Trung Điền
Sáng ngày 5 tháng 2 vừa qua tại Hà Nội, ông Scot Marciel, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ và đồng thời là đại sứ Hoa Kỳ tại khối ASEAN, đã có một cuộc gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Văn Hưởng. Nội dung cuộc gặp gỡ này chỉ đăng tải trên trang mạng Công an nhân dân mà thôi, không có báo hay trang mạng nào khác loan tải. Do đó, những nội dung phát biểu của Nguyễn Văn Hưởng hay những tường thuật về các lời nói của ông Scot Marciel khó có thể đối chiếu chính xác.
Tuy nhiên qua những tường thuật của Công an nhân dân thì ông Scot Marciel đã xoáy nhiều vào vấn đề nhân quyền và nói rằng Hoa Kỳ tỏ ra quan ngại về việc Hà Nội đã bắt giữ và đưa ra xét xử một số người “bất đồng chính kiến” hiện nay. Nguyễn Văn Hưởng đã phản bác bằng một luận điệu cũ rích, cho rằng “Hoa Kỳ đặt vấn đề nhân quyền Việt Nam là can thiệp vào nội bộ Việt Nam, đồng thời đòi thả một số người là điều khiến Hà Nội không thể hiểu nổi”.
Ông Scot Marciel là một trong ba nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ có những quan hệ lâu đời nhất với phía Cộng sản Việt Nam, từ lúc Hoa Kỳ và Cộng sản Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Vấn đề đàn áp nhân quyền đã được ông Scot Marciel chính thức đặt vấn đề với lãnh đạo Bộ công an thay vì Bộ ngoại giao cho thấy là Hoa Kỳ nhìn rõ mấu chốt các cuộc đàn áp xuất phát từ Bộ công an.
Ngoài ra, những lập luận mà ông Hưởng đưa ra nhằm chống chế cho các hành động đàn áp nặng tay của họ đối với các nhà dân chủ hiện nay, chỉ làm cho Hoa Kỳ và dư luận thấy rõ lề lối cai trị phong kiến theo kiểu “gia trưởng” không hề thay đổi trong não trạng của Cộng sản Việt Nam. Chính vì dựa vào não trạng đã xơ cứng này, NguyễnVăn Hưởng đã để lộ những sự dốt nát của y và của lãnh đạo Hà Nội về nền tảng của nhà nước pháp quyền mà Hà Nội đang cổ võ.
Thứ nhất, Nguyễn Văn Hưởng đã ấu trĩ nghĩ rằng Hoa Kỳ cũng theo chế độ độc đảng như Cộng sản Việt Nam nên mới hỏi ông Scot Marciel rằng “nếu ở Mỹ có một nhóm người đứng ra thành lập tổ chức với mục tiêu lật đổ chính quyền Mỹ thì ngài xử lý sao?”. Đây là câu hỏi kiểu ếch ngồi đáy giếng.
Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới theo chế độ tự do dân chủ và đa đảng. Trong thể chế dân chủ và đa đảng đó, các tổ chức, đảng phái được lập ra đều có mục tiêu nắm quyền, tức là làm sao thay thế đảng kia lên nắm quyền bằng phương thức tuyển cử. Cứ 4 năm một lần ở Hoa Kỳ, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nỗ lực đưa ra những chương trình vận động nhằm kêu gọi cử tri tẩy chay đảng cầm quyền và dồn phiếu cho họ hầu lên thay thế nắm quyền. Đây là một loại “lật đổ chính quyền” dựa trên nguyện vọng của người dân. Chính hình thức “lật đổ chính quyền” bằng phương pháp ôn hòa này, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã thay phiên nhau lên cầm quyền, không cần phải dùng đến công an, quân đội đàn áp phía đối lập. Đa số những quốc gia nào sử dụng hình thức “lật đổ chính quyền” bằng lá phiếu công bằng và dân chủ đều là những nước tiến bộ, phát triển nhanh chóng và sống trong hòa bình, thịnh vượng.
Quen với lề thói độc tôn, độc tài, Nguyễn Văn Hưởng và cả thành phần lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cứ nghĩ rằng những ai đứng ra thành lập các nhóm, các tổ chức để kêu gọi tự do dân chủ là có “âm mưu lật đổ” chế độ. Đây là căn bệnh “tự mê’ của một thiểu số ham mê quyền lực và không chấp nhận bất cứ ai thay thế họ dù chính họ đang làm tàn lụi đất nước và băng hoại xã hội. Khi đảng cầm quyền lo sợ “bị lật đổ” và dùng bạo lực để khống chế toàn xã hội, thì trước sau gì cũng bị chính người dân vùng lên ‘lật đổ”. Lý do đơn giản là nhu cầu tiến bộ của xã hội tự do dân chủ sẽ cày nát mọi chế độ độc tài đang làm cản trở bước tiến của dân tộc.
Thứ hai, Nguyễn Văn Hưởng trách ông Scot Marciel rằng “Hoa Kỳ đã không nghe những giải thích của chúng tôi mà lại đi nghe những người chống lại chúng tôi”, cho thấy là ông Hưởng quá ‘tự tin” vào những điều họ giải thích về các cuộc đàn áp, các phiên tòa phi dân chủ và phi công lý tại Việt Nam. Nguyễn Văn Hưởng và lãnh đạo Hà Nội quen thói bưng bít và kiểm soát thông tin, cũng như quen thói bóp méo sự thật theo những gì có lợi cho chế độ và buộc mọi người ở trong nước phải nghe theo. Đây cũng là kiểu suy nghĩ ếch ngồi đáy giếng.
Trong một xã hội tự do và dân chủ, người dân phải được đón nhận mọi luồng tin tức: từ chính quyền tới các đoàn thể tổ chức dân sự, kể cả những tiếng nói chống đối, phản bác. Với những luồng thông tin phong phú như vậy, người dân mới có thể có những nhận định đúng đắn và lựa chọn sáng suốt trong những kỳ bầu cử. Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt tất cả các cơ quan ngôn luận ở trong nước chỉ loan tải những gì chế độ cho phép, kể cả ngụy tạo tin tức và hình ảnh theo chỉ thị của chế độ. Do đó những thông tin hay giải thích của Bộ công an, Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam đưa ra đều phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền cho chế độ. Ngay cả trong tòa án xét xử các nhà dân chủ, Nguyễn Văn Hưởng nói rằng đã tổ chức công khai và mời đại diện sứ quán Hoa Kỳ đến dự, nhưng ông Hưởng đã không giải thích thêm là chỉ công khai cho những người của chế độ đến đóng vai diễn viên cho vở kịch xử án, còn đại diện sứ quán Hoa Kỳ và các ký giả ngoại quốc thì cho ngồi một phòng riêng theo dõi phiên tòa qua màn hình mà âm thanh thì bị kiểm duyệt lúc được lúc không.
Thứ ba, Nguyễn Văn Hưởng còn “mách” ông Scot Marciel rằng những người bị bắt và đưa ra tòa đã khai là có liên hệ với tổ chức Việt Tân bị Hà Nội gán vào tội khủng bố, đồng thời bị giật dây của một số quan chức trong chính phủ Hoa Kỳ”, cho thấy là ông Hưởng muốn ám chỉ Hoa Kỳ đã ủng hộ đảng Việt Tân để qua đó tìm hiểu quan điểm từ ông Scot Marciel.
Báo công an nhân dân đã không đề cập về câu phát biểu của ông Scot Marciel liên quan đến câu nói của ông Hưởng ở trên; nhưng điều mà ai cũng thấy rõ, Hoa Kỳ đặc biệt là từ thời Tổng thống Bush, đã có những quan hệ với các lực lượng dân chủ Việt Nam. Tổng thống Bush và phó Tổng thống Dick Cheney đã gặp đại diện 4 tổ chức đấu tranh trong đó có đảng Việt Tân; Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi đã gặp Chủ tịch Đảng Việt Tân. Những cuộc gặp gỡ này hoàn toàn mang tính chia xẻ những giá trị chung về con đường đấu tranh ôn hoà mà Đảng Việt Tân chủ trương - đường lối đấu tranh bất bạo động phù hợp với lòng dân và trào lưu dân chủ hóa của nhân loại hiện nay.
Chụp mũ đảng Việt Tân là khủng bố và “mách” với ông Scot Marciel rằng có một số quan chức Hoa Kỳ ủng hộ tổ chức này, cho thấy là não trạng của Nguyễn Văn Hưởng và Bộ công an Cộng sản Việt Nam đang có vấn đề. Họ đã không phân biệt được các hành vi khủng bố với đấu tranh bất bạo động. Họ đã chụp mũ bất cứ tổ chức nào chống lại lối cai trị độc tài của họ là khủng bố, cũng như kết tội bất cứ ai thẳng thắn lên tiếng kêu gọi tự do, dân chủ hay góp ý xây dựng đất nước, cứu nguy dân tộc, là “tuyên truyền chống nhà nước” hay “âm mưu lật đổ chế độ”. Tệ hơn nữa, họ còn ép buộc, áp đặt thế giới phải chấp nhận não trạng lệch lạc, bệnh hoạn này.
Tóm lại, bài tường thuật của báo công an nhân dân về cuộc gặp gỡ giữa Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Văn Hưởng với Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scot Marciel hôm mồng 5 tháng 2 vừa qua, cho ta thấy rõ trí tuệ và cách hành xử của ông Hưởng nói riêng và của lãnh đạo Hà Nội nói chung; đó là kiểu gia trưởng ếch ngồi đáy giếng - đang làm trò hề trước công luận thế giới.
Trung Điền
Ngày 9/2/2010
Ngày 9/2/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét