2009/12/27

Công Ty Cổ Phần "Thiếu Lâm Tự"


Ở Trung Quốc, có lẽ ai cũng biết chùa Thiếu Lâm là một trong những tụ điểm sinh hoạt chính của tổ chức có tên là Tam Tự Ái Quốc. Nói nôm na, đây là ngôi chùa chính của giáo hội Phật giáo quốc doanh Trung Quốc. Nghĩa là tính chất tôn giáo, mục tiêu thờ tự, cũng như không khí tu hành chẳng còn là bao. Tuy vậy, khi nghe tin ngôi chùa này sẽ trở thành công ty cổ phần Thiếu Lâm Tự vào năm 2011, nhiều người dân Trung Quốc vẫn cảm thấy mất mát thêm một phần tâm linh và văn hóa lớn; như họ đã từng đau xót khi các di tích văn hóa lâu đời của Trung Hoa bị tiêu hủy trong các đống lửa của Cách Mạng Văn Hóa kéo dài đến các di tích bị nhận chìm để xây đập nước Tam Hợp.

Tờ Đông Phương Tảo báo (Oriental Morning Post) ở Thượng Hải, hôm 15/12/2009 đã gởi ký giả đến phỏng vấn Hòa thượng Phương trượng Thích Cửu Tín, chủ trì chùa Thiếu Lâm. Khi được hỏi về tin Thiếu Lâm Tự sắp trở thành công ty cổ phần hữu hạn, vị chủ trì chùa Thiếu Lâm phủ nhận sự việc. Thay vào đó, ông nói rằng trong 5 năm gần đây đất nước Trung Quốc phát triển mạnh, nên Thiếu lâm Tự cũng phải thay đổi cách làm để cùng với chính quyền đưa đất nước đến cường thịnh. Đây là một nghĩa vụ, chẳng có gì phải bàn hay thắc mắc.

Ngạc nhiên trước câu trả lời này, ký giả báo Đông Phương đào sâu hơn vào vấn đề. Kể từ năm 1988, Thiếu Lâm Tự đã đăng ký hoạt động như một thương hiệu. Ai muốn vào chùa lễ Phật hay ngắm cảnh quang phải trả tiền vào cửa. Mỗi ngày trong chùa có ít nhất hai suất biểu diễn môn võ Thiếu Lâm do các sư đảm nhiệm với vé vào cửa khá đắt, gần 50 mỹ kim cho người lớn và phân nửa giá cho trẻ em dưới 15 tuổi. Khi thấy những "sô" biểu diễn võ thuật quá ăn khách, chùa lập luôn mấy đoàn để đưa đi các nước trình diễn. Nội tiền vào cửa viếng chùa hàng năm cũng thâu được khoảng 150 triệu đồng tiền Nhân dân tệ, tức hơn 2 triệu mỹ kim. Thêm vào đó là tiền bán trà, quà lưu niệm và các suất biểu diễn võ Thiếu Lâm. Nhiều Phật tử trong vùng tâm sự họ không còn coi Thiếu Lâm Tự là cửa Thiền nữa kể từ khi chùa lấy tiền vào cửa. Riêng đối với Phương trượng Thích Cửu Tín, các Phật tử đó tặng cho ông hai biệt hiệu: Hòa Thượng Chính Trị (vì ông đang là Đại biểu Quốc Hội), hay Hòa Thượng Kinh Tế.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2009 tờ Đông Phương vẫn tiếp tục loan tin Thiếu Lâm Tự sẽ trở thành công ty cổ phần vào năm 2011. Theo tờ báo này thì đây là sự bàn tính và quyết định giữa chính quyền thị trấn Đăng Phong (đơn vị quản lý hành chánh chùa Thiếu Lâm) với một công ty du lịch Hồng Kông vào ngày 8/12/2009. Không có sự tham dự của bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào trong cuộc họp này. Chỉ sau khi phiên họp kết thúc, chính quyền địa phương mới thông báo cho chùa biết về quyết định này bằng một thông tri, theo đó thì tổng cộng số vốn của công ty cổ phần Thiếu Lâm Tự là 100 triệu đồng nguyên. Phía hãng du lịch Hồng Kông góp 51%, chính quyền thị trấn Đăng Phong góp 49%. Các cán bộ, quan chức cao cấp chính quyền thị trấn Đăng Phong phân tích: "Tên tuổi Thiếu Lâm Tự đã nổi tiếng thế giới qua các phim kiếm hiệp, võ thuật. Nếu lên kế hoạch một cách chu đáo thì rất dễ kéo người nước ngoài đến du lịch. Hiệu quả kinh tế do Thiếu Lâm Tự đem lại rất lớn chắc chắn sẽ đóng góp vào sự phát triển của đất nước nói chung và thị trấn Đăng Phong nói riêng, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Vì lợi ích chung nên sự quyết định của chúng tôi, tức là chính quyền thị trấn Đăng Phong, là đúng theo tinh thần xây dựng, phát triển đất nước."

JPEG - 48.4 kbMột cảnh trong phim Thiếu Lâm Tự do Hòa thượng Thích Cửu Tín thủ diễn

Hiển nhiên nếu dự tính trên thành sự thì nguồn lợi thu được từ tiền vào cửa, tiền bán quà lưu niệm, tiền vé các suất biểu diễn võ Thiếu Lâm và hơn 60 võ đường ở khắp nơi trong thị trấn Đăng Phong với trên 5 vạn võ sinh sẽ đều đi vào tay các quan chức thị trấn Đăng Phong chứ không nằm lại ở chùa như hiện nay. Và cũng hiển nhiên không kém, Phương trượng Thích Cửu Tín lập tức khẳng định rằng Thiếu Lâm Tự không phải là tài sản riêng của thị trấn Đăng Phong. Đây là tài sản chung của cả nước nên chính quyền Đăng Phong không có quyền tự ý quyết định về việc thành lập công ty Thiếu Lâm Tự. Việc này phải có sự chỉ đạo từ chính quyền Trung ương. Hòa thượng Cửu Tín cũng đem các luật lệ về tôn giáo ra giải thích và quả quyết các quyết định vừa qua của chính quyền Đăng Phong là sai trái và không có hiệu lực. Theo ông, luật lệ đã quy định hoạt động tôn giáo bao gồm cả nỗ lực duy trì các di tích, danh lam, thắng cảnh để bảo tồn văn hóa và triển khai hiệu quả ngành du lịch. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ hợp tác với các tôn giáo trong vấn đề này mà thôi.

Theo nhận xét của các nhà hoạt động xã hội ở Hoa lục thì có vẻ phía Hòa thượng Cửu Tín yếu thế hơn. Vì từ năm 1988, Thiếu Lâm Tự đã chính thức trở thành một cơ sở thương mại, nên các diễn tiến gần đây chỉ là sự tranh chấp giữa 2 khuynh hướng làm ăn mà thôi. Và tập thể các quan chức đang nắm quyền tại Đăng Phong chắc chắn có nhiều trọng lượng hơn cá nhân Hòa thượng Cửu Tín, bất kể cái nhãn Đại Biểu Quốc Hội của ông. Và sau hết, luật lệ tại Trung Quốc chỉ được dùng khi cần thiết bởi phe cánh mạnh đang nắm quyền để loại trừ phe yếu mà thôi.

Có điều lạ, nhiều người Việt Nam chúng ta đọc mẫu tin Trung Quốc này lại không thấy ngỡ ngàng. Trên khắp nẻo đường đất nước hôm nay, đang có quá nhiều cảnh quen thuộc — từ chính sách cướp các nơi thờ tự để kinh doanh đến cách đối sử với các tu sĩ quốc doanh khi không còn nhu cầu. Về mặt này, xem ra nhà nước không kỳ thị một tôn giáo nào.

Ngô Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét