2010/05/26

Nghĩ gì về ca khúc Sài Gòn trước 1975

Lê Quốc Trinh

Tôi là một Việt kiều xa quê hương lâu năm, nhưng trong tâm tư không bao giờ quên những hình ảnh quê nhà, nhất là những giai điệu tân nhạc mà tôi hằng ấp ủ say mê hồi còn ở miền Nam, trước năm 1975. Nhân đọc bài "Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc SG trước 1975" của tác giả Nguyễn Thuỵ Kha đăng trên Tuần Việt Nam (21-04-2010), tôi cảm thấy tình cảm quê hương bị gián tiếp xúc phạm, do đó cần phải viết lên vài hàng góp ý với tác giả.
Trước hết xin nói rõ tôi chỉ là một kỹ sư, say mê tân nhạc Việt Nam, kiến thức âm nhạc không dồi dào, nhưng cũng tạm đủ để trao đổi, tôi xin các nhạc sĩ yêu mến của hai chính thể VNCH (những người quá cố và những người còn sống hiện nay trong nước và hải ngoại) cho phép tôi "múa rìu qua mắt thợ" một lần.
Đọc lướt qua bài "Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc SG trước 1975" tôi có cảm tưởng tác giả Nguyễn Thuỵ Kha cố tình diễn giải vấn đề dưới một cái nhìn chính trị chủ quan một chiều rất dễ bị độc giả thuộc giới am tường người ta đánh giá là thô thiển. Mở đầu là một câu phân biệt thể chế chính trị hai miền: "Sau hiệp định Geneve 20/07/1954,... Ở miền Bắc là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Ở miền Nam là chính quyền Việt Nam Cộng Hoà". Cách phân biệt này cho thấy ngay tính chất giả dối của chính sách "hoà hợp hoà giải dân tộc" như thế nào trên một website của Nhà Nước.

Có lẽ đứng trên quan điểm một "giải phóng quân" mà tác giả đã phân định tình hình "âm nhạc chiến tranh" ở miền Nam thành ba giai đoạn trước 1975, như sau:
- Giai đoạn thứ nhất, từ 20/07/1954 đến 20/12/1960: Ngày thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam;
- Giai đoạn thứ hai, từ 20/12/1960 đến 1965: Khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào các vùng chiến thuật;
- Giai đoạn thứ ba, từ 1965 đến 30/04/1975: Ngày thống nhất đất nước;
Hãy tiếp tục đọc để xem tình hình âm nhạc miền Nam phát triển ra sao theo nhịp độ "giải phóng đất nước".
Giai đoạn thứ nhất (20/07/1954 đến 20/12/1960): Ngày thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
Tác giả kể tên một số nhạc sĩ có tên tuổi ở miền Nam, sống và sáng tác dưới chính thể VNCH như: Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Chung Quân... hay các nhạc sĩ tham gia quân đội như Lam Phương, Anh Việt, Văn Phụng, Nguyễn Văn Đông... nhưng tuyệt nhiên không nghe tác giả nhắc gì về những nhạc sĩ "sống và chiến đấu trong bưng theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Có thể đây là một thiếu sót của tác giả hay vì sự thật là... không có (?). Tiếp theo, tác giả đã có vài đoạn ca ngợi các nhạc sĩ miền Nam để nói lên sự thật rằng: "Các nhạc sĩ miền Nam (VNCH) sáng tác nhạc ca ngợi người lính VNCH trong nhiệm vụ bảo vệ đất đai và bảo vệ cuộc sống thanh bình của thường dân". Đúng thế thật! Chỉ tiếc là tác giả không giải thích vì lý do gì mà người lính VNCH lại phải gian khổ nhọc nhằn như thế? Ai đã xâm phạm đất đai miền Nam? Ai đã đe doạ cuộc sống người dân miền Nam? Tiếc thật, bài viết quá ngắn nên không biểu lộ hết ý tác giả.
Tiếp theo đó, tác giả nhận xét nhạc Việt Nam trong giai đoạn 1: "Những giai điệu không khoẻ khoắn lắm nhưng cũng đầy những cảm xúc với ca từ: "Người đi khu chiến thương người hậu phương - Thương màu áo gửi ra sa trường..." (Chiều Mưa Biên Giới, Nguyễn Văn Đông). Đọc đến đây thì tôi cảm thấy hơi lùng bùng khó hiểu: thế nào là “giai điệu không khoẻ khoắn”? Phải chăng ý tác giả muốn nói nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hơi uỷ mỵ, không dám đưa những ca từ "mạnh bạo, dũng cảm, sắt máu" vào giai điệu nhạc giống như nhạc miền Bắc (ví dụ: Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân, Giải Phóng Miền Nam). Thực ra thời buổi đó xuất hiện rất nhiều bản hùng ca, nhạc vui, nhạc tình cảm quê hương, mang tính chất vui tươi khoẻ mạnh động viên thanh thiếu niên yêu quê hương đất nước, mà tác giả cố ý bỏ quên chăng? ví dụ: Khoẻ Vì Nước, Quyết Tiến, Học Sinh Hành Khúc, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Hè Về, Rạng Đông, Nhạc Rừng Khuya, Khúc Ca Mùa Hè, Bức Hoạ Đồng Quê, Khúc Ca Ngày Mùa, Hương Lúa Miền Nam, Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa, Khúc Hát Ân Tình, Tình Quê Hương, Nắng Chiều, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiều Biên Khu, Lá Thư Người Chiến Sĩ, Thương Người Chiến Binh, Cung Đàn Muôn Điệu, Đoàn Người Lữ Thứ, vv... Tác giả không biết rằng thời đó, nhiều bản hùng ca, hay Sử Ca sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (thập niên 40-50), ngoài Bắc thì cấm tuyệt, nhưng trong Nam được hát tự do thoải mái, ví dụ: Hội Nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang, Trên Sông Bạch Đằng, Nước Non Lam Sơn, Đêm Mê Linh, Đêm Lam Sơn, Bóng Cờ Lau, Ải Chi Lăng, Trưng Nữ Vương, Ngày Xưa.
Tác giả nhắc sơ qua vài bài ca khí thế hùng mạnh, giai điệu sục sôi trong hàng ngũ quân giải phóng, như "Hành Khúc Giải Phóng", "Bài Hát Giải Phóng Quân", "Giờ Hành Động"... ô hay! Chỉ có thế thôi sao? Rồi dựa lên đó tác giả quay lại phê phán nhạc Sài Gòn thời đó yểu điệu, yếu ớt, than vãn, thở than qua vài ca khúc như: Tiễn Bước Sang Ngang (Hoàng Trọng), Hương Xưa (Cung Tiến), Tình Anh Lính Chiến (Lam Phương) và Bến Hàn Giang (Dương Thiệu Tước). Như vậy tác giả chắc chưa từng nghe những ca khúc mang tính chiến đấu mạnh hơn và tình cảm hơn, ví dụ "Anh Đi Chiến Dịch" của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương:
Anh đi chiến dịch xa vời
Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than
Thương dân nghèo, ruộng hoang cỏ cháy
Thấy nỗi xót xa của kiếp đoạ đầy... Anh đi!
Không quên lời xưa đã ước thề,
dâng cả đời trai với sa trường.
Nam nhi cổ lai chinh chiến hề,
nào ai ngại gì vì gió sương.
Hôm nay ruộng đồng trong chiến dịch,
kìa sáu chốn miền Đồng Nai lên niềm tin.
Nghe như lúa reo đời sống lành,
nghe như đất vui nhịp quân hành.
Bài này (trích từ album Asia, Chiến Tranh và Hoà Bình) tôi được nghe phát thanh ầm ỹ trong một quán cà phê hồi về thăm nhà ở tp HCM (2008), đối diện là trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân Phường, vừa uống cà phê sữa đá vừa thưởng thức nhạc SG (trước 1975) trong một bối cảnh bát nháo của XHCN 2008. Ngồi nghe nhạc mà tâm trạng vui buồn khó tả!
Thực sự, giới nghệ sĩ miền Nam thời đó sống dưới chính thể VNCH được hưởng bầu không khí tự do dân chủ thoải mái, cho nên họ sáng tác nhạc với hết cả tấm lòng yêu quê hương đất nước, yêu đồng loại, họ đâu có bị ép buộc gò bó trong những khuôn khổ cứng ngắc, do đó không thể nào tìm thấy những giọng điệu "khát máu, tràn đầy hận thù, máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu" giống như nhạc ngoài Bắc thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Giai đoạn thứ hai (1960-1965): Khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào các vùng chiến thuật
Lạ thật! Tôi chẳng tìm thấy chi tiết nào do tác giả trình bày trong giai đọan "can thiệp của quân đội Mỹ" vào miền Nam. Chẳng lẽ tác giả cố tình quên hay bị "báo chí lề phải" kiểm duyệt gắt gao mà tự nhiên để chừa một khoảng trống khá lớn trong bài viết... thôi thì tôi đành bỏ qua "giai đoạn 2" để đọc kế tiếp "giai đoạn thứ ba".
Giai đoạn thứ ba (1965-1975): Ngày thống nhất đất nước
Xin phép trích nguyên si đoạn văn này để quý vị độc giả thưởng thức:
- "Giai đoạn thứ ba, trong khi cả miền Bắc vừa chống chiến tranh phá hoại bằng không lực Mỹ, vừa dốc lòng dốc sức chi viện miền Nam giành độc lập và thống nhất tổ quốc trong một không khí âm nhạc hừng hực ý chí chiến đấu và phải nhận thấy rằng đó là thứ âm nhạc cực "rock", thì tâm tư người lính Việt Nam Cộng Hoà, người dân miền Nam nhìn vào cuộc chiến tranh tàn khốc này bị phân hoá đến cực độ".
Nghe tác giả nhận xét nhạc miền Bắc thời chiến là một thứ cực "rock", tôi rất ư ngạc nhiên, chẳng hiểu "rock" ở đây có nghĩa gì? Nghĩa tốt hay nghĩa xấu? Tác giả có thể giải thích rõ ràng chăng? Còn nhận định rằng "nhạc miền Nam bị phân hoá cực độ" thì tôi có thể góp ý vài giòng. Kể từ khi quân đội Mỹ chính thức đổ bộ xuống Đà Nẵng, công khai tham gia các trận chiến cùng với sự hiện diện của các nước khác (Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan) thì bầu không khí tang tóc bắt đầu tràn ngập thành thị, rồi nhiều phong trào học sinh sinh viên nổi lên đòi hỏi chấm dứt chiến tranh, nhạc phản chiến xuất hiện cùng lúc với nhạc tình ca Trần Thiện Thanh, nhạc vàng (Bolero, Rumba, Slow Rock), gây nên một tình trạng không đồng nhất, không có đường hướng chung rõ rệt, chứ không có nghĩa là phân hoá. Tác giả đã đứng trên lập trường một "đảng viên CS" hay "giải phóng quân" nhận xét theo chiều hướng tuyên truyền cứng ngắc, nói thế thì thử hỏi hiện nay nền tân nhạc ở Việt Nam đi về đâu so với thời kỳ trước 1975? Nhạc "giải phóng quân miền Nam" ra sao sau ngày lịch sử 30-04-1975? Tình trạng âm nhạc miền Bắc ra sao sau ngày Giải Phóng 30-04-1975? Tôi sẽ có một bài khác trình bày chi tiết về chủ đề này.
Bây giờ, thử đặt một giả thuyết rằng nếu tất cả văn nghệ sĩ, nhạc sĩ và toàn thể dân chúng miền Nam nhất quyết "chiến đấu chống Cộng tới giọt máu cuối cùng", tất cả mọi bài ca đều mang tính chất "sắt thép, máu, lửa, hận thù sôi sục" thì chưa hẳn tình hình biến đổi nhanh chóng như ngày 30-04-1975. Hãy nhìn sang tình hình nước Đại Hàn hồi giữa thập niên 50, trận tử thủ ở bên bờ sông Lục Đầu, nếu không có TQ can thiệp bằng chiến thuật "biển người cuồng tín" tràn qua biên giới thì tình đã thế khác hẳn. Vậy thì đề nghị tác giả Nguyễn Thuỵ Kha đừng nên suy luận kiểu một chiều như vậy, đừng nên kiêu ngạo đứng trên tư thế kẻ chiến thắng để đè bẹp dân tộc, có hay ho gì đâu khi hai miền xung đột nội chiến, để cho mọi thế lực cường quốc hưởng lợi trên thân xác nhân dân Việt Nam. Rồi đây lịch sử sẽ vạch trần sự thật cho thấy ai là kẻ hiếu chiến, ai là kẻ phản quốc "cõng rắn cắn gà nhà", trào lưu truyền thông phổ biến trên mọi Trang Mạng Internet chính là tiếng nói chân thật nhất của mỗi người dân, sẽ chấm dứt thời kỳ tuyên truyền một chiều, bưng bít thông tin của chế độ Cộng Sản.
Và "Những ca khúc da vàng"
Đến đây đột nhiên tác giả chuyển hướng đề cập đến phong trào "Ca khúc da vàng" mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người chủ xướng từ đầu thập niên 60. Có một chi tiết làm cho tôi bật phì cười, không hiểu tác giả lý luận ra sao mà dám nói rằng “Tình khúc Nhìn Những Mùa Thu Đi của họ Trịnh, dịu dàng nhưng mới mẻ, đã tiếp sức cho học sinh, sinh viên Huế kiên cường đấu tranh chống đàn áp Phật tử năm 1963”. Tôi đề nghị tác giả phân tích bài ca "Nhìn Những Mùa Thu Đi" cho biết yếu tố nào, cụm từ nào đã động viên tinh thần tranh đấu của học sinh, sinh viên Huế chống Pháp Nạn thời đó (1963).
Tác giả có vẻ tâng bốc họ Trịnh quá sa đà, đến độ viết như sau:
"Khi dạy học ở Bảo Lộc, việc Mỹ đổ quân vào miền Nam và đánh phá miền Bắc đã khiến Trịnh Công Sơn có một kỳ nghỉ hè như bị cuông bức. Ông đã trốn vào rừng sâu để viết ra tập "Ca khúc da vàng" với khát vọng hoà bình chát bỏng. Năm 1967, ông đã xuất bản lậu tập ca khúc này ở Sài Gòn và cùng Khánh Ly đi du ca kêu gọi hoà bình. Chính góc nhìn này đã hoà nhập Trịnh Công Sơn vào phong trào "Hát cho đông bào tôi nghe" rừng rực".
Hồi còn ở Sài Gòn, tôi đã từng nghe những ca khúc da vàng nóng bỏng đó, nhất là bài "Gia Tài Của Mẹ", "Huế Sài Gòn Hà Nội", hay "Người Con Gái Việt Nam Da Vàng", và rõ ràng giòng nhạc họ Trịnh được truyền bá sâu rộng trong giới trẻ thời đó, không hề bị ngăn cấm, tập nhạc này được chính quyền VNCH cho xuất bản tự do, làm gì có chuyện "in lậu". Sau cùng tác giả đưa ra nhận định rằng: "Có lẽ nhờ vậy mà sau 30/04/1975, giữa những ca khúc một thời loang ra miền Bắc, Trịnh Công Sơn vẫn là nỗi ám ảnh đáng kể nhất". Ám ảnh ai? Dân chúng miền Bắc? Hay chính quyền CS miền Bắc? Tại sao bị ám ảnh? Tôi biết rõ rằng giờ đây, mỗi lần giới nghệ sĩ Việt Nam trong nước mỗi lần muốn tổ chức ngày lễ "giỗ Trịnh Công Sơn" vẫn thường phải long trọng xin phép chính quyền, đệ trình một danh sách những ca khúc để cho chính quyền kiểm duyệt, và đương nhiên nhiều ca khúc TCS hãy còn bị cấm phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
Giờ đây, trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang bị suy thoái, vấn nạn đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh, đạo sách lan tràn khắp nơi, lớp trẻ nhà giàu được gửi học trường ngoại ngữ đắt tiền, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, nhưng lại không biết viết tên Việt Nam của mình ra sao, không nói tiếng mẹ đẻ, do đó khi ngồi nghe bản nhạc "Gia Tài Của Mẹ" tôi mới thấm thía nỗi đau của một dân tộc đang đánh mất dần bản sắc:
Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ: một bọn lai căng!
Gia tài của Mẹ: một lũ bội tình!
Kết luận:
Bài viết "Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc SG trước 1975" của Nguyễn Thụy Kha trình bày quá nhiều sơ hở, ý tưởng rời rạc, mâu thuẫn mang cảm quan của một người không sống thật trong xã hội miền Nam thời kỳ chiến tranh, nhiều nhận xét quá phiếm diện, đưa đến nhiều sai lầm ngộ nhận về một nền âm nhạc cực thịnh của đất nước.
Trong khuôn khổ bài phê bình này, tôi chỉ có thể phản hồi những ý tưởng của tác giả Nguyễn Thụy Kha, hy vọng rằng trong một bài khác tôi sẽ trình bày rõ hơn quan điểm của tôi, một người sống và say mê âm nhạc miền Nam thời kỳ trước 1975.
Lê Quốc Trinh, Canada
Tài liệu trích dẫn:
1/- "Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc Sài Gòn trước 1975", tác giả Nguyễn Thuỵ Kha, TuanVietNam (21/04/2010);
2/- Bản nhạc "Anh đi chiến dịch", sáng tác: Phạm Đình Chương. Ca sĩ Hoàng Oanh;
3/- Bản nhạc "Gia tài của Mẹ": sáng tác: Trịch Công Sơn. Ca sĩ: Khánh Ly.

Anh Đi Chiến Dịch, Hoàng Oanh

Gia Tài Của Mẹ, Khánh Ly


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét