2010/02/05

Năm rủi ro chính trị cần lưu ý ở Việt Nam

 Reuters
(Lê Minh phỏng dịch)
 
Hà Nội, 1/02/2010 (Reuters) - Mặc dầu đã vượt qua được phong ba bão táp của cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua, nhưng Việt Nam lại được xem là một điểm đầu tư đầy bất trắc, không sáng sủa cho lắm. Chỉ số nợ ngoại quốc còn tồn đọng (CDS) cho 5 năm qua của Việt Nam hiện đang giao dịch ở con số 242.50, là mức rủi ro cao thứ nhì ở trên sàn Thomson Reuters Emerging Asia Index, chỉ đứng sau Pakistan. Sau đây là tổng kết một số rủi ro chính cần biết ở Việt Nam:
CHÍNH SÁCH HỐI XUẤT
Chính sách hối xuất cố định của Việt Nam thường xuyên tạo căng thẳng trên thị trường. Ngân hàng nhà nước đã phá giá tiền Đồng VND lần thứ ba kể từ đầu năm 2008 để hạ nhiệt đồng bạc. Sau đó Ngân hàng nhà nước đã tuyên bố là sẵn sàng can thiệp mạnh mẽ để giữ giá tiền Đồng, nhưng nhiều nhà kinh tế lại cho rằng Ngân hàng Nhà nước VN không có đủ dự trữ tài chánh để làm việc này.
Sư yếu kém thâm niên của tiền Đồng và mối lo tiền Đồng sụt giảm khiến cho người ta đổ xô mua đồng Đô La, lại càng làm cho tiền Đồng trở nên yếu thế. Sau khi phá giá đồng tiền, chính phủ đã ép buộc các tổng công ty nhà nước phải bán ra tiền Đô và yêu cầu các ngân hàng nhà nước phải bảo đảm nguồn ngoại tệ.
Nhà nước còn cho biết sẽ phạt nặng những ai giao dịch mua bán ngoại tệ vượt khung hối xuất chính thức do nhà nước quy định. Nhưng việc phá giá tiền Đồng trong tháng 11 vừa qua đã làm xói mòn đến niềm tin vào chính sách trong khi nhà nước liên tục khẳng định sẽ không phá giá đồng tiền nữa.
Các nhà phân tích cho rằng giá trị tiền Đồng đã bị nâng cao, và các vấn đề then chốt trong hệ thống tiền tệ vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, các rủi ro về mất cân đối trong mậu dịch đang giảm dần. Khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục thì lượng ngoại tệ cũng sẽ chảy vào và giúp hỗ trợ tiền Đồng.

Cần phải lưu ý:
  • Thị trường sẽ tiếp tục theo dõi xem Ngân hàng nhà nước có giữ lời hứa hỗ trợ đồng bạc bằng hành động thực tiễn không. Vụ phá giá đồng bạc trong tháng 11 vừa qua đã làm xói mòn niềm tin vào chính sách và sẽ mất một khoảng thời gian dài mới có thể hồi phục được. Các nhà phân tích đều cho rằng tiền Đồng sẽ suy yếu dần trong năm 2010.
  • Một điều then chốt trong áp lực đối với hệ thống tiền tệ chính là khoảng cách giữa hối xuất chợ đen và các ngân hàng.
THAM NHŨNG
Tham nhũng là căn bệnh thâm căn trong tất cả chính quyền các cấp và là trở ngại lớn nhất đối với giới đầu tư nước ngoài.
Nhà cầm quyền vừa mới đưa ra một kế hoạch chống tham nhũng và khuyến khích báo chí hãy tiếp tay, nhưng điều này chẳng có ý nghĩa gì cả bởi vì gần đây có nhiều phóng viên bị bắt giữ sau khi tường thuật những vụ tham nhũng lớn.
Vấn đề tham nhũng tràn lan sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò chính trong việc thu hút đầu tư của nước ngoài.
Cần phải lưu ý:
  • Thứ hạng của Việt Nam trên thang điểm về nhận thức trong tham nhũng. Một sự tiến bộ đáng kể hoặc tồi tệ hơn sẽ có ảnh hưởng rõ rệt đến đầu tư dài hạn.
  • Chỉ số tham nhũng của Việt Nam trên bẳng sắp hạng năm 2009 của Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế không thay đổi so với năm trước, do đó vẫn y hạng 120 trên tổng số 180 nước.
SỰ HỮU HIỆU CỦA BỘ MÁY CÔNG QUYỀN
Tham nhũng, khả năng yếu kém, không minh bạch và quan liêu đều ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của bộ máy công quyền trong việc đề ra và thực thi chính sách. Cải tổ kinh tế và tái cấu trúc các tập đoàn nhà nước làm ăn lỗ lã thường gặp phải các chướng vật và các thành phần bảo thủ chỉ biết xoáy vào vấn đề an ninh.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng có thể có chuyện dậm chân tại chỗ trong chính sách hoặc thậm chí tư duy bảo thủ trong những năm sắp tới khi các thành phần, phe phái đang tranh nhau các vị trí trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 11 trong năm 2011. Những thay đổi quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo và chính sách thường xảy ra tại các đại hội Đảng, 5 năm một lần.
Cần phải lưu ý:
  • Trong khi gói kích cầu của chính phủ giúp thúc đẩy nền kinh tế thì vãn còn có nhiều nghi vấn chung quanh việc kiếm đâu ra tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách, làm thế nào để kềm chế lạm phát, và giảm thiểu sự chảy ngược của dòng đầu tư. Nhà cầm quyền Hà Nội vừa mới ban hành một quy trình nhằm giảm thiểu nạn quan liêu hành chánh, trong khi giới đầu tư vẫn đang theo dõi việc thực hiện chương trình này như thế nào.
  • Giới đầu tư vẫn thường phàn nàn, chê trách hạ tầng cơ sở ở Việt Nam thấp kém. Khả năng của chính phủ qua việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này là một vấn đề then chốt.
BẤT ỔN XÃ HỘI
Trong thời gian qua có nhiều cuộc đình công, biểu tình và tranh chấp đất đai xảy ra ở Việt Nam, làm ảnh hưởng đến các công ty ngoại quốc. Bạo động đã nổ ra ở miền quê do chính sách thu hồi đất đai của nhà nước, và việc các quan chức địa phương nhũng lạm cướp đất của dân.
Hiện giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy là sẽ có những bất ổn to lớn hơn hoặc là nền tảng của chế độ bị lung lay do những thách thức từ bên dưới.
Cần phải lưu ý:
  • Bất cứ dấu hiệu nào cho thấy là sẽ có một phong trào biểu tình lan rộng toàn quốc xuất phát từ một cuộc tranh chấp tại một địa phương nào đó.
  • Vai trò của Giáo hội Công giáo. Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp, biểu tình của Giáo dân Công giáo đòi lại đất đai đã bị chính quyền cướp đoạt từ năm 1954. Giáo hội Công giáo hiện có 6-7 triệu giáo dân trên toàn quốc, tuy không can thiệp vào chính trị, nhưng vẫn được xem là một tôn giáo có tổ chức quy củ.
  • Tranh chấp Biển Đông. Đây là một vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam, vì người Việt Nam không thể tin người láng giềng trung Quốc được. Bất cứ động thái nào của Trung Quốc nhằm tranh giành chủ quyền trên Biển Đông, hoặc thái độ ươn hèn của chính phủ Việt Nam, đều tạo ra phản ứng mạnh trong dân chúng, có thể đưa đến biểu tình.
MÔI TRƯỜNG
Việt Nam có tiềm năng cao trong giao dịch xả khí thải chiếu theo Nghị Định Thư Kyoto, nhưng vấn đề như kiến thức chuyên môn, minh bạch và tài chánh đã gây trở ngại cho tiến trình này. Các vấn đề môi sinh môi trường sẽ là tác nhân đưa đến các bất ổn xã hội, giống như bên Trung Quốc. Với dải bờ biển dài, Việt Nam được cho là một trong số những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi mực nước biển dâng cao hơn, đặc biệt là vùng đồng bằng lúa gạo sông Cửu Long.
Cần phải lưu ý:
  • Khả năng quản lý của chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu mức độ hủy hoại môi trường qua sự phát triển kinh tế.
  • Bất cứ dấu chỉ nào cho thấy sự biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam, một quốc gia vốn dĩ nào giờ bị ảnh hưởng nặng nề mỗi khi gặp phải thời tiết khắc nghiệt.
Do Andrew Marshall và John Ruwitch góp nhặt
(Nguồn: Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét