Phillip C. Saunders và Michael Kiselycznyk
Tiến sĩ Phillip Saunders (saundersp@ndu.edu) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng và là Giám Đốc Học vụ tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược của Viện Ngiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia thuộc Đại Học Quốc Phòng. Ông Micheal Kyselycznyk (kiselycznykM@ndu.edu) là phụ tá nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược. Những quan điểm trong bài này là của riêng các tác giả và không nhất thiết phản ảnh chính sách hoặc lập truờng của trường Đại Học Quốc Phòng, Bộ Quốc Phòng hoặc chính phủ Hoa Kỳ. Bài khảo cứu "Đánh Giá Sự Minh Bạch về Quân Đội Trung Quốc" có thể được tìm thấy tại http://www.ndu.edu/inss/docUploaded/China%20FINAL.pdf.
Các quan chức Trung Quốc thường hay trích dẫn sự gia tăng minh bạch như là một lý do để những người khác không cần phải báo động về sự hiện đại hóa quân đội. Thế nhưng luận điệu này có đứng vững được hay không?
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tốc việc hiện đại hóa quân đội. Tỉ lệ gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số đã cho phép phát triển và trang bị hàng loạt các hệ thống vũ khí mới. Hoa Kỳ và các quốc gia khác vùng Á Châu Thái Bình Dương đã yêu cầu có sự minh bạch hơn về khả năng quân sự cũng như những hành động và ý định của Trung Quốc. Thoạt đầu Trung Quốc đã cưỡng lại sự yêu cầu này, nhưng sau đó đã công bố bạch thư quốc phòng lần thứ nhất vào năm 1998, và tiếp theo mỗi hai năm sau.
Mặc dầu được các quan chức Tây Phương và Á Châu đón nhận, bạch thư quốc phòng của Trung Quốc đã không hoàn toàn đáp ứng các mối quan ngại. Các quan chức Trung Quốc lý luận rằng sự minh bạch về ý định quan trọng hơn sự minh bạch về khả năng và khẳng định rằng Trung Quốc hoàn toàn minh bạch về ý định hoà bình của mình. Họ cũng lý luận rằng sự minh mạch của Trung Quốc đã ngày một gia tăng và cũng không nên chờ đợi những nước yếu hơn đáp ứng tiêu chuẩn về minh bạch của Hoa Kỳ. Những tranh luận về sự minh bạch của quân đội Trung Quốc đã trở thành một đề tài thường xuyên trong các cuộc tiếp xúc giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ, và sự khiếm khuyết về một tiêu chuẩn căn bản thống nhất để so sánh đã khiến cho sự đối thoại không mang lại kết quả.Nghiên cứu mới của chúng tôi "Đánh Giá Sự Minh Bạch về Quân Đội Trung Quốc" nhắm vào vấn đề này bằng cách khai triển một phương pháp khách quan để phân tích những sự thay đổi về sự minh bạch của quân đội Trung Quốc với thời gian và so sánh Trung Quốc với những nước khác trong vùng. Chúng tôi sử dụng những bạch thư làm căn bản để so sánh vì tính chính danh và là tài liệu công cộng chính thức về chính sách quốc phòng, mục tiêu, và khả năng. Nhiều chính phủ trong vùng Á Châu Thái Bình Dương đã công bố những bạch thư quốc phòng với hình thức và nội dung đủ giống nhau để có thể so sánh được. (Nghiên cứu của chúng tôi không gồm những thông tin và tài liệu chính thức khác và cũng không cố gắng kiểm tra giá trị cũng như độ khả tín của những thông tin được trình bày trong bạch thư.)
Sử dụng nghiên cứu trước đây của Choi Kang về bạch thư quốc phòng của vùng như là khởi điểm, chúng tôi khai triển những định nghĩa chuẩn và một tập hợp những tiêu chuẩn để ước tính độ minh bạch trong 19 hạng mục. Chúng tôi sử dụng phương pháp này để đánh giá sáu bạch thư quốc phòng của Trung Quốc và mười ba bạch thư quốc phòng mới nhất của những quốc gia khác trong vùng Á Châu Thái Bình Dương.
Sự đánh giá của chúng tôi cho thấy một sự gia tăng khiêm tốn về tính minh bạch của quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2008. Khi so sánh với những bạch thư quốc phòng mới nhất của tám quốc gia thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) thì bạch thư năm 2008 của Trung Quốc được đánh giá tương đương. Indonesia và Philippines trên tổng thể có độ minh bạch cao hơn, nhưng cả Trung Quốc và ASEAN đều thiếu minh bạch đối với vấn đề khả năng quân sự hiện tại cũng như trong tương lai và về vấn đề ngân sách. Tuy nhiên, khi so sánh với bạch thư quốc phòng của các nước như Úc, Nhật Bản, hay Nam Hàn thì bạch thư 2008 của Trung Quốc còn tụt hậu khá xa. Bạch thư của các nước trên cung cấp nhiều chi tiết hơn về sự đánh giá về môi trường an ninh, về những chính sách đang theo đuổi để đáp ứng những thách thức vế an ninh quốc phòng, và rất nhhiều chi tiết về khả năng quân sự hiện tại, tổ chức quân đội, ngân sách, và những kế họach hiện đại hóa trong tương lai.
Một vài phạm vi cụ thể mà bạch thư của Trung Quốc kém minh bạch hơn những nước trong vùng, hoặc sự minh bạch không được cải thiện với thời gian gồm có:
● Ngân Sách Quốc Phòng: Trung Quốc cung cấp những thông tin cơ bản, nhưng không có số liệu cụ thể ngân sách về những dịch vụ quốc phòng, nghiên cứu và phát triển, hay tiếp liệu. Chất lượng những thông tin trong bạch thư của Trung Quốc thay đổi rất ít trong vòng mười năm qua. Trung Quốc có thể theo gương các nước khác trong vùng Á Châu Thái Bình Dương bằng cách đưa ra nhiều thông tin chi tiết hơn về ngân sách hoặc một báo cáo riêng rẽ về chi tiêu quốc phòng.
● Vũ Khí Hạt Nhân: Trung Quốc cung cấp những thông tin hữu ích về chủ thuyết hạt nhân nhưng không có một thông tin nào về hệ thống phóng, về những chương trình hiện đại hóa, cũng như về cơ cấu tổ chức của lực lương hạt nhân trong tương lai. Sự thiếu minh bạch này là mối quan ngại đặc biệt trong tình trạng Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng hạt nhân ở thời điểm mà các nước khác đang cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Một cảm nhận rõ ràng về tầm vóc tương lai của lực lượng hạt nhân sẽ làm giảm sự quan ngại của thế giới, ngay cả nếu được tranh luận với những điều kiện có thể ảnh hưởng tới tầm mức của những lực lượng trong tương lai.
● Những Hệ Thống Vũ Khí Hiện Tại Và Tương Lai: Bạch thư của Trung Quốc có tiếng là thiếu những thông tin cụ thể về chủng lọai cũng như về số lượng các hệ thống vũ khí đang được sử dụng, đang được nghiên cứu phát triển, hoặc đang dự tính mua. Một vài quốc gia thuộc miền đông Á Châu cung cấp những thông tin chi tiết về số lượng tồn kho cũng như nhữnh kế koạch mua vũ khí trong tương lai. Sự thiếu thông tin chính thức làm nẩy sinh ra những ước đoán phóng đại về khả năng tương lai của Trung Quốc.
● Nối Kết Mục Tiêu An Ninh Và Khả Năng Quân Sự: Trung Quốc cung cấp một cuộc thảo luận hữu ích về chủ thuyết quân sự nhưng lại không đạt tiêu chuẩn khi so sánh với những thảo luận trong một số bạch thư khác trong vùng về vấn đề làm sao khả năng quân sự hiện tại và dự kiến cho tương lai sẽ giúp thúc đẩy những mục tiêu quốc phòng. Câu hỏi được đặt ra là liệu những mục tiêu mà Trung Quốc đưa ra có ăn khớp với sự gia tăng chi tiêu quốc phòng và phát triển khả năng quân sự, điều này có thể làm suy giảm lòng tin vào Trung Quốc về luận điệu phát triển trong hòa bình.
Cuộc nghiên cứu của chúng tôi chỉ chú trọng vào những bạch thư, nhưng Trung Quốc cũng đưa ra một số những thông tin quốc phòng khác bao gồm chủ thuyết quân sự, huấn luyện, một vài diễn tập và khai triển tác chiến, thí dụ như việc khai triển chống hải tặc của Hải Quân Trung Quốc tại vịnh Aden. Tuy nhiên, trên những vấn đề như ngân sách quốc phòng, tổ chức quân đội, hiện đại hóa quân đội, bạch thư quốc phòng xác định vị thế chính thức của Trung Quốc và gồm tất cả những thông tin được công bố. Ngoài ra một vài vấn đề quan trọng khác như việc Trung Quốc thử vũ khí chống vệ tinh (ASAT) vào tháng 1 năm 2007 và việc Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa hạt nhân đã không được nói đến một cách đầy đủ trong tất cả các tài liệu chính thức của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC).
Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi chú trọng tới những tiêu chuẩn có thể được đánh giá bằng cách so sánh và lập đi lập lại, những tiêu chuẩn có tính chủ quan hơn cũng đóng góp vào việc đánh giá sự minh bạch quốc phòng của một quốc gia. Trong trường hợp Trung Quốc, sự kiểm soát chặt chẽ những thông tin về vấn đề an ninh, việc các viên chức và các chuyên viên không sẵn sàng trả lời những câu hỏi một cách thẳng thắn, và sự hiếm hoi về thông tin liên quan đến khả năng quốc phòng, tất cả tạo ra sự nghi ngờ về mức độ minh bạch của Trung Quốc. Một số những yếu tố trên là sản phẩm của hệ thống chính trị Trung Quốc, nhưng những yếu tố khác có thể giải quyết được với những chính sách cởi mở hơn và cung cấp nhiều thông tin hơn.
Các viên chức Trung Quốc thường lý luận rằng sự minh bạch cao độ có lợi cho những cường quốc và có hại cho những nước yếu hơn. Nhưng sự tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc khiến sự so sánh với những nước lớn như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Nam Hàn thích hợp hơn là so sánh với những nước trong vùng Đông Nam Á. Nếu phán đoán theo tiêu chuẩn này thì Trung Quốc kém minh bạch hơn nhiều so với những nước trong vùng, đặc biệt là trong những lãnh vực ngân sách quốc phòng, tổ chức quân đội, và kế hoạch hiện đại hóa trong tương lai. Vì khả năng quân sự của Trung Quốc đang ngày một tăng trưởng và ngân sách quốc phòng hiện đang cao nhất trong vùng, sự thiếu minh bạch về khả năng trong tương lai càng dễ làm gia tăng sự quan ngại trong vùng và làm trầm trọng thêm tình trạng khó xử về vấn đề an ninh. Nó cũng khiến cho các nước khác có khuynh hướng phóng đại khả năng quân sự của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC) do thiếu thông tin đáng tin cậy.
Sự thiếu minh bạch tương đối của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng xấu trong những cuộc thảo luận trong nước về những vấn đề ngoại giao, quốc phòng, và bang giao quốc tế. Sự thiếu thốn thông tin chi tiết và chính thức về quốc phòng đã hạn chế sự thảo luận trong nước cũng như việc phân tích một cách khách quan bên ngoài giới quân sự. Một sự minh bạch cao hơn về ngân sách quốc phòng và khả năng quân sự không những làm giảm sự quan ngại bên ngoài mà còn giúp các nhà phân tích trong nước phân tích các vấn đề quốc phòng chính xác hơn và các cuộc thảo luận trong nước về các vấn đề quốc phòng và ưu tiên trong chi tiêu có cơ sở hơn.
Phương pháp được triển khai cho nghiên cứu của chúng tôi là một phương cách hữu dụng đề tìm hiểu làm thế nào mà các quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương tiến tới việc minh bạch hóa quốc phòng. Những phát hiện có thể được sử dụng như là nền tảng trong những cuộc thảo luận về an ninh trong vùng về sự minh bạch. Bất cứ vùng nào hay nhóm quốc gia nào, kể cả các quốc gia ngoài vùng Á Châu Thái Bình Dương, có thể sử dụng kết quả nghiên cứu này để xác định những lãnh vực cần được cung cấp nhiều thông tin hơn để cải thiện sự minh bạch, và nêu bật ra "cách thực hành tốt nhất" mà các quốc gia khác có thể làm theo. Chúng tôi hy vọng rằng phân tích này sẽ là khởi điểm cho những cuộc thảo luận hữu ích về sự minh bạch trong những quốc gia vùng Á Châu Thái Bình Dương và sẽ đóng góp vào sự ổn định và hòa bình trong vùng Á Châu Thái Bình Duơng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét