Hà Nội – Giống như một ngôi làng vĩ đại với dân số 86 triệu người mà tưởng như ai cũng quen biết nhau, hay chỉ một hai bước nối là biết hết nhau, Việt Nam là một nơi lý tưởng cho việc kết nối xã hội. Với đặc tính như vậy, đây có thể là một nơi mà những nhà thiết trí các trang mạng kết nối xã hội kiểu như Facebook mơ tới, nhưng cũng lại hoàn toàn có thể là nơi mà chẳng ai cần đến những trang mạng như vậy.
Quả thực, trong 10 tháng đầu năm vừa rồi, xem ra đây là một môi trường lý tưởng cho Facebook khi cố gắng đặt chân vào Việt Nam, với việc khai trương vào đầu năm 2009, và hiện có 3 triệu thành viên. Mạng sau đó còn nhận được một cú hích tăng trưởng số lượng thành viên vào tháng 7, khi Yahoo cho ngừng hoạt động mạng nhánh Yahoo360 ở Việt Nam của mình.
Nhưng rồi, từ tháng 11, người sử dụng Facebook bắt đầu gặp các khó khăn khi truy cập vào trang này. Nhân viên tại các công ty cung cấp dịch vụ Internet cho biết chính phủ đã ra lệnh chặn mạng.
Thoạt đầu các viên chức chính phủ từ chối bình luận. Nhưng đến ngày 1 tháng 12 thì nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã phải thú nhận rằng nhà nước đã chặn một số trang mạng do “bị dùng để phát tán các thông tin có hại cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Facebook ư? Nơi mà các thành viên dùng để trao đổi các bài viết và nhận định, đưa ra các câu đố về những loại băng cột tóc, hay tìm xem những tấm ảnh chụp chú đười ươi con mới đẻ ở Vườn thú Berlin? Tại sao lại là Facebook?
Người sử dụng Facebook Việt Nam vốn giành nhiều thời gian và công sức để tạo nên những trang cá nhân của mình nay phản ứng dữ dội. Một số cho rằng lý do thực sự sau lưng việc chặn này là nhằm ép người sử dụng chuyển sang một mạng kết nối xã hội khác do Việt Nam quản lý là mạng YuMe.vn. Với 2 triệu thành viên, đây là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Facebook.
Nhưng cũng có một số người Việt, cả trong và ngoài nước, đã bắt đầu sử dụng Facebook cho các mục đích vận động chính trị. Sau khi nhà đối kháng trẻ tuổi Nguyễn Tiến Trung bị bắt giữ với các cáo buộc tội danh chính trị vào hồi tháng 6, bạn bè anh đã thành lập một nhóm Facebook mang tên “Hãy thả Nguyễn Tiến Trung” (Release Nguyen Tien Trung) với hàng trăm người ủng hộ.
Có những nhóm Facebook thì kêu gọi ủng hộ những vị sư sãi và ni cô thuộc tu viện Bát Nhã mới bị Công An dùng vũ lực đánh đập và đuổi khỏi nơi tu tập do có các bất đồng với Giáo hội Phật giáo của nhà nước. Các nhóm khác thì ủng hộ Luật sư Lê Công Định, người bị bắt hồi tháng 6 vì những hoạt động ủng hộ dân chủ và phản đối các dự án khai mỏ quặng Bô-Xít nhôm ở vùng cao nguyên Trung phần do các công ty Trung Quốc điều hành hoàn toàn.
Đảng Việt Tân, một tổ chức đấu tranh cho đa nguyên đa đảng cũng có một trang Facebook của mình.
Việt Nam nhận hàng tỉ đô la mỗi năm qua các chương trình viện trợ phát triển chính thức từ các nước dân chủ, và lệnh cấm trang mạng đó là một hành động mang tính biểu trưng về tình trạng đàn áp tự do ngôn luận mà các nhà tài trợ của Việt Nam vốn luôn luôn phản đối. Trong hội nghị tham vấn các nhà tài trợ được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 12, vấn đề Facebook đã được đưa vào nghị trình.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Michael Michalak đã phát biểu trong hội nghị rằng “Đây không phải là vấn đề tán chuyện qua mạng của thanh niên trẻ, mà đó là câu hỏi về quyền của người dân được trao đổi thông tin với nhau, chia sẻ các ý tưởng và thực hiện các thương vụ của mình.”
Quốc hội Hoa Kỳ hồi tháng 10 đã thông qua dự luật kêu gọi Việt Nam hãy chấm dứt những hạn chế tự do Internet. Nghị viện Châu Âu cũng đã thực hiện việc tương tự vào cuối tháng 11.
Facebook do vậy đã trở thành một điểm nóng nữa trong mối tương quan vốn đã phức tạp của Việt Nam với mạng Internet, và do đó, với thế giới.
Từ khi bắt đầu chuyển hướng nhắm tới một nền kinh tế xuất khẩu từ cuối những năm 80, Việt Nam đã cố đối phó với việc phải cân bằng nhu cầu thông thương với thế giới và mong muốn quản lý che chắn luồng thông tin trong nước của mình.
Những cố gắng đó ngày càng trở nên khó khăn vì việc sử dụng mạng Internet toàn cầu trở nên gần như phổ quát. Hồi tháng 3, chính quyền đã ra sắc lệnh mới cấm những Blogger đưa ra ý kiến liên quan đến chính trị.
Trong vòng 1 năm trở lại đây đã có ít nhất 6 Blogger bị giữ, bắt bớ hay thậm chí kết án tù, và một người thứ 7 nữa bị cho nghỉ việc đang là một nhà báo.
Việt Nam hiện cố gắng theo bước kiểm duyệt thông tin bằng những cách thức mà Trung Quốc đang làm, nhưng lại không có được các nguồn lực to lớn như Trung Quốc, ví dụ như khiển dụng một bộ máy to lớn bao gồm tới 50 ngàn nhân viên kỹ thuật thành thạo chỉ để quản lý và kiểm duyệt thế giới trực tuyến.
Do vậy chính phủ Việt Nam đã tỏ ra bất nhất với những cố gắng kém cỏi trong việc ngăn chặn các trang mạng với những nội dung có khả năng gây bất lợi chính trị cho mình. Các trang mạng như Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) và Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) thường bị chặn bởi nhà cung cấp dịch vụ Internet này, nhưng lại truy cập được từ mạng của nhà cung cấp dịch vụ Internet khác.
Những kỹ thuật vụng về mà chính phủ sử dụng để ngăn chặn Facebook thực ra rất dễ khắc phục với các phương thức đi vòng khá đơn giản.
Cô Đặng Hương Trà, 23 tuổi, cho biết: “Tôi chỉ bị khó khăn truy nhập vào trang mạng trong mấy ngày đầu khi trang mới bị chặn mà thôi, nhưng giờ thì đã có cách.”
Một người từng sử dụng Facebook khác là anh Nguyễn Văn Tùng, 28 tuổi, thì nói mình biết vì sao chính phủ lại ngăn chặn trang này. “Tôi nghĩ rằng nếu những ai sử dụng các trang mạng đó để bàn bạc về các vấn đề chính trị, hay nói những gì bất lợi cho chính quyền, thì nhà nước sẽ chặn họ.”
Trong hội nghị tham vấn các nhà tài trợ, các nước viện trợ Tây phương đã cố gắng thuyết phục Việt Nam rằng nếu không có sự tự do trao đổi thông tin thì khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ trở nên yếu kém.
Nhưng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc lại phát biểu rằng chính phủ Việt Nam đã làm đủ những gì cần để cải thiện tình hình tự do thông tin, cụ thể là với kết quả con số người sử dụng Internet tiếp tục tăng.
Các nước tài trợ là những nước phản đối sự hạn chế tự do Internet của Việt Nam cùng với việc giam tù những Blogger, sau đó lại đã hứa tiếp tục tăng các khoản viện trợ phát triển chính thức trong năm tới lên từ 5 tỉ thành 8 tỉ đô la.
DPA
CTM phỏng dịchNguồn: EarthTimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét