2016/01/29

Ai thao túng Đại Hội 12?


Phạm Nhật Bình


Đúng như dự đoán đã đưa ra từ những ngày đầu, Đại Hội 12 đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng vào chức vụ Tổng Bí Thư đảng thêm một nhiệm kỳ.

Là một trường hợp “đặc biệt” được đề cử mà không xin rút lui, sự đắc cử của ông Trọng không làm ai ngạc nhiên sau khi nhân vật có thể đối đầu với ông bị loại. Với số tuổi 72 và mái đầu bạc trắng, ông Trọng xuất hiện trong dáng vẻ một nhà lý luận Mác-Xít không ai bì kịp như chính lời ông tuyên bố: “Tổng bí thư phải là người có lý luận…”.

Sắp xếp nhân sự bài bản theo kế hoạch
 
Nhưng dư luận có phần không đồng tình với ông, ngoại trừ những người cùng phe cánh trong Trung Ương Đảng khóa 12 vừa được bầu. Người ta nói ông Trọng là một người tham quyền cố vị, đã thao túng Đại Hội 12 để bước lên chiếc ghế tổng bí thư đầy quyền lực.

Cáo buộc này không phải không có lý do.



Trước hết trong 11 đại hội đảng đã diễn ra, chưa có lần nào mà những tin tức hỏa mù của các hội nghị trung ương chuẩn bị Đại Hội 12 tung ra nhiều như lần này. Trải qua 4 Hội Nghị Trung Ương từ 11, 12, 13, 14 tập trung phần lớn vào “vấn đề nhân sự” cho thấy ông Trọng và phe cánh đã chuẩn bị rất kỹ càng.

Sự chuẩn bị này nhằm một mục đích duy nhất là ngăn chận ông Nguyễn Tấn Dũng và tay chân lọt vào Ban Chấp Hành Trung Ương XII, cho phép ông Trọng trở thành ứng viên duy nhất. Muốn trở thành tổng bí thư một lần nữa, tất nhiên ông Trọng với quyền hạn trong tay phải dồn mọi nỗ lực để có thể chiến thắng trước người đồng chí của mình.

Đảng CSVN sau một thời gian dài cầm quyền bằng cách cưỡng ép dân chủ, chà đạp lên quyền sống người dân, đã bước vào thời kỳ suy yếu và chia rẽ. Trong nội bộ đảng hình thành nhiều phe phái do sự thao túng của các nhóm quyền lợi, điển hình và tập trung nhất là phe đảng của Nguyễn Phú Trọng và phe chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng.

Sự chia rẽ lần này thể hiện rõ rệt nhất trong Đại Hội 12. Nguyễn Phú Trọng đã khôn khéo xử dụng Quyết Định 244 về “Quy chế bầu cử trong đảng” được ban hành từ Tháng 6/2014 trong Hội Nghị Trung Ương 9.

Quyết định này ghi rõ một điều mà trong Đại Hội 12 trở thành bức tường vững chắc khiến người có thể tranh quyền với Nguyễn Phú Trọng phải bó tay: “Ở các hội nghị của Ban Chấp Hành Trung Ương, các đồng chí Ủy Viên Bộ Chính Trị, Ủy Viên Ban Bí Thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính Trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính Trị.”

Không được nhận sự đề cử cũng có nghĩa dù được đa số các đoàn đại biểu giới thiệu cũng phải xin rút lui. Đây là trường hợp của Nguyễn Tấn Dũng đã lâm vào đường cùng trong đại hội vừa qua khi không còn có thể thi thố, xoay trở gì hơn. Bài bản của Nguyễn Phú Trọng được chuẩn bị thật công phu qua từng giai đoạn một, buộc Nguyễn Tấn Dũng cuối cùng phải nhận số phận định sẵn do Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 12 đa số là thân tín của ông Trọng.

Quyết Định 244 cản đường tiến của Nguyễn Tấn Dũng

Ông Trọng có tham quyền kế vị hay không chỉ cần nhìn vào cách mà ông điều hành đại hội thông qua sự ngoắt ngoéo của Quyết định 244. Nó cho phép ông gạt đối thủ sang một bên, cuối cùng độc diễn trong một vở bi hài kịch mà ông là người thắng cuộc. Những ai quan tâm đến cuộc đấu đá không khỏi khen ngợi sự trí trá của ông Trọng bày ra trò “đề cử, xin rút” và vận động liên tục để từng bước loại người đã từng làm ông rưng rưng nước mắt trước kia.

Việc gợi ý “tổng bí thư phải là người gốc miền Bắc, nắm vững lý luận Mác-Lê”, nhất là không dính dáng đến gia đình có tỳ vết tham ô cho thấy một cách khá rõ ý đồ lèo lái đại hội theo hướng mình. Ông Trọng có vẻ không ngần ngại chỉ ra người xứng đáng nhất chỉ có thể là mình. Có nắm vững lý luận Mác-Lê mới có thể giữ cho đảng tồn tại và đi đúng con đường đã vạch ra, dù cần đến một thế kỷ nữa như chính ông đã thừa nhận.

Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng tại Đại Hội 12. (Ảnh: Reuters)



Trong cuộc tranh giành quyết liệt chiếc ghế tổng bí thư, biết bao vụ thư rơi, thư tố cáo, tiết lộ tài liệu mật nội bộ do đám tay chân ông Trọng tung ra hàng ngày trên các diễn đàn. Chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chứ không ai khác hơn đã đứng sau chỉ đạo các đàn em tay sai trong Ban Tuyên Giáo như Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thế Kỹ dàn trận tấn công tới tấp phe Nguyễn Tấn Dũng. Nhất là cho Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương liên tục viết bài tấn công về “lợi ích nhóm”, ám chỉ tập đoàn tham nhũng “Nguyễn Tấn Dũng”.

Không thể nói gì khác hơn là ông cao tay ấn hơn thủ tướng đương nhiệm. Nhưng sự cao tay ấn của một tổng bí thư mang biệt danh “Trọng lú” cũng rất đáng nghi ngờ. Một tháng trước ngày khai mạc Đại Hội 12, Hà Nội loan báo tin Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng lên đường viếng thăm Trung Cộng. Chuyến đi không bình thường này chỉ có thể được hiểu trong mối quan hệ “răng môi” giữa đôi bên mà một lời khuyên bảo của “người thày đồng thời là đồng chí anh em” ngay lúc này là vô cùng cần thiết.

Tâm lý sống còn của một lãnh đạo đảng chư hầu như ông Trọng luôn luôn đi tìm chỗ dựa an toàn trong các cuộc tranh chấp. Nó cho phép Nguyễn Phú Trọng có đủ mưu mô được bày vẽ từ Bắc Kinh để loại trừ một đối thủ cũng nhiều đòn phép như Nguyễn Tấn Dũng. Điều đó cũng phù hợp với chiến lược trường kỳ của Bắc Kinh không để bất cứ nhân vật cầm quyền nào xích lại quá gần với Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai đối thủ của Trung Cộng trên Thái Bình Dương.

Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam Tháng 11/2015.

Vì vậy mà ngay sau khi ông Trọng tái đắc cử, Tập Cận Bình đã gởi ngay lời chúc mừng đến ông Nguyễn Phú Trọng để khẳng định: “Số phận hai bên càng ngày càng thắt chặt”. Hai chữ “số phận” này vẽ ra một tương lai không mấy sáng sủa cho Việt Nam.

Rõ ràng sự thao túng và tham quyền cố vị của Nguyễn Phú Trọng cuối cùng giúp ích rất nhiều cho âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.

 Phạm Nhật Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét