2016/03/17

CSVN cáo buộc: 'Phản động' đứng sau người ứng cử Quốc Hội

NV

Ứng cử viên độc lập Nguyễn Thúy Hạnh. (FB Nguyễn Thúy Hạnh)

HÀ NỘI (NV) - “Trong 47 trường hợp tự ứng cử khu vực Hà Nội, tiểu ban an ninh Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia cho rằng có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số người.”

Báo điện tử VNExpress và Vietnamnet được bật đèn xanh để thuật lời một ông trong “Tiểu ban an ninh” của Ủy Ban Bầu Cử như vậy hôm Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016 sau ngày tiếp nhận hồ sơ ứng cử làm đại biểu Quốc Hội tại Việt Nam hết hạn.

Cái ông “thành viên đoàn giám sát, tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia” không được nêu tên trong bản tin công nhận “kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử.”

Từ trước đến nay, không hề có một cuộc bầu cử nào tại Việt Nam lại khác với trò “đảng cử, dân bầu.”
“Một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động.” VNExpress dẫn lời và không thấy ông ta nêu ra cho biết “tổ chức phản động” tên là gì, ở đâu, có gì chứng minh.

Theo các bản tin trên một số báo ở trong nước, chỉ riêng 4 thành phố lớn nhất nước đã có khoảng 100 người ra “tự ứng cử,” tức không thuộc thành phần được đảng CSVN “cơ cấu” vào Quốc Hội.

Mấy ngày trước, tờ Vietnamnet nói thành phố Hà Nội có 56 người “tự ứng cử” nhưng khi trong cuộc họp của “Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia,” thấy con số nêu ra chỉ có 47 người. Như vậy, 9 người đã bị các rào cản đủ kiểu loại ra ngoài. Rồi lại phải qua mấy vòng “hiệp thương” rồi tất cả sẽ bị đẩy ra ngoài nếu không thuộc thành phần được đảng CSVN “cơ cấu.”

Giữa tháng 1 vừa qua, tờ Dân Việt đưa tin “Bộ Chính Trị vừa ra chỉ thị số 50- CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc Hội Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Hai cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào cùng một ngày trong năm nay.”

Tờ Dân Việt thuật lại rằng: “Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, Bộ Chính Trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ như có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.”

Một số ứng viên độc lập đã viết cập nhật thường xuyên trên các trang Facebook của họ từ khi loan báo ứng cử quốc hội đến những gì họ đã phải trải qua tại cơ quan hành chính địa phương trước khi có cơ hội hồ sơ tới được “Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia.” Họ chứng minh cho mọi người thấy lời tuyên truyền của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, nói “dân chủ đến thế là cùng” là bịp bợm.

Ứng cử viên độc lập Nguyễn Xuân Diện. (Hình: Tễu Blog)
Không thấy một người nào “tự ứng cử” làm đại biểu Quốc Hội tại Việt Nam bầy tỏ sự lạc quan vào sự khách quan, vô tư của “Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia” và tin rằng họ có cơ hội trở thành “đại biểu Quốc Hội” trong cái cơ chế “đảng cử dân bầu” này. Hầu như ai cũng muốn dùng trường hợp tự ứng cử của mình để chứng minh chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội luôn luôn nói một đàng, làm một nẻo.

“Phong trào tự ứng cử dù không ai dám chắc có lấy được 1 người đắc cử nhưng đang đi theo đúng hướng và thu được những kết quả ban đầu đúng như dự tính. Đó là phía chính quyền buộc phải lộ thêm những thủ đoạn cản trở, lộ thêm tâm địa tối tăm bằng việc buộc phải vi phạm pháp luật khi nhận xét lý lịch ứng cử viên và các thủ đoạn gây khó khăn khác. Đảng CSVN đang buộc phải chạy theo họ khá vất vả.” Ứng cử viên Nguyễn Tường Thụy, 64 tuổi, một cựu chiến binh và một người đấu tranh dân chủ sống tại Hà Nội, viết trên trang Facebook hôm 13 tháng 3, 2016.

Ông Thụy viết tiếp rằng: “Những sự việc này đang vạch rõ thực chất của những lời bốc phét, lòe bịp nhân dân Việt Nam và thế giới: Dân chủ ở Việt Nam đến thế là cùng, hơn triệu lần, vạn lần các nước tư bản. Và trò bẩn thỉu sẽ tiếp diễn ở những màn tiếp theo. Sự bẩn thỉu đó với các ứng cử viên mới chỉ là bắt đầu.”

Trên trang Facebook của mình, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn ở Nghệ An bị nhà cầm quyền địa phương bắt sửa chữa hồ sơ một cách rất vô lý, chỉ cố tình làm ông mất thì giờ từ ngày này sang ngày khác. Thậm chí còn bắt ông khai báo đứa con 8 tuổi của ông thuộc đảng phái chính trị nào. Cuối cùng, ông phải bỏ cuộc vì tới ngày chót để nộp hồ sơ ứng cử, hồ sơ của ông vẫn không hoàn tất nổi.

Ứng cử viên Nguyễn Đình Hà, 28 tuổi, ra ứng cử tại Hà Nội, chỉ cần nhà cầm quyền phường Lý Thái Tổ xác nhận nơi cư trú, nhưng đã bị nơi này “bổ sung phần xác nhận” là “Ông Nguyễn Đình Hà năm 2008 tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam; đã từng được thành viên của Đảng Việt Tân ở hải ngoại tiếp đón, tham gia phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ; dự hội thảo hướng tới nền báo chí độc lập tại Việt Nam... là công dân không gương mẫu.”

Ông Hà đã phản bác bằng văn bản, lên án nhà cầm quyền phường là làm trái pháp luật vì họ chỉ có thẩm quyền xác nhận nơi cư trú mà thôi, không có quyền phê bình, phán xét công dân là “không gương mẫu.” Phê phán ông gặp ai, ở đâu, như thế là “hoàn toàn trái pháp luật, thể hiện sự lạm quyền và không chính xác trong vận dụng pháp luật,” ông phản ứng.

Theo Facebooker Lưu Văn Minh, ứng cử viên độc lập tên Hưng ra ứng cử ở tỉnh Yên Bái. Nhà cầm quyền nơi đây lấy lý do ông “không thường trú tại địa phương” để từ chối tiếp nhận hồ sơ của ông. Trong khi đó, những ứng cử viên ở trung ương được đảng CSVN “cơ cấu” đưa về các địa phương ứng cử, không hề cư trú tại những nơi đó bao giờ lại.. .vẫn trúng cử với tỉ số phiếu bầu rất cao.

Như trường hợp ông đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là “đại biểu Quốc Hội” đơn vị Hải Phòng. Ông có bao giờ “cư trú” ở Hải Phòng đâu? Một năm được mấy lần tới đó để “tiếp xúc với cử tri?” Sợ không đủ để đếm trên các đầu ngòn tay.

Ngày 13 tháng 3, 2016 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử và ngày 27 tháng 4 sẽ công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc Hội CSVN Khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tổng số đại biểu Quốc Hội khóa 14 của chế độ CSVN là 500, trong đó 198 ở trung ương, còn lại là địa phương. Ngày 22 tháng 5, cử tri sẽ đi bầu đại biểu Quốc Hội và đại biểu HĐND các cấp vẫn theo cung cách “đảng cử dân bầu.”

Ngày 15 tháng 3, tờ Pháp Luật thành phố kể rằng: “Bên lề Hội Nghị Sơ Kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Chỉ Đạo Trung Ương cuộc vận động” “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” Phó Chủ tịch, Tổng Thư Ký Ủy Ban Trung Ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đã trao đổi với báo chí về những người tự ứng cử.

“Ông Vũ Trọng Kim lưu ý: Không được làm khó dễ những người tự ứng cử, đó là vi phạm pháp luật,” tờ PLTP thuật lại.

Theo ông Nguyễn Quang A, một trong những người tự ứng cử tại Hà Nội thì dù không có người tự ứng cử nào thắng thì những người vận động cho tự do, dân chủ của Việt Nam cũng không thua.(TN)

Nguồn: Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét