Ngày 8 tháng 5 năm 2009, đến hạn nhà cầm quyền Việt Nam phải ra trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để điều trần về tình hình tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Để chuẩn bị dư luận cho việc này, hai tuần trước đó Nhà Nước CSVN đã cho phát hành một tài liệu với tựa đề “Sách Trắng về Nhân Quyền tại Việt Nam”.
Chữ Sách Trắng, hay Bạch Thư, được thế giới quen dùng với hàm ý tài liệu này sẽ nói thật và nói hết những dữ kiện liên hệ đến một sự việc lớn. Có lẽ vì ấn tượng này mà Bộ Ngoại Giao CSVN, tác giả trực tiếp của tài liệu, đã tung ra hơn 16 000 chữ, trên 45 trang giấy, với 6 bảng và biểu đồ, 4 chương chính và ít là 15 tiểu mục.
Một điểm khá mới lạ của Sách Trắng này là toàn bộ tài liệu không hề đề cập đến vai trò của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mặc dù tại Việt Nam ngày nay, quyền lãnh đạo được ghi vào hiến pháp là vĩnh viễn thuộc về Đảng và không chia với ai khác; mọi chính sách quốc gia đều do Bộ Chính Trị ĐCSVN quyết định; mọi phương tiện quốc gia đều là công cụ của Đảng; hay nói cách khác, Đảng kiểm soát và chi phối mọi mặt sinh hoạt trong xã hội Việt Nam. Thế mà “Sách Trắng về Nhân Quyền” lại bỏ quên vai trò của Đảng trong việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam!
Nhưng ngoài điều lạ nêu trên, sau khi bỏ công đọc hết tập tài liệu này, không chỉ người Việt Nam, mà cả đại diện các chính phủ đều thất vọng — như người ta đã thấy qua thái độ của nhiều chính phủ tại buổi điều trần về nhân quyền ở Genève — vì Bạch Thư này còn quá trắng, nghĩa là chứa quá ít chất liệu đáng đọc.
Thật vậy, nội dung 45 trang giấy được dùng chỉ để chống đỡ, dẫn chứng và biện bạch cho 3 ý chính. Đó là:
- Nhân quyền không thể đi ngược với nhu cầu độc lập, tự do, và tự quyết của dân tộc Việt Nam.
- Việt Nam chắc chắn có nhân quyền vì chính “Bác Hồ” nói thế.
- Việt Nam chắc chắn có nhân quyền vì hiến pháp và luật pháp đã ghi và ghi rất nhiều như vậy.
Đối với thế giới, đặc biệt là những chuyên gia quốc tế về nhân quyền, thì việc phân tích các lý do tại sao 3 ý trên không “ăn khách” quả là không cần thiết, vì mỗi năm họ đều nghe vài chục nước độc tài hoặc bán độc tài đưa ra 3 lý do đó. Hiển nhiên, không phải nước nào cũng có “Bác Hồ” như Việt Nam và Trung Quốc, nhưng thế giới còn nhiều bác tương tự được đưa ra làm bảo chứng nhân quyền, như Bác Mugabe của Zimbabwe, Bác Al-Bashir của Sudan, Bác Kim của Bắc Hàn, Bác Shwe của Miến Điện, v.v. Và hầu như luôn luôn theo sau 3 lý do đó là lời than vãn “vì nước em còn nghèo …” (nên em có quyền ác chăng?).
Tuy không cần cho giới quan sát nhân quyền quốc tế, nhưng bài này có lẽ vẫn cần được gởi đến các quan chức Hà Nội để xác quyết một lần nữa là cả người Việt lẫn thế giới đều đã biết và biết rất rõ các sai trật trong lối ngụy biện của họ. Do đó, lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CSVN phải sớm ý thức được rằng: họ chỉ có 2 chọn lựa, hoặc tôn trọng nhân quyền thực sự để hòa nhập với nhân loại. Hoặc bị cả thế giới khinh bỉ như các chế độ độc tài khác trên thế giới. Các vở kịch họ trình diễn tại các diễn đàn quốc tế chỉ thêm tốn công vô ích; và các kiểu nói lấy được chỉ tốn thêm “sách trắng” mà không còn lừa bịp được ai nữa.
1. Nhân quyền có làm thiệt hại nền độc lập, sự tự do, hay quyền tự quyết của dân tộc không?
Luận điểm này được viết ngay tại các trang đầu nên người đọc dễ có cảm giác ngay rằng đây là một tài liệu rất cũ mà Ban Tuyên Huấn Trung Ương lục tủ lấy ra và chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao thêm thắt cho có vẻ cập nhật. Cũng có thể Bộ Ngoại Giao sao chép thẳng từ các bài viết về vấn đề nhân quyền của Hội Đồng Lý Luận Trung Ương trong Tạp Chí Cộng Sản. Đây là luận điểm được lập đi lập lại trong nhiều năm qua mỗi khi CSVN bị thế giới phê phán vi phạm nhân quyền. Suốt 60 năm qua tại miền Bắc và hơn 30 năm qua trên cả nước, các quyền con người của dân tộc luôn luôn bị hy sinh nhân danh độc lập, tự do và quyền tự quyết. Nhưng ngày nay, với các phương tiện thông tin ngoài luồng, càng lúc lãnh đạo đảng CSVN càng phải đối diện với những câu hỏi nền tảng:
Hiện nay, theo như Đảng khẳng định, chẳng có ngoại xâm nào chực chờ xâm lấn đất nước thì tại sao các quyền tự do của người Việt Nam còn thua cả thời sống dưới chế độ thực dân Pháp? và lại càng thua xa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, một chế độ mà lãnh đạo Đảng cho là vô cùng áp bức, và cứ nhất định phải “giải phóng” nhân dân ra khỏi chế độ đó cho bằng được?
Và có lẽ cái quyền quan trọng nhất trong các quyền con người đã bị đảng chôn vùi là quyền tự quyết vận mạng của đất nước. Ngày nay, vì lý do gì mà tất cả mọi vấn đề quan trọng của quốc gia đều chỉ do 15 người thuộc Bộ Chính Trị độc quyền quyết định? Trong khi Bộ Chính Trị là một cơ chế hoàn toàn không do dân bầu, và cũng không hề được quy định trong hiến pháp.
Và khi càng nhắc lại những bài bản “phải hy sinh tất cả cho độc lập dân tộc”, người Việt Nam càng phải hỏi lãnh đạo Đảng về các vấn đề đang bốc lửa hiện nay. Tại sao lãnh đạo đảng luôn tự xưng là những người hiến thân cho đất nước, nhưng lại cứ từng bước cố ý làm thiệt hại nghiêm trọng nền độc lập và sự toàn vẹn của quốc gia? Tại sao 50 năm trước, ông Hồ, ông Đồng ký nhượng không chỉ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn hầu hết thềm lục địa Việt Nam cho cái “Lưỡi Bò” Trung Quốc? Tại sao trong các năm qua các ông Mười, ông Phiêu, ông Anh, ông Kiệt cứ liên tục ký dâng đất, dâng biển, dâng cá, dâng khoáng sản cho Trung Quốc? Tại sao ngày hôm nay, vì lý do gì mà các ông Mạnh, ông Dũng tiếp tục bắt dân thờ lạy 16 chữ vàng, và nhất định phải rước hàng ngàn người Trung Quốc vào Tây Nguyên, một vùng có tính hệ trọng chiến lược của Việt Nam? v.v…
Tất cả các câu hỏi này đều dẫn đến một điểm cốt lõi là: lãnh đạo đảng CSVN, từ xưa đến nay, có yêu nước không? hay chỉ lợi dụng đất nước làm mũi nhọn cho phong trào cộng sản quốc tế? Lãnh đạo đảng CSVN, từ xưa đến nay, có yêu dân tộc không hay chỉ lợi dụng dân tộc làm công cụ để xây dựng và duy trì nền toàn trị của riêng họ?
Hơn thế nữa, ngay cả khi đất nước bị đe dọa ngoại xâm, người ta phải thấy được giá trị nhân phẩm của con người Việt Nam, thì từ đó mới thấy nhu cầu phải bảo vệ văn hoá, bảo vệ dân tộc, và bảo vệ đất nước Việt Nam. Đó là điều hiển nhiên không chỉ riêng cho một dân tộc nào mà cho cả nhân loại. Vì vậy, đề cao và bảo vệ nhân quyền KHÔNG BAO GIỜ là điều đi ngược lại sự độc lập, tự do, hay quyền tự quyết của bất kỳ dân tộc nào. Ngược lại, một dân tộc mà sự tự hào và nhân phẩm con người được tôn trọng luôn là một dân tộc MẠNH. Và chỉ những dân tộc mạnh mới có khả năng duy trì độc lập, tự do, và quyền tự quyết lâu dài.
1. Chắc chắn có nhân quyền vì chính “Bác Hồ” nói thế?
Tên tuổi ông Hồ Chí Minh, các câu viết và các câu nói của ông được trích dẫn không dưới 5 lần trong 45 trang của cuốn Sách Trắng, như một bằng chứng vững chắc về quyết tâm đề cao nhân quyền của giới cầm quyền tại VN. Đây cũng là một cái gạch nối khó hiểu.
Có thể đầu óc của Ban Tuyên Huấn Trung Ương vẫn ngừng lại ở thời thập niên 1960, 1970, và nghĩ rằng chỉ cần nhắc thế giới về mối thiện cảm mà một thời họ đã có, và coi “Bác Hồ” là nhân vật gắn liền với nền độc lập của Việt Nam, thì đuơng nhiên họ sẽ có thiện cảm, và tin là các thế hệ lãnh tụ tiếp nối ông Hồ chắc chắn đang cung cấp nhân quyền cho dân tộc Việt — vì nếu không thì có độc lập để làm gì.
Điều mà Ban Tuyên Huấn Trung Ương quên mất là Liên Sô đã xụp đổ và văn khố Liên Sô đã được mở ra cho thế giới vào đọc. Và họ cũng quên mất các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, đã chọc thủng quá nhiều lỗ trên bức màn bưng bít thông tin của mọi chế độ, kể cả chế độ CSVN. Nhiều mảng huyền thoại về ông Hồ, do chính ông hoặc chế độ của ông tạo ra, nay đã rơi rụng và để lại nhiều loang lổ.
Ngày nay nhân loại đã có đủ chứng cớ để biết:
1. Ông Hồ không vì dân tộc mà đi tìm đường chống Pháp cứu nước. Internet đã giúp truyền bá rộng rãi bức thư ông xin vào trường thuộc địa và hứa sẽ phục vụ chế độ hết lòng nếu được chấp nhận [1]. Rồi đến bức thư ông xin cho thân phụ được làm việc cho chính quyền thuộc địa, v.v….
2. Sau đó, suốt cuộc đời làm cách mạng, ông Hồ được huấn luyện và luôn bày tỏ lòng khâm phục các cách tẩy rửa xã hội theo quan điểm giai cấp và các cách kiểm soát xã hội tuyệt đối của Lênin, Stalin, và Mao Trạch Đông. Đây là điều chính ông Hồ khẳng định… nhưng bằng tiếng Việt. Và vì thế mà vào thời 1960, 1970 thế giới không mấy ai hay biết. Ngày nay, nhiều học giả quốc tế, đặc biệt là sử gia Sophie Quinn-Judge, đã trả lại vị trí đích thực cho ông Hồ. Ông là một cán bộ cộng sản quốc tế ưu việt, luôn biết quấn vào mình lá cờ “dân tộc” như Lênin căn dặn.
3. Chính vì thế mà ông Hồ đã cho tiến hành các chiến dịch đấu tố phú nông, diệt trừ trí thức, đàn áp tôn giáo trên toàn miền Bắc trong gần 2 thập niên ông cầm quyền. Lá thư của ông Hồ gửi Stalin để xin phép khởi động chiến dịch cải cách ruộng đất tại Việt Nam, vừa được văn khố Liên Sô cũ công bố vào năm ngoái, đã xác nhận điều này [2].
Do đó, đối với thế giới đầy đủ thông tin ngày nay, Ban Tuyên Huấn Trung Ương cần biết một thực tế rất khách quan là: việc viện dẫn tên tuổi ông Hồ Chí Minh như một bảo chứng cho thái độ tôn trọng nhân quyền thì chẳng khác gì nêu tên ông Joseph Stalin và ông Mao Trạch Đông như những tấm gương về lòng nhân bản.
3. Chắc chắn có nhân quyền vì hiến pháp và luật pháp đều có ghi và ghi rất nhiều?
Hầu hết các chế độ độc tài còn lại trên trái đất đều tận dụng lý lẽ đã quá bạc màu đó suốt mấy chục năm qua. Có chế độ còn chứng minh bằng các chữ “nhân dân”, “dân chủ” ghi rõ trong tên nước, hoặc các chữ “công bằng”, “công lý”, “hạnh phúc” ghi rõ trong quốc hiệu của họ. Thế giới cũng đã quá nhàm với các tủ sách luật hoành tráng chỉ để trang trí văn phòng các quan chức lớn mà chẳng ai mở ra bao giờ. Các cơ quan giám sát nhân quyền quốc tế đã đủ kinh nghiệm để chỉ đo tình trạng nhân quyền tại mỗi nước bằng những hành động cụ thể.
Ngoài việc viện dẫn hiến pháp và luật pháp, giới cầm quyền Việt Nam còn đi xa hơn một bước. Họ phải tin tưởng lắm vào việc thế giới không đọc được tiếng Việt thì mới có thể khoe rằng các điều khoản nhân quyền không chỉ nằm trong hiếp pháp và các bộ luật mà còn qua 13 000 văn bản pháp luật các loại kể từ năm 1986 đến nay. Nếu biết đọc tiếng Việt, thế giới sẽ thấy hầu như tuyệt đại đa số cả 13 000 văn bản đó chỉ nhằm 1 mục tiêu duy nhất là vô hiệu hóa các điều khoản nhân quyền đã ghi trong hiến pháp và luật pháp. Đó là những pháp lệnh, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, và ngay cả cảnh cáo lớn nhỏ để cai trị mọi mặt xã hội, bất cần sự hiện diện của hiến pháp hay luật pháp — từ những chỉ thị cấm báo chí nói đến Hoàng Sa-Trường Sa, Bauxite, đến những quyết định cấm dân tụ tập quá 5 người, hay bản nghị quyết 31/CP lừng danh thế giới về quản lý hành chánh vô thời hạn, không cần xét xử, v.v…
Ban Tuyên Huấn Trung Ương cần biết một thực tế khách quan nữa là hầu hết sứ quán các nước lớn hiện nay tại Hà Nội đều có công chức từ nước họ biết nói, đọc, và viết tiếng Việt, kể cả một số công chức là con em của thế hệ thuyền nhân tỵ nạn khắp thế giới mấy chục năm trước. Chính vì vậy mà đại diện nhiều nước đã nêu lên tại buổi điều trần nói trên về cái khoảng cách giữa các khoản luật trên giấy tờ và thực tế thi hành tại Việt Nam không những không ngắn lại, mà ngày càng gia tăng. Chính các tổ chức nhân quyền quốc tế vạch ra các điều hiển nhiên sau đây:
- Về quyền tự do báo chí, hiện nay trong số hơn 700 báo và đài phát thanh, phát hình, vẫn KHÔNG CÓ 1 tờ báo hay đài tư nhân nào. Tất cả mọi cơ quan truyền thông đều được đảng CSVN công khai tuyên bố là công cụ của riêng họ. Tình trạng này còn tệ hại hơn cả thời Pháp thuộc, khi dân tộc Việt Nam bị người ngoại quốc cai trị.
Dưới sự điều động của đảng CSVN, truyền thông tiếp tục được dùng để dựng chuyện, sỉ vả bất cứ ai không đồng ý với chế độ, bất kể các điều khoản ngăn cấm trong luật báo chí, luật hình sự.
Báo chí Đảng cũng đuợc dùng để kết tội bất cứ ai, bất cần các thủ tục về điều tra, xét xử trong luật tố tụng. Các khiếu nại của các nạn nhân không những không được giải quyết, mà nạn nhân còn bị trả thù nặng hơn nữa.
- Về quyền an toàn bản thân, trước sự theo dõi của thế giới, công an hiện nay đang chuyển dần sang thủ thuật dùng các khoản luật không liên hệ đến chính trị để làm lý cớ giam cầm các tiếng nói đấu tranh cho nhân quyền. Blogger Điếu cày bị công an giam về tội “trốn thuế”, trong lúc cả thế giới đều biết ông bị tù vì đã lên tiếng phản đối Trung Quốc chiếm đất, lấn đảo của Việt Nam; Luật sư Lê Trần Luật bị công an đóng văn phòng, tịch thu tài sản vì tội “lừa bịp”, trong lúc cả thế giới đều biết ông bị xách nhiễu như vậy chỉ vì đã tranh đấu cho dân oan và các nạn nhân Thái Hà; v.v…
Trước sự theo dõi của thế giới, công an cũng gia tăng việc dùng các đoàn thể dân sự ngoại vi của họ để đàn áp biểu tình vào ban ngày, và dùng du đảng, đầu gấu để gây sự, đập phá, ném đồ dơ bẩn vào nhà các nạn nhân lúc ban đêm. Tất cả xảy ra ngay trước mắt các công an mặc đồng phục đang đứng tại các hiện trường. Cảnh tượng này không chỉ xảy ra tại những nơi đông người như giáo xứ Thái Hà, mà cả tại nhà riêng của các nhà đấu tranh cho Nhân Quyền.
- Về quyền lập hội, hiện nay vẫn không có một công đoàn lao động độc lập nào tại Việt Nam. Tất cả những ai vận động thành lập công đoàn độc lập đều bị giam cầm. Cụ thể là nhóm của anh Nguyễn Tấn Hoành tại miền Trung.
Lệnh cấm tụ tập trên 5 người không giấp phép vẫn còn hiệu lực và công an vẫn có thể viện dẫn quyết định này bất kỳ lúc nào.
Không một hội đoàn hay đảng phái chính trị độc lập nào được phép hoạt động. Người dân chỉ được phép bầu những người đã được đảng CSVN chọn sẵn để đưa vào Quốc Hội.
- Về các nỗ lực bảo vệ xã hội, nạn tham nhũng cửa quyền tràn ngập gây khổ sở cho người dân trong đời sống hàng ngày vẫn được chế độ dung túng. Đặc biệt trong năm qua, một số ký giả và công chức can đảm phanh phui các vụ tham nhũng lớn, đều bị đem ra trừng phạt; trong lúc các quan chức đang ngồi tù vì tội tham nhũng lại được tha bổng. Báo chí được chỉ thị phải im tiếng trước các vụ tham nhũng lớn và chỉ được nói đến các vụ nhỏ ở cấp phường xã.
Trong lúc công an Việt Nam đủ phương tiện để theo dõi, và ngay cả bắt cóc các nhà dân chủ Việt đang trốn tránh tại Miên, thì tệ nạn trẻ em Việt, từ 5 tuổi trở lên, bị bán vào các ổ mãi dâm vẫn gia tăng. Các đường giây buôn trẻ em từ Việt Nam vẫn diễn ra trước mắt các công an tham nhũng.
Trong lúc giới cầm quyền CSVN lớn tiếng ủng hộ các nỗ lực chống buôn bán phụ nữ, thì các đường giây buôn bán “cô dâu” tại các thành phố lớn tiếp tục được Nhà Nước hợp pháp hóa. Đây là những dịch vụ buộc nhiều thiếu nữ phải loã lồ để các khách ngoại quốc chọn lựa.
Có lẽ tiêu biểu hơn cả về khoảng cách giữa lời nói và việc làm là hiện tượng những người cai trị Việt Nam ngày nay vẫn không dám phổ biến bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà họ đã công khai ký kết; và ngăn chận mọi nỗ lực của người dân truyền tay nhau tài liệu này.
Chính ông Phạm Đình Minh, đại diện phái đoàn CSVN tại buổi điều trần đã xác nhận: “cán bộ lãnh đạo các cấp chưa thấu hiểu những công ước quốc tế như: Công Ước về Quyền Dân Sự Chính Trị, Công Ước về Quyền Tự Do Tôn Giáo kể cả Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền…” Lý do đơn giản là họ có bao giờ được nhận, được cầm, được đọc các văn bản cấm kỵ đó đâu mà có thể thấu hiểu.
Khi biết quá rõ thực tế nhân quyền tại Việt Nam, không mấy ai tại buổi điều trần ngày 8 tháng 5 ngạc nhiên khi phái đoàn Hà Nội bác bỏ hầu hết các đề nghị cải sửa cần thiết (cho phù hợp với những gì mà CSVN đã cam kết) từ các nước Canada, Na Uy, Hà Lan, Pháp, v.v… Đây là những nước đã và đang viện trợ cho Việt Nam, và không thể liệt họ vào loại “các thế lực thù địch” hay chỉ đưa ra những đề nghị để “chống phá Nhà Nước”.
Một kết luận quan trọng được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và đại diện nhiều nước đồng ý là: Hầu hết các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ngày nay đều phát xuất từ chính nhà cầm quyền và việc chặn đứng các vi phạm này hoàn toàn nằm trong tầm tay của họ. Chưa cần Nhà Nước làm điều tốt mà chỉ cần họ ngưng làm điều xấu, thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã được cải thiện rất lớn rồi.
Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CSVN cũng không còn có thể nêu lý do “nước nghèo” thiếu phương tiện nên không thể ngưng làm điều xấu. Viện dẫn ngụy biện đó có lẽ cũng quái dị như câu: “Vì nuớc em còn nghèo… nên em có quyền ác!”.
Vũ Thạch
---
Ghi chú
[1]
Thư xin nhập trường thuộc địa gửi tổng thống Pháp của Nguyễn Tất Thành
Tạm dịch:
Marseille ngày 15 tháng chín 1911
Kính gởi ông Bộ Trưởng bộ Thuộc Ðịa
Kính thưa ông Bộ Trưởng,
Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng tốt của ông ban đặc ân cho tôi được nhận vào nội trú trường Thuộc địa.
Tôi hiện làm công nhân trong công ty Chargeurs Réunis để mưu sinh (trên tàu Amiral Latouche-Tréville).
Tôi hoàn toàn không có tài sản và khao khát được học hỏi. Tôi mong ước trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời có thể làm cho họ hưởng được lợi ích giáo hóa.
Tôi gốc tỉnh Nghệ An, xứ An Nam.
Trong lúc chờ đợi sự trả lời mà tôi hy vọng là thuận lợi, xin ông Bộ Trưởng nhận nơi đây lòng tôn kính và tri ân trước của tôi.
Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892 , con của ông Nguyễn sinh Huy, Phó Bảng. Học sinh pháp văn, quốc ngữ, chữ hán.
[2]
Tam dịch (Thanh Nam):
Số tài liệu 86
Đồng chí Stalin kính mến
Tôi đã bắt đầu soạn thảo đề án cải cách ruộng đất của Đảng Lao Động Việt Nam, và sẽ giới thiệu với đồng chí trong thời gian tới.
- Tôi gửi tới đồng chí một số yêu cầu, và hi vọng sẽ nhận được chỉ thị của đồng chí về những vấn đề này.
1. Cử một hoặc 2 đồng chí Liên Xô tới Việt Nam để làm quen và tìm hiểu thực trạng ở đó. Nếu như các đồng chí đó biết tiếng Pháp đủ để có thể giao tiếp với nhiều người. Từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi đi đường mất khoảng 10 ngày.
2. Chúng tôi muốn gửi tới Liên Xô 50-100 du học sinh, với trình độ văn hóa lớp 9 ở Việt Nam, trong số họ có người là Đảng viên và cũng có người chưa phải là Đảng viên, độ tuổi của họ từ 17-22. Đồng chí nhất trí về vấn đề này chứ.
3. Chúng tôi muốn nhận từ phía các đồng chí 10 tấn thuốc kí ninh (thuốc sốt rét-thanhnam) cho quân đội và dân thường, có nghĩa rằng 5 tấn trong nửa năm
4. Chúng tôi cần những loại vũ khí sau
(a) Pháo cao xạ 37 li cho 4 trung đoàn, tất cả là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo.
(b) Pháo trận địa 76,2 li cho 2 trung đoàn, tất cả là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu
(c) 200 khẩu súng phòng không 12,7 li và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu
Sau khi nhận chỉ thị của đồng chí về những vấn đề trên, tôi dự định vào ngày mùng 8 hoặc là mùng 9 tháng 11 sẽ rời khỏi Moscow.
Gửi tới đồng chí lời chào cộng sản và lời chúc túc đẹp nhất
Hồ Chí Minh
30-10-1952
(đã kí)
Tạm dịch (Thanh Nam):
Số tài liệu 88
Đồng chí Stalin kính mến !
Tôi gửi cho đồng chí đề án cải cách ruộng đất của Đảng Lao Động Việt Nam. Đề án này tôi đã hoàn thành với sự giúp đỡ của 2 đồng chí Liu Shaoshi và Van Szia-Sian. Đề nghị đồng chí tìm hiểu và đưa ra chỉ thị về đề án này.
Gửi tới đồng chí lời chào cộng sản.
Hồ Chí Minh
(đã kí)
31-10-1952