2009/06/18

Từ Lê Chí Quang Đến Lê Công Định

Lý Thái Hùng



Cách đây 7 năm, Luật gia Lê Chí Quang đã bị công an Hà Nội bắt giữ tại quán cà phê Internet vì bị cáo buộc là vi phạm điều 88 luật hình sự (lưu hành những tài liệu chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa) vào ngày 21 tháng 2 năm 2002 và bị đưa về giam tại nhà tù B14 thuộc Tỉnh Hà Đông. Nửa năm sau, ngày 8 tháng 11, Cộng sản Việt Nam đã đưa anh Lê Chí Quang ra tòa, không có luật sư biện hộ, không cho thân nhân tham dự. Phiên tòa diễn ra không quá 3 tiếng đồng hồ và anh đã bị kết án 4 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống lại nhà nước”. Nhưng do những áp lực mạnh mẽ của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại và của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trung tuần tháng 6 năm 2004, Cộng sản Việt Nam đã phải thả luật gia Lê Chí Quang trước thời hạn, vào ngày 14 tháng 6 năm 2004, sau hơn 2 năm giam giữ.

Những thủ đoạn trấn áp của Cộng sản Việt Nam đối với anh Lê Chí Quang nói trên, chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là trả thù anh đã can đảm tố cáo ông Lê Khả Phiêu, lúc đó là Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đã ra lệnh bí mật ký kết hai văn kiện: Hiệp định biên giới Việt Trung (1999) và Hiệp định phân ranh vịnh Bắc Việt (2000), nhượng cho Trung Quốc một số phần đất biên giới phía Bắc và vùng biển thuộc Vịnh Bắc Việt, qua bài viết Hãy Cảnh Giác Bắc Triều mà anh đã viết từ tháng 10 năm 2001. Vào lúc đó, bài viết của anh Lê Chí Quang được coi là quả bom nổ đầu tiên, phanh phui những vụ nhượng đất nhượng biển của lãnh đạo cao cấp đảng Cộng sản Việt Nam cho Trung Quốc. Bài viết này đã làm rúng động nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam, khiến cho Ban bí thư phải ra văn thư giải thích nhưng không thể nào hóa giải sự phẫn uất của dư luận kéo dài đến hôm nay.

Bảy năm sau, ngày 13 tháng 6 năm 2009, Luật sư Lê Công Định bị Tổng cục an ninh điều tra thuộc Bộ công an Cộng sản Việt Nam bắt giữ tại nhà và đưa ra văn phòng khám xét, cũng bị cáo buộc như Luật gia Lê Chí Quang là đã vi phạm điều 88 luật hình sự. Mặc dù không đưa ra được một tài liệu nào chứng minh Luật sư Lê Công Định vi phạm điều 88 Luật hình sự, nhưng Bộ công an lại huy động toàn bộ báo chí, truyền thanh và truyền hình của chế độ để loan tải rằng Luật sư Lê Công Định đang có âm mưu làm loạn . Thậm chí họ còn dựng ra những tội danh tưởng tượng như soạn thảo Hiến pháp, thành lập đảng Lao động và Dân chủ để cố gán ghép thêm là Luật sư Lê Công Định có “âm mưu lật đổ nhà nước Cộng sản Việt Nam”.

Điều mâu thuẫn là Luật sư Lê Công Định bị công an Sài Gòn bắt sau anh Trần Huỳnh Duy Thức đến hơn 2 tuần lễ – người cũng bị cáo buộc là vi phạm điều 88 luật hình sự – vào ngày 24 tháng 5, nhưng toàn bộ hệ thống báo chí của Cộng sản Việt Nam không hề đá động gì đến các vi phạm của anh Trần Huỳnh Duy Thức, trong khi lại dồn công sức vào việc tô vẽ cái gọi là những vi phạm của Luật sư Lê Công Định, kể cả việc cho công bố toàn bộ hình ảnh ghi lại cuộc bắt giữ Luật sư Định tại nhà, văn phòng và cả lúc ra xe chở về trại giam. Không những thế, chiều ngày 17 tháng 6, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong phần phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập học viện ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã phản bác lại sự lên tiếng của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ về việc bắt giữ Luật sư Lê Công Định và đã quỷ biện rằng Việt Nam là xứ sở có nhân quyền nhất (sic).

Trên mặt nổi, Cộng sản Việt Nam đang cố cho dư luận thấy rằng việc bộ công an bắt giữ Luật sư Lê Công Định là vì đã có những bài viết ‘tuyên truyền chống phá nhà nước”, như họ đã từng cáo buộc Luật gia Lê Chí Quang. Tuy nhiên, theo nhiều tin tức cho thấy là bộ công an đang thi hành chỉ thị của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam nhằm triệt hạ những người đang tố cáo sự đi đêm của họ với Trung Quốc. Bài viết gần đây nhất của Luật sư Lê Công Định: “Đọc sử để nhìn nhận hôm nay” và dự tính kiện Trung Quốc về việc cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ở Biển Đông qua sự tiết lộ của Luật sư Lê Quốc Quân, đã cho thấy là các hoạt động của Luật sư Lê Công Định không chỉ dừng lại ở việc ký tên vào bản kiến nghị của những nhà trí thức chống việc hợp tác với Trung Quốc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, mà còn muốn phanh phui những đường dây trong Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam đã nhận tiền của Bắc Kinh để đưa dân tộc và đất nước ta trong vòng kiềm hãm của Bắc phương.

Ngoài ra, Đài Chân Trời Mới loan tải bản tin liên quan đến việc một số doanh nhân Việt Nam và Hoa Kỳ đang lưu truyền tại Hà Nội một số tin tức về việc gia đình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận hơn 150 triệu Mỹ Kim từ nhà cầm quyền Trung Quốc để đổi lấy sự đồng ý cho Tổng công ty Chalco của Trung Quốc khai thác Bauxite tại Việt Nam đã giúp cho dư luận thấy rõ hơn lý do vì sao Luật sư Lê Công Định bị bắt như Luật gia Lê Chí Quang bị bắt cách nay 7 năm.

Những phanh phui về mối quan hệ tiền bạc giữa Trung Quốc với thành phần lãnh đạo Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã giải thích thêm lý do vì sao Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam đã chỉ lên tiếng yêu cầu (năn nỉ) lãnh đạo Bắc Kinh không nên cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng biển của Việt Nam khi Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá trên vùng biển Đông trong vòng 3 tháng, kể từ đầu tháng 6 năm 2009. Thái độ khiếp nhược này của giới lãnh đạo Hà Nội đã khiến cho nhiều người Việt Nam – trong đó có Luật sư Lê Công Định bất mãn và phản kháng. Cái kẹt của bộ công an là không tìm đâu ra điều luật hình sự để bắt Luật sư Lê Công Định về tội chống lãnh đạo cấu kết với ngoại bang, nên đã phải cố sức thổi to những cáo buộc không có về Luật sư Định đã tuyên truyền chống phá nhà nước.

Vụ bắt giữ Luật sự Lê Công Định sẽ chỉ làm cho Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam lúng túng đối phó hơn trước làn sóng phẫn uất của công luận. Đồng thời qua vụ bắt giữ này có thể sẽ khởi động làn sóng bừng dậy của dân tộc Việt như Luật sư Lê Công Định đã viết trong bài Quyết Không Khiếp Nhược: “Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó. Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc”.

Lý Thái Hùng
Ngày 17 tháng 6 năm 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét