hình.
Thứ hai là nếu cho dân chủ ở trong đảng thì một số đảng viên bất mãn sẽ xé rào liên kết với những lực lượng đối lập ngoài đảng để tạo những sức ép chính trị lên thành phần lãnh đạo. Lãnh đạo Bắc Kinh và Hà Nội có lẽ đã học được bài học sụp đổ từ biến cố Đông Âu nên rất ngại khi mở rộng dân chủ trong đảng. Do đó, hiện tượng viết kiến nghị gửi lãnh đạo đảng đề nghị vấn đề này vấn đề kia của một số cán bộ về hưu trong thời gian qua đang là mối bận tâm của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Nếu không kềm chế, phong trào phê phán lãnh đạo sẽ không chỉ giới hạn trong đảng mà sẽ lan ra tới bên ngoài xã hội.
Để ngăn chặn phong trào dân chủ hóa trong nội bộ đảng, thiểu số lãnh đạo Hà Nội luôn luôn vẽ ra hình ảnh rối loạn xã hội nếu chấp nhận dân chủ. Chính những thành phần lãnh đạo nồng cốt như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng và một số cán bộ đã thẳng thừng tuyên bố không chấp nhận đa nguyên đa đảng. Nguyễn Minh Triết còn nói rằng bỏ điều 4 hiến pháp đồng nghĩa với sự tự sát của đảng Cộng sản Việt Nam. Hà Nội còn cho một số cơ quan truyền thông của đảng khai thác tối đa khía cạnh tiêu cực của phe áo đỏ tại Thái Lan để nói đến nguy cơ hỗn loạn chính trị nếu đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Tuy nhiên, những lý luận Hà Nội đưa ra để từ chối bối cảnh sinh hoạt chính trị dân chủ đã không những không thuyết phục được nội bộ đảng mà còn trở thành điều lố bịch trong xã hội. Khi Nguyễn Minh Triết tuyên bố bỏ điều 4 hiến pháp là đồng nghĩa với hành động tự sát, ông ta đã thú nhận thực chất độc tài của chế độ luôn mị dân với khẩu hiệu đầu môi chót lưỡi “quyền lực nhà nước thuộc về dân”. Cốt lõi của sự từ chối dân chủ trong đảng là vì những thành phần đã leo lên được ghế Trung ương đảng hoặc Bộ chính trị đều muốn bám chặt lấy quyền lực.Gần đây, một số cựu cán bộ đảng Cộng sản như ông Phan Đình Trọng, Tống Văn Công, Cựu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã viết những bài phân tích về hướng đi tương lai của đảng Cộng sản Việt Nam. Đa số đã nhìn ra xu hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21 là không thể tiếp tục đi theo đường mòn “chuyên chính độc đảng” vì nó chỉ phục vụ cho một thiếu số quyền lực mà thôi. Đa số đều nêu lên nhu cầu thực hiện dân chủ ngay trong đảng nếu muốn đảng tồn tại. Có người cho rằng, dân chủ trong đảng là yếu tố quan trọng để chống tham nhũng và tình trạng lãng phí hiện nay. Đặc biệt là ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ tại Thái Lan đã cho rằng hơn lúc nào hết phải có dân chủ trong đảng và ngoài xã hội, nếu không, kinh tế càng phát triển thì sự thao túng của các nhóm quyền lợi sẽ càng gia tăng, chắc chắn sẽ dẫn đến những bùng vỡ ngay trong đảng và xã hội khi mà những bất mãn đã lên đến tột đỉnh.
Ông Nguyễn Trung cho rằng, nếu Hà Nội khư khư ôm giữ trạng thái chính trị như hiện nay, chế độ càng muốn ổn định sẽ càng phải mất dân chủ, càng phải trấn áp, tới một lúc nào đó sẽ khó tránh khỏi đổ vỡ, như đã diễn tại các nước Đông Âu và Liên Xô. Là một người từng giữ vị trí cao trong đảng Cộng sản, cựu đại sứ Nguyễn Trung cho rằng bước khởi đầu thực hiện dân chủ trong đảng là phải loại bỏ các loại hình đặc quyền, đặc lợi. Đồng thời ông đề nghị phải loại bỏ khẩu hiệu: “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mà thay bằng “độc lập dân tộc gắn liền với thể chế dân chủ”, và lãnh đạo đảng phải cố gắng phấn đấu đạt lấy.
Những suy nghĩ về dân chủ của một số cựu cán bộ đảng nói trên cho chúng ta thấy vấn đề dân chủ hóa trong đảng Cộng sản đã trở nên bức thiết. Họ cho rằng dân chủ trong đảng sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình dân chủ trong xã hội. Đây là tiền đề còn tạo ra nhiều tranh cãi, nhưng nếu đảng Cộng sản dám bãi bỏ đặc quyền đặc lợi, chấp nhận những phản biện trong đảng thì đó là bước tiến khá dài trên con đường lột xác “chuyên chính”. Nhưng lãnh đạo Hà Nội sẽ không dám thay đổi nguyên trạng, chấp nhận dân chủ hóa ở trong đảng dù làn sóng đòi hỏi dân chủ có lên cao trong nội bộ đi chăng nữa vì ba lý do:
Một là đảng Cộng sản tồn tại được là nhờ ban phát đặc quyền, đặc lợi; bỏ đi hai thứ này thì đảng viên sẽ không còn lý do gì để gắn bó với đảng và Cộng sản Việt Nam tất nhiên tan rã.
Hai là lãnh đạo các đảng Cộng sản chỉ chấp nhận thay đổi khi mà họ nghĩ là họ có thể kiểm soát được tình hình. Làm sao một đảng ung thối vì tham ô nhũng lạm có thể kiểm soát được nội bộ khi mà lãnh đạo đảng chấp nhận cho đảng viên công khai phản biện lại các chủ trương của mình?
Ba là đảng Cộng sản không phải là một khối thống nhất mà là sự kết hợp của nhiều phe nhóm quyền lực dựa trên nền tảng “dựa vào nhau để tồn tại, tranh chấp nhau để thủ lợi”. Do đó, không phe nhóm nào dám đứng ra mở cửa dân chủ trong nội bộ vì sẽ là mục tiêu tấn công của những phe nhóm khác.
Tóm lại, sẽ không bao giờ có dân chủ trong đảng Cộng sản Việt Nam khi mà lãnh đạo Hà Nội vẫn tiếp tục giữ điều 4 hiến pháp, tự quy định họ đứng trên đất nước, dân tộc và xã hội. Những phát biểu “mở rộng dân chủ trong đảng hay xã hội” của lãnh đạo Hà Nội chỉ là câu nói nhằm xoa dịu những bất mãn của một số đảng viên gửi kiến nghị yêu cầu mà thôi. Điều này cho chúng ta thấy là nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thoái hóa giữa một bên lãnh đạo ban phát đặc quyền, đặc lợi để giữ quyền lực và một bên là khối đảng viên bất mãn đòi hỏi tiếng nói phản biện. Khi lãnh đạo Hà Nội khư khư ôm giữ đặc quyền và những đòi hỏi dân chủ của khối quần chúng đảng viên lan tỏa ra bên ngoài xã hội thì cuộc cách mạng dân chủ chắc chắn sẽ bùng nổ.
Trung Điền
Ngày 8/7/2010
Ngày 8/7/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét