2009/11/25

Siết chặt kiểm soát truyền thông, ngại phật lòng Trung Quốc


Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện truyền thông, không muốn báo chí trong nước làm phật lòng Bắc Kinh.

Hồi tháng rồi, sau khi công bố bảng xếp hạng tự do báo chí tòan cầu năm 2009, Giám đốc điều hành Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF đặc trách khu vực Á Châu, ông Vincent Brossel, lưu ý rằng nhà nước Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện truyền thông, không chấp nhận báo chí tư nhân, ngăn chận những vấn đề nhậy cảm, ngại làm phật lòng Bắc Kinh.

Chận mạng Facebook

Trong những ngày qua, cư dân mạng Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong việc truy cập trang web Facebook - mạng xã hội nơi hơn một triệu người từng liên lạc, tâm sự cũng như chia sẻ đủ lọai thông tin, và con số này đang trên đà gia tăng nhanh chóng.

Một nguồn tin của đài truyền hình CNN hôm mùng 10 tháng này tựa đề “Việt Nam ngăn chận Facebook”, mở đầu rằng “Hôm 27 tháng 8, 2009, Bộ Công an VN đã gởi thông báo chính thức tới những nhà cung cấp dịch vụ Internet chủ chốt tại Việt Nam, ra lệnh họ ngăn chận cư dân mạng truy cập 8 websites, kể cả mạng Facebook”.

Vẫn theo tin này thì chỉ thị vừa nói nêu rõ “vì lý do an ninh cũng như nhằm chống lại các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước”. Nguồn tin cho biết thêm rằng “hành động kiểm duyệt này cho thấy rõ chính phủ Việt Nam nhìn nhận mối đe dọa do Facebook gây ra”.

Hãng thông tấn AP mới đây cũng đề cập tới việc một nhân viên kỹ thuật thuộc công ty điện tóan truyền số liệu VDC tiết lộ nhà nước Việt Nam đã yêu cầu công ty này phải ngăn chận Facebook.

Mạng Facebook gặp khó khăn vào lúc Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Dõan Hợp lên tiếng tại Quốc Hội rằng việc quản lý Internet và Website tại Việt Nam là vấn đề lớn mà Bộ rất quan tâm.

Theo tin của báo điện tử Saigòn Giải phóng Online, thì khi trả lời các đại biểu Quốc hội, ông Lê Dõan Hợp cho biết trong năm 2009 này, Bộ Thông tin và Truyền thông “đã chỉ đạo các Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra các đại lý Internet”, và “Bộ trưởng Lê Dõan Hợp hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan ngăn chận những nguồn thông tin xấu; tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông...”.

Sẽ còn chặt hơn

Báo điện tử Người Lao Động hồi trung tuần tháng 8 vừa rồi cũng trích dẫn lời bộ trưởng Lê Dõan Hợp than phiền rằng “các quy định của pháp luật về quản lý Internet đã khá đầy đủ. Song trên thực tế, ngành thông tin tuyền thông dù đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra và xử lý vi phạm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý”. Và ông nói thêm rằng “Sắp tới phải quản lý chặt chẽ hơn...”

Về vấn đề này, LS Cù Huy Hà Vũ từ Hà Nội lên tiếng mới đây với đài ACTD như sau:

“Nước Việt Nam tìm mọi cách dựng lên bức tường lửa, hoặc quy định bắt buộc các công ty cung cấp dịch vụ Internet dựng lên bức tường lửa để ngăn chận những trang web, đặc biệt những trang web tiếng Việt của nước ngòai, hoặc những bloggers VN, mà theo quan điểm nhà nước là độc hại hay không có lợi cho họ”.

Hành động tiếp tục đàn áp phương tiện truyền thông như vừa nói khiến người ta quan ngại rằng Việt Nam lại theo chân Trung Quốc làm im hơi bặt tiếng những trang web bị gán cho là “tuyên truyền chống đảng và nhà nước”, như Facebook, Twitter, Youtube.

Cách nay ít lâu, qua bài tựa đề “quản lý báo chí trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay”, được Tạp chí Cộng sản phổ biến, ông Lê Dõan Hợp cho biết “Quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường quản lý báo chí trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí sẽ tiếp tục hòan thiện các văn bản pháp luật về báo chí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các cơ quan báo chí và nhà báo có sai phạm...”

Và việc “xử lý nghiêm minh các cơ quan báo chí và nhà báo có sai phạm...” đó đã diễn ra – theo chiều hướng ngày càng đáng ngại. Chẳng hạn như, chính những nhà báo dám phanh phui vụ tham nhũng nghiêm trọng PMU18 đã bị đuổi việc hay phải ngồi tù, hoặc báo Du Lịch bị Bộ Thông tin và Truyền thông đình bản vì, theo lời Bộ này, “lãnh đạo báo Du lịch không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp, nhậy cảm, cho đăng những thông tin trên số báo Tết Kỷ Sửu 2009...”.

Tránh phật lòng Bắc Kinh

Nhưng thực ra, đó chỉ là những bài viết bày tỏ lòng ái quốc, như bài “Tản Mạn đảo Xa” của phóng viên Trung Bảo nói lên lòng yêu nước của giới trẻ trong cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh lấn chiếm Hòang Sa và Trường Sa của VN, và bài thơ “Hận Nam Quan” của Hòang Cầm.

Hồi tháng 6 năm nay, giới lãnh đạo Việt Nam ca ngợi vai trò báo chí trong nước nhân thời điểm đánh dấu 84 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhất là trong việc phục vụ quốc gia, dân tộc, chống tham nhũng.

Cổng thông tin của Chính phủ trích dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý rằng “Thông tin trên báo chí phải phát xuất từ cái tâm trong sáng của nhà báo vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân...”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định rằng báo chí Việt Nam “...còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng...”, trong khi ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng lên tiếng với Hội Nhà báo Việt Nam rằng trong những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã “...tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng...”

Từ Paris, Pháp Quốc, nhà báo lão thành Bùi Tín, nhận xét: “...Ở Việt Nam chỉ khi nào đảng cho phép vụ nào đó thì nhà báo mới được nói đến. Thậm chí có những vụ tham nhũng mà người ta không được nói đến, những vụ tham nhũng , ăn hối lộ của phía Nhật Bản đó, là người ta cấm không được nói. Nếu mà ai nói đến thì coi như bị thổi còi, bị phạt rất nặng. Cái đó là gì ? Là ngăn cản chống tham nhũng”.

Hôm mùng 10 tháng rồi, khi tham dự lễ khai trương Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng “Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những phương tiện khoa học, kỹ thuật quan trọng. Website Chính phủ, nay là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ra đời đáp ứng nhu cầu tất yếu, khách quan của cuộc sống... đem lại nhiều tiện ích cho các tầng lớp nhân dân... Hình thành nhịp cầu trực tuyến gắn bó mật thiết Chính phủ với nhân dân.

Từ Hà Nội, LS Cù Huy Hà Vũ lên tiếng với phái viên Đổ Hiếu của Đài ACTD như sau: “Nhà nước Việt Nam, từ hồi nào tới giờ, có thể nói là đáng xấu hổ, vô đạo đức ở cái chỗ là nói một đàng làm một nẻo. Nói là nói vậy thôi, như không nên kiểm soát, để cho người dân có quyền tự do phát ngôn, tự do tư tưởng. Nhưng trên thực tế, họ ra sức tìm mọi cách bịt thông tin, tìm mọi cách để đưa người dân Việt Nam trở lại thời kỳ lạc hậu”.

Hồi tháng rồi, tổ chức Phóng viên Không Biên Giới trụ sở tại Paris, Pháp Quốc, phổ biến bảng xếp hạng về tự do báo chí tòan cầu năm 2009, xếp hạng VN thứ 166 trên 175 quốc gia, tức Việt Nam thuộc trong 10 nước đứng cuối bảng, bị xem là kẻ thù của báo chí, Internet.

Theo ông Vincent Brossel, Giám đốc Điều hành RSF đặc trách khu vực Á Châu, thì trong thời gian gần đây, nhà nước độc đảng Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt giam, phạt tù nhiều nhà báo, bloggers, những nhà dân chủ, những cây bút đấu tranh cho tự do tư tưởng, đặc biệt là những người dám công khai nói lên sự thật liên quan việc Hà Nội nhượng bộ Bắc Kinh về lãnh thổ, lãnh hải, bauxite Tây Nguyên...

Thanh Quang, phóng viên RFA, 2009-11-24

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét