Ngô Văn
Hầu như cả thế giới đều có thiện cảm, hay ít ra cũng không đặt vấn đề trong việc Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng đến tòa Bạch ốc để hội đàm với Tổng thống Obama. Chỉ có Bắc Kinh là tỏ thái độ giận dữ, lên tiếng phản đối Hoa Kỳ một cách điên cuồng và cảnh cáo rằng, việc toà Bạch Ốc đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ làm cho tình hình bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thêm căng thẳng, mà trách nhiệm là do phía Hoa kỳ gây ra. Đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma thì Bắc Kinh sử dụng những lời lẽ xấu nhất để chỉ trích và bôi nhọ uy tín của Ngài. Cùng lúc chuẩn bị một cuộc đàn áp người dân Tây Tạng ở khu tự trị Lhasa, nếu họ ra đường biểu lộ niềm vui khi biết vị Phật sống của họ đạt nhiều thành công ngoại giao tại Hoa Kỳ.
Mặc dù Bắc Kinh gây áp lực mạnh mẽ, nhưng Washington vẫn giữ ý định mời Đức Đạt Lai Lạt Ma vào Toà Bạch Ốc để hội đàm với Tổng thống Obama về tình hình Tây Tạng.
Nếu trước đây biểu tượng của đường lối đấu tranh bất bạo động là Thánh Ghandi của Ấn Độ, sau đó là mục sư Martin Luther King của Hoa Kỳ, hay Nelson Mandela của Nam Phi, thì nay biểu tượng đó không ai khác hơn là Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng.
Có lẽ vì thế mà liên tiếp ba vị Tổng thống của Hoa Kỳ là Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, bất kể các phản đối ầm ĩ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, vì chẳng muốn gây nên sự căng thẳng không cần thiết, nên mỗi vị Tổng thống chọn một cách thức đón tiếp riêng. Ông Clinton thì nói chuyện với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại phòng làm việc của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ. Tổng thống Bush thì tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ, còn ông Obama tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma tại khu dành riêng cho gia đình Tổng thống ở tòa Bạch ốc.Được biết, một tuần trước khi vị Phật sống Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma đến toà Bạch Ốc hội đàm với Tổng thống Obama, Bắc Kinh đã đưa thêm công an và quân đội đến bao vây khu tự trị Lhasa. Ngày cũng như đêm liên tục mở nhiều cuộc tuần tra lục soát khắp khu tự trị này. Ngoài đường phố, cứ cách nhau khoảng 100 mét là có một chốt an ninh để sẵn sàng ra tay trấn áp bất kỳ ai ra đường biểu hiện niềm vui về cuộc hội đàm giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng thống Mỹ Obama.
Người dân Tây Tạng ở Lhasa quá quen với cảnh này nên không còn sợ hãi. Hơn nữa, họ đã thống nhất cách thức biểu lộ niềm vui của họ mà công an không thể đàn áp được. Họ chỉ lo ngại Washington thay đổi ý định vào phút chót trước những áp lực mạnh mẽ của Trung Quốc. Chính quyền cộng sản ở khu tự trị Lhasa đã cho người đến từng nhà rỉ tai rằng, “sở dĩ tình hình ở đây trở nên căng thẳng là do ông Lạt Ma gây ra. Ông ta là người đứng đầu một tổ chức khủng bố, chủ trương bạo động để phá hoại tinh thần đoàn kết dân tộc nhằm phân hóa đất nước. Ông ta là ác quỷ chứ Phật sống cái nỗi gì”. Ngoại trừ một số “Tây Tạng gian” liếm gót Bắc Kinh, lối tuyên truyền rỉ tai, nói xấu Đức Đạt Lai Lạt Ma của chính quyền cộng sản Trung quốc chẳng có hiệu quả gì. Tất cả người dân Tây Tạng đều hướng về vị Phật sống của họ với cả tấm lòng tôn kính.
Khi tin tức Đức Đạt Lai Lạt Ma hội đàm với Tổng thống Obama được loan tải rộng rãi khắp thế giới, thì khu tự trị Lhasa bị cô lập hoàn toàn; nội bất xuất, ngoại bất nhập. Lực lượng an ninh đã dàn thế trận với đầy đủ xe tăng, súng đạn, chó nghiệp vụ để sẵn sàng ra tay đàn áp bất kỳ người dân Tây Tạng nào ra đường biểu lộ niềm vui. Không một ký giả nước ngoài nào được vào Lhasa để thu tin, cho dù họ có giấp phép hành nghề do chính bộ Ngoại giao Bắc Kinh cấp. Còn đối với người dân Tây Tạng, vì đã thống nhất phương pháp hành động, nên đúng vào lúc cuộc hội kiến diễn ra ở toà bạch Ốc thì chẳng có một người Tây Tạng nào ra đường; phố xá vắng tanh, tất cả đều ở nhà để tụng kinh cầu nguyện cho cuộc hội đàm được thành công tốt đẹp. Dân Tây Tạng thể hiện sự vui mừng và cũng là niềm hãnh diện của họ qua câu kinh, tiếng kệ mà công an không thể nào đàn áp được. Hình thức đối đầu bất bạo động vừa kể còn cho thấy những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của Trung Quốc đã không hề lung lạc được bất cứ người dân Tây Tạng nào.
Về phần Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đã phát huy đúng mức tinh thần vô úy, luôn hòa nhã, không xem bất kỳ ai là kẻ thù, nên không những thu hút được cảm tình của người dân Mỹ, mà còn của nhiều người trên khắp thế giới. Dư luận đã đánh giá cao về cuộc hội đàm vừa qua giữa Tổng Thống Obama và Đức Đạt lai Lạt Ma, và khuyến khích chính phủ Hoa Kỳ nên có những cuộc hội đàm tương tự với đại diện các dân tộc khác đang bị những chế độ cộng sản, độc tài cai trị.
Từ trước đến nay Bắc Kinh vẫn cố nguỵ tạo và bẻ cong lịch sử, cũng như sử dụng mọi xảo thuật để cho rằng Tây Tạng đã thuộc về Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh càng cố chứng minh thì lại càng lộ ra bản chất xâm lược, nên đã không thuyết phục được ai, nói gì đến người dân Tây Tạng.
Bạo lực khủng bố và tuyên truyền lừa mị là sở trường và cũng là kim chỉ nam của các chế độ cộng sản để nhằm đàn áp bất kỳ ai dám đứng lên chống đối sự sai trái của họ. Nhưng cái sở trường và kim chỉ nam đó đã hoàn toàn bất lực trước đường lối đấu tranh bất bạo động của người dân Tây Tạng. Hình ảnh người dân Tây Tạng tại khu tự trị Lhasa đồng loạt ở nhà tụng kinh, biểu lộ niềm vui và cũng là niềm hãnh diện của họ về một Đức Đạt Lai Lạt Ma, mà Bắc Kinh không thể nào ra tay đàn áp được, đã chứng tỏ sự hữu hiệu của phương thức đấu tranh này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét