2015/12/18

Về việc bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài

Trung Điền


Hai ngày sau khi khai mạc Hội nghị trung ương 13, cơ quan điều tra thuộc Bộ công an CSVN đã đến tận nhà bắt giữ và khởi tố Luật sư Nguyễn Văn Đài về điều 88 Luật hình sự vào sáng ngày 16/12/2015.

Báo chí của nhà nước chỉ đề cập đến tin Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt. Nhưng sáng ngày 16/12, cơ quan điều tra cũng đã bắt giữ cô Lê Thu Hà, một người cộng tác viên của Luật sư Đài trong Hội Anh Em Dân Chủ và hiện cô đang bị giam tại Tổng cục an ninh số 7 Nguyễn Đình Chiểu. Hiện nay phía an ninh chưa cho biết cô Lê Thu Hà bị bắt vì lý do gì.

Tin Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà bị bắt giữ đã tạo ra một quan tâm rất lớn trong dư luận Việt Nam và Quốc tế.

Cách đây 8 năm, Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã từng bị bắt giữ và bị kết án 4 năm tù giam về điều 88 của Luật hình sự khi cùng với Luật sư Lê Thị Công Nhân tổ chức các buổi hướng dẫn về nhân quyền và phương pháp đấu tranh bất bạo động vào năm 2007.

Trước khi bị bắt lần này, Luật sư Nguyễn Văn Đài thường xuyên bị xách nhiễu và gần đây nhất đã bị công an thường phục chận xe đánh trọng thương khi đến Nghệ An vào ngày 6/12 để nói chuyện về quyền con người, nhân kỷ niệm Ngày quốc tế nhân quyền, tại tư gia của Tù nhân lương tâm Trần Hữu Đức ở Huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Câu hỏi được nêu ra là tại sao CSVN lại chọn bắt Luật sư Đài vào lúc này, khi mà tình hình chính trị tại Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp?

Thứ nhất, CSVN đang ở trong không gian căng thẳng của việc chuẩn bị đại hội đảng lần thứ XII, dự trù diễn ra vào trung tuần tháng 1/2016. Căng thẳng là vì đây là đại hội lần đầu tiên mà sự thay đổi nhân sự thượng tầng, đặc biệt là 4 chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội không nằm trong sự “thỏa hiệp” giữa các phe nhóm như trước đây mà là do Ban chấp hành trung ương đương nhiệm chọn lựa.

Không một ai muốn lấy trách nhiệm chính trị về việc ra lệnh bắt giữ các nhà đối kháng khi mà chính trong nội bộ đảng đang bùng lên làn sóng đòi dân chủ hóa đảng và thay đổi chủ trương của đảng cho phù hợp với nhu cầu của thời đại, qua kiến nghị ký tên của hơn 100 cựu cán bộ cao cấp.

Phải chăng đã có một “nhóm” trong bộ máy an ninh, muốn tìm cách ngáng cẳng một phe nào đó đang có nhiều ưu thế trong việc chọn nhân sự lãnh đạo lần này. Nếu không, trong lúc nhân sự chưa ngã ngũ thì không phe nhóm nào muốn rước lấy hậu quả phê phán của dư luận qua việc bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài như hiện nay.

Thứ hai, CSVN vừa cùng với 11 quốc gia đồng ý tham gia vào Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ đây cho đến khi TPP có hiệu lực, tức là sau khi quốc hội của 12 nước đã phê chuẩn xong các điều trong Hiệp định, CSVN sẽ phải cải sửa những luật lệ và áp dụng những quy tắc chung của TPP vạch ra.

Có 4 điều khoản đòi hỏi CSVN phải có những cải tổ sâu rộng liên quan đến quyền con người bao gồm công đoàn, tín ngưỡng, hội họp, ngôn luận; các hoạt động của đoàn thể xã hội dân sự; quyền cá nhân về Internet; chống tham nhũng.

Khác với WTO, TPP có một bộ máy giám sát chặt chẽ việc thực thi các điều khoản quy định giữa 12 quốc gia thành viên, trong đó, TPP không chỉ nhằm đẩy mạnh các quan hệ thương mại và đầu tư mà còn chú trọng đến việc quảng bá và củng cố các sinh hoạt của những đoàn thể xã hội dân sự.

Mục đích lâu dài của TPP là nhắm đến việc tạo dựng một cộng đồng dân sự - tôn trọng các giá trị nhân quyền - để giúp các nước thăng tiến. Việc bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài xảy ra trong lúc CSVN đang muốn việc gia nhập TPP diễn ra suông sẻ là một dấu hiệu xấu có thể gây trở ngại cho việc ký kết TPP trong những ngày tới.

Thứ ba, Luật sư Nguyễn Văn Đài là sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một đoàn thể xã hội dân sự ra đời vào năm 2013, trong bối cảnh lùng bùng về vụ sửa Hiến pháp. Tuy hiện nay Luật sư Nguyễn Văn Đài chỉ giữ vai trò phó chủ tịch Hội, nhưng đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển và hoạt động của Hội.

Là một luật sư, anh Đài đã thấm nhuần lý tưởng phục vụ lẽ phải cho tha nhân nên anh đã đóng góp và trở thành một trong những trụ cột của Phong trào dân chủ Việt Nam.

Lo ngại uy tín quốc tế và nhất là tiềm năng ảnh hưởng của Luật sư Đài đang lan tỏa trong thành phần trẻ hiện nay, bộ máy an ninh CSVN không dám để cho những tình huống bất ngờ xảy ra nên đã tìm cách khống chế Luật sư Đài.

Nhưng chính việc bắt giữ này đã nói lên sự hốt hoảng của bộ máy an ninh trước ảnh hưởng của anh Đài khi mà tình huống đòi hỏi chế độ CSVN phải tỏ ra cởi mở hơn.

Thứ tư, phải chăng tình hình nội bộ đảng CSVN quá rối ren và tình hình đấu tranh trong nước đang sôi sục, sự bất mãn của người dân và đảng viên đang dâng cao tới độ CSVN phải giở trò răn đe: bắt giữ người, gia tăng đàn áp và tập trận “chống biểu tình và phản động”, bất chấp hậu quả quốc tế mà chế độ đang rất cần để cứu vãn những khó khăn kinh tế trầm trọng?

Sự xuất hiện lá thư Nguyễn Tấn Dũng hôm 10/12 vừa qua, gửi Nguyễn Phú Trọng, Trung ương đảng và Bộ chính trị để lên tiếng phản bác những cáo buộc về khả năng lãnh đạo, đời tư, con cái, gia đình trong lúc Trung ương đảng chọn nhân sự cho đại hội XII cho thấy là lãnh đạo CSVN đang đấu đá quyết liệt.

Qua những phân tích nói trên, việc bắt giữ Luật sư Đài là một động thái sai lầm của an ninh CSVN. Dựa trên điều 88 của Luật hình sự - một điều luật cho thấy bản chất thoái hóa của chế độ - bắt giữ Luật sư Đài lần thứ hai chỉ là hành động “rung cây nhát khỉ”.

Khi nhân loại đã bước vào kỷ nguyên của truyền thông mới – thời kỳ mà con người không chỉ đóng vai độc giả hay thính giả như trong kỷ nguyên báo in, truyền thanh, truyền hình mà còn là nhà sản xuất, quảng bá những quan tâm, suy nghĩ của mình đến những người chung quanh qua Blog, Facebook, twitter – rõ ràng là CSVN đang tiếp tục lấy thúng úp voi.

Nói cách khác, điều 88, 79 và kể cả điều 258 của Luật hình sự mà CSVN dùng để bắt giữ tùy tiện những người yêu nước đã cho thấy là lãnh đạo CSVN không có đủ bản lãnh để hội nhập, không đủ sáng suốt và bình tĩnh để “tự cứu mạng”.

Nếu việc bắt giữ Luật sư Đài là một răn đe của Hà Nội đối với phong trào dân chủ Việt Nam vào cuối năm 2015, thì hành động răn đe này sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho CSVN trong năm 2016 khi họ tổ chức bầu cử quốc hội mới và phê chuẩn Hiệp định TPP trong vòng vây của cộng đồng quốc tế và phong trào dân chủ Việt Nam.

Trung Điền
Ngày 18/12/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét