2010/03/07

Cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn


Dư luận trong nước gần đây quan tâm đặc biệt đến việc 10 tỉnh biên giới cho các công ty thuộc Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thuê hơn hai trăm ngàn hec-ta rừng đầu nguồn để trồng rừng.
Tài nguyên quốc gia
Có thật là trồng rừng hay còn có ý đồ gì khác khi rừng của Việt Nam được xem là rất giàu các loại quặng thiên nhiên mà nước ngoài luôn thèm muốn? Nhà văn Vũ Ngọc Tiến, đồng thời cũng là một nhà địa chất, cho biết thêm ý kiến về vần đề này.
Mặc Lâm: Thưa ông, mới đây Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có lên tiếng cảnh báo về việc hơn hai trăm ngàn hecta rừng đầu nguồn đang bị cho nước ngoài thuê một cách khá mờ ám. Là người có theo dõi vụ này từ nhiều năm trước ông có chia sẻ gì với thính giả những thông tin mà ông có?
Vũ Ngọc Tiến: Thật ra vấn đề mà hai tướng Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đặt ra thì chúng tôi cũng phong phanh biết từ 4-5 năm nay rồi, thế nhưng cũng chưa rõ ràng cho nên không dám lên tiếng. Bởi vì các tài liệu này người ta bí mật với nhau cho nên không có một cái gì để công bố cho cụ thể.
Rất may trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đưa vấn đề này ra với những chứng cứ xác thực. Thật sự, là một người viết văn viết báo lại có chuyên môn về địa chất nên tôi rất lo. Lo vì những vấn đề an ninh biên giới, vấn đề môi trường do tàn phá rừng đầu nguồn là quá rõ ràng. Nhưng khi tôi tìm hiểu kỹ ra thì đó còn là vần đề tài nguyên nữa.


Mặc Lâm: Thưa xin ông cho biết tài nguyên mà ông nói thuộc loại gì và có quý lắm hay không?
Vũ Ngọc Tiến: Các tài liệu địa chất từ thời ông Depat, ông Somalier, những nhà địa chất lớn của người Pháp làm việc ở Đông Dương cho tới sau này các nhà địa chất Nga như Dobvikok hay là các nhà địa chất Việt Nam thì đều khẳng định những tỉnh biên giới vùng Kom Tum, vùng Việt Bắc và Tây Bắc của Sơn La Điện Biên là vùng có rất nhiều loại khoáng sản thuộc kim loại màu cũng như vàng bạc, thậm chí cả phóng xạ nữa.
Thế cho nên khi chúng tôi đi tìm hiểu thì chưa có một bằng chứng nào cụ thể, nhưng mà gần đây một ông đại diện của tỉnh Lạng Sơn trả lời trên công luận thì tôi bắt đầu giật mình.
Bởi vì theo tôi biết, huyện Trảng Định và huyện Văn Lạng ở Lạng Sơn là hai huyện có rất nhiều những giải quặng bauxite, thế mà ông ấy cho thuê rừng đầu nguồn thuộc 14 xã của huyện Tràng Đình, chắc chắn có cả bauxite trong đó.
Đi sâu vào những vùng khác như Lào Cai thì có mỏ Nậm Sa, Hà Giang thì có mỏ sắt Đồng Bá đặc biệt Sơn La thì có nhiều mỏ phóng xạ và cả Uranium nữa.
Trồng rừng hay khai thác khoáng sản?
Mặc Lâm: Từ trước tới nay những khu vực có mỏ kim loại quý được xem là tuyệt mật và nhà nước chưa cho phép bất cứ cơ quan nào đựơc phép khai thác hay bán cho nước ngoài. Ông có chắc rằng các địa phương đã vượt quy tắc bí mật quốc gia để cho nước ngoài thuê hay không?
Vũ Ngọc Tiến: Xưa nay những tài liệu đó được xem là tuyệt mật, nhưng từ ngày đổi mới cơ chế thả lỏng cho địa phương, thì họ thuê các chuyên gia địa chất vẽ lại bản đồ rồi họ dấm dúi với nhau. Họ tổ chức khai thác rồi cho nước ngoài thuê thì ai mà biết được. Thật tình mà nói nếu như sự việc này xảy ra thì nó sẽ dẫn đến ba khả năng, thứ nhất là mất rừng đầu nguồn, mất an ninh biên giới và mất tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên chiến lược quý hiếm.
Mặc Lâm: Theo như mọi người đều nghĩ thì muốn khai thác mỏ phải có nhà máy cùng các phương tiện to lớn và nhân công rất nhiều mới làm được, vậy thì làm sao các công ty có thể âm thầm khai thác một cách lén lút được thưa ông?
Vũ Ngọc Tiến: Ở các vùng rừng núi già như Việt Bắc hay Tây Bắc thì cách tạo quặng có nhiều loại mỏ thuộc dạng biến chất trên mặt đất rất nông cho nên họ chỉ cần dùng máy ủi đất với danh nghĩa là trồng rừng thì họ có thể đào bới lên được.
Mà thực tế trong những tháng gần đây, tình trạng đào bới khai thác quặng bauxite ở Lạng Sơn cũng như Cao Bằng là rất phổ biến. Một phần do dân chúng làm còn một phần do những người thuê rừng làm. Có hay không tôi chưa dám chắc, nhưng dân chúng đã làm và bán sang Trung Quốc bằng các phương tiện thủ công thì rầt nhiều.
Mặc Lâm: Vậy thì bằng cách nào để xác định một cách chắc chắn rằng các khu rừng cho thuê ở đầu nguồn là có mỏ để có biện pháp thu hồi thưa ông?
Vũ Ngọc Tiến: Thực ra cách đây từ lâu tôi đã có ý kiến cho là cần phải kiểm tra lại mà hiện nay đối với công nghệ phát triển có công nghệ RID là công nghệ cho phép chồng xếp các loại bản đồ địa hình, bản đồ địa chất, bản đồ lâm nghiệp thì phát hiện ngay ra những vùng nào đã bị cho thuê mà có khoáng sản là ta có thể kiểm tra được ngay. Nhưng vấn đề là họ có dám làm hay không? Đấy cũng là điều mà anh em khoa học kỹ thuật rất lo ngại.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Vũ Ngọc Tiến về những thông tin mà ông vừa cho biết.
Thưa quý thính giả, trong bản tin mà chúng tôi vừa ghi nhận thì quốc hội đã chính thức đề cử Ủy ban Quốc phòng An ninh đi giám sát các tỉnh biên giới bị lấy cho Trung Quốc thuê rừng, quặng bauxite. Ủy ban này sẽ do ông Lê Quang Bình Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu.
Theo ông Bình thì một trong những nội dung giám sát đợt này tập trung vào việc cho thuê đất rừng, trong đó có rừng phòng hộ ở các tỉnh biên giới, trọng tâm là khu vực biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Ông Bình cũng cho biết "Nếu có việc 10 tỉnh dọc biên giới cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê dài hạn trong vòng 50 năm đất rừng đầu nguồn, trong đó có cả rừng phòng hộ ở khu vực biên giới, làm phương hại đến quốc phòng, an ninh thì Ủy ban sẽ kiến nghị xử lý".
Đài Á Châu Tự Do sẽ theo dõi diễn tiến này và tường trình những thông tin mới nhất. Mời quý vị đón theo dõi.

RFA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét