2016/02/18

Thời điểm nguy cấp cho Washington và Bắc Kinh tại Biển Đông

Dan De Luc, Keith Johnson - Foreign Policy

Các giàn phóng hỏa tiễn phòng không loại HQ-9 của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc trong buổi diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 3 tháng Chín, 2015 nhân kỷ niệm 70 năm sau chiến thắng kết thúc Thế Chiến Thứ Hai. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Khi đưa hỏa tiễn phòng không vào vùng đảo tranh chấp tại Biển Đông trong tháng này, Bắc Kinh đã làm tình hình nóng hơn trong việc đối đầu với Hoa Kỳ và với phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế sắp tới đây sẽ làm tình hình căng thẳng hơn nữa.

Các chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc buộc Hoa Kỳ phải quyết định có nên lấy phản ứng mạnh hơn – ngay cả nếu có nguy cơ đụng độ quân sự – hay ngồi yên đó để Bắc Kinh tiếp tục tháo gỡ một trật tự thế giới đã giữ được 70 năm hòa bình và trù phú tại Châu Á.

Sắp tới đây Tòa án Trọng tài Quốc tế tại The Hague sẽ ra phán quyết lần đầu tiên về tính pháp lý của các tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc, mà thường được biết qua bản đồ chín vạch chiếm gần hết Biển Đông. Với việc đưa các hỏa tiễn phòng không tầm dài đến đảo Woody chỉ làm tăng thêm tầm quan trọng của phán quyết sắp tới.

Các chuyên gia nghĩ rằng phán quyết của tòa nghiêng về phía Phi Luật Tân, bên đưa đơn kiện năm 2013. Điều này sẽ buộc cả Washington và Bắc Kinh lấy chọn lựa: Hoa Kỳ sẽ phải quyết định là có nên và ở mức độ nào để tuân thủ phán quyết đó dùng lực lượng Hải quân Hoa Kỳ. Và Trung Quốc, vốn dĩ từ chối không tham gia vụ kiện, sẽ gặp một thử thách về điều mà họ tự cam kết là sẽ tuân theo luật lệ quốc tế.

Phán quyết của tòa án sẽ đánh dấu một bước ngoặt khác trong việc tranh chấp trên Biển Đông. Một cựu viên chức của chính quyền Obama xin giấu tên đưa nhận định là “phán quyết đó sẽ bác bỏ tất cả thẩm quyền pháp lý và tinh thần của Trung Quốc hoặc sẽ không có tác dụng gì. Nếu tòa phán quyết là đường chín vạch vô nghĩa, thì áp suất sẽ đè lên phía Trung Quốc phải có phản ứng nào đó.”

Hình vệ tinh trên đảo Phú Lâm hôm 3 Tháng 2 (trái) và hôm 14 Tháng 2 (phải). Nguồn ảnh: ImageSat International
 Trong tuần này, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đưa hệ thống hỏa tiễn phòng không đến đảo Phú Lâm (Woody Island), trong vùng quần đảo Hoàng Sa. Giới phân tích quốc phòng đánh giá rằng việc đặt hỏa tiễn này là “một leo thang quân sự đáng kể” và là cú phản công lại đối với hai chuyến công tác tự do hải hành của Hoa Kỳ vào năm ngoái và đầu năm nay.
Một số chuyên gia đánh giá việc bố trí hỏa tiễn này là một khuôn mẫu của việc quân sự hóa trong tương lai trên các vùng đảo tranh chấp khác tại Trường Sa.

Bước cờ mới của Trung Quốc đã khiến giới hành pháp Hoa Kỳ giận dữ và kêu gọi Hoa Kỳ phải có phản ứng mạnh hơn. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy Ban Quân Đội của Thượng Viện Hoa Kỳ tuyên bố là các công tác tự do hải hành không đủ, Hoa Kỳ phải có những hành động khác để buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành xử của họ.

Bắc Kinh bố trí hệ thống hỏa tiễn này ngay trong thời điểm Tổng thống Obama chủ tọa buổi họp với 10 thành viên ASEAN. Trong buổi họp Thượng đỉnh vấn đề Biển Đông chiếm phần lớn các trao đổi. Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, bản tuyên bố chung vào cuối Hội nghị kêu gọi tôn trọng trật tự luật lệ quốc tế, tránh quân sự hóa vùng tranh chấp; tôn trọng tự do hải hành.

Ai là đồng minh?

Cho đến nay các tuyên nhận chủ quyền và các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc đã đẩy các quốc gia Châu Á đến gần Hoa Kỳ hơn. Tokyo và Washington duyệt lại đường lối quốc phòng chung, và Nhật Bản đã vất lập trường chủ trương hòa bình sang một bên. Phi Luật Tân thì mời Hoa Kỳ trở lại sau 25 năm đuổi đi. Ngay cả Việt Nam, một quốc gia cộng sản với mối quan hệ giao thương chặt chẽ với Trung Quốc, cũng nhích lại gần với Washington và ngõ ý muốn mua vũ khí Hoa Kỳ để phòng chống lại Trung Quốc.

Trớ trêu thay, một đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng lại khiến cho phản ứng của Washington rắc rối hơn.

Đài Loan, một đồng minh cốt cán từng mua hàng tỉ Mỹ kim vũ khí quốc phòng của Hoa Kỳ, lại có vẻ như sát cánh với Trung Quốc trong việc tranh chấp. Tổng thống Mã Anh Cữu đến thăm viếng đảo Taiping hồi tháng rồi, bất chấp những phản đối của Hoa Kỳ. Khi nhấn mạnh Taiping là một hòn đảo chứ không phải đá như Phi Luật Tân gọi như thế, Đài Loan làm cho hồ sơ vụ kiện của Phi Luật Tân yếu đi, và cung cấp lý do để Trung Quốc tranh cãi. Tuy nhiên Trung Quốc cũng chẳng sốt sắng với động thái của Đài Loan vì làm thế lại nhìn nhận Đài Loan là một đất nước có chủ quyền riêng.

Giới chức Hoa Kỳ nghĩ là Đài Loan tuyên bố như thế trước khi có phán quyết của tòa chỉ để muốn nhấn mạnh đến những tuyên nhận chủ quyền của họ trong vùng tranh chấp.

Những đòn phản công

Trọng tâm của vụ kiện của Phi Luật Tân là cho rằng các địa dư trong vùng tranh chấp là đá chứ không phải đảo. Thoạt nghe có vẻ không gì khác lắm nhưng có sự phân biệt quan trọng: Theo luật pháp quốc tế, đảo thì có được vùng đặc quyền kinh tế nới dài ra 200 dậm; đá thì không được. Và đá ngầm dưới mặt nước khi thủy triều lên không được quyền có hải phận.

Tuy nhiên Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế không có quyền thực hiện án lệnh. Và Trung Quốc đã tuyên bố từ đầu là họ không tuân theo phán quyết. Các chuyên gia cho rằng như thế thì chỉ còn có Hoa Kỳ mới có khả năng để thực hiện làm cho phán quyết có giá trị. Chẳng hạn như có chuyến tự do hải hành đi ngang những địa dư không được xem là đảo chẳng hạn.

Phiên điều trần tại Tòa Án Liên Hiệp Quốc trong vụ kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân.
Phán Quyết của Tòa The Hague đòi hỏi chính quyền Obama quyết định xem có nên tái xác nhận thẩm quyền của tòa án với các cuộc tuần tra.

Các nhà phân tích và cựu viên chức Hoa Kỳ cho biết là Bộ Ngoại Giao sẽ khởi động một chiến dịch ngoại giao sau khi có phán quyết để xiển dương đây như là một quyết định hệ trọng nêu gương về cách giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa.


Phán quyết bất lợi cho Trung Quốc đến từ một tòa án được trọng vọng như tòa The Hague sẽ là một sự xấu hổ chính trị cho một quốc gia tự cho mình là tác nhân có trách nhiệm trên diễn đàn thế giới. Nhưng Bắc Kinh cũng có thể quyết định lờ đi, dựa trên suy tính là Washington và các quốc gia Châu Á không dám liều lĩnh đụng độ quân sự hoặc trả đũa kinh tế.

Và dẫu phán quyết như thế nào đi nữa, chẳng ai dám bảo là Bắc Kinh sẽ từ bỏ những tuyên nhận chủ quyền hoặc sẽ tháo gỡ các công việc bồi đắp đảo đã làm. Đối với Washington, kết quả tốt nhất có lẽ là Trung Quốc lặng lẽ ngưng các hoạt động quân sự hóa, hoặc có động thái hòa hoãn cho phép ngư phủ Phi Luật Tân đánh cá trong vùng biển tranh chấp.

Nhưng ngay cả khi Hoa Kỳ phản công toàn diện, bằng cách gia tăng tuần tra, gia tăng hợp tác quân sự với các đối tác và đồng minh tại Châu Á, và củng cố tầm với kinh tế qua hiệp ước TPP, có lẻ quá trễ để đẩy lui cơn thủy triều Trung Quốc. Bắc Kinh có vẻ có ý định xác quyết những quyền lợi quan trọng không chối cãi trong vùng Tây Thái Bình Dương, dầu có làm cho quan hệ với Washington xấu đi.

Chân Trời Mới Media - Hoàng Thuyên lược dịch


Nguồn: Foreign Policy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét