Trung Điền
Cách nay khoảng 20 năm, trong bối cảnh tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô cầm đầu, đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức đại hội đảng lần thứ 7 từ ngày 24 đến 27 tháng 6 năm 1991. Tại đại hội này, đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản “Cương Lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, được sửa đi sửa lại khoảng 30 lần từ năm 1987, nhằm biện minh cho đường lối đổi mới đưa ra từ cuối năm 1986. Đó là việc bãi bỏ kinh tế tập trung, áp dụng cơ chế thị trường và mở cửa giao thương với các nước tư bản không có nghĩa là xa rời chủ nghĩa xã hội mà đó chỉ là thời kỳ quá độ mang tính chuyển tiếp.
Ba mươi năm sau đổi mới (từ 1986) và 20 năm sau khi bắt đầu “thời kỳ quá độ”, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam lại đưa ra việc bổ sung, tức là “đổi mới” nội dung Cương Lĩnh Chính Trị năm 1991 với một số những định nghĩa rất là gượng ép nhằm kéo dài cái gọi là “thời kỳ chuyển tiếp này”. Theo thông báo của Hội nghị lần thứ 12 Trung ương đảng khóa X đã quyết định rằng: Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở cho Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp xã hội chủ nghĩa ngày một phồn vinh mà đích nhắm là khoảng giữa thế kỷ 21. Nói cách khác, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa đạt tới mục tiêu tiến lên xã hội chủ nghĩa mà vẫn còn loay hoay… chuyển tiếp, và Việt Nam phải đợi ít nhất vài chục năm nữa mới cất cánh trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại… dưới định hướng xã hội chủ nghĩa và lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại sau 30 năm tập trung vào công cuộc phát triển không phải là không thực hiện được. Kinh nghiệm của Nhật Bản (1947-1977), Đại Hàn (1963-1993), Đài Loan (1957-1987), Tân Gia Ba (1964-1994) và mới đây là Trung Quốc (1978-2008) đã chứng minh rằng nếu có chính sách phát triển đúng đắn thì vấn đề công nghiệp hóa đất nước không chỉ là giấc mơ. Trong những quốc gia đã trải qua quá trình công nghiệp hóa nói trên, chỉ có Trung Quốc là đất nước còn cần phải trải qua một thời gian thử nghiệm nữa thì mới có kết luận chính xác vì hai lý do. Một là sự phát triển nền công nghiệp của Trung Quốc đa phần dựa vào đầu tư từ bên ngoài và chỉ cung ứng nguồn nhân lực rẻ để trở thành “công xưởng sản xuất’ của thế giới. Thứ hai là sự phát triển không bền vững, tạo sự chênh lệch giầu nghèo lớn trong xã hội, làm ô nhiễm môi trường một cách quá đáng, gây nguy hại cho nhiều thế hệ tại Trung Quốc. Ngoài ra, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa được công nhận có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Nhìn vào Việt Nam, từ khi đảng Cộng sản chính thức áp dụng kinh tế thị trường và đẩy mạnh chính sách hội nhập toàn cầu vào năm 1991 cho đến nay gần 20 năm, lợi tức bình quân trên đầu người theo GDP đã đạt khoảng 1000 Mỹ Kim – tăng khoảng 5 lần so với năm 1980 và đã ra khỏi danh sách những nước đang phát triển có thu nhập thấp. Điều này cho thấy là nền kinh tế của Việt Nam đã có những thay đổi căn bản với hàng hóa nhiều hơn và mức sống của người dân có khá hơn so với thời kỳ bao cấp. Trong 10 năm liền từ năm 2001 đến 2010, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm 7,2% và đã thu hút lượng đầu tư ngoại quốc lên đến 51 tỷ Mỹ Kim.
Tuy nhiên trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam dựa trên 5 yếu tố: 1/ Sức lao động rẻ; 2/ Đầu tư từ nước ngoài (FDI); 3/ Viện trợ ngoại quốc (ODA); 4/ Khai thác tài nguyên thiên nhiên; 5/ Buôn bán bất động sản. Trong đó, ba yếu tố thuộc tiềm lực Việt Nam là: 1/ Sức lao động rẻ của dân; 2/ Khai thác tài nguyên thiên nhiên và 3/ Buôn bán bất động sản. Mới đây, Việt Nam còn có thêm dịch vụ mới là cho một số công ty nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, thuê rừng đầu nguồn. Vì nền kinh tế dựa trên nền tảng như vậy, Việt Nam vẫn còn loay hoay trong tình trạng của một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có chỉ dấu của một nền kinh tế hướng tới công nghiệp thì làm sao 40 năm nữa trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại? Nói cách khác, Việt Nam hiện nay là một đất nước phát triển theo hướng: Dân đi làm thuê và đất nước cho thuê.
Kinh nghiệm phát triển của những quốc gia trong thời kỳ công nghiệp hóa, ít ra phải dựa trên một số nền tảng tối thiểu sau đây thì mới có thể nhanh chóng cất cánh:
Cải cách chính trị theo hướng xây dựng một nhà nước pháp quyền, tôn trọng các quyền căn bản của công dân và xây dựng một xã hội dân sự ngày một mở rộng trong xã hội.
Thể chế hóa nền kinh tế theo hướng thị trường, khuyến khích và bảo vệ kinh tế tư nhân.
Cải cách giáo dục để hình thành một đội ngũ chuyên gia có khả năng trong lãnh vực nghiên cứu.
Nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp; trong đó tỷ lệ lao động nông nghiệp sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số lao động trên toàn quốc.
Ngoài những nền tảng tối thiểu, mỗi quốc gia còn phải thực hiện một số cải tổ như hệ thống hạ tầng cơ sở để giúp cho vấn đề vận chuyển tốt đẹp; hệ thống giáo dục và y tế đại chúng để đào tạo nhân tài và bảo vệ sức khoẻ người dân; hệ thống pháp lý và hành chánh để bảo vệ tính công khai minh bạch trong làm ăn buôn bán; hệ thống tài chánh, tiền tệ, thuế khóa vân, vân… Tất cả những nỗ lực này không chỉ nhằm tạo một sân chơi bình đẳng trong hoạt động kinh tế mà còn đóng góp vào việc xây dựng một chế độ chính trị tự do, dân chủ, công bằng để cho mọi công dân có điều kiện phát huy khả năng đóng góp vào tiến trình phát triển nền công nghiệp của đất nước.
Mặt khác, so với thời kỳ phát triển của Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan cách đây 30 năm chưa có Internet nên việc liên lạc, trao đổi, nhất là nỗ lực nâng cao dân trí, nghiên cứu và sáng tạo tốn rất nhiều thời gian. Ngày nay một quốc gia biết tận dụng mạng Internet vào các lãnh vực cải cách sẽ không chỉ rút ngắn giai đoạn phát triển công nghiệp hóa mà còn giảm thiểu những chi phí rất lớn. Ví dụ trước đây, muốn cập nhật kiến thức và khả năng khoa học ở nước ngoài, chính quyền phải đưa nhiều sinh viên, chuyên gia ra một số quốc gia học tập, nghiên cứu. Ngày hôm nay qua mạng Internet, người ta có thể ngồi tại chỗ tra cứu, hoặc trao đổi một cách trực tiếp mà không phải đi xa tốn kém thì giờ lẫn công sức.
Tiếc thay, khi đọc bản Cương Lĩnh Chính Trị năm 1991 bổ sung và cả bản Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 mà Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa X dành cả hai năm để biên soạn đã không đưa ra những nền tảng cần phải làm, mà đa số chỉ tập trung vào những câu khẩu hiệu. Chỉ cần coi qua một phần bản báo cáo chính trị mà ông Nông Đức Mạnh sẽ đọc trong đại hội đảng kỳ XI vào tháng 1 năm 2011 - đã được Trung ương đảng đồng ý như sau: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, chúng ta thấy họ vẫn coi đảng cao hơn dân tộc; và đảng, chứ không phải người dân đi đầu trong nỗ lực công nghiệp hóa.
Khi mà những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn ôm giữ tư duy đảng đứng trên tất cả, thì những chủ trương đưa ra trong chiến luợc phát triển 2011-2020 của chế độ như thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao…”, chỉ là những sáo ngữ mị dân mà thôi. Nếu Hà Nội thật sự muốn phát huy sức mạnh dân tộc và đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa thì trước hết cần làm ba việc cần thiết sau đây:
Thứ nhất là bãi bỏ tất cả mọi bức tường lửa ngăn chận sự liên lạc, trao đổi của người dân qua mạng Internet. Đồng thời xóa bỏ mọi kiểm soát của đảng đối với hệ thống truyền thông hiện nay. Thứ hai là bãi bỏ cái gọi là kinh tế quốc doanh nắm vị trí chủ đạo, để cho tư nhân được tự do làm ăn, nghiên cứu trong khuôn khổ luật pháp công bằng, tự do và dân chủ.
Thứ ba là đảng Cộng sản Việt Nam không tự cho mình cái gọi là độc quyền đứng trên tất cả.
Tóm lại, dân tộc Việt Nam có dư khả năng để đưa đất nước trở thành công nghiệp hóa với trình độ chuyên môn, với khả năng cũng như tiềm năng và ý chí vươn lên của thành phần trí thức Việt Nam nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Nếu Hà Nội coi đây là một tiềm lực cần vận động thì phải gỡ ngay những rào cản, tôn trọng các quyền tự do căn bản của nguời dân để cho giới trí thức trở thành lực đầu tàu của công cuộc canh tân Việt Nam.
Trung Điền
Ngày 31/3/2010
Ngày 31/3/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét