2016/03/09

Gia tăng lực lượng quân sự tại Biển Đông giúp Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát

Michael Forsythe và Jane Perlez - The New York Times

Quân Đội Trung Quốc tuần tra trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp hồi Tháng Giêng, 2016. Nguồn ảnh: Reuters

Khi hàng không mẫu hạm John C. Stennis và bốn chiến hạm khác của Hoa Kỳ tiến vào vùng Biển Đông hồi tuần rồi theo dự định thao dượt thường nhật, thông điệp gửi ra rất rõ: Hoa Kỳ là lực lượng quân sự nổi trội trong vùng và dự tính giữ nguyên trạng. Nhưng số lượng chiến hạm Trung Quốc bám sát tàu chiến Hoa Kỳ đông hơn năm ngoái. Viên chức Trung Quốc nói với truyền thông nhà nước là các chiến hạm có mặt đó để “theo dõi, nhận diện, bám sát và đẩy lui” các chiến hạm và máy bay nước ngoài, tùy theo chúng đến sát cạnh “đảo của chúng ta” như thế nào. Cuộc chạm trán không gây ra sự cố này, là vụ đụng đầu mới nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì Hoàng Sa và Trường Sa.


Kể từ khi nắm quyền cách đây ba năm về trước, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã dùng các đảo này để bành trướng sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trong vùng, từng bước một dựng lên và trang bị các căn cứ xa cách đất liền, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và Washington.

Tầm vóc của nỗ lực tốn kém hàng tỉ đô la này đã gây căng thẳng trong vùng và củng cố các tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc trên trọn Biển Đông, nơi có một số tuyến đường giao thương nhộn nhịp nhất thế giới. Việc gia tăng quân sự cũng thách thức nguyên trạng quân sự trong vùng Tây Thái Bình Dương từ sau thế chiến thứ hai, giúp Trung Quốc thực hiện được mục tiêu thiết lập vùng trái độn an ninh cách xa bờ biển – một giấc mơ của các chiến lược gia Trung Quốc từ thời chiến tranh Hàn Quốc.

“Trung Quốc muốn một bể nước,” theo lời của ông Marc Lanteigne, một nghiên cứu gia của Viện Ngoại Giao Quốc Tế của Na Uy, chuyên chú về chính sách ngoại giao của Trung Quốc, so sánh thế mạnh của Hoa Kỳ trong vùng biển Caribbean. “Trung Quốc muốn có vùng biển của họ, để họ có các hoạt động quân sự và cảnh sát mà không phải lo lắng về sự có mặt của các lực lượng hải quân Hoa Kỳ, Phi, Việt Nam hay Ấn Độ.”

Việc gia tăng quân sự tiến hành từng bước một nhưng khá là nhanh chóng nếu xét đến tình huống giằng co giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong nhiều thập niên qua. Vét cát để xây các đảo nhân tạo bên trên các bãi đá san hô trong vùng Trường Sa bắt đầu vào đầu năm 2014 nhưng tăng tốc độ hồi năm ngoái, và các đảo này bây giờ có cảng nước sâu và đường phi đạo dài thích hợp cho các tàu chiến và chiến đấu cơ.

Rồi tiếp đó các giàn phóng hỏa tiễn phòng không xuất hiện tại Hoàng Sa. Ảnh vệ tinh hiện nay cho thấy dường như có các giàn rađa mạnh, có tiềm năng nới rộng vùng sát thủ của loại hỏa tiễn đặt trên lục địa Trung Quốc nhằm triệt hạ hàng không mẫu hạm.

Các công sự này không phải là mối đe dọa đối với quân đội Hoa Kỳ, vì có thể bị tiêu hủy dễ dàng nếu xảy ra đụng độ.

Nhưng viên chức Hoa Kỳ ngày càng lo âu là việc gia tăng quân sự, nếu không cản lại, sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát một vùng biển rộng lớn và có ưu thế quân sự vượt trội so với các quốc gia láng giềng đang tranh chấp biển đảo. Điều đó thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong vùng và gia tăng rủi ro xung đột.
Ảnh vệ tinh cho thấy các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, phía tây Palawan, Philippines năm 2015. Ảnh: Ritchie B. Tongo


Mặc dầu giới chức Washington nói rằng Trung Quốc chưa thể có khả năng để đẩy lui quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông, các phân tích gia cho rằng việc gia tăng quân sự sẽ gây khó khăn cho Hải Quân Hoa Kỳ nhanh chóng bảo vệ đồng minh với quân đội yếu hơn như Phi chẳng hạn. Việc triển khai chiến đấu cơ, hỏa tiễn chống phi cơ và rađa mạnh đặc biệt có thể làm Hải Quân Trung Quốc bạo hơn trong khi làm Hoa Kỳ khựng lại.

Khi điều trần trước Ủy Ban Quân Đội của Thượng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, Đề đốc Harry B. Harris Jr, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương cảnh bảo rằng các hành vi của Trung Quốc đang làm “thay đổi tình cảnh hoạt động trong vùng Biển Đông.”

Một viên chức tình báo cao cấp của chính quyền Obama, ông James R. Clapper cho biết vào đầu năm tới Trung Quốc “sẽ có nhiều khả năng để biểu dương sức mạnh quân sự trong vùng.” Mặc dầu Trung Quốc chưa xây cất xong, họ có thể triển khai chiến đấu cơ, hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn phòng thủ bờ biển cũng như các chiến hạm lớn và các tàu tuần tra cảnh sát biển đến các đảo nhân tạo của Trường Sa.

Ông Clapper cũng xác nhận là giàn rađa quân sự được gắn trên Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) cách đảo Hải Nam 600 dậm, đây là đảo cực nam trong nhóm 7 đảo nhân tạo. Trên lý thuyết giàn rađa này có thể giúp tăng khả năng của loại hoả tiễn diệt hàng không mẫu hạm, DF-21D, tấn công mục tiêu xa hơn và gây khó khăn cho Hải Quân Hoa Kỳ có biện pháp đối phó.

Hồi tháng rồi, Việt Nam phản đối chính thức sau khi ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đặt các giàn hỏa tiễn phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Woody Island). Việt Nam tuyên nhận chủ quyền của cả Hoàng Sa và Trường Sa, và tinh thần chống Trung Quốc dâng cao kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển gần Hoàng Sa.
Tổng thống Obama (trái) cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trước Nhà Trắng vào Tháng 9, 2015 khi họ Tập đến Hoa Kỳ. Ảnh: Doug Mills/The New York Times
Việc gia tăng quân sự trong vùng Trường Sa cũng khiến cho Phi Luật Tân giận dữ. Trung Quốc đoạt lấy đảo Scarborough từ tay Phi cách đây bốn năm, một hành động khiến Tổng thống Benigno S. Aquino III của Phi sau đó ví như hành động chiếm đóng Tiệp của Phát-xít Đức.

Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Đội của Thương Viện, gần đây lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc dường như sắp muốn đẩy lui Phi ra khỏi một đảo khác và khẩn cầu chính quyền Obama lên tiếng về cách phản ứng. Hồi tháng rồi, các tàu bè Trung Quốc bị phản đối khi ngăn chận không cho tàu đánh cá Phi vào một đảo san hô trong vòng tranh chấp.

Các phân tích gia nhận định rằng việc gia tăng quân sự đã tạo dễ dàng cho các tàu Trung Quốc hoạt động một thời gian lâu tại Trường Sa mà không cần quay trở lại đất liền. Các giàn rađa mới gắn trên Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) giúp cho Trung Quốc khả năng nhìn xa ngoài chân trời và có thể theo dõi các mục tiêu ở thật xa như eo biển Malacca hàng trăm dậm về phía tây nam.

Trong buổi họp thượng đỉnh với Tổng thống Obama vào tháng Chín, họ Tập hứa là sẽ không “đeo đuổi quân sự hóa” vùng Trường Sa, nhưng không đá động gì đến Hoàng Sa, và Bắc Kinh từ đó khẳng định là họ có quyền có “các căn cứ phòng thủ giới hạn” trong vùng Biển Đông, và so sánh với việc Hoa Kỳ có căn cứ tại Hawaii.

Các phân tích gia Trung Quốc lập luận rằng việc gia tăng quân sự gìn giữ hòa bình bằng cách ngăn cản các quốc gia tranh chấp, kể cả Brunei, Indonesia, Mã Lai và Đài Loan. Theo Xu Liping, một nhà nghiên cứu tại Học Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, “Lý do chánh của việc xây cất là để nói với các nước khác hãy ngưng các hành động khiêu khích, bởi vì nếu họ tiếp tục lấn tới, chúng tôi có khả năng phản công.”

Giới chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc sẽ xây các bồn trữ nhiên liệu lớn trên đảo, giúp cho các chiến đấu cơ lưu lại trong vùng lâu hơn, rồi sau đó tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” trên Biển Đông như họ đã từng làm trong vùng biển Đông Hải hồi cuối năm 2013.

Trung Quốc tự cho quyền yêu cầu máy bay ngang qua vùng phải thông báo và sẽ có hành động quân sự đối với ai không tuân lệnh. Nhật và Hoa Kỳ khước từ không nhìn nhận quyền này cũng như không hợp tác.

Chính quyền Obama tuy nhiên đã vất vả để có được một chính sách làm chậm lại hoặc ngăn chận việc quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Một viên chức quốc phòng, xin ẩn danh, lưu ý là tuy Trung Quốc có thể giành được vùng biển, hành vi của họ cũng đã khiến các nước láng giềng như Phi và Việt Nam nới rộng quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ gia tăng các cuộc tuần tra “tự do hải hành” trong vùng Biển Đông, gửi tàu chiến và máy bay Hoa Kỳ vào vùng mà Trung Quốc tuyên nhận chủ quyền để khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ rằng đây vẫn là vùng hải phận và không phận quốc tế.
Nhưng Trung Quốc phản ứng bằng trưng dẫn các cuộc tuần tra này để cho rằng chính Hoa Kỳ mới quân sự hóa Biển Đông – do đó Trung Quốc tiếp tục xây cất.
 
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi tại cuộc họp báo hôm 8 Tháng 3, 2016. Ảnh: Reuters
Wang Yi, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trong một cuộc họp báo, “Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá ra, đặt tên, phát triển và quản trị các đảo trong vùng Biển Đông. Lịch sử sẽ chứng minh ai là khách và ai là chủ nhân thật sự.”

Hoàng Thuyên lược dịch
Theo The New York Times – 8/3/2016

Nguồn: Chân Trời Mới Media


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét