Bước vào năm 2010, Cộng sản Việt Nam đã dựng lên hàng loạt phiên tòa. Phiên tòa phúc thẩm ngày 18 tháng 1 xét xử 3 nhà dân chủ (Trần Đức Thạch, Vũ Hùng, Phạm Văn Trội) tại Hà Nội. Phiên tòa sơ thẩm ngày 20 tháng 1 xét xử 4 nhà dân chủ (Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long) tại Sài Gòn. Phiên tòa phúc thẩm ngày 21 tháng 1 xét xử 6 nhà dân chủ (Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyển Kim Nhàn) tại Hải Phòng. Phiên tòa ngày 29 tháng 1 sẽ xét xử chị Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng, và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ngày 5 tháng 2 tại Hà Nội.
Đây là một sự kiện khá bất thường so với những phản ứng dè dặt trước đây của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trong những vụ xử án các nhà dân chủ. Một số người đã tỏ ra bi quan cho rằng Hà Nội đang ở thế mạnh – nhờ dựa vào Trung Quốc – thẳng tay trấn áp lực lượng đối kháng để củng cố quyền lực độc tôn. Có thật thế không?
Một là tình hình chính trị không ổn định như họ mong muốn mà luôn luôn bị thách đố bởi làn sóng phản kháng của người dân.
Hai là e ngại những chống đối sẽ tác động bất lợi lên nội bộ đảng, làm tăng thêm nguy cơ “tự diễn biến” nội bộ hiện nay, nên phải tung ra những bản án nặng nề để răn đe.
Vì lý do đó mà khi đưa ra xét xử những vụ án chính trị, Cộng sản Việt Nam đã cân nhắc từng bản án nhằm đáp ứng mục tiêu chính trị của đảng trong từng thời kỳ.
Nhìn lại những vụ xử án các nhà dân chủ trong 10 năm vừa qua, chúng ta thấy là Cộng sản Việt Nam đã dùng đến 3 loại bản án khác nhau: “gián điệp”, “tuyên truyền chống nhà nước” và “âm mưu lật đổ chế độ” để giải quyết nhu cầu giữ ổn định chính trị.
Từ năm 2001 đến năm 2003, Cộng sản Việt Nam đã dùng bản án “gián điệp” để kết án các nhà dân chủ Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình vì đã dùng mạng Internet trao đổi thông tin với một số nhà đấu tranh tại hải ngoại. Mục tiêu chính của bản án được Hà Nội chọn vào thời điểm này là ngăn chận sự liên lạc, trao đổi giữa những nhà dân chủ ở trong và ngoài nước khi mà mạng Internet bắt đầu phát triển rộng lớn vào đầu năm 2000. Họ gọi đây là nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch bên ngoài.
Từ năm 2006 đến năm 2008, Cộng sản Việt Nam đã dùng bản án “tuyên truyền chống nhà nước” để kết án các nhà dân chủ như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Bá Hải... vì họ đã liên kết với nhau tung ra các kiến nghị phê phán sự suy thoái và lạc hậu của chế độ. Đồng thời Hà Nội còn kết tội 9 nhà dân chủ Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch… chỉ vì những người này đã cùng nhau hành động treo biểu ngữ chống bá quyền Trung Quốc tại Hải Phòng, Hải Dương. Mục tiêu chính của bản án được Hà Nội chọn vào thời điểm này là nhằm ngăn chận sự liên kết hành động của các nhà dân chủ và triệt hạ phong trào chống Trung Quốc có thể tạo ra những ảnh hưởng xấu lên uy tín của giới lãnh đạo đảng.
Từ năm 2009, Cộng sản Việt Nam đã dùng bản án “lật đổ chế độ” với bản án cao nhất là tử hình để kết án các nhà dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim vì cho là đã có những hành động làm nguy hại đến an ninh của chế độ. Mục tiêu chính của bản án được Hà Nội tung ra vào lúc này là muốn răn đe nỗ lực đối đầu công khai của các lực lượng dân chủ khi mà làn sóng chống đối đã bắt đầu lan tỏa trong mọi thành phần quần chúng từ dân oan khiếu kiện, công nhân, đến các tôn giáo, thanh niên trí thức vốn tiềm ẩn trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, sự kết án nặng nề đối với các trí thức trẻ trong vụ xử ngày 20 tháng 1 năm 2010 cho thấy nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam muốn tung ra một “tín hiệu” là sẵn sàng mạnh tay đối với giới trí thức. Chế độ cố dùng các phát biểu “nhận tội” của Luật sư Lê Công Định và Thạc Sĩ Nguyễn Tiến Trung để lung lạc giới trẻ tại Việt Nam.
Sự kiện Hà Nội phải bày vẽ ra nhiều loại bản án để đối phó với những phát biểu ôn hòa của người dân, cho thấy là họ đang bị chấn động mạnh mẽ và không còn có thể tự tung tự tác trước nhiều áp lực. Đặc biệt là những áp lực từ trong chính nội bộ đảng.
Áp lực nội bộ mà Hà Nội lo sợ hiện nay chính là sự: 1/ Mất niềm tin vào lãnh đạo của đảng viên; 2/ Mất đoàn kết giữa các cấp Ủy; 3/ Mất định hướng của sự phát triển đất nước. Họ gọi đây là nguy cơ “tự diễn biến” trong nội bộ.
Thật ra, nguy cơ này một phần do chính lãnh đạo đảng gây ra qua những biện pháp sai lầm; nhưng phần khác quan trọng hơn chính là những tác động từ khát vọng tự do dân chủ, không chấp nhận sự cai trị độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam của người dân, và lòng yêu nước của người Việt trước nguy cơ xâm lăng của Trung Quốc.
Chính những điều trên đã góp phần tạo ra hai viễn cảnh: Một là Hà Nội tiếp tục khống chế xã hội theo công an trị, tìm cách trấn áp mọi nỗ lực phản kháng bằng những bản án nặng nhất như hiện nay. Hai là Hà Nội phải từng bước coi sự phản kháng của người dân là một tiến trình đương nhiên phải xảy ra của một xã hội dân chủ pháp trị. Cách nào đi chăng nữa thì “ý dân là ý trời”, mọi chế độ đi ngược lại nguyện vọng của người dân sẽ bị sụp đổ.
Những vốn liếng chính trị mà Cộng sản Việt Nam sử dụng để trấn áp phong trào dân chủ trong 10 năm qua dưới những tội danh “gián điệp”, “tuyên truyền chống nhà nước”, “lật đổ chế độ” với án cao nhất là tử hình, đã cho thấy là họ khó có thể tiếp tục đi theo con đường công an trị. Bởi vì những bản án đó đã trở thành lố bịch khi mà chính nội bộ đảng Cộng sản đang có vấn đề “tự diễn biến” như thú nhận của cấp lãnh đạo.
Nói cho cùng “tự diễn biến” trong nội bộ không khác gì tiến trình “lật đổ chế độ” khi mà con người sống trong chế độ đó không còn tin vào cấp lãnh đạo nữa.
Lý Thái Hùng
25/1/2010
25/1/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét