2016/04/13

Hiểu chính xác những lời tuyên thệ

Lê Vĩnh

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thể nhậm chứ Chủ tịch Quốc hội hôm 31-3-2016.

Sau đại hội đảng 12, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ thị về việc phân công, sắp xếp, bố trí lại bộ máy nhà nước Cộng Sản Việt Nam để bảo đảm sự lãnh đạo của đảng. Bởi vậy, trước khi bế mạc khoá họp cuối cùng vào ngày 12 Tháng Tư, quốc hội khoá 13 đã chóng vánh làm xong công tác nhân sự của Đảng qua những màn bãi nhiệm, tín nhiệm mấy nhân vật cựu và tân chóp bu của bộ máy nhà nước. Đi kèm theo mấy màn kịch đó là các buổi tuyên thệ đầy huê dạng để tái xác quyết rằng, cơ chế được gọi là “quyền lực cao nhất nước” đó chỉ là công cụ tay sai của đảng.

Đã có nhiều phân tích và bình luận về sự phi lý và phi pháp (thậm chí là hề) của các màn kịch nêu trên. Những phân tích và bình luận đó hoàn toàn đúng về mặt hiến pháp, nhưng ở Việt Nam thì hiến pháp đứng dưới cương lĩnh của đảng, nên chỉ thị của đảng mới là tối thượng dù nó có phi lý, phi pháp đến đâu đi nữa.

Trước đây, qua nhiệm vụ thể chế hoá các nghị quyết của đảng, mọi người đều hiểu một thực tế là, quốc hội chỉ là công cụ của đảng CSVN. Tuy nhiên, chưa bao giờ thực tế đó được minh định một cách rõ rệt trên văn bản. Đến nay, vai trò công cụ này đã được minh định qua lời tuyên thệ vừa qua của các nhân vật cầm đầu quốc hội và nhà nước.

Hãy phân tích lời tuyên thệ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân để chứng minh điều này. Những lời tuyên thệ của các ông Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc cũng tương tự như vậy.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ rằng:

"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Một số người đã khen rằng lời tuyên thệ vừa kể đã có nhiều tiến bộ khi đặt tổ quốc, nhân dân, hiến pháp lên trước đảng, chứ không giống như thường lệ là đặt đảng lên phía trước. Đúng là về mặt “câu, chữ” thì lời tuyên thệ đó có “tiến bộ”; tuy nhiên, nếu đi vào nội dung thì những lời lẽ đó chẳng có gì tiến bộ. Không những thế, trong bối cảnh Việt Nam đang cố hội nhập vào cộng đồng thế giới hiện nay thì đó lại là biểu hiện của sự giật lùi.

Ba đối tượng mà bà Ngân trung thành là: tổ quốc, nhân dân và hiến pháp.

Tổ quốc trong lời tuyên thệ của bà Ngân được hiểu một cách dễ dãi là “Tổ quốc Việt Nam”. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh tuyên thệ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì tổ quốc đó phải được hiểu là “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Bà Ngân là một đảng viên đảng Cộng Sản nên hẳn là bà đã hoàn toàn thấm nhuần đều này. Mà tổ quốc xã hội chủ nghĩa thì chẳng liên hệ gì đến đất nước Việt Nam đích thực.
Đối tượng thứ hai trong lời tuyên thệ là nhân dân. Nhân dân vẫn thường được hiểu là dân chúng sống trên lãnh thổ Việt Nam, là một trong bốn yếu tố cấu thành quốc gia (lãnh thổ, dân cư, chính quyền, sự độc lập). Tuy nhiên, theo định nghĩa về nhân dân của đảng Cộng Sản thì sự hiểu bình thường đó là nhầm lẫn. Vì vậy, lời thề trung thành với nhân dân của bà Ngân phải hiểu theo một cách khác, chứ không thể hiểu theo cách bình thường được. Hãy đọc lại định nghĩa về nhân dân của đảng dưới đây để thấy rõ điều này.

Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 13 Tháng 11, 2011 có bài quan điểm nhan đề “Đừng nhầm lẫn từ ’nhân dân’ trong hiến pháp”(*), tác giả là Đại tá, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Quang. Ông Đại Tá Tiến Sĩ trường đảng này định nghĩa nhân dân theo quan điểm Mác-Lê như sau: "Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định." Như thế nhân dân theo định nghĩa của đảng chỉ là một nhóm người. Nhóm người này tự xưng là mình thuộc giai cấp vô sản, tự dành cho mình quyền đại diện quốc gia, đại diện cho cả dân tộc. Từ cách nhìn này, ai không thuộc về phe nhóm của họ thì không phải là nhân dân, là phản động, phản quốc.
Đối tượng thứ ba bà Ngân thề trung thành là hiến pháp, nhưng hiến pháp lại là văn bản thể chế hoá cương lĩnh của đảng; không những thế, hiến pháp còn là đối tượng có thể bị thay đổi khi đảng cần thay đổi vì một hoàn cảnh nào đó. Vì vậy, trung thành với hiến pháp thì cũng chỉ là trung thành với cương lĩnh đảng.

Theo tác giả, hiến pháp là văn bản thể chế hoá cương lĩnh của đảng.

Nếu ba đối tượng bà Nguyễn Thị Kim Ngân thề trung thành nêu trên chỉ mang tính cách tinh thần, thì lời thề cuối cùng lại là hành động cụ thể và là điều quan trọng nhất. Bà Ngân “Nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. Qua lời thề này, bà Nguyễn thị Kim Ngân xác quyết là sẽ thi hành mọi chỉ thị của đảng. Với cương vị Chủ Tịch Quốc Hội của bà Ngân thì đây là lời minh định (một cách chính thức) sẽ duy trì vai trò công cụ đối với đảng của quốc hội.

Tóm lại, tất cả những màn kịch đầu tháng tư của quốc hội CSVN là để “quốc hội cũ bầu chính phủ mới” dưới sự đạo diễn của đảng, hầu đáp ứng nhu cầu đối ngoại của một thể chế đảng trị, và giải quyết sự tròng chéo giữa chức vụ của đảng và chức vụ của nhà nước. Vài tháng nữa những màn kịch đó lại tái diễn ở quốc hội để quốc hội đóng tròn vai trò bù nhìn của mình.

- - -

(*) Bài báo “Đừng nhầm lẫn từ ’nhân dân’ trong hiến pháp” có lẽ do bị “ném đá” nhiều quá nên không còn đường link. Tuy nhiên vẫn có thể tìm thấy bằng Google.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét