Asia Times Online
21 Tháng 9 năm 2009
CTM chuyển dịch
Đồng tiền Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với sự mất giá trầm trọng do tình trạng kinh tế vĩ mô đang xấu dần và nền tảng tài chánh đang thoái hóa. Việt Nam có truyền thống thâm thủng ngân sách và cán cân thương mại trầm trọng, và phải bù đắp những thiếu hụt này bằng thu nhập ngoại tệ; nhưng hiện đang có những dấu hiệu ngày càng gia tăng rằng tình trạng mất quân bằng này không thể duy trì thêm được nữa.
Nguồn gốc của khủng hoảng hiện nay bắt đầu từ khoảng cuối năm 2007, đầu năm 2008, khi nhà cầm quyền Việt Nam mất kiểm soát về việc cung cấp tiền tệ. Họ đã sai lầm trong việc quản lý giòng chảy ào ạt của đồng đô la Mỹ vào Việt Nam bằng cách in ra quá nhiều tiền đồng, mà quên đi nguyên tắc chuyên môn về vấn đề “khử” nguồn ngoại tệ bằng cách thấm cạn lưu lượng thặng dư.
Lạm phát gia tăng như dự đoán, lên tới gần 30% vào giữa năm 2008, và Hà Nội đã phản ứng bằng cách gia tăng lãi xuất ngắn hạn, thực hiện kiểm soát giá cả và tuyên bố cắt giảm những chi tiêu "không có hiệu quả" của chính phủ. Cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu vào cuối năm 2008 khiến giá cả và nhu cầu hàng hóa toàn cầu sụt giảm đã cứu Việt Nam khỏi nạn lạm phát phi mã.
Kinh tế Việt Nam, đang từ tình trạng quá "nóng" phút chốc bỗng trở thành quá "nguội". Để đối phó với tình hình, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố một chương trình kích thích kinh tế lớn bằng biện pháp gia tăng ngân sách chi tiêu — mỉa mai thay, lại cho phục hồi những dự án lớn về hạ tầng cơ sở đã bị cắt bỏ chỉ mới vài tháng trước đó vì bị coi là quá lãng phí.
Hầu hết các chính phủ trên thế giới cũng gia tăng chi tiêu để kích thích kinh tế nội địa, nhưng Việt Nam lại phải đối diện với những hạn chế về kỹ thuật và chính trị trong việc thực hiện nỗ lực này một cách hiệu quả. Mức thâm thủng ngân sách của Việt Nam, theo ước tính của Fitch Ratings là 9.3% của tổng sản lượng nội địa (GDP). Sự thiếu hụt quá cao này cần phải được tài trợ bằng một phương cách nào đó.
Ngoài việc gia tăng viện trợ của nước ngoài, phương thức thông thường chính là gia tăng mức vay mượn của nhà nước. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã thất bại trong việc phát hành trái phiếu trong năm lần đấu thầu công cộng liên tiếp từ tháng Ba đến tháng Bảy năm nay. Việc các nhà đầu tư trong nước không muốn mua trái phiếu với lãi suất 9% càng cho thấy rõ mối bi quan lan rộng về nguy cơ lạm phát trong tương lai.
Trong buổi đấu thầu trái phiếu mới đây nhất vào cuối tháng Tám, nhà nước Việt Nam chỉ thu vào được 57 triệu đô la trong khi chỉ tiêu là 150 triệu. Mức nợ của nhà nước giữ một vai trò quan trọng trong việc định giá các khoản vay của xí nghiệp và giới tiêu thụ, và khi thị trường trái phiếu chính phủ không ổn định, kinh nghiệm toàn cầu cho thấy thị trường vốn thường sẽ bị chặn đứng.
Không thể nâng vốn qua việc phát hành trái phiếu, Hà Nội sẽ có thế nhắm tới việc trút số nợ của chính phủ xuống các công ty tài chánh tư nhân cũng như quốc doanh, và như vậy sẽ reo mầm cho một một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong tương lai. Hiện tại Việt Nam không thể tham gia vào thị trường trái phiếu nước ngoài vì kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế đã bị gác lại vô thời hạn sau khi các tổ chức đánh giá xếp loại tín dụng của Việt Nam thuộc hạng “đồ bỏ”, ngang hàng với các nước như Serbia và Kenya.
Ít người sẽ ngạc nhiên nếu Hà Nội quyết định in tiền ào ạt để bù đắp thiếu hụt ngân sách khổng lồ. Ngân Hàng Thế Giới nói rằng vì thiếu sự minh bạch nên họ không biết chính xác mức chi tiêu của chính phủ Việt Nam mà chỉ có thể nói rằng mức chi tiêu đó "quá lớn so với các nguồn tài chính hiện có".
Sự thiếu minh bạch
Hoàn cảnh ngân sách khó khăn của Việt Nam lại càng xấu hơn vì mức thâm thủng mậu dịch lớn và bấp bênh. Theo dự đoán mới đây của Standard Chartered Bank thì nhập cảng năm nay sẽ vượt quá xuất cảng khoảng 7 tỉ đô la, nghĩa là gần 10% của GDP. Sự việc này cũng có thể ảnh hưởng xấu lên trị giá của đồng bạc Việt Nam trong tương lai.
Những nguồn ngoại tệ chính của Việt Nam là xuất cảng, đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tiền do kiều bào Việt Nam ở hải ngoại gởi về, và tiền viện trợ. Trong tình trạng kinh tế toàn cầu đang xuống dốc, tất cả những nguồn thu nhập trên — ngoại trừ tiền viện trợ — đều bị giảm thiểu. Báo chí trong nước hiện đang báo cáo về sự thiếu hụt đô la trong các trao đổi kinh doanh.
Vì Hà Nội coi những thông tin về mức dự trữ ngoại tệ là bí mật quốc gia, các nhà đầu tư chỉ có thể dự đoán về mức dự trữ ngoại tệ hiện có trong ngân khố quốc gia nhằm bảo vệ giá trị của đồng bạc Việt Nam từ những cuộc tháo chạy khỏi thị trường tiền tệ. Theo Citibank, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể đã giảm từ 23 tỉ đô la vào cuối năm 2008 xuống còn 17,6 tỉ vào tháng Sáu năm 2009.
Tất cả những yếu tố trên — mức thâm thủng ngân sách không thể duy trì được, thu nhập ngoại tệ giảm, cộng thêm sự thiếu minh bạch — đã dẫn tới sự mất giá đều đặn của đồng bạc Việt Nam. Hối suất hiện thời đang ở khoảng 18.300 đồng một đô la, nghĩa là nằm ở giới hạn trên của nẹp hối suất giao dịch (trading band) được ấn định bởi ngân hàng trung ương. Nhiều cá nhân và xí nghiệp Việt Nam hiện đang tích trữ đô la cũng như giao dịch với giá chợ đen trên 19.000 đồng một đô la, cao hơn giá mà chính phủ cho phép.
Giới hữu trách Việt Nam tuyên bố sẽ không có chuyện giảm giá đồng bạc Việt Nam. Thực vậy, ngân hàng trung ương đã bán đô la để nâng giá trị đồng bạc Việt Nam, nhưng điều không rõ ràng là sự can thiệp này có thể duy trì được bao lâu với nguồn dự trữ ngoại tệ giới hạn đang cạn dần. Cố gắng duy trì giá trị đồng tiền ở một hối xuất mạnh không thực tế, và lờ đi những sự mất thăng bằng tài chính căn bản, nhà cầm quyền Việt Nam đang từng ngày làm gia tăng xác suất đồng bạc bị sụp đổ.
Cũng có thể rằng chính phủ Việt Nam không rõ làm cách nào để giải quyết chính sách hối đoái của họ. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 9, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Lê Đức Thúy, hiện đang là cố vấn của thủ tướng, đã nói rằng ông đề nghị điều chỉnh trị giá của đồng bạc Việt Nam xuống thấp một chút. Nhưng qua ngày hôm sau, khi được hỏi về việc này, đương kim thống đốc ngân hàng trung ương Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh rằng đồng bạc Việt Nam sẽ được quản lý "một cách linh động, như thường lệ".
Quản lý về hối suất, ngay cả ở thời điểm tốt nhất cũng đã là một thách thức kỹ thuật phiền hà rồi, nhất là đối với một quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp từ kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường. Với những tranh chấp đang diễn ra trước đại hội Đảng Cộng Sản, không dễ gì mà Hà Nội dám có một quyết định kinh tế mạnh bạo trong những ngày tháng trước mặt. Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng loay hoay cho qua cũng là một cách dẫn tới thảm họa.
Như để tăng cường thêm cho những nghi ngờ này, chính phủ Việt Nam đã cấm đoán các tổ chức ở Việt Nam không được công bố kết quả ngiên cứu về những vấn đề kinh tế. Một quyết định mới đây của thủ tướng, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9, giới hạn những nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trong phạm vi 317 đề tài đã được chấp thuận. Kinh tế vĩ mô là một trong những chủ đề bị loại bỏ một cách trắng trợn ra khỏi danh sách.
Viện Ngiên Cứu Phát Triển (IDS), tổ chức nghiên cứu tư nhân duy nhất ở Việt Nam, đã tự giải thể để phản đối — một ngày trước khi Quyết Định 97 có hiệu lực. IDS đã tập hợp được một số những kinh tế gia nổi tiếng nhất trong nước và đã đề nghị những giải pháp cho tình trạng kinh tế hỗn loạn hiện nay. Với việc cấm đoán những tranh luận công khai về những vấn đề kinh tế, thật khó hình dung làm sao mà chính phủ Việt Nam có thể theo đuổi một chính sách kinh tế được thông tin đầy đủ để ổn định tình trạng khủng hoảng đang diễn biến nhanh chóng.
Hoàng Tứ Duy
Hoàng Tứ Duy là một cán bộ lãnh đạo của Đảng Việt Tân, một đảng chính trị tranh đấu cho dân chủ cho Việt Nam. Ông trước đây là một chuyên viên tài chính cao cấp của International Finance Corporation, chịu trách nhiệm về cung cấp vốn nội địa tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét