2009/06/24

Đối Đầu Bất Bạo Động: Nhìn Từ Biến Cố Iran


Hàng trăm ngàn người tham gia vào những cuộc biểu tình chống bầu cử gian lận đang xảy ra tại Thủ đô Tehran, Iran từ ngày 13 tháng 6 năm 2009 cho đến nay, làm cho người ta liên tưởng đến hai cuộc đấu tranh chống bầu cử gian lận đã từng xảy ra một cách ngoạn mục tại Cộng hòa Serbia vào năm 2000 và Cộng Hòa Georgia vào năm 2004, đưa đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài tại đây.

Làn sóng biểu tình tại Serbia đã bộc phát ngay trong đêm 23 tháng 9 năm 2000, khi phe chính quyền muốn đánh tráo kết quả bầu cử để Tổng thống Milosevic tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa, trong khi kết quả kiểm phiếu cho thấy là ứng cử viên đối lập Vojislav Kostunica đã thắng lớn, bỏ xa nhà độc tài Milosevic. Sau hơn 10 ngày ra lệnh cho công an đàn áp những người biểu tình, trước sức ép của dư luận quá mạnh, với những cuộc biểu tình, đình công, lãng công, bất phục tùng dân sự đã làm tê liệt toàn thể xã hội, Milosevic đã phải tuyên bố thua cuộc, chấp nhận kết quả chiến thắng của phe đối lập. Người ta gọi đây là cuộc cách mạng màu đen vì lực lượng đối lập đã dùng lá cờ của Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Phản Kháng (Optor) làm điểm tựa tụ tập; lá cờ gồm màu đen và nắm tay đấm bằng màu trắng.

Bốn năm sau, làn sóng biểu tình chống bầu cử Tổng thống gian lận được lập lại tại Cộng hòa Ukraine bắt đầu từ ngày 24 tháng 11 năm 2004, khi hàng trăm ngàn người ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Viktor Yushchenko túa ra đường chống lại kết quả bầu cử, do phe thân chính phủ công bố rằng đương kim Thủ tướng Viktor Yunukovich của Tổng thống mãn nhiệm Koutcher ủng hộ thắng cử, trong khi phe đối lập thì cho ứng cử viên Yushchenko dẫn trước Thủ tướng Yunukovich ít nhất là 5% số phiếu bầu. Phe đối lập đã vận dụng mọi phương pháp của đấu tranh bất bạo động, đặc biệt là kêu gọi toàn quốc lãng công, biểu tình ngồi (sit-in) và bất phục tùng dân sự để yêu cầu Tối Cao Pháp Viện không công nhận kết quả bầu cử và cho kiểm lại phiếu. Phía chính quyền thì tìm cách vận động tối cáo pháp viện trì hoãn việc can thiệp trong khi tung công an đàn áp phe đối lập. Nhưng sau 2 tuần lễ đấu tranh của hàng trăm ngàn người – bất chấp những cơn lạnh khắc nghiệt, toàn bộ xã hội Ukraine bị tê liệt – khiến cho Tối Cao Pháp Viện phải bắt kiểm lại phiếu, và lần này ứng cử viên đối lập Yushchenko đạt kết quả quá bán, đắc cử Tổng thống Ukraine. Người ta gọi đây là cuộc cách mạng Cam vì phe đối lập đã dùng khăn và áo chống lạnh màu Cam để làm biểu tượng tập họp trong suốt hai tuần lễ tụ tập đấu tranh tại trụ sở quốc hội và Tối cao pháp viện.

Những cuộc biểu tình tại Tehran, dường như đã được phe đối lập chuẩn bị từ trước vì họ đã nghi là có sự gian lận của đương kim Tổng thống Mahmound Ahmadinejad với sự thông đồng của bộ máy mật vụ do Bộ nội vụ điều khiển. Bộ nội vụ cũng là nơi tổ chức, điều hành và kiểm phiếu của cuộc bầu cử. Từ một tháng trước ngày bầu cử, phe đối lập đã tung ra khẩu hiệu “Ahmadi – bye, bye” để vận động dư luận. Mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống Iran có đến hơn 400 ứng cử viên nhưng có ba ứng cử viên sáng giá là 1/ Đương kiêm Tổng thống Ahmadinejad, người được coi là chống Mỹ và chống Do Thái một cách triệt để; 2/ Cựu thủ tướng Mir Hossein Moussavi có khuynh hướng ôn hòa, thân Tây phương; 3/ Nhà cải cách Mehdi Karroubi, từng ra tranh cử Tổng thống vào năm 2005. Trong ba ứng cử viên nói trên, cựu thủ tướng Hossein Moussavi là người có nhiều triển vọng thắng cử nhất vì đa số cử tri – đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ – muốn Iran thay đổi theo đường lối mở cửa thân Tây phương và chấm dứt sự khống chế của khuynh hướng thần quyền (theocratic).

Từ năm 1979 khi ông đạo Khomeini lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi Giáo lật đổ chế độ Shah Hoàng thân Mỹ, Iran đã bị khép kín trong vòng xích của một chế độ cực quyền, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Hội Đồng Giám Hộ (Hội đồng tối cao của Hồi Giáo Iran) gồm 12 Giáo sĩ của Hồi Giáo. Hội đồng này có quyền hành tuyệt đối, thống lĩnh quân đội, tòa án, hệ thống truyền thông, kể cả việc bổ nhiệm nhân sự vào những trách vụ lãnh đạo trong các Hội đồng quốc gia. Nhưng vào lúc đó, để tạo một hình ảnh dân chủ cho Iran, ông đạo Khomeini đã lập ra thể chế Cộng Hòa dựa trên hai chân vạc: hệ thống dân chủ và hệ thống thần quyền. Hệ thống dân chủ cho phép tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội, tổng thống và những đơn vị hành chánh địa phương. Tuy nhiên, những trách nhiệm dân cử trong các cơ chế quốc hội, tổng thống… đứng dưới thẩm quyền quyết định của các Giáo sĩ nằm trong hệ thống thần quyền (Hồi Giáo) ở các cơ chế – giống như một loại chính ủy trong cơ cấu của các đảng Cộng sản.

Điều mong muốn của phe đối lập tại Iran là mở cửa thân thiện với Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, và quan trọng hơn là giảm thiểu những sự chi phối của các Giáo sĩ trong Hội Đồng Giám Hộ hiện do đạo sĩ Ayatollah Ali Khamenei lãnh đạo lên các bước cải tổ chính trị tại Iran. Phe đối lập – đa số là thanh niên, trí thức, phụ nữ – đều muốn Iran được tự do hơn và trở thành một thể chế Cộng hòa thật sự, dựa trên nền tảng Dân chủ là chính chứ không nằm dưới hệ thống Hồi Giáo. Để tạo cuộc thay đổi này, phe đối lập, đặc biệt là ứng cử viên Mir Hossein Moussavi, đã tận dụng triệt để những phương cách vận động bầu cử vừa qua của Tổng thống Obama và một số nguyên tắc của đấu tranh bất bạo động.

Về đối tượng, Mir Hossein Moussavi đã nhắm vào ba đối tượng chính: Phụ nữ, sinh viên và giới trung lưu tương đối có đời sống ổn định sau 30 năm biến đổi của cuộc cách mạng Hồi Giáo. Vì nhắm chính vào đối tượng phụ nữ nên ứng cử viên Moussavi đã được đông đảo phụ nữ ủng hộ nhiệt thành; họ đã trở thành lực lượng quan trọng trong các cuộc biểu tình chống lại đương kim Tổng thống Ahmadinejad.

Về phương tiện, Moussavi đã áp dụng phương cách của Tổng Thống Obama là khai thác tối đa mạng truyền thông để loan tải các quan điểm và kích động sự tò mò và hăng say của giới trẻ qua các diễn đàn SMS, Facebook. Mới đây phe đối lập tại Iran đã sử dụng phương tiện thông tin mới có tên là Twitter, để chuyển rất nhiều nội dung kêu gọi mọi người xuống đường chống chính quyền, trong lúc Tổng thống Ahmadiejad cho cắt toàn bộ Internet và kiểm soát gắt gao hệ thống thông tin. Chính nhờ Twitter (lời nhắn líu lo – ngắn, gọn) trong kỳ biểu tình vừa qua mà người ta đã có thể tường thuật tin tức nhanh chóng và giúp huy động đông đảo người tham gia trong một thời gian ngắn kêu gọi. Hơn thế nữa Twitter trở thành nguồn thông tin quan trọng cho dân chúng Iran trong mấy ngày qua, vì các đài CNN và BBC bị nhà nước kiểm duyệt.

Về phương diện chiến thuật, Moussavi đã tung ra hai mặt trận: 1/ Tẩy chay kết quả bầu cử vì gian lận và tuyên bố sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử vòng II. 2/ Dùng áp lực quần chúng để buộc Hội Đồng Giám Hộ đứng về phía đối lập hoặc đứng ngoài cuộc đấu tranh. Hiện nay, mặt trận chống gian lận bầu cử đã lên cao điểm trong khi phe đối lập thất bại trong việc tranh thủ Hội Đồng Giám Hộ Hồi Giáo vì ông đạo Ali Khamenei lại đứng về phía chính quyền kêu gọi ủng hộ Tổng thống Ahmadiejad và cho là cuộc bầu cử không gian lận. Ngoài ra, để tránh những đòn trấn áp dã man của lực lượng công an Hồi Giáo, phe đối lập đã thay vì tập trung đông người, tổ chức thành những cuộc biểu tình nhỏ tràn ngập ở nhiều nơi, đồng thời sử dụng xe hơi vừa chạy vừa bóp còi và bật sáng đèn trong các khu phố nhằm gây trở ngại giao thông.

Hiện nay, tình hình vận động của phe đối lập có phần suy giảm khi Tổng thống Ahmadiejad cho một số sinh viên quá khích tổ chức những cuộc biểu tình trước sứ quan Anh và Hoa Kỳ, để phản đối sự can thiệp của Tây phương vào nội tình Iran. Mục tiêu của Ahmadiejad là nhằm chuyển hướng dư luận Iran từ chống bầu cử gian lận sang chống sự nhúng tay của các thế lực phương Tây. Đây là một đòn khá thâm hiểm của ông Ahmadiejad nhằm rút bớt sự phẫn kích của dân chúng về sự gian lận bầu cử. Chiều hướng chung của tình hình hiện nay là phe chính quyền vì có được sự ủng hộ của Hội Đồng Giám Hộ nên nhiều phần sẽ không nhượng bộ các đòi hỏi của phe đối lập là tổ chức lại cuộc bầu cử Tổng thống; nhưng qua các cuộc biểu tình của phe đối lập Iran – với những kỹ thuật và phương tiện Internet mà họ sử dụng trong các cuộc đấu tranh lần này – đã giúp khai phá ra thêm những phương pháp đấu tranh bất bạo động mới cho nhân loại trong tương lai.

Lý Thái Hùng
23 Tháng 6 Năm 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét