Đọc xong bản Kết luận Điều tra dài hơn 6500 chữ của Bộ Công An CSVN về 6 nhà dân chủ bị bắt vào tháng 9/2008, người ta vẫn không hiểu nổi thực sự họ đã làm gì sai trái. Nói cách khác, nếu gọi các dẫn chứng trong tài liệu này là chứng cớ phạm pháp, thì có lẽ chẳng ai đang sống tại Việt Nam mà lại không phạm tội “đã hoặc đang chống lại nhà nước CHXHCNVN”.
Thật vậy, nhóm chữ “chống nhà nước CHXHCNVN” được nhắc đi nhắc lại đến 40 lần trong bản điều tra, như là cách để cố tạo ấn tượng mà Bộ Công An CSVN muốn gán ghép, khi mà bản điều tra không đưa ra được bất cứ lý lẽ hay bằng chứng thuyết phục nào. Toàn bộ sự việc khá đơn giản. Các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn đã bàn tính thực hiện và giúp nhau treo một biểu ngữ tại cầu vượt Lai Cách, thuộc tỉnh Hải Dương, vào ngày 7/9/2008 với nội dung: “Khối 8406. Lạm phát, dân nghèo khó là do chính quyền cộng sản; mất dân chủ, tự do, nhân quyền là do chính quyền cộng sản, yêu cầu đa nguyên, đa đảng”. Bên cạnh đó, cả 6 nhà dân chủ này đều tàng trữ, viết và đăng trên mạng Internet một số những bài phân tích ý nghĩa các biến cố lịch sử cận đại của đất nước, cùng nhiều bài khác phân tích về nguyên nhân các tệ nạn đang lan tràn trong xã hội Việt Nam và tình trạng dâng nhượng dần đất, biển, đảo, v.v. cho Trung Quốc; mà trong đó những người lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN vừa chẳng có khả năng tự giải phẫu để chấm dứt tình trạng tham nhũng trong tận xương tủy của họ, vừa phải chịu trách nhiệm chính về việc mất đất mất biển. Toàn bộ sự kiện chỉ có thế! Tại các nước tự do, dân chủ, tất cả những việc vừa kể đều chỉ là các sinh hoạt bình thường của học sinh trung học và đại học, được nhà trường khuyến khích.
Chính vì vậy mà công luận thế giới không thể hiểu nổi:
Tại sao một đảng luôn tuyên bố họ là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước Việt Nam, mà lại không nhận trách nhiệm về tình trạng lạm phát, nghèo khó, tụt hậu, băng hoại hiện nay? Các phân tích nguyên nhân những sự tiêu cực đó sai chỗ nào?
Tại sao một nhà nước sau hơn 30 năm diệt trừ tham nhũng, và đã rất nhiều lần thú nhận tệ trạng này chỉ tăng chứ không giảm; nay lại truy tố những người chỉ ra sự bất lực đó?
Tại sao người Việt suy nghĩ và kêu gọi mọi người cùng soi rọi lại lịch sử Việt, lại bị coi là hành vi “chống nhà nước CHXHCNVN”?
Và tại sao ngay cả sự tuyên nhận “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam” mà cũng bị kết án là “chống nhà nước CHXHCNVN”? Như vậy, nhà nước đó là… nhà nước Tàu hay Việt?
v.v…
Quan trọng hơn nữa, nếu xem các bài nhận xét, phê bình, vạch ra sự thật lịch sử của 6 nhà dân chủ nêu trên là phạm pháp, thì Bộ Công An phải bắt thêm rất nhiều thành phần cũng phạm pháp tương tự. Trước hết là tất cả nhân viên các báo, đài, vì đã đăng tải nhiều bài vở công nhận những tệ nạn xã hội, đặc biệt là các vụ tham nhũng. Kế đến là các nhà nghiên cứu sử sách, vì đã dám tìm hiểu, phân tích thêm những sự kiện mà Đảng đã từng đưa ra quan điểm. Sau đó, là bắt các đại biểu quốc hội đã dám phát biểu nêu vấn đề với nhà nước, và bắt luôn những đại biểu khác đã cầm đọc các bài phát biểu đó. Nhưng, có lẽ “phạm pháp nặng nhất” và cần phải bắt nhất, là các lãnh tụ đảng và nhà nước; hễ đọc diễn văn là họ phê phán khuyết điểm của hết cơ quan này đến ban ngành nọ. Vì lời nói của họ có trọng lượng, nên “sự nói xấu nhà nước CHXHCNVN” của họ được loan tải rộng rãi hơn. Và còn nhiều thành phần khác nữa, chẳng hạn dân vỉa hè uống cà phê chửi đổng nhà nước… Tuy những chửi bới đó chưa được hệ thống hoá, nhưng đều vi phạm điều 88 bộ luật hình sự.Nếu Bộ Công An không bắt các thành phần nêu trên thì cả thế giới đều thấy rõ điều 88 bộ luật hình sự chỉ là cái cớ để nhà nước CSVN dùng luật pháp của chế độ độc tài một cách tuỳ tiện nhằm khủng bố các tiếng nói công chính.
Cũng qua bản kết luận điều tra này, Bộ Công An xác nhận với thế giới câu khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chỉ là… khẩu hiệu xuông. Trong thực tế người dân chẳng được quyền “đề biết, để bàn”, chứ đừng nói đến “để kiểm tra”. Vì ngay cả việc “dân biết” thì người dân cũng đã không được “biết” nhiều điều cần biết; hoặc chỉ được biết theo cách nhà nước muốn. Nếu tự tìm hiểu thêm thì mọi công dân đều có thể bị chụp mũ theo luật 88 tội tàng trữ “tài liệu có nội dung chống nhà nước”, ngay cả khi tài liệu đó do chính mình viết ra… Qua đến khâu “dân bàn” thì càng khó hơn. Nếu dân muốn “bàn” với nhiều người dân khác thì “bàn” bằng cách nào? Khi mà cả 700 tờ báo, đài đều chỉ có một tổng biên tập? Một vài nhà báo vừa mới vào đề, chưa kịp “bàn”, đã bị thu hồi thẻ nhà báo, hay bị “chuyển công tác”. Tóm lại, những phản biện cần thiết đều không có chỗ “để bàn”, còn các lời bàn xuôi thì đã có cả một đội ngũ thợ viết chăm lo. Từ đó mới hiểu tại sao 6 nhà dân chủ đành phải dùng cách treo biểu ngữ và tung tờ rơi.
Chính vì vậy, bản kết luận điều tra này sẽ là một bằng cớ trên giấy trắng mực đen về mức độ vi phạm trắng trợn của lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đối với quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam.
Chắc chắn không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới tự do đều sẽ thấy 6 nhà dân chủ – Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn – không chỉ hành xử đúng đắn quyền tự do ngôn luận của mình, mà còn là những người tiên phong trong nhận thức: “chống những người cầm quyền bất xứng không phải là chống lại đất nước”. Ngược lại, chính vì thiết tha với vận mạng đất nước mà họ phải chặn đứng bàn tay của những kẻ cầm quyền bất xứng, đang bán rẻ giang sơn và coi thường dân tộc. Trong những năm tháng trước mặt, chính những kẻ sắp áp đặt các bản án bất công lên những nhà ái quốc này; từng tên một, sẽ phải ra đứng trước tòa của toàn dân về những trò khủng bố người yêu nước hôm nay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét