Trần Quốc Tuân
Hôm qua người bạn cho tôi mượn đọc bài báo với tựa, “Trợ Giá Trong Cách Mạng Xanh tại Ấn Phản Tác Dụng” của ký giả Geeta Anand đăng trên tờ Wall Street Journal. Bài báo nói về quốc sách Cách Mạng Xanh tức Green Revolution, mà chính phủ Ấn Độ đã xúc tiến cách đây 40 năm để tăng trưởng hiệu quả nông nghiệp. Trong chính sách đó, chính phủ Ấn tài trợ một phần giá phân bón hoá học cho nhà nông. Vì được hỗ trợ giá nên các loại phân hoá học, đặc biệt là phân urê, được nông dân Ấn dùng vô tội vạ. Vì thiếu hiểu biết nên nông dân Ấn nghĩ rằng càng thêm phân bón càng thêm xanh cây tốt trái và cứ thế mà rải urê, nhiều nơi lên tới trên 30 lần mức đề nghị của hãng sản xuất. Tuy lúc đầu hiệu quả thu hoạch nông nghiệp tại Ấn tăng đáng kể, nhưng sau bốn thập niên, chất dinh dưỡng và khối sinh vật vi khuẩn trong đất gần như hoàn toàn biến mất. Tình trạng quá liều lượng urê còn ảnh hưởng nặng đến nguồn nước ngầm. Vì vậy năng xuất nông nghiệp tại Ấn Độ trong những năm gần đây đã tuột dốc rất nhanh xuống tới mức trầm trọng. Từ một nước đã tự cung cấp được lương thực, nay nước này lại phải trở lại tình trạng mua lương thực từ các nước khác. Chỉ riêng năm 2008 đã phải nhập khẩu 1,7 triệu tấn lúa mì, chưa kể đến gạo, bắp, khoai, v.v...
Khi hiểu ra nguyên nhân của nguy cơ thiếu lương thực toàn quốc, các nhà khoa học và các tổ chức dân sự tại Ấn đã ra sức vận động chính phủ có biện pháp sửa sai cứu nguy tình thế. Chính nhờ đó mà chính phủ của Thủ tướng Mohammed Singh đã có kế hoạch điều chỉnh gấp rút giá cả đối với tất cả loại phân hoá học, đồng thời xúc tiến các chương trình giáo dục để nâng cao hiểu biết của nhà nông từ tháng 4/2009.
- Cánh đồng xanh Ấn Độ
Khi đọc bản tin trên, một cảm giác thiệt thòi bỗng đến với tôi. Vì từng làm nghề nông 13 năm tại Huyện Trảng Bom, Đồng Nai nên tôi phần nào hiểu được sự lẻ loi của nông dân tỉnh tôi nói riêng, và nông dân Việt Nam nói chung. Đa phần họ chỉ tự tìm hiểu những kỹ thuật mới, chỉ biết học hỏi qua lại với nhau về cách bón phân, tỉa hạt, gieo trồng. Năm này qua tháng nọ, họ phải sống với nỗi lo âu triền miên, phải chống chọi với biết bao khó khăn đến từ thiên tai, thời tiết, sâu rầy, cỏ dại. Rồi khó khăn từ giá nông sản, phân bón, thuốc trừ sâu,... lên xuống bất thường. Hên thì được mùa, được giá, xui thì đành chịu thua lỗ, nhìn bầy con chấp nhận bữa đói bữa no.
Trong muôn vàn cái khó, có lẽ hai cái khó lớn nhất người nông dân quê tôi đang phải đối phó là dinh dưỡng đất đang suy giảm, và mạch nước ngầm thì cạn dần theo năm tháng. Cho nên làm nghề nông thuần tuý không hiệu quả như khi xưa. Để đối phó, một số hộ nhà nông đã tự học hỏi phương pháp chăn nuôi kết hợp với nông nghiệp. Họ cầm sổ đỏ vay vốn nhà nước, hoặc vay mượn thân nhân vốn để xây chuồng nuôi gà công nghiệp, dê, heo, bò thịt và vài con bò sữa. Phần đất nào bạc màu thì được bỏ hoang cho cỏ mọc để lấy cỏ nuôi gia súc. Phân gia súc được sử dụng làm phân hữu cơ “cây nhà lá vườn” để bón hoa màu, đồng thời phần nào bồi hoàn lại sinh dưỡng cho đất. Nhờ phương pháp này năng xuất nông nghiệp được cải thiện phần nào. Cộng với lợi tức thu nhập từ chăn nuôi, đời sống kinh tế của một số hộ nông dân nơi đây đã khá hơn trước.
Thế nhưng, chỉ được vài năm thì bỗng dưng lại có nạn các đoàn “môi trường” tỉnh ghé lại điều tra, rồi xử phạt hành chính vì bà con không có “giấy xin phép chăn nuôi” hoặc không hội đủ điều kiện chăn nuôi “an toàn và vệ sinh môi trường”. Họ "định tội" cụ thể là các "trại" chưa có biện pháp xử lý phân gia súc để khỏi gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm. Nói là xử phạt hành chính cho có vẻ thi hành công vụ và đủ tính hăm dọa, chứ thật ra là họ xuống để lấy tiền “bồi dưỡng”. Bởi vì “xử phạt” ở đây chỉ là nói miệng, không biên bản, biên nhận gì cả. Khi tiền được trao thì đoàn “môi trường” đi. Và vài tháng đoàn lại đến để tìm các lỗi khác. Dần dần, bà con đành phải bỏ tiền xây hầm tích trữ phân lại chứ không để rải rác tự nhiên nữa với hy vọng đỡ đóng tiền phạt. Nhưng đổi lại, nguồn phân hữu cơ “cây nhà lá vườn” tại xã tôi bị giảm hẳn.
Đối với nhà nông, phân gia súc là loại thuốc “thập toàn đại bổ” để bồi lại dinh dưỡng cho đất. Không có loại phân này, nông dân phải triệt để xử dụng các loại phân hữu cơ sinh học, hoặc các loại phân hoá học. Mua các loại phân này thì phải tốn nhiều tiền, có khi quá mức chịu đựng của nhà nông. Cụ thể như cơn sốt giá phân bón hoá học tăng kỷ lục năm 2007, khi ấy giá phân urê có khi cao gấp 2 hoặc 3 lần giá lúa. Vô số nông dân trên phạm vi cả nước phải điêu đứng. Đấy là chưa kể đến sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu giả hoặc kém chất lượng đã gây ra biết bao tổn thất cho nông dân. Báo Tuổi Trẻ có bài trên mạng ngày 06/03/2009 với tựa “Tuyên Chiến Với Phân Bón Giả” trích dẫn bản tin có đến 50% mẫu phân kém chất lượng lấy từ trên ba nghìn mẫu phân trên phạm vi cả nước. Rồi đến phân hữu cơ sinh học, vốn được chế tạo từ rác và chất thải hữu cơ như phân người lấy từ cầu xí, bây giờ cũng bị giả nốt. Điển hình là tờ Lao Động số 78 ngày 10/4/2009 đưa tin phân hữu cơ K-Humat của công ty Minh Đức, từ năm 2006, đã bị phát hiện giả mạo. Thế nhưng, vụ bê bối này dây dưa, kéo dài đến tháng 3/2009 vẫn chưa được xử lý, khiến ông phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: “phải kiểm tra, giải quyết dứt điểm và báo cáo thủ tướng”. Nhưng cũng theo bài báo này, đến tháng 4/2009 công ty Minh Đức vẫn ung dung ngồi yên... và ông Nguyễn Sinh Hùng cũng đi "điều tra" chuyện khác!
Qua bài báo về nguời nông dân Ấn Độ, tôi thấy cái hay của nền dân chủ đa nguyên là với sự đi đầu của các nhà trí thức nhiều tâm huyết, các hội đoàn, tổ chức dân sự phù trợ chính phủ trong việc điều hành đất nước và chăm sóc xã hội. Khi một chính phủ có chính sách hữu ích cho dân tộc thì các đoàn thể, tổ chức ấy hướng dẫn toàn dân tận dụng các chính sách đó để vươn lên. Nhưng, lỡ khi chính phủ lạc bước đưa ra những chủ trương, đường lối bất lợi cho dân tộc thì cũng chính những tổ chức và đoàn thể ấy, kéo theo toàn dân góp sức kiến nghị, phản biện, góp ý nhằm khắc phục thật sớm các tác hại. Vì nếu thực sự đặt lợi ích dân tộc trên hết thì chính phủ phải sửa sai. Và điều rất quan trọng ở xã hội dân chủ là người dân được quyền không đồng ý và nói trái chiều với nhà nước mà nhà nước phải lắng nghe. Chỉ như vậy cả nước mới có thể liên tục giảm thiểu cái hại và khai triển cái lợi để đẩy dân tộc đi lên với vận tốc tối đa.
Còn tại Việt Nam thì sao? Dưới mắt các lãnh đạo Đảng CSVN, các đoàn thể, tổ chức dân sự, phi chính phủ, vô vị lợi luôn bị xem là các đối thủ của Đảng. Họ không được phép thành lập hoặc bị giới hạn ngặt nghèo, không thể đem lại lợi ích gì cho người dân thấp cổ bé miệng như ở Ấn Độ. Lý do đơn giản là vì Đảng sợ người dân biết ơn các tổ chức này mà quên mất Đảng, tức thu nhỏ bệ dựa chính trị của Đảng lại. Với tư duy luôn đặt quyền lợi của lãnh đạo Đảng trên hết, họ quyết không để một tổ chức quần chúng nào được phép hiện diện bên ngoài vòng kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc. Cũng vậy, đối với những nhà trí thức đầy tâm huyết như Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Đại sứ Nguyễn Trung, v.v… hầu hết đều bị trù dập, răn đe, và cách ly khỏi các khối quần chúng. Lãnh đạo Đảng không dám để các tiếng nói lương tâm này vạch trần các sai trái và cản trở các mối làm ăn béo bở của họ, từ tình trạng xuống cấp trầm trọng của nền giáo dục đến các vụ khai thác Bôxít Tây Nguyên và cho thuê rừng biên giới...
Biết đến bao giờ người nông dân Việt Nam thôi phải chống chọi với muôn vàn cái khó khăn trong sự lẻ loi, đơn độc? Đến bao giờ người nông dân Việt Nam mới được sự liên đới, đùm bọc của các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ như người nông dân Ấn Độ? Đến bao giờ mới có một chính phủ biết xem các tổ chức phi chính phủ vô vị lợi là phúc lộc cho đất nước chứ không phải là những mối đe dọa? Và đến bao giờ mới có một nhà nước đủ khôn ngoan để đặt tối đa thẩm quyền trong tay người dân vì mục tiêu phát triển nhanh nhất cho đất nước?
Người Việt chúng ta không thể ngồi yên chờ ngày được trả lời!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét