2010/06/24

Dấu hiệu suy thoái trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam

Trung Điền

Khoảng hai thập niên trước đây, sự xung đột trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam thường diễn ra ở thượng tầng lãnh đạo giữa một số ủy viên Bộ chính trị do những khác biệt quan điểm về đường lối cải tổ kinh tế và mức độ mở cửa giao thương với bên ngoài, chủ yếu là Hoa Kỳ. Các phe đã khai thác những yếu kém của cơ chế độc tài, tìm cách ban phát một số quyền lợi kinh tế và chức vụ cho những đàn em thân tín hầu tạo thành băng đảng riêng. Hậu quả của những xung đột này là tình trạng tham nhũng đã xảy ra lan tràn từ trung ương đến địa phương ngày nay, trong tất cả mọi cơ quan đảng và nhà nước.
Lúc đó, do ảnh hưởng của sự tan rã khối Cộng sản Liên Xô và nhất là do nhu cầu lột xác từ những nghèo đói triền miên trong các năm “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa”, hầu hết thành phần cán bộ và đảng viên cấp thấp đều im lặng theo kiểu “ngậm miệng ăn tiền” trước những khuynh loát của cấp lãnh đạo. Chỉ có một thiểu số đảng viên và trí thức bày tỏ sự bất mãn qua những phát biểu, bài viết chống đối mà chúng ta gọi là những nhà đối kháng. Tuy chỉ là một thiểu số rất nhỏ, nhưng những bài phân tích của các nhà đối kháng về sự biến chất của đảng Cộng sản thành những nhóm mafia trong thời kỳ đổi mới, đã ít nhiều tác động vào trong nội bộ đảng.
Khi đảng Cộng sản Việt Nam khoe khoang về cái gọi là “thành tựu 30 năm đổi mới (1986 – 2006)” cách đây 4 năm tại đại hội đảng lần thứ X, thì đó cũng là lúc mà những suy thoái nội bộ bắt đầu bùng nổ lớn, với hai hiện tượng đáng chú ý:
Một là tình trạng phân cực giàu nghèo trong nội bộ đảng đã trở nên trầm trọng. Một số cán bộ đảng viên đã giàu có rất nhanh với tài sản lên đến hàng triệu Mỹ Kim nhờ những móc ngoặc qua các dịch vụ đầu tư, viện trợ ODA và buôn bán quota hàng hóa xuất nhập khẩu; trong khi đó đại đa số đảng viên khác, đặc biệt là thành phần cựu chiến binh, sống một cuộc đời nghèo khó với tiền hưu không đủ sống. Tình trạng phân cực giàu nghèo nói trên còn tạo ra một bi kịch; trong mỗi ban ngành ở các cơ quan đảng và nhà nước đều có hai giai cấp: quý tộc đỏ ăn chơi trác táng và công nhân viên sống với đồng lương rẻ mạt.
Hai là lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã có những quyết định sai lầm như hợp tác với Trung Quốc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, cho công ty Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn trồng cây công nghiệp tại 18 tỉnh, đàn áp thẳng tay những ai đứng lên kêu gọi bảo vệ hai quần đảo Hoàng sa – Trường sa đang bị Bắc Kinh cưỡng chiếm, khiến cho đại đa số đảng viên không chỉ mất niềm tin vào giới lãnh đạo, mà còn coi 15 Ủy viên Bộ chính trị hiện nay là quá yếu hèn vì đã bị Bắc Kinh khống chế. Những diễn biến nói trên đã và đang tạo ra làn sóng chống Trung Quốc và bất tuân phục những chỉ thị của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam; hiện tượng này ngày một công khai trong nội bộ đảng.
Những hiện tượng nói trên cho chúng ta thấy những suy thoái trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đã chuyển từ những đấu đá thượng tầng lãnh đạo xuống những bất phục và bất mãn của quần chúng đảng viên bên dưới. Nói cách khác, những phân hóa và suy yếu của đảng Cộng sản Việt Nam trong hai thập niên qua chủ yếu là do những tranh giành quyền lợi giữa các phe nhóm trong Bộ chính trị và Trung ương đảng. Ngày nay, những suy thoái của đảng Cộng sản Việt Nam đến từ chính sự bất tín, bất phục lãnh đạo của quần chúng đảng viên ở hạ tầng cơ sở, mặc dù các phe trong giới lãnh đạo ở thượng tầng đang cố thỏa hiệp để sống còn. Đây là vấn đề mới và đang ngày một trở nên nghiêm trọng đối với đảng Cộng sản Việt Nam. Nó nghiêm trọng hơn cả cái gọi là “tự diễn biến nội bộ” mà ban bí thư đã đưa ra để cảnh báo nội bộ từ tháng 1 năm 2009.
Qua kinh nghiệm của những diễn biến chính trị xảy ra ở Đông Âu (1986-1989) và Liên Xô (1989-1991) thì hiện tượng bất phục, bất tín của đảng viên xảy ra ở hạ tầng là sự báo hiệu của thời kỳ cuối cùng của đảng Cộng sản. Đó là lý do vì sao người ta thường hay nói, các đảng Cộng sản tại Đông Âu hay Liên Xô đã sụp đổ từ bên trong là do chính những tác động bùng vỡ từ sự suy thoái ở hạ tầng mà giới lãnh đạo vô phương cứu vãn.
Theo dõi diễn biến tình hình trong 2 năm vừa qua, chúng ta thấy rất có nhiều dấu hiệu biểu hiện những suy thoái từ trong nội bộ đảng Cộng sản như việc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ kiện ông Nguyễn Tấn Dũng về tội vi phạm hiến pháp khi cho khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, nhà văn Phạm Đình Trọng công khai vạch ra những sai lầm của lãnh đạo đảng và tuyên bố ra khỏi đảng, ông Tống Văn Công đòi hỏi Bộ chính trị chấp nhận dân chủ đa nguyên trong kỳ đại hội đảng XI v...v... Ngoài ra, những bài viết chuyên chở tâm huyết của một số đảng viên, trí thức đăng trên mạng Bauxite VN do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà Văn Phạm Toàn và Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, đã nêu bật những bất tín, bất phục, bất mãn về các chính sách điều hành xã hội của lãnh đạo đảng CSVN.
Đặc biệt là ngày 22 tháng 4 năm 2010, một số đảng viên lão thành đã gửi thư đến Bộ chính trị và Ban bí thư chính thức phê phán về tư cách đạo đức, khả năng thiếu hiểu biết của 4 nhân vật cao cấp nhất trong Bộ chính trị gồm có Nông Đức Mạnh (Tổng bí thư), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch Quốc hội), Tô Huy Rứa (phụ trách tuyên truyền). Có lẽ đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng phê bình cấp lãnh đạo cao nhất được phổ biến công khai trong dư luận bởi một tập thể đảng viên, trước ngày khai mạc đại hội đảng. Những đảng viên này còn cho biết là họ sẽ tiếp tục nêu ý kiến về những cấp lãnh đạo khác trong các lá thư kế tiếp. Mặc dù văn phong trình bày trong lá thư rất lịch thiệp và từ tốn, nhưng toàn bộ nội dung đã toát ra những phẫn uất của quần chúng đảng về những việc làm sai trái của lãnh đạo.
Chỉ còn khoảng 7 tháng nữa, đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 1 năm 2011. Hiện nay, đảng Cộng sản đang ở vào diễn trình tổ chức các đại hội đảng cấp địa phương để bầu nhân sự lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ tới, tuyển chọn đại biểu đi dự đại hội và thành lập danh sách ứng viên Trung ương đảng. Tuy vậy không khí chuẩn bị đại hội rất buồn tẻ vì người ta đã biết chắc rằng thành phần lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam cho 5 năm tới không còn ai khác hơn là những người mà tập thể đảng viên đang phê bình là Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa, Lê Thanh Hải...
Một đảng cầm quyền có sức sống trước hết phải tạo được sự tin tưởng trong lòng đảng viên bằng chính trí tuệ và đạo đức của cấp lãnh đạo. Khi có được sự tín nhiệm trong nội bộ, đảng cầm quyền mới thu hút được sự ủng hộ nhiệt tình của khối quần chúng bên ngoài thông qua biện pháp tuyển cử tự do dân chủ. Đây là con đường chính danh mà tất cả mọi lực lượng dân chủ đều phải đi qua. Đảng Cộng sản Việt Nam thống trị toàn thể đất nước sau khi tấn công và tiến chiếm Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Từ đó đến nay họ dùng bạo lực khống chế người dân, thay phiên nhau nắm quyền cai trị và không hề quan tâm đến bất cứ ta thán nào của người dân lẫn đảng viên thấp cổ bé miệng.
Tình hình Việt Nam đang thay đổi. Lãnh đạo Hà Nội dù cố gắng “thỏa hiệp” với nhau để tiếp tục cầm quyền, nhưng quần chúng đảng viên không còn tin tưởng và biểu hiện sự bất phục ra mặt, thì trước sau gì giới lãnh đạo cũng sẽ phải ôm gói ra đi mà thôi.
Trung Điền
Ngày 23/6/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét