2009/06/27

Nhân quyền kiểu gì?


Tối ngày 17 tháng 6 năm 2009, trên bản tin thời sự Đài truyền hình VTV1 của nhà nước cộng sản có phát hình về phóng sự Nguyễn Minh Triết đi thăm học viện ngoại giao, nhân buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập học viện ngoại giao ngày 17/6/2009. Tại đây Nguyễn Minh Triết lớn giọng nói rằng VN là 1 nước rất nhân quyền, các nước khác chà đạp nhân quyền nhưng cậy tiền nhiều vu khống VN này nọ. Cũng theo lời của Nguyễn Minh Triết: “Cần phải đấu tranh nhiều hơn nữa trên mặt trận ngoại giao về lĩnh vực nhân quyền”. Và cũng ngay buổi phát hình đêm 17/6/2009 ở cuối phần tin trong nước, trước khi chuyển sang phần tin thế giới của VTV1, phát thanh viên Hoài Anh có đọc bản tin cho là: “Việc bắt giữ luật sư Lê Công Định là đúng pháp luật VN, cũng như các nước khác làm đúng trình tự pháp luật”.

Hai cái bản tin cùng ngày này thật là lố bịch và xảo trá!

Cái nhân quyền của Nguyễn Minh Triết là gì? Vậy mà trước đây trong chuyến công du ở Mỹ, trả lời phỏng vấn của CNN về tấm hình Linh mục Nguyễn Văn Lý bị 3 công an mặc đồng phục và thường phục bịt miệng trước vành móng ngựa, thì cũng chính miệng Nguyễn Minh Triết công bố việc làm này là sai. Vậy thì sắc màu nhân quyền mà Nguyễn Minh Triết lớn giọng ra làm sao? Nguyễn Minh Triết có dám đứng giữa cộng đồng người Việt hải ngoại tại bất cứ quốc gia nào ngòai VN tuyên bố lại những lời này chăng?

Cái nhân quyền mà Nguyễn Minh Triết vỗ ngực đó có hình thù là gì; công luận thế giới hễ nhắc đến VN là dè bỉu chế nhạo. Là hình ảnh cả ngàn công nhân bị bóc lột đi biểu tình đòi giới chủ tăng lương thì tay chân đàn em của Nguyễn Minh Triết ra tay sát hại những công nhân bần cùng.

Cái nhân quyền của ông Triết là ngàn dân oan mất đất đi đòi công lý bị bắt như là lùa heo lên những xe tồi tàn chở về địa phương để cuối cùng cũng quay lại Sài Gòn Hà Nội tìm công lý trong vô vọng.

Cái nhân quyền của ông Triết là hình ảnh những em bé thơ vị thành niên bị bắt làm nô lệ tình dục ở dọc biên giới Việt-Miên-Lào.

Cái nhân quyền của ông Triết là trăm ngàn người dân quê bị lừa xuất khẩu lao động sang xứ người theo kiểu đem con bỏ chợ, sống lay lắt hay đi cướp giựt nơi xứ người. Mà ngày nay hễ nghe nói đến người Việt là người ta tránh như tránh hủi.

Cái nhân quyền của ông Triết là ngày nay nhiều tôn giáo đi thưa kiện vì bị chính ông Triết và tập đòan tội ác Cộng sản cướp đất. Đi kiện đòi đất cũng khơng yên với lũ cướp ngày.

Cái nhân quyền của ông Triết là những phiên tòa với bản án được soạn sẵn, chủ tọa chỉ ra cầm đọc mà thôi, mặc kệ luật sư có cãi chày cãi cối; thẩm phán, hội thẩm ra tòa, kẻ thì ngủ gục, người thì ngồi ngáp và nhổ rấu.

Cái nhân quyền của ông Triết là cảnh khủng bố các lụât sư khi họ bào chữa cho các phiên tòa mang màu sắc chính trị.

Cái nhân quyền của ông Triết là quốc hội bù nhìn chưa họp đã biết “đồng thuận” là gì rồi.

Cái nhân quyền của ông Triết là những cuộc bầu cử mà đảng cử và ép dân đi bầu, tỷ lệ bao giờ cũng 99% kết quả xạo.

Cái nhân quyền của ông Triết là sắc màu lý lịch đẩy biết bao nhân tài vào chỗ chết theo kiểu Khmer Đỏ, là những đợt tù cải tạo, là đổi tiền, là đánh tư sản, cướp nhà cướp vàng của nhiều người ân nhân của cộng sản.

Cái nhân quyền của ông Triết là cảnh những chiếc tàu vượt biên bị bắt lột sạch tài sản, đàn bà thì bị hiếp, trẻ con thì thả xuống biển làm mồi cho cá.

Cái nhân quyền của ông Triết mà báo chí phải đi lề bên phải.

Cái nhân quyền của ông Triết là lợi ích quốc gia và giống nòi phải đặt dưới lợi ích của đảng cướp.

Bảng thành tích về nhân quyền của ông Triết sẽ còn dài không bút mực nào tả xiết. Để rồi ngày nay, đất nước đang trên bờ vực lâm nguy, ngư dân không dám ra biển đánh cá, và người dân tộc trên Tây Nguyên không còn đất sống. Cái giả dối và tội ác lan tràn, đạo đức xã hội xuống cấp theo cái đà nhân quyền mẫu mực kiểu của ông Triết.

Và chuyện bắt luật sư lê Công Định là minh chứng về khuôn mẫu nhân quyền “đúng luật” của ông Triết. Khổ cho dân Việt nam vì đó là LUẬT RỪNG.

LýNam Bình

2009/06/24

Đối Đầu Bất Bạo Động: Nhìn Từ Biến Cố Iran


Hàng trăm ngàn người tham gia vào những cuộc biểu tình chống bầu cử gian lận đang xảy ra tại Thủ đô Tehran, Iran từ ngày 13 tháng 6 năm 2009 cho đến nay, làm cho người ta liên tưởng đến hai cuộc đấu tranh chống bầu cử gian lận đã từng xảy ra một cách ngoạn mục tại Cộng hòa Serbia vào năm 2000 và Cộng Hòa Georgia vào năm 2004, đưa đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài tại đây.

Làn sóng biểu tình tại Serbia đã bộc phát ngay trong đêm 23 tháng 9 năm 2000, khi phe chính quyền muốn đánh tráo kết quả bầu cử để Tổng thống Milosevic tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa, trong khi kết quả kiểm phiếu cho thấy là ứng cử viên đối lập Vojislav Kostunica đã thắng lớn, bỏ xa nhà độc tài Milosevic. Sau hơn 10 ngày ra lệnh cho công an đàn áp những người biểu tình, trước sức ép của dư luận quá mạnh, với những cuộc biểu tình, đình công, lãng công, bất phục tùng dân sự đã làm tê liệt toàn thể xã hội, Milosevic đã phải tuyên bố thua cuộc, chấp nhận kết quả chiến thắng của phe đối lập. Người ta gọi đây là cuộc cách mạng màu đen vì lực lượng đối lập đã dùng lá cờ của Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Phản Kháng (Optor) làm điểm tựa tụ tập; lá cờ gồm màu đen và nắm tay đấm bằng màu trắng.

Bốn năm sau, làn sóng biểu tình chống bầu cử Tổng thống gian lận được lập lại tại Cộng hòa Ukraine bắt đầu từ ngày 24 tháng 11 năm 2004, khi hàng trăm ngàn người ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Viktor Yushchenko túa ra đường chống lại kết quả bầu cử, do phe thân chính phủ công bố rằng đương kim Thủ tướng Viktor Yunukovich của Tổng thống mãn nhiệm Koutcher ủng hộ thắng cử, trong khi phe đối lập thì cho ứng cử viên Yushchenko dẫn trước Thủ tướng Yunukovich ít nhất là 5% số phiếu bầu. Phe đối lập đã vận dụng mọi phương pháp của đấu tranh bất bạo động, đặc biệt là kêu gọi toàn quốc lãng công, biểu tình ngồi (sit-in) và bất phục tùng dân sự để yêu cầu Tối Cao Pháp Viện không công nhận kết quả bầu cử và cho kiểm lại phiếu. Phía chính quyền thì tìm cách vận động tối cáo pháp viện trì hoãn việc can thiệp trong khi tung công an đàn áp phe đối lập. Nhưng sau 2 tuần lễ đấu tranh của hàng trăm ngàn người – bất chấp những cơn lạnh khắc nghiệt, toàn bộ xã hội Ukraine bị tê liệt – khiến cho Tối Cao Pháp Viện phải bắt kiểm lại phiếu, và lần này ứng cử viên đối lập Yushchenko đạt kết quả quá bán, đắc cử Tổng thống Ukraine. Người ta gọi đây là cuộc cách mạng Cam vì phe đối lập đã dùng khăn và áo chống lạnh màu Cam để làm biểu tượng tập họp trong suốt hai tuần lễ tụ tập đấu tranh tại trụ sở quốc hội và Tối cao pháp viện.

Những cuộc biểu tình tại Tehran, dường như đã được phe đối lập chuẩn bị từ trước vì họ đã nghi là có sự gian lận của đương kim Tổng thống Mahmound Ahmadinejad với sự thông đồng của bộ máy mật vụ do Bộ nội vụ điều khiển. Bộ nội vụ cũng là nơi tổ chức, điều hành và kiểm phiếu của cuộc bầu cử. Từ một tháng trước ngày bầu cử, phe đối lập đã tung ra khẩu hiệu “Ahmadi – bye, bye” để vận động dư luận. Mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống Iran có đến hơn 400 ứng cử viên nhưng có ba ứng cử viên sáng giá là 1/ Đương kiêm Tổng thống Ahmadinejad, người được coi là chống Mỹ và chống Do Thái một cách triệt để; 2/ Cựu thủ tướng Mir Hossein Moussavi có khuynh hướng ôn hòa, thân Tây phương; 3/ Nhà cải cách Mehdi Karroubi, từng ra tranh cử Tổng thống vào năm 2005. Trong ba ứng cử viên nói trên, cựu thủ tướng Hossein Moussavi là người có nhiều triển vọng thắng cử nhất vì đa số cử tri – đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ – muốn Iran thay đổi theo đường lối mở cửa thân Tây phương và chấm dứt sự khống chế của khuynh hướng thần quyền (theocratic).

Từ năm 1979 khi ông đạo Khomeini lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi Giáo lật đổ chế độ Shah Hoàng thân Mỹ, Iran đã bị khép kín trong vòng xích của một chế độ cực quyền, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Hội Đồng Giám Hộ (Hội đồng tối cao của Hồi Giáo Iran) gồm 12 Giáo sĩ của Hồi Giáo. Hội đồng này có quyền hành tuyệt đối, thống lĩnh quân đội, tòa án, hệ thống truyền thông, kể cả việc bổ nhiệm nhân sự vào những trách vụ lãnh đạo trong các Hội đồng quốc gia. Nhưng vào lúc đó, để tạo một hình ảnh dân chủ cho Iran, ông đạo Khomeini đã lập ra thể chế Cộng Hòa dựa trên hai chân vạc: hệ thống dân chủ và hệ thống thần quyền. Hệ thống dân chủ cho phép tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội, tổng thống và những đơn vị hành chánh địa phương. Tuy nhiên, những trách nhiệm dân cử trong các cơ chế quốc hội, tổng thống… đứng dưới thẩm quyền quyết định của các Giáo sĩ nằm trong hệ thống thần quyền (Hồi Giáo) ở các cơ chế – giống như một loại chính ủy trong cơ cấu của các đảng Cộng sản.

Điều mong muốn của phe đối lập tại Iran là mở cửa thân thiện với Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, và quan trọng hơn là giảm thiểu những sự chi phối của các Giáo sĩ trong Hội Đồng Giám Hộ hiện do đạo sĩ Ayatollah Ali Khamenei lãnh đạo lên các bước cải tổ chính trị tại Iran. Phe đối lập – đa số là thanh niên, trí thức, phụ nữ – đều muốn Iran được tự do hơn và trở thành một thể chế Cộng hòa thật sự, dựa trên nền tảng Dân chủ là chính chứ không nằm dưới hệ thống Hồi Giáo. Để tạo cuộc thay đổi này, phe đối lập, đặc biệt là ứng cử viên Mir Hossein Moussavi, đã tận dụng triệt để những phương cách vận động bầu cử vừa qua của Tổng thống Obama và một số nguyên tắc của đấu tranh bất bạo động.

Về đối tượng, Mir Hossein Moussavi đã nhắm vào ba đối tượng chính: Phụ nữ, sinh viên và giới trung lưu tương đối có đời sống ổn định sau 30 năm biến đổi của cuộc cách mạng Hồi Giáo. Vì nhắm chính vào đối tượng phụ nữ nên ứng cử viên Moussavi đã được đông đảo phụ nữ ủng hộ nhiệt thành; họ đã trở thành lực lượng quan trọng trong các cuộc biểu tình chống lại đương kim Tổng thống Ahmadinejad.

Về phương tiện, Moussavi đã áp dụng phương cách của Tổng Thống Obama là khai thác tối đa mạng truyền thông để loan tải các quan điểm và kích động sự tò mò và hăng say của giới trẻ qua các diễn đàn SMS, Facebook. Mới đây phe đối lập tại Iran đã sử dụng phương tiện thông tin mới có tên là Twitter, để chuyển rất nhiều nội dung kêu gọi mọi người xuống đường chống chính quyền, trong lúc Tổng thống Ahmadiejad cho cắt toàn bộ Internet và kiểm soát gắt gao hệ thống thông tin. Chính nhờ Twitter (lời nhắn líu lo – ngắn, gọn) trong kỳ biểu tình vừa qua mà người ta đã có thể tường thuật tin tức nhanh chóng và giúp huy động đông đảo người tham gia trong một thời gian ngắn kêu gọi. Hơn thế nữa Twitter trở thành nguồn thông tin quan trọng cho dân chúng Iran trong mấy ngày qua, vì các đài CNN và BBC bị nhà nước kiểm duyệt.

Về phương diện chiến thuật, Moussavi đã tung ra hai mặt trận: 1/ Tẩy chay kết quả bầu cử vì gian lận và tuyên bố sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử vòng II. 2/ Dùng áp lực quần chúng để buộc Hội Đồng Giám Hộ đứng về phía đối lập hoặc đứng ngoài cuộc đấu tranh. Hiện nay, mặt trận chống gian lận bầu cử đã lên cao điểm trong khi phe đối lập thất bại trong việc tranh thủ Hội Đồng Giám Hộ Hồi Giáo vì ông đạo Ali Khamenei lại đứng về phía chính quyền kêu gọi ủng hộ Tổng thống Ahmadiejad và cho là cuộc bầu cử không gian lận. Ngoài ra, để tránh những đòn trấn áp dã man của lực lượng công an Hồi Giáo, phe đối lập đã thay vì tập trung đông người, tổ chức thành những cuộc biểu tình nhỏ tràn ngập ở nhiều nơi, đồng thời sử dụng xe hơi vừa chạy vừa bóp còi và bật sáng đèn trong các khu phố nhằm gây trở ngại giao thông.

Hiện nay, tình hình vận động của phe đối lập có phần suy giảm khi Tổng thống Ahmadiejad cho một số sinh viên quá khích tổ chức những cuộc biểu tình trước sứ quan Anh và Hoa Kỳ, để phản đối sự can thiệp của Tây phương vào nội tình Iran. Mục tiêu của Ahmadiejad là nhằm chuyển hướng dư luận Iran từ chống bầu cử gian lận sang chống sự nhúng tay của các thế lực phương Tây. Đây là một đòn khá thâm hiểm của ông Ahmadiejad nhằm rút bớt sự phẫn kích của dân chúng về sự gian lận bầu cử. Chiều hướng chung của tình hình hiện nay là phe chính quyền vì có được sự ủng hộ của Hội Đồng Giám Hộ nên nhiều phần sẽ không nhượng bộ các đòi hỏi của phe đối lập là tổ chức lại cuộc bầu cử Tổng thống; nhưng qua các cuộc biểu tình của phe đối lập Iran – với những kỹ thuật và phương tiện Internet mà họ sử dụng trong các cuộc đấu tranh lần này – đã giúp khai phá ra thêm những phương pháp đấu tranh bất bạo động mới cho nhân loại trong tương lai.

Lý Thái Hùng
23 Tháng 6 Năm 2009

2009/06/20

Tại sao Nhà Cầm Quyền CSVN phải bắt khẩn cấp Ls Lê Công Định

Hoàng Cơ Định



Có người cho rằng đây là một đòn “đánh phủ đầu” hoặc “đánh lạc hướng”, nhưng thử hỏi đánh phủ đầu ai, đánh lạc hướng ai và tại sao lại phải bắt khẩn cấp? Muốn có lời giải đáp, chúng ta chỉ việc trả lời các câu hỏi:

Tại sao nhà cầm quyền CSVN đã bắt tù Ls Lê Chí Quang, Blogger Điếu Cầy, đóng cửa báo Du Lịch … Những người này chẳng có âm mưu gì để lật đổ “chính quyền cách mạng”, nhưng họ có một điểm chung là cùng chống hành động xâm lăng của Trung Quốc.

Câu hỏi thứ nhì là: Tại sao báo Hà Nội Mới ca ngợi tên xâm lược Hứa Thế Hữu, kẻ đã tàn sát biết bao sinh mạng người dân Việt Nam khi quân Tàu xâm lăng nước ta vào năm 1979 mà lại được khen thưởng, Bộ Công Thương đã để Trung Quốc ngang nhiên sử dụng trang Web của Bộ để tuyên truyền Biển Đông là lãnh hải của chúng mà không có nhân viên nào bị trừng phạt… Những kẻ này có đặc tính chung là chúng cùng phục vụ quan thầy Trung Quốc.

Vậy thì đường lối của lãnh đạo CSVN hiện nay là phục vụ Trung Quốc. Ai đụng tới Chủ thì Tay Sai không tha! Vì vậy mà gần đây, khi tầu Ngư Chính của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm hải phận VN, rượt đuổi, không cho ngư dân VN đánh cá trên vùng biển của tổ tiên VN, thì nhà cầm quyền CSVN chỉ biết a dua theo giặc bằng cách phụ họa kêu gọi ngư dân Việt Nam hãy tránh xa các vùng biển Trung Quốc chiếm đoạt… Trong khi đó Ls Lê Công Định, người đã từng bảo vệ ngư dân đồng bằng Sông Cửu Long trong vụ kiện xuất cảng cá ba sa trước đây, lại chuẩn bị đưa vụ giặc Tàu bách hại ngư dân Việt Nam tại Biển Đông ra trước Toà Án Quốc Tế, thế là ông bị nhà cầm quyền CSVN ra lệnh “bắt khẩn cấp”.

Về lý do chính thức của vụ “bắt khẩn cấp” này, viên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Vũ Hải Triều đã cho biết là vì LS Lê Công Định “đã lợi dụng việc bào chữa cho số đối tượng chống đối (Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải), thông qua các luận cứ bào chữa để thực hiện ý đồ biến các phiên tòa thành diễn đàn tuyên truyền chống chế độ, xuyên tạc Hiến pháp, pháp luật, lên án chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.” Các vụ án mà Vũ Hải Triều viện dẫn đều đã xẩy ra từ lâu. Nếu gọi đó là tội thì sao phải để hơn 1 năm sau mới cho lệnh “bắt khẩn cấp”? Chẳng lẽ quan chức CSVN chậm hiểu đến thế sao? Đây quả là điều chỉ có người CSVN nói cho người CSVN nghe mà thôi.

Một tang vật khác được viện dẫn trên báo chí Đảng, như bằng cớ chống lại đảng CSVN của Ls Lê Công Định là hình bìa cuốn sách “Từ Độc Tài tới Dân Chủ” trong computer của ông Định. Thế ra đảng CSVN đã thành thực khai báo rằng Đảng chỉ là một tập đoàn độc tài. Và hô hào dân chủ tức là “chống Đảng”! Điều đáng xấu hổ là đảng CSVN không phải chỉ bịt mắt người dân VN, mà họ còn tự bịt mắt chính họ. Cuốn “Từ Độc Tài tới Dân Chủ”của Gene Sharp là một tài liệu công khai, đã được dịch ra 22 thứ tiếng và bản Việt ngữ do đảng Việt Tân thực hiện đã được phổ biến trên các mạng thông tin điện tử gần 3 năm qua.

Ngoài cuốn sách dùng làm tang vật buộc tội, guồng máy cầm quyền CSVN còn căn cứ vào các bản điều lệ lập Đảng Lao Động và dự thảo Hiến Pháp tìm thấy trong computer của Ls Định như những tang vật khác! Ở thế kỷ 21 này, trong computer của một người trí thức thiếu gì những tài liệu như vậy. Huống chi đây lại là computer của một ông luật sư hành nghề. Chắc chắn trong computer của Ls Định còn hàng chục, hàng trăm bản điều lệ hội đoàn, công ty. Nếu dùng lối suy diễn của CSVN thì ông Định cũng là thành viên của hết cả những hội đoàn và công ty đó hay sao? Cũng theo lối suy diễn này thì những sinh viên hay các nhà nghiên cứu về Mác – Lê Nin hay Mao Trạch Đông đều là ngưới Cộng Sản hay sao?

Trong cuốn “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” Nhạc sĩ Tô Hải có kể rằng, hồi xưa đã có lần ông suýt chết chỉ vì ông có tờ giấy khai sanh bằng tiếng Pháp, bị người của Nhà Nước CS hồi đó cho là tay sai của Tây. May mà có một ông lãnh đạo đã từng là lính khố xanh nên nhận ra đó là tờ giấy khai sanh. Vì vậy mà nhạc sĩ Tô Hải mới thoát! Hoá ra nền vô học chuyên chính của đảng CSVN vẫn còn thấm nhuần cho tới ngày nay. Trí thức mà bị bạc đãi và coi khinh như vậy làm gì hỏi sao quốc gia Việt Nam không tụt hậu?

Trở lại lệnh bắt khẩn cấp Ls Lê Công Định, nó khẩn cấp không phải vì những lý lẽ tào lao do viên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Vũ Hải Triều đã nêu lên; ông Định bị bắt khẩn cấp vì ông sắp đụng vào Trung Quốc, vào chế độ quan thầy của nhóm lãnh đạo CSVN. Dụng tâm răn đe hay đánh lạc hướng không rõ có nằm trong ý đồ của đảng CSVN hay không, nhưng nếu có thì cũng chẳng răn đe được ai, vì sự chống đối lại nhà nước không phải là việc làm được khơi mào bởi giới trí thức. Sự việc người Nhà Nước CS cướp đoạt tài sản của người dân, tạo ra hàng trăm ngàn dân oan là sự thật hiển nhiên và phổ biến. Việc nhà Nước mở cửa cho Trung Quốc vào tàn phá Tây Nguyên để khai thác quặng nhôm mang về Tàu, việc Nhà Nước làm ngơ để Trung Quốc dành nơi đánh cá của ngư dân VN là những sự thật không thể chối cãi… Vì vậy mà bắt Ls Lê Công Định sẽ không răn đe được ai, và cũng chẳng làm dân Việt Nam sao lãng những vấn đề sống còn của dân tộc.

Trước đây, sự việc Nhà Nước CSVN bắt giam LM Nguyễn Văn Lý có thể đã tạm giải quyết được sự chống đối của giáo dân Nguyệt Biều. Nhưng, bản chất cuộc đấu tranh do LM Nguyễn Văn Lý khởi xướng là đấu tranh cho công bằng và công lý, nên những lý tưởng đó không chỉ giới hạn trong giáo xứ Nguyệt Biều, mà đã là yếu tố để khối đồng bào Công giáo, mười lần đông đảo hơn tại Thái Hà, tranh đấu một cách quyết tâm và mãnh liệt hơn. Trong tuần lễ vừa qua, người Việt trong và ngoài nước đã dành nhiều thì giờ theo dõi việc bắt khẩn cấp Ls Lê Công Định. Cuộc tranh đấu của đồng bào cho Ls Định sẽ tiếp diễn, không những tiếp diễn mà còn là cơ hội để các Ls Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài không bị quên lãng, cho tới khi họ được phóng thích, như trường hợp Ls Lê Chí Quang, Bs Phạm Hồng Sơn, Ls Lê Quốc Quân và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Điều chắc chắn là những cuộc tranh đấu này không thay thế cho nỗ lực bảo vệ Tây Nguyên và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông.

Hoàng Cơ Định
hoangcodinh@jps.net

2009/06/19

Bản Lên Tiếng Về Thủ Thuật Đàn Áp Của Nhà Cầm Quyền CSVN Đối Với Luật Sư Lê Công Định




Trước làn sóng phản đối ngày một thêm quyết liệt của nhân dân Việt Nam về hiểm họa khai thác bô-xít Tây Nguyên và sự khiếp nhược của Hà Nội đối với Bắc Kinh trên biển Đông, lãnh đạo đảng CSVN đang tìm mọi cách răn đe để bịt miệng người dân. Trong ý đồ đó, công an đã được lệnh “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định tại Sài Gòn với tội danh mơ hồ của điều 88 Luật Hình Sự: Tuyên truyền chống nhà nước. Sau đó, liên tục trên các báo, đài của chế độ, luật sư Lê Công Định bị buộc tội với đủ loại dữ kiện liên quan đến nhiều tổ chức, bao gồm cả Đảng Việt Tân. Và vào ngày 18/6/2009, chế độ tung ra tin tức và hình ảnh của cái gọi là luật sư Lê Công Định nhận tội và xin khoan hồng.

Trước sự kiện trên, Đảng Việt Tân xin trình bày một số nhận định như sau:

- CSVN dùng Điều 88 Luật Hình Sự, Tuyên truyền chống nhà nước, để buộc tội luật sư Lê Công Định. Đây là một điều luật mơ hồ được CSVN dùng làm phương tiện để duy trì độc tài, bóp nghẹt những tiếng nói ôn hòa tranh đấu cho dân chủ. Đối với thế giới và Công Ước về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, việc thay đổi chính quyền bằng phương pháp ôn hòa, bất bạo động là quyền chính trị của tất cả mọi người. Chỉ có lãnh đạo CSVN mới sợ hãi sự thay đổi ôn hòa và lợi dụng luật pháp để đàn áp những người không đồng quan điểm trong đó có luật sư Lê Công Định

- Các tài liệu huấn luyện về Đấu Tranh Bất Bạo Động do Đảng Việt Tân thực hiện mà nhà cầm quyền tìm thấy khi lục soát nhà luật sư Lê Công Định và đưa ra như tang chứng, đều chỉ cho thấy lãnh đạo đảng CSVN đang đi ngược lại xu thế văn minh của nhân loại, và thực sự lo âu các phương tiện bạo hành để cai trị của họ sẽ bị vô hiệu hóa nếu đông đảo quần chúng cùng đứng lên tranh đấu bất bạo động. Đặc biệt, tập sách Từ Độc Tài Đến Dân Chủ mà báo chí của chế độ chụp hình là một tài liệu công khai, mọi người đều có thể tải xuống từ trang nhà www.viettan.org từ năm 2006.

- Chính nhà cầm quyền CSVN vi phạm đủ loại luật lệ báo chí và hình sự khi điều động toàn bộ guồng máy tuyên truyền của chế độ vào việc bôi nhọ, dựng chuyện, vu cáo, và kết tội luật sư Lê Công Định mà chẳng cần chờ phán xét của toà án nào, dù là tòa do đảng CSVN kiểm soát hoàn toàn.

- Trong hệ thống pháp lý đầy tính khủng bố và hoàn toàn vắng bóng các tiêu chuẩn tối thiểu về công lý như vậy, mọi lời khai, lời nhận tội, v.v… của nạn nhân mà chế độ tung ra đều phải xem là bằng chứng ép cung và hoàn toàn KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ.

Trước những thủ đoạn vừa trấn áp vừa đánh lạc hướng dư luận của nhà cầm quyền CSVN, đảng Việt Tân kính đề nghị cùng quí hội đoàn và toàn thể đồng bào, chúng ta:

- Không để lãnh đạo đảng CSVN thành công trong ý định đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi các hiểm họa đang bao trùm đất nước, đó là hiểm họa khai thác bô-xít và mất dần chủ quyền tại Tây Nguyên; hiểm hoạ mất đảo, mất khoáng sản, và mất hải phận trên biển Đông vào tay Bắc Kinh.

- Làm tất cả những gì có thể để bảo vệ và tranh đấu cho luật sư Lê Công Định, cũng như các tù nhân chính trị khác đang bị giam giữ hay vừa mới bị bắt.

- Gia tăng hơn nữa việc vạch trần trước dân tộc thái độ trái ngược của Bộ Chính Trị đảng CSVN và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: càng khiếp nhược đối với Bắc Kinh thì càng hung hãn đối với dân tộc.

****

Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845

2009/06/18

Từ Lê Chí Quang Đến Lê Công Định

Lý Thái Hùng



Cách đây 7 năm, Luật gia Lê Chí Quang đã bị công an Hà Nội bắt giữ tại quán cà phê Internet vì bị cáo buộc là vi phạm điều 88 luật hình sự (lưu hành những tài liệu chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa) vào ngày 21 tháng 2 năm 2002 và bị đưa về giam tại nhà tù B14 thuộc Tỉnh Hà Đông. Nửa năm sau, ngày 8 tháng 11, Cộng sản Việt Nam đã đưa anh Lê Chí Quang ra tòa, không có luật sư biện hộ, không cho thân nhân tham dự. Phiên tòa diễn ra không quá 3 tiếng đồng hồ và anh đã bị kết án 4 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống lại nhà nước”. Nhưng do những áp lực mạnh mẽ của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại và của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trung tuần tháng 6 năm 2004, Cộng sản Việt Nam đã phải thả luật gia Lê Chí Quang trước thời hạn, vào ngày 14 tháng 6 năm 2004, sau hơn 2 năm giam giữ.

Những thủ đoạn trấn áp của Cộng sản Việt Nam đối với anh Lê Chí Quang nói trên, chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là trả thù anh đã can đảm tố cáo ông Lê Khả Phiêu, lúc đó là Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đã ra lệnh bí mật ký kết hai văn kiện: Hiệp định biên giới Việt Trung (1999) và Hiệp định phân ranh vịnh Bắc Việt (2000), nhượng cho Trung Quốc một số phần đất biên giới phía Bắc và vùng biển thuộc Vịnh Bắc Việt, qua bài viết Hãy Cảnh Giác Bắc Triều mà anh đã viết từ tháng 10 năm 2001. Vào lúc đó, bài viết của anh Lê Chí Quang được coi là quả bom nổ đầu tiên, phanh phui những vụ nhượng đất nhượng biển của lãnh đạo cao cấp đảng Cộng sản Việt Nam cho Trung Quốc. Bài viết này đã làm rúng động nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam, khiến cho Ban bí thư phải ra văn thư giải thích nhưng không thể nào hóa giải sự phẫn uất của dư luận kéo dài đến hôm nay.

Bảy năm sau, ngày 13 tháng 6 năm 2009, Luật sư Lê Công Định bị Tổng cục an ninh điều tra thuộc Bộ công an Cộng sản Việt Nam bắt giữ tại nhà và đưa ra văn phòng khám xét, cũng bị cáo buộc như Luật gia Lê Chí Quang là đã vi phạm điều 88 luật hình sự. Mặc dù không đưa ra được một tài liệu nào chứng minh Luật sư Lê Công Định vi phạm điều 88 Luật hình sự, nhưng Bộ công an lại huy động toàn bộ báo chí, truyền thanh và truyền hình của chế độ để loan tải rằng Luật sư Lê Công Định đang có âm mưu làm loạn . Thậm chí họ còn dựng ra những tội danh tưởng tượng như soạn thảo Hiến pháp, thành lập đảng Lao động và Dân chủ để cố gán ghép thêm là Luật sư Lê Công Định có “âm mưu lật đổ nhà nước Cộng sản Việt Nam”.

Điều mâu thuẫn là Luật sư Lê Công Định bị công an Sài Gòn bắt sau anh Trần Huỳnh Duy Thức đến hơn 2 tuần lễ – người cũng bị cáo buộc là vi phạm điều 88 luật hình sự – vào ngày 24 tháng 5, nhưng toàn bộ hệ thống báo chí của Cộng sản Việt Nam không hề đá động gì đến các vi phạm của anh Trần Huỳnh Duy Thức, trong khi lại dồn công sức vào việc tô vẽ cái gọi là những vi phạm của Luật sư Lê Công Định, kể cả việc cho công bố toàn bộ hình ảnh ghi lại cuộc bắt giữ Luật sư Định tại nhà, văn phòng và cả lúc ra xe chở về trại giam. Không những thế, chiều ngày 17 tháng 6, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong phần phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập học viện ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã phản bác lại sự lên tiếng của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ về việc bắt giữ Luật sư Lê Công Định và đã quỷ biện rằng Việt Nam là xứ sở có nhân quyền nhất (sic).

Trên mặt nổi, Cộng sản Việt Nam đang cố cho dư luận thấy rằng việc bộ công an bắt giữ Luật sư Lê Công Định là vì đã có những bài viết ‘tuyên truyền chống phá nhà nước”, như họ đã từng cáo buộc Luật gia Lê Chí Quang. Tuy nhiên, theo nhiều tin tức cho thấy là bộ công an đang thi hành chỉ thị của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam nhằm triệt hạ những người đang tố cáo sự đi đêm của họ với Trung Quốc. Bài viết gần đây nhất của Luật sư Lê Công Định: “Đọc sử để nhìn nhận hôm nay” và dự tính kiện Trung Quốc về việc cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ở Biển Đông qua sự tiết lộ của Luật sư Lê Quốc Quân, đã cho thấy là các hoạt động của Luật sư Lê Công Định không chỉ dừng lại ở việc ký tên vào bản kiến nghị của những nhà trí thức chống việc hợp tác với Trung Quốc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, mà còn muốn phanh phui những đường dây trong Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đã nhận tiền của Bắc Kinh để đưa dân tộc và đất nước ta trong vòng kiềm hãm của Bắc phương.

Ngoài ra, Đài Chân Trời Mới loan tải bản tin liên quan đến việc một số doanh nhân Việt Nam và Hoa Kỳ đang lưu truyền tại Hà Nội một số tin tức về việc gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận hơn 150 triệu Mỹ Kim từ nhà cầm quyền Trung Quốc để đổi lấy sự đồng ý cho Tổng công ty Chalco của Trung Quốc khai thác Bauxite tại Việt Nam đã giúp cho dư luận thấy rõ hơn lý do vì sao Luật sư Lê Công Định bị bắt như Luật gia Lê Chí Quang bị bắt cách nay 7 năm.

Những phanh phui về mối quan hệ tiền bạc giữa Trung Quốc với thành phần lãnh đạo Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã giải thích thêm lý do vì sao Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã chỉ lên tiếng yêu cầu (năn nỉ) lãnh đạo Bắc Kinh không nên cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng biển của Việt Nam khi Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá trên vùng biển Đông trong vòng 3 tháng, kể từ đầu tháng 6 năm 2009. Thái độ khiếp nhược này của giới lãnh đạo Hà Nội đã khiến cho nhiều người Việt Nam – trong đó có Luật sư Lê Công Định bất mãn và phản kháng. Cái kẹt của bộ công an là không tìm đâu ra điều luật hình sự để bắt Luật sư Lê Công Định về tội chống lãnh đạo cấu kết với ngoại bang, nên đã phải cố sức thổi to những cáo buộc không có về Luật sư Định đã tuyên truyền chống phá nhà nước.

Vụ bắt giữ Luật sự Lê Công Định sẽ chỉ làm cho Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam lúng túng đối phó hơn trước làn sóng phẫn uất của công luận. Đồng thời qua vụ bắt giữ này có thể sẽ khởi động làn sóng bừng dậy của dân tộc Việt như Luật sư Lê Công Định đã viết trong bài Quyết Không Khiếp Nhược: “Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó. Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc”.

Lý Thái Hùng
Ngày 17 tháng 6 năm 2009