2016/04/21

Tự do báo chí ở Việt Nam vẫn xếp hạng 175/180

Thanh Trúc - RFA
20-04-2016


Việt Nam vẫn bị xếp hạng 175/180 trong phúc trình thường niên về tự do báo chí thế giới của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF, công bố hôm thứ Tư 20 tháng 4.

Tự do báo chí của Việt Nam sa sút 

“Dù vẫn giữ vị trí 175/180 như năm 2015 song phải nói là tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam có phần tệ hơn năm ngoái nữa.”

Trên đây là nhận định của ông Benjamin Ismail chuyên trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp. Ông Benjamin nói thêm:
“Lãnh vực tự do thông tin và tự do báo chí của Việt Nam sa sút đáng kể, những hành động bắt giữ, sách nhiễu bloggers và các nhà báo công dân tiếp tục xảy ra, điển hình như vụ việc Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm và trường hợp luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài sau này. 

Thông tin độc lập cũng như thông tin tự do là những cái không thể có trong một xã hội nằm dưới sự kiểm soát của một đảng cộng sản như Việt Nam. 

Một số các bloggers, tự đứng ra thành lập nhóm của họ, đã bị truy bức một cách đáng sợ. Không những thế, gia đình vợ con của họ còn bị đánh đập dã man bởi công an mặc thường phục hoặc đôi khi bởi bọn côn đồ được thuê mướn. Mục đích của những hành dộng đó nhằm đe dọa và tìm cớ để buộc tội những ai đang bị công an để mắt tới.” 

Từ Thụy Sĩ, nhà ngoại giao Nguyễn Xương Hùng, đào tị trong lúc đi công tác tại Thụy Sĩ hồi năm 2013, nhận định:

“Tôi cho rằng sự xem xét của một tổ chức như Phóng Viên Không Biên Giới về thứ hạng 175 thì chắc họ cũng đã có những dữ liệu nhất định để có thể đi đến việc xếp hạng 175/180. 

175/180 thì năm ngoái cũng thế và năm nay cũng thế, không nói lên được gì nhiều, nhưng thực tế chúng ta cũng phải khẳng định với nhau rằng không tôn trọng quyền tự do báo chí và không tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam là tình trạng hết sức trầm trọng thời gian vừa qua bởi những việc mà Phóng Viên Không Biên Giới vừa dẫn chứng. 

Chúng ta cũng nên tôn trọng sự đánh giá của Phóng Viên Không Biên Giới. Sự xếp hạng 175/180 về vấn đề tôn trọng nhân quyền cũng rất là xứng đáng với đất nước Việt Nam mình trong cộng đồng quốc tế, thật xấu hổ cho những ai mà lãnh đạo một đất nước như vậy. Dù 175, 176 hay 177 hoặc xuống 174 thì cũng là một sự xấu hổ.” 

Việt Nam che dấu thông tin? 

Theo nhận xét của blogger kiêm nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Lân Thắng ở trong nước, có vẻ như RSF Phóng Viên Không Biên Giới không nắm rõ tình hình thực tế ở Việt Nam lắm:

“Có lẽ là Phóng Viên Không Biên Giới không có những thông tin mới nhất cũng như không có đầy đủ thông tin về Việt Nam, 175 là con số mà nó không phản ảnh đúng thực tế. Đáng lẽ thứ hạng còn phải tệ hơn bởi vì những thông tin ở Việt Nam đến với quốc tế bị che dấu theo rất nhiều cách, và những thông tin mà quốc tế biết được về Việt Nam thì chỉ là một phần thôi. 

Tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam phải nói là bị đàn áp một cách khủng khiếp nhưng mà lại hết sức là tinh vi. Họ không bao giờ lấy những vấn đề liên quan đến tự do báo chí hay tự do ngôn luận để họ đàn áp những người thực hiện việc đó mà họ dùng những cách khác, thậm chí là gài bẫy, để đưa những người đang thực hiện các quyền tự do ngôn luận tự do báo chí vào những điều họ có thể bẫy để trừng phạt những người này.” 


Ông Benjamin Ismail chuyên trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới. Photo courtesy of DLB.
Trở lại với phúc trình tự do báo chí 2016 của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, người chuyên trách Châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, ông Benjamin Ismail, khẳng định:

“Điều tôi muốn bày tỏ với những người đang tham gia các xã hội dân sự, những nhóm thông tin độc lập trên mạng ở Việt Nam bất kể sự kiểm duyệt soát gắt gao từ nhà cầm quyền, là Phóng Viên Không Biên Giới tiếp tục và đang sẵn sàng vận động dư luận của cộng đồng thế giới hầu tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam. 

Trên bình diện kinh tế thì chúng ta biết rằng Việt Nam đang rất muốn bước vào TPP Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ chủ xướng. Chúng tôi sẽ tiếp tục lưu ý chính giới Hoa Kỳ rằng nếu họ muốn Việt Nam trở thành đối tác TPP thì Mỹ nên thúc đẫy Hà Nội cải thiện nhân quyền trong đó có quyền tự do thông tin và tự do báo chí. Phải có tự do, đặc biệt tự do báo chí, Việt Nam mới có thể gia nhập TPP như cả Wahington và Hà Nội mong muốn.” 

Đó là về Việt Nam, còn về thế giới thì phúc trình thường niên 2016 của RSF Phóng Viên Không Biên Giới, qua phát biểu của Tổng thư ký Christophe Deloire với hãng tin AFP, là có sự xuống cấp về tự do báo chí trên toàn thế giới mà Châu Mỹ La Tinh là khu vực đặc biệt quan tâm.

Vẫn theo Phóng Viên Không Biên Giới, nguyên nhân tự do báo chí sa sút ở Châu Mỹ đến từ điều gọi là một thời kỳ mới về chiến lược tuyên truyền của các nhà độc tài.

Nguồn: RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét