Vũ Thạch
Chẳng cần phải chờ lâu. Ngay khi rời Việt Nam sang Singapore, những
tuyên bố vỗ về của Tập Cận Bình tại Hà Nội đã mất ngay tất cả giá trị. Ý
đồ xâm lược và chiếm trọn Biển Đông của Bắc Kinh không hề thay đổi.
Chính vì vậy mà những bài học từ tuần lễ "No Xi" vừa qua cần được rút
tỉa để dùng trong tương lai.
Trước tiên lần phản đối này có rất nhiều cách làm hay, mới lạ, và hiệu quả. Xin được liệt kê từ nhỏ đến lớn như sau:
- Việc thanh niên giơ cao tối đa các biểu ngữ rất hay. Khi côn an,
an ninh phải nhẩy lên giật bảng, cảnh này trong các bức hình để lại
nhiều ý nghĩa và tác động. Nó cho thấy sự xấu hổ muốn che giấu của giới
lãnh đạo tới mức nào. Nếu cần, trong tương lai, những tham dự viên không
cao lắm có thể gắn thêm 2 que nhỏ để giơ các bản phản đối cao hơn nữa.
- Cũng vậy, việc tiếp tục giơ cao những tấm biểu ngữ, những tờ giấy
đã bị giật rách một phần cũng tạo ấn tượng đặc biệt trong các bức hình
chụp được. Nó vừa nói lên quyết tâm không lùi bước của người dân, vừa
cho cả thế giới thấy sự thật về quyền tự do ngôn luận và thực tế côn an
bạo hành tại Việt Nam.
- Các đoàn biểu tình đi hàng dài đã quan tâm đủ về vận tốc để không
ai đi chậm bị rớt lại phía sau. Côn an thường tỉa dần những người đi
cuối.
- Những anh chị em xướng các câu hô đã luân phiên nhau để dưỡng
giọng cho đường dài. Tuy nhiên, nếu đồng ý trước mỗi người xướng đúng 5
lần thôi rồi người khác nối tiếp thì sẽ tránh được hiện tượng "đụng
hàng".
- Chúng ta cũng đã rất thành công trong sự tự chế, hoãn các tranh
cãi do đụng chạm nhỏ để tập trung lo việc lớn trước. Đây là nỗ lực không
nhỏ và rất đáng ngưỡng phục nơi các anh chị em liên hệ, những người đã
đặt lợi ích chung lên trên cá nhân mình.
- Việc phân công chụp hình, quay phim đã trở nên rất chuyên nghiệp
từ nhiều góc cạnh và độ cao khác nhau. Tuy nhiên, các hình chụp được mặt
mũi (chụp gần) những tên côn an bạo hành người biểu tình còn khá ít.
Nếu có được nhiều hình loại này, chúng ta có thể đưa lên mạng để bà con
đóng góp dữ kiện lý lịch, số điện thoại, điạ chỉ, tên cha mẹ vợ con, ...
của những tên này. Những dữ kiện đó giúp các bước kế tiếp, như kêu gọi
tẩy chay những quán ăn, tiệm buôn bán của gia đình các tên ác ôn; hay
ngay cả biểu tình trước các nhà đó để kêu gọi gia đình can ngăn những
đứa con ác ôn, v.v.
- Việc kéo nhau đến các đồn công an đòi người tự nó đã hay rồi,
nhưng sáng kiến biến những nơi đó thành địa điểm biểu tình luôn lại càng
đặc sắc.
- v.v...
Nhưng giữa những thành quả đó, vẫn có một số tiếng thở dài: "Sao dân
chúng còn ít người tham gia quá. Nhìn đi nhìn lại vẫn chỉ những khuôn
mặt kiên cường của mấy năm qua". Đó là sự thật và sự thật đó càng khó
hiểu khi rõ ràng dân chúng ai cũng quá chán ngán tình trạng hiện nay
rồi. Nếu nhìn kinh nghiệm của những dân tộc đã đi qua giai đoạn tương
tự, ta có thể tìm được câu trả lời. Đó là "người dân theo không kịp".
Nói cách khác, những nhà hoạt động phải nghĩ cách làm sao để tạo cho
được những việc dễ hơn, những bước nhỏ hơn trong mọi lãnh vực thì mới có
thể mở rộng được vòng người tham gia. Cụ thể như nỗ lực biểu tình trong
tuần lễ No-Xi. Ta đã làm gì và cần cải tiến ra sao để thu hút thêm
người tham gia?
Cách thức chính hiện nay là: Bất kể bạo quyền dồn quân cỡ nào vào các
địa điểm lớn, phía ta nhất định vẫn chọn những nơi đó làm điểm tập
trung biểu tình và chấp nhận bị bạo hành. Hiển nhiên cách này có những
ưu điểm riêng của nó, như tận dụng được ý nghĩa của địa điểm (phản đối
TQ ngay trước sứ quán TQ), tạo tiếng vang lớn nếu thực hiện được, cũng
như cho thấy người dân không sợ, sẵn sàng đối đầu với bạo quyền, v.v.
Nhưng cùng lúc, cách này có 2 nhược điểm lớn:
(1) Ta không tận dụng được ưu thế của phía công đối với phía thủ. Bạo
quyền phải rải quân phòng thủ, bị dính chặt vào một số địa điểm, trong
khi ta có toàn quyền lựa chọn nơi nào đối phương yếu nhất để tập trung.
(2) Ta khó có thể gia tăng số người tham gia, tức không xây dựng được
số đông, vì bà con thấy các cảnh bị bạo hành và vì họ không thể bỏ công
ăn việc làm gần cả ngày trời để dồn về điểm tập trung biểu tình. Và khi
không có số đông, chúng ta KHÔNG THỂ ứng dụng những chiến thuật Đấu
tranh Bất bạo động, kể cả các cách dùng số đông chận đứng sự bạo hành
của côn an.
Đã đến lúc chúng ta thử xem xét một hướng linh động hơn: Bạo quyền tập trung - Ta trải mỏng. Bạo quyền trải mỏng - Ta tập trung.
Một số anh chị em tại Hà Nội đã khởi động phần đầu của công thức này
bằng kiểu "biểu tình mini", "biểu tình du kích" - từng nhóm từ 10 đến 20
người biểu tình ngay tại khu dân cư. Cách này có những lợi điểm:
- Ta không cần phải công bố trước ngày giờ và địa điểm. Chỉ cần báo
nhanh cho khoảng chục người ngay trước lúc thực hiện là đủ. Bà con trong
cùng khu phố sẽ nhập vào khi thấy đoàn người khởi động chứ không cần
biết trước.
- Người chung quanh thấy đủ dễ để tham gia vì chỉ biểu tình vài chục
phút chứ không mất cả ngày làm ăn kiếm sống, và đủ an toàn để tham gia
vì côn an không thể kéo tới kịp.
- Khi nhìn đoàn biểu tình đi qua, bà con nói chung bắt đầu biết tới
và bàn tới quốc nạn này, một điều mà sự bận rộn hàng ngày không cho phép
họ tự tìm hiểu hay đi đến các nơi biểu tình tập trung lớn.
- Khi hình ảnh các cuộc biểu tình du kích tưởng như đơn lẻ này được
tập trung trên mạng, chúng trở thành một phần của chiến dịch biểu tình
trên cả nước. Nơi nào cũng có.
- Các cuộc biểu tình nhỏ cũng có tác dụng thăm dò tình hình, để bất
kỳ lúc nào có điều kiện, có thể tập trung lại thành cuộc biểu tình lớn.
- Loại biểu tình nhiều nơi cũng giúp giải tỏa bớt áp lực cho nhau.
Bạo quyền phải đoán đâu là nơi chính, đâu là nhóm chính, v.v.
Cùng lúc với sự vui mừng về những thành quả đạt được trong đợt phản
đối Tập Cận Bình vừa qua, có lẽ ngay bây giờ là lúc tốt nhất để bắt đầu
hoạch định cho các đợt biểu tình kế tiếp vì chủ quyền đất nước và tương
lai dân tộc.
Nguồn: FB Radio Chân Trời Mới
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét