2010/06/28

Sẽ còn nhiều vụ “chết vì đất” như ở Nghi Sơn, Thanh Hóa

DÂN LIÊN HỢP
 Sáng ngày 22-6-2010, hơn 30 người dân đã bị cưỡng chế thu hồi đất làm khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương đã đến điểm tiếp dân của tỉnh Bình Dương yêu cầu gặp lãnh đạo tỉnh. Mặc dù theo thông báo của UBND tỉnh Bình Dương, vào ngày thứ ba hằng tuần, lạnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh sẽ luân phiên đến đây để tiếp dân, nhưng chẳng bao giờ người dân được gặp các quan nầy cả. Hôm nay cũng vậy, chỉ có mấy nhân viên tiếp bà con. Sau khi tiếp ba người đại diện, hạch hỏi vài điều, ghi ghi chép chép, họ nhận 3 lá đơn với 45 chữ ký của bà con gởi cho Mai Thế Trung, bí thư tỉnh ủy, Nguyễn Hoàng Sơn, chủ tịch UBND tỉnh và một đơn gởi cho Chủ tịch UBND thị xã Thủ Dầu Một. Dân yêu cầu rất nhiều lần, người tiếp dân vẫn không chịu cấp biên nhận đã nhận đơn.
Tại đây, đoàn người đi khiếu nại cũng đòi phải trả lời tại sao thơ của 45 hộ dân gởi cho bí thư tỉnh ủy Mai Thế Trung từ 13-1-2010 do Phó văn phòng tỉnh ủy Thái Lệ Thanh nhận để chuyển lại, đến nay vẫn không được một chữ trả lời. Những người đang tiếp dân không trả lời được, mà chỉ nói là Thanh tra tỉnh đang nghiên cứu báo cáo.
Khi người dân kéo nhau đến Văn phòng tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thị xã thì không bao giờ được vào, họ bảo phải tới chỗ tiếp dân. Nếu đứng chờ trước cổng để được gặp cán bộ, thì chính quyền sẽ cho công an tới giải tán, đánh đập, rồi quy vào tội “tụ tập đông người nơi công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền” để phạt vạ. Nhưng nơi tiếp dân của những cơ quan lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã được chính quyền lập ra như những chiếc lô cốt có nhiệm vụ chốt chặn không cho họ đến những cơ quan hành chánh. Ở đây làm gì có các quan lãnh đạo tỉnh hoặc làm gì có người đủ thẩm quyền giải quyết những yêu cầu của người dân. Nhận đơn mà không cấp biên nhận để rồi vất đi, không trả lời, người dân không lấy gì để kiện tiếp!
Lần nầy, những nông dân không còn đất rất quyết liệt: Khi đã không thương dân, không tôn trọng quyền lợi của dân, không quan tâm tới sự khốn khổ và các nguyện vọng chính đáng của dân; chính quyền có thể đánh đập, bỏ tù, thậm chí có thể giết chết nhân dân để lấy đất (như ở Nghi Sơn Thanh Hóa); nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm “thà chết chứ không thể để kẻ khác làm giàu trái phép bằng xương máu, mồ hôi nước mắt của tổ tiên ông bà và gia đình chúng tôi”.
Tiếp xúc với chúng tôi, một Ông cụ trên 80 tuổi, có mặt trong đoàn người trên, nói: “Ở khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương nầy, tuy chưa có người bị bắn chết như ở Thanh hóa, nhưng nhiều người trong chúng tôi đã bị trù dập, đối xử bất công, đánh đập, đi tù vì không chịu nhận tiền và giao đất cho họ. Chính phủ và các cơ quan trung ương cứ im lặng để cho chính quyền tỉnh, thị xã coi dân như cỏ rác thì chắc có ngày chúng tôi cũng sẽ phải chết như anh Nam, cháu Dũng mà thôi.”
Nội dung đơn của 45 hộ dân sau đây và đơn mà người dân đã gởi cho tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương từ tháng 1-2010 đã nói lên nổi khổ của người dân khi phải sống dưới ách cai trị của một chính quyền sẵn sàng chà đạp lên cuộc sống của người dân, coi thường đạo lý và bất chấp cả những quy định pháp luật do chính họ đặt ra.
Nếu máu của người dân tiếp tục đổ vì việc chính quyền thu hồi đất thì trách nhiệm thuộc về ai đây?
Là do người dân không chấp hành các quyết định của địa phương, không chịu nhận tiền và giao đất?
Hay là do Chính quyền tỉnh, huyện, thị thu hồi, bồi thường đất trái pháp luật, dồn dân vào con đường không còn gì để sống?
Hay là do các cơ quan quản lý cấp trên, mà trước tiên là Thủ tướng Chính phủ, cấp trên trực tiếp của UBND Tỉnh, đã lờ đi trước bao nhiêu đơn thư khiếu nại, tố cáo và kêu cứu của người dân?
DÂN LIÊN HỢP
JPEG - 162.3 kb
Điểm tiếp dân tỉnh Bình Dương 22-6-2010.
— -
Bình dương, ngày 20 tháng 6 năm 2010
Kính gởi: CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
V/V CHÍNH QUYỀN CHƯA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ CHƯA BỒI THƯỜNG CHO DÂN THÌ CHƯA ĐƯỢC TỔ CHỨC THI CÔNG TRÊN ĐẤT CỦA CHÚNG TÔI.
Chúng tôi ký tên dưới đây là những hộ đã bị cưỡng chế thu hồi đất để làm khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương,nhưng chưa nhận tiền bồi thường.
Chúng tôi gởi đơn nầy nói rõ với UBND Tỉnh và UBND Thị xã mấy việc sau đây:
1. Chính quyền đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của chúng tôi là sai pháp luật vì:
- Các quyết định thu hồi đất ban hành trước khi đề án khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương được chính phủ phê duyệt thì không đúng với quy định tại điều 39 và điều 40 của luật đất đai.
- Các quyết định bồi thường đất có nội dung trái với quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01-9-2005 của Chính phủ vì đã thực hiện giá bồi thường theo quyết định 164/2003/QĐ ngày 23-6-2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, căn cứ vào nghị định 22/1998/ND-CP đã hết hiệu lực thi hành (trong khi quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01-9-2005 quy định tỉnh Bình dương phải tổ chức triển khai đề án khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương theo luật đất đai và nghị định 181/2004/ND-CP).
Thu hồi đất theo nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất Đai, lại đền bù thiệt hại theo nghị định của Chính phủ số 22/1998-NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là không đúng pháp luật.
- Nhiều hộ trong chúng tôi chưa nhận được quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường đất của chính quyền.
2. Chúng tôi đã có nhiều đơn khiếu nại đã gởi từ lâu, nay quá hạn mà chính quyền vẫn không giải quyết trả lời như vậy là trái với luật khiếu nại tố cáo; cụ thể như:
- đơn khiếu nại quyết định 3473 của UBND tỉnh Bình Dương đã gởi chủ tịch UBND tỉnh từ tháng 2 năm 2009.
- đơn khiếu nại quyết định bồi thường của UBND huyện Tân uyên đã gởi chủ tịch UBND huyện từ tháng 3-2009.
- đơn khiếu nại quyết định cưỡng chế đã gởi tử trước khi chính quyền tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
3. Chính quyền tổ chức cưỡng chế để thực hiện các quyết định đã ban hành trái pháp luật, huy động lực lượng đến phá hủy hoa màu, cây cối, vườn tược, đập nát nhà cửa, lấy hết lúa gạo, quần áo, đồ dùng gia đình của chúng tôi rồi không cần biết người dân ở đâu, lấy gì mà ăn, làm sao để sống…Như vậy là không đúng với chủ trương chính sách hiện nay của nhà nước Việt nam.
4. Là những nông dân sống nhờ vào đất đai, hoa màu, vườn tược. Nay không còn đất, chúng tôi làm gì để nuôi sống gia đình.Chính quyền không cần biết tới. Chính quyền chỉ cần lấy được đất, dân sống chết mặc kệ.
Chúng tôi đã gởi đơn cho Bí thư tỉnh ủy từ nhiều tháng nay cũng không một tiếng trả lời.
Trong khi dân không có đất để canh tác thì chính quyền giao đất cho nhà đầu tư từ nhiếu năm nay vẫn bỏ hoang chờ bán lại kiếm lời.Có nơi, nhà đầu tư cào ủi, lấy đất mặt sâu xuống gần 2 mét để bán lấy tiền, như công ty Đại Đăng đã làm từ mấy tháng nay.
Nay, chúng tôi gởi đơn nầy, yêu cầu Chính quyền Tỉnh, Thị xã:
1. Cho ngưng ngay việc tổ chức thi công trên những diện tích đất chưa bồi thường thỏa đáng cho dân.
2. Giải quyết trả lời đơn khiếu nại mà chúng tôi đã gởi (đơn cá nhân) cho Chính quyền từ trước khi tổ chức cưỡng chế.
3. Phải bồi thường thiệt hại cho chúng tôi đúng quy định hiện hành của pháp luật, do Chính quyền cưỡng chế trái pháp luật.
4. Phải để chúng tôi tiếp tục canh tác trên những diện tích đất mà hiện nay ban quản lý dự án còn bỏ trống; vì phần lớn đất đai đã bị bỏ hoang từ 7 năm nay, trong khi chúng tôi không có đất để canh tác.
Chính quyền thu hồi đất và bồi thường đất không đúng pháp luật, cũng không giải quyết trả lời đơn khiếu nại cho chúng tôi theo quy định pháp luật nên chúng tôi nhất quyết không để kẻ khác khai thác làm giàu trên đất đai thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chúng tôi.
Khi đã không thương dân, không tôn trọng quyền lợi của dân, không quan tâm tới sự khốn khổ và các nguyện vọng chính đáng của dân; chính quyền có thể đánh đập, bỏ tù, thậm chí có thể giết chết nhân dân để lấy đất (như ở Nghi Sơn Thanh Hóa); nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm “thà chết chứ không thể để kẻ khác làm giàu trái phép bằng xương máu, mồ hôi nước mắt của tổ tiên ông bà và gia đình chúng tôi”.
Rất mong Ông Chủ tịch quan tâm các ý kiến nêu trên của chúng tôi.
45 hộ dân cùng cảnh ngộ, cùng tâm tư, nguyện vọng
đồng ký tên
---
Bình Dương, ngày 9 tháng 01 năm 2010
ĐƠN YÊU CẦU TỈNH ỦY PHẢI LÃNH ĐẠO UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG TRẢ ĐẤT VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NHỮNG NGƯỜI BỊ CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT TRÁI PHÁP LUẬT

Kính gởi: ÔNG MAI THẾ TRUNG, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY TỈNH BÌNH DƯƠNG.
Chúng tôi ký tên dưới đây là những người dân cư ngụ tại Phường Định Hòa, Phú Mỹ thị xã Thủ Dầu Một và xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương, có đất bị cưỡng chế thu hồi làm khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương.
Việc UBND tỉnh Bình Dương ban hành các quyết định thu hồi và bồi thường đất, cũng như tổ chức cưỡng chế để thực hiện các quyết định nầy là hoàn toàn trái pháp luật.Nhiều người trong chúng tôi đã bị chính quyền phá nát nhà cửa, san ủi vườn tược, hoa màu, thu giữ tài sản, đồ đạc gia đình, bắt hết gia súc… phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất từ nhiều tháng nay. Hầu hết chúng tôi khi không còn đất để canh tác phải thất nghiệp, không biết phải làm gì để sống.
Vậy mà chính quyền vẫn thản nhiên lấy được đất thì thôi, dân sống thế nào mặc kệ.
Chúng tôi yêu cầu Ông Bí thư, là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Bình Dương, phải có ý kiến lãnh đạo để UBND Tỉnh Bình Dương:
- Trả lại toàn bộ diện tích đất đã thu hồi trái pháp luật của chúng tôi. Vì tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất trong khi đề án tổng thể khu liên hợp chưa được Chính phủ phê duyệt là trái pháp luật.
- Bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chúng tôi do việc tổ chức cưỡng chế trái pháp luật mang lại; vì quyết định thu hồi đất trái pháp luật thì không có giá trị pháp lý để thực hiện.
- Phải bồi thường cho chúng tôi bằng đất hoặc bằng tiền theo giá thực tế để chúng tôi có thể mua lại được quỹ đất tương đương với diện tích đã bị thu hồi.Giá bồi thường một hecta đất như hiện nay không đủ để chúng tôi mua lại một cái nền nhà 300m2 ngay trên diện tích đất mình bị thu hồi. Chúng tôi không thể chấp nhận được.
- Chủ đầu tư khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương là công ty Bécamex, lấy đất để kinh doanh hạ tầng và kinh doanh quỹ đất mà chính quyền ép chúng tôi nhận tiền bồi thường với giá chưa bằng 5% giá đất trên thực tế; chúng tôi không thể chấp nhận được.
- Chính quyền nói là của dân, vì dân thì không thể coi dân như cỏ rác và đối xử với dân bằng thái độ thù địch. Đe dọa, đàn áp, bắt bớ, dùng sức mạnh của lực lượng vũ trang để càn ủi lấy tài sản đất đai của nhân dân, đẩy ngưởi dân vào cảnh không còn gì để sống… không phải là cách làm của một chính quyền của dân.
- Chính quyền yêu cầu dân sống theo pháp luật thì chính quyền không được làm trái pháp luật.
Chúng tôi yêu cầu việc thu hồi đất phải thực hiện đúng theo luật đất đai và quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Rất mong Ông Bí thư tỉnh ủy quan tâm những ý kiến chúng tôi và sớm có thơ phản hồi để chúng tôi được biết quan điểm chính thức của Tỉnh ủy về các nội dung nêu trên.
Trân trọng kính chào Ông Bí thư.
Đồng ký tên,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét