Trung Điền
Hôm 30/11 vừa qua, nhiều tờ báo như Tiền phong, Tuổi trẻ, Vietnamnet,
Lao Động đã loan tin về việc Thành ủy Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu hết
kinh phí hoạt động kể từ đầu tháng 12 năm 2015. Không những thế, kinh
phí hoạt động của Thành ủy đã thiếu từ mấy tháng nay và hiện đang mắc nợ
nhiều tỷ đồng.
Sự kiện nói trên bắt đầu được bàn tán công khai ra ngoài xã hội khi
xảy ra vụ “náo loạn” trong cuộc bàn giao giữa hai ban chấp hành cũ mới
của Thành ủy tại văn phòng của ông Nguyễn Quốc Minh, chánh văn phòng
Thành ủy hôm 16/10.
Sau buổi họp bàn giao, ông Trà Văn Bắc, phó bí thư Thành ủy ra về
liền bị bà Đỗ Thu Hương, thủ quỹ Thành ủy đã nóng giận cầm bình trà đập
xuống bàn khiến mảnh vỡ bình trà bay khắp phòng. Lý do bà Hương nóng
giận là theo biên bản bàn giao tài chánh ngày 18/10, quỹ của Thanh ủy
còn đến 2,748 tỷ đồng nhưng thực tế bàn giao không còn một đồng nào.
Sự “náo loạn” nói trên chỉ là giọt nước làm tràn ly do bất mãn về
tình hình tiêu xài của ban lãnh đạo cũ đã để lại cho ban lãnh đạo mới
một ngân khoản nợ lên đến gần 5 tỷ đồng gồm: các khoản chi từ biên soạn
lịch sử đảng đến tiếp khách, khám sức khỏe cho cán bộ là 2,818 tỷ đồng,
nợ bảo hiểm xã hội chưa đóng 478 triệu đồng, tiền cán bộ Thành ủy tạm
ứng cho các chi phí hoạt động chưa hoàn trả là 1,691 tỷ đồng.
Số tiền nợ 5 tỷ đồng (tương đương 230 ngàn Mỹ Kim) của Thành ủy Bạc
Liêu không phải là con số lớn so với những tiền nợ không thể đòi được
của các doanh nghiệp lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, Bạc Liêu được
nổi tiếng là một trong những tỉnh trù phú nhất ở miền Tây Nam bộ; nhưng
qua sự “phá sản” của Thành ủy, dẫn đến sự ẩu đả giữa hai ban chấp hành
cũ mới cho thấy là vấn đề nợ nần trong bộ máy đảng CSVN không chỉ ở lãnh
vực kinh tế mà đã lan sang tới hành chánh.
Nợ của các doanh nghiệp
Trong một báo cáo hôm 23/11, Bộ tài chánh CSVN cho biết là số nợ của
các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi kết thúc năm 2014 lên đến 1,5
triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013.
Trong số này, số vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng
là 550.000 ngàn tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số nợ vay ngân hàng lớn
như Tập đoàn dầu khí là 174.000 tỷ đồng, Điện lực là 108.000 tỷ đồng.
Tổng công ty hàng hải là 32.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty còn nợ nước ngoài trong
năm 2014 là 381.000 tỷ đồng, trong đó vay vốn ODA của chính phủ lên đến
118.000 tỷ đồng, vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh là 124.000 tỷ
đồng.
Theo công bố của Ngân hàng thế giới thì tính đến cuối năm 2014, tổng
số nợ công (bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ
của chính quyền địa phương) được ước tính là 2,35 triệu tỷ đồng (tương
đương 110 tỷ Mỹ Kim) chiếm 59% GDP của Việt Nam.
Nhưng vấn đề quan trọng không phải là tình trạng nợ nần của các doanh
nghiệp mà chính là tình hình không thể nào trả nợ đã vay của các doanh
nghiệp mà Bộ tài chánh gọi là “nợ khó đòi”.
Trong số 1,5 triệu tỷ đồng nợ tính đến 2014 (tương đương 68 tỷ Mỹ
Kim) thì nợ khó đòi là 13.570 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, đứng đầu nợ khó
đòi là những tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn dầu khí 3.113 tỷ đồng,
Tập đoàn bưu chính viễn thông là 1.807 tỷ đồng, Tập đoàn viễn thông quân
đội là 616 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp xi măng là 613 tỷ đồng.
Tập đoàn than khoáng sản là 608 tỷ đồng.
Tổng cộng có 28 Tập đoàn và Tổng công ty ở trong tình trạng nợ nần
chồng chất và hệ số nợ vượt cao hơn ngưỡng cửa an toàn, lên tới hơn 48
lần như Tổng công ty phát thanh truyền hình thông tin (tỷ lệ nợ phải
trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 48,27 lần), nhưng vẫn tiếp tục được nhà nước
bơm tiền để sống… lây lất dưới định hướng xã hội chủ nghĩa.
Do tình trạng nợ nần chồng chất và không thể trả nổi, mới đây Bộ tài
chánh lại đề nghị xóa nợ cho các doanh nghiệp nhà nước lên đến 1.000 tỷ
đồng. Nói một cách khác là nhà nước đành phải biếu không 1.000 tỷ đồng
cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.
Nợ của bộ máy đảng, chính quyền
Không thu được nợ thì làm sao mà thu được thuế từ các doanh nghiệp
nhà nước, nên bộ máy hành chánh đã rơi vào tình trạng hết tiền hoạt động
là chuyện đương nhiên.
Ngày 23/10 tại phiên thảo luận Tổ ở quốc hội về tình hình kinh tế -
xã hội, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo động rằng
ngân sách hoạt động của chính phủ chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng.
Theo ông Bùi Quang Vinh thì ngân sách nhà nước năm 2015 là 255.750 tỷ
đồng, nhưng trong đó chi cho ngân sách địa phương là 131.500 tỷ đồng.
Ngân sách trung ương còn lại là 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài
và các khoản chi khác thì còn 45.000 tỷ đồng.
Với một bộ máy hành chánh cồng kềnh nuôi non 1 triệu công chức ở các
cơ quan trung ương mà chỉ còn 45.000 tỷ đồng (tương đương với 2 tỷ Mỹ
Kim) để hoạt động, đủ thấy là các cơ quan hành chánh cãi vã nhau như
Thành ủy Bạc Liêu là chuyện thường tình.
Tuy nhiên việc thiếu tiền đã trở nên báo động vào những tháng cuối
năm 2015 vì có hai khoản chi phụ trội là tổ chức các buổi lễ kỷ niệm cái
gọi là 40 năm chiến thắng miền Nam Việt Nam và đại hội đảng bộ các cấp,
để bầu đại biểu tham dự đại hội đảng XII dự trù diễn ra vào tháng
1/2016.
Đây là hai dịp mà cán bộ các cấp sẽ vung tay tiêu tiền dưới nhiều
danh mục như tiệc chiêu đãi lãnh đạo cấp trên, chiêu đãi các đại biểu về
dự đại hội, tiền di chuyển và nhất là tiền “cảm ơn” những cựu cán bộ đã
chịu…. về hưu. Có nơi còn tổ chức cho cán bộ sắp về hưu du lịch Canada
để gọi là đi học cách xổ số vân, vân…
Mặc dù hết tiền ở cả Trung ương lẫn địa phương; nhưng các cơ quan
hành chánh đảng và nhà nước vẫn phải “hoạt động” nên họ thi đua nhau vay
nợ dưới các hình thức vay tín dụng ưu đãi, vay kho bạc nhà nước, kể cả
việc nhờ chính phủ bảo lãnh để vay qua ODA.
Vì thế, tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng không chỉ đến từ doanh
nghiệp nhà nước mà đến từ những cơ quan hành chánh địa phương tiêu xài
phung phí; nhưng không có khả năng trả nợ.
Lý do dễ hiểu là vì muốn các địa phương phải quy phục trung ương nên
Bộ chính trị đã dành nhiều dễ dàng cho địa phương vay tiền, nhất là vay
từ kho bạc nhà nước.
Theo bản tin của Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng hàng hải
(Maritime Bank) đưa ra vào sáng 23/11 cho thấy là nếu 5 tuần tiếp theo
(thời gian còn lại của năm 2015) mà kho bạc nhà nước vẫn phát hành như
tuần trước thêm 35.000 tỷ đồng thì sẽ đưa tổng mức tiền in ra của năm
2015 lên đến 210.000 tỷ đồng, vượt qua tổng lượng phát hành năm ngoái.
Ngoài việc cho kho bạc in thêm tiền, nhà cầm quyền CSVN còn phát hành
trái phiếu bán thị trường vốn quốc tế lên đến 3 tỷ Mỹ Kim để cơ cấu lại
nợ trong nước.
Kẽ hở của nạn tham ô
Nhìn vào những con số nợ của các doanh nghiệp lên hàng triệu tỷ đồng
thì nợ nần của các cơ quan đảng không thấm vào đâu. Tuy nhiên hình ảnh
này cho thấy là lãnh đạo các ban ngành từ kinh tế, thương mại cho đến
hành chánh đều tiêu xài một cách vô tội vạ, vì có sẵn kho bạc in thêm
tiền để đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của địa phương.
Đây là kẽ hở phát sinh ra nạn tham ô cửa quyền - mà CSVN tuy đã nhận
dạng - nhưng không bao giờ có thể tận diệt, vì con vi khuẩn tham ô này
được bộ chính trị nuôi dưỡng để phục vụ cho quyền lực tập trung của
trung ương.
In thêm tiền hay mượn thêm nợ để tiêu là một hành vi “tự sát” trên
đường dài vì sẽ tạo ra những khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Từ lạm
phát, mất giá trị đồng tiền, các nhà đầu tư và nhân tài bỏ chạy khỏi
nước để thoát thân, tới giá hàng nhập cảng tăng vọt khiến sản xuất đình
trệ khi Việt Nam hiện nay đang phải dựa rất nhiều vào nguyên vật liệu
nhập cảng để sản xuất; các thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ è cổ trả nợ.
Trong hoàn cảnh này, chỉ có một thiểu số đặc quyền, đặc lợi tiếp tục
sống phè phỡn, giàu có trong khi cả nước đưa nhau “xuống hố” theo đúng
quy luật chủ nghĩa xã hội.
Trung Điền
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét