2015/11/08

Về chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình

Radio Chân Trời Mới


Radio Chân Trời Mới (Thanh Thảo): Từ khi biết tin ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư kiêm chủ tịch đảng cộng sản Trung quốc sẽ viếng thăm Việt Nam trong 2 ngày 5 và 6 tháng 11/2015, người dân Việt Nam đã vô cùng bất bình và tạo nên một làn sóng phản đối dưới nhiều hình thức.

Trước sự hung hãn trong âm mưu bành trướng trên biển Đông của lãnh đạo Bắc Kinh, hơn lúc nào hết người dân Việt Nam nghi ngờ mục tiêu của chuyến viếng thăm Việt Nam lần này của Tập Cận Bình, đặc biệt là phần phát biểu của họ Tập tại quốc hội. Kết quả cuộc viếng thăm này ra sao, người dân Việt Nam đã thể hiện được những gì qua các cuộc biểu tình phản đối Tập cận Bình trong những ngày vừa qua? Để tìm hiểu vấn đề này, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

Thanh Thảo: Trước hết xin ông tóm lược kết quả cuộc viếng thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình trong hai ngày 5 và 6 tháng 11 vừa qua, đặc biệt là bài diễn văn của Tập Cận Bình trước quốc hội Việt Nam có giá trị như thế nào?

Lý Thái Hùng: Chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình lần này khá ngắn. Tuy lịch trình sắp xếp trong 2 ngày 5 và 6, nhưng nếu cô đọng các diễn tiến thì trong thực tế chỉ diễn ra khoảng một ngày. Điều này cho thấy là chuyến đi của ông Tập Cận Bình không phải là chuyến đi thăm viếng hữu nghị mà là chuyến đi nhằm tạo ấn tượng với dư luận rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội vẫn không thay đổi kể từ khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981 vào tháng 5/2014.

Chính vì muốn tạo ấn tượng nên lần này CSVN đã sắp xếp để Tập Cận Bình đăng đàn phát biểu ở Quốc Hội vào chiều ngày 6 tháng 11, trước khi rời Việt Nam sang Singapore.

Bài phát biểu của Tập Cận Bình không có gì mới ngoài những ca tụng sự tình hữu nghị lâu đời giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng nếu để ý, Tập Cận Bình đã đưa ra một thông điệp cho Hà Nội là phải kiên định ‘tình huynh đệ’ giữa hai nước, để đối phó cái mà họ Tập gọi là âm mưu đang tìm cách tách Việt Nam ra khỏi Trung Quốc.

Và để nhấn mạnh cho nhu cầu này, họ Tập đã nhắn nhủ CSVN ba yêu cầu:

Thứ nhất là hai bên phải là đồng chí tốt có thể tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau.

Thứ hai, hai bên phải trở thành những đối tác tốt trong mối quan hệ hợp tác cùng có lợi.

Thứ ba là hai phía cần trở thành láng giềng tốt, quan hệ hữu hảo thân tình.

Qua nội dung này cho thấy Bắc Kinh đang rất lo ngại về sự kiện CSVN muốn chuyển trục từ Trung sang Mỹ do chính tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông.

Thanh Thảo: Theo ông thì chuyến viếng thăm này có mang lại những thay đổi gì trong mối tương quan Việt Trung trong thời gian tới hay không, nhất là vấn đề tranh chấp biển Đông?

Lý Thái Hùng: Trong thảo luận giữa Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình và trong Thông cáo chung giữa hai nước đều có đề cập đến vấn đề biển Đông, nhưng không có gì mới. Nói cách khác là vấn đề biển Đông được đề cập trong các trao đổi cấp cao chỉ là để thỏa mãn sự chú ý của dư luận bên ngoài hơn là tìm kiếm những biện pháp giải quyết.

Ngay cả phía CSVN có đưa ra yêu cầu Bắc Kinh không quân sự hóa biển Đông sau vụ bồi đắp các đảo nhân tạo; nhưng yêu cầu này của Hà Nội đã không những không được Tập Cận Bình đáp ứng mà ngay sau khi rời Việt Nam đến Singapore, Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng các hòn đảo ở biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quồc từ thời cổ đại.

Những động thái của Bắc Kinh nói trên cho thấy là họ đã coi thường những thảo luận về biển Đông.

Thanh Thảo: Cũng trong thời gian Tập Cận Bình đến Việt Nam lại có chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani từ ngày 4 - 7/11. Điều này có mang ý nghĩa gì đặc biệt về mối tương quan giữa Nhật, Trung Quốc với Việt Nam hay không thưa ông?

Lý Thái Hùng: Dân biểu Gen Nakataki, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản viếng thăm Hà Nội trong các ngày 4-7 tháng 11 có hai nội dung chính:

Thứ nhất là xúc tiến những hợp tác an ninh quốc phòng giữa Nhật và CSVN sau chuyến viếng thăm Nhật Bản hồi tháng 9 của ông Nguyễn Phú Trọng. Cụ thể hơn là Nhật Bản sẽ viện trợ và huấn luyện tuần tra trên biển cho lực lượng cảnh sát biển CSVN. Thay vào đó, Hà Nội đồng ý để cho lực lượng tự vệ Nhật được sử dụng căn cứ Cam Ranh cho nhu cầu tiếp tế nhiên liệu và lương thực khi mà Nhật Bản đưa tàu tuần tra trên biển Đông với Hoa Kỳ.

Thứ hai là tìm sự ủng hộ của CSVN trong việc thông qua ba đạo luật về an ninh mà quốc hội Nhật đã thông qua và nhất là việc tu sửa điều 9 Hiến pháp Nhật, đang gây nhiều tranh cãi tại Nhật vả sự chống đối mạnh mẽ từ Nam Hàn và Trung Quốc.

Trong buổi gặp gỡ Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakataki, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đề cập đến vai trò gìn giữ hòa bình của Nhật Bản trong khu vực, nhất là việc tham gia tuần tra để bảo vệ an ninh an toàn tự do hàng hải trên biển Đông mà không nhắc gì đến vấn đề sửa đổi điều 9.

Đối với Thủ tướng Abe, việc một số quốc gia Á Châu lên tiếng hỗ trợ việc sửa điều 9 rất cần thiết để tạo sự xoay chuyển quan điểm của thành phần chống đối ở bên trong nước Nhật. Nhưng cho đến nay, CSVN tìm cách tránh né không lên tiếng ủng hộ công khai vì ngại Trung Quốc khó chịu.

Do đó quan hệ tay ba giữa CSVN – Trung Quốc – Nhật Bản/Hoa Kỳ phải nói là vẫn còn chứa đựng nhiều ẩn số phức tạp, lý do dễ hiểu là Hà Nội chưa dám đứng thẳng người để nói ‘không’ với Trung Quốc.

Thanh Thảo: Nhìn về phản ứng của người dân Việt Nam, một thống kê trên mạng cho thấy hơn 80% đều phản đối việc Tập Cận Bình đến Việt Nam trong lúc này. Ngoài những khẩu hiệu, những hình ảnh phản đối rất đa dạng trên mạng internet, chúng ta thấy đã có nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã được tổ chức tại Hà Nội, Sài Gòn rất sớm khởi đi từ ngày 3/11. Thoạt nhìn, có vẻ như lãnh đạo CSVN tán thành và để cho các cuộc biểu tình này diễn ra tốt đẹp, nhưng cuối cùng đến ngày 5/11 thì công an cũng ra tay đàn áp rất thô bạo, đánh dân đổ máu, bắt giữ người qua đêm. Ông nhận định thế nào về sức phản kháng của người dân Việt Nam qua các cuộc biểu dương lần này thưa ông?

Lý Thái Hùng: Cuộc biểu tình phản đối CSVN trải thảm đỏ đón tiếp Tập Cận Bình diễn ra trước và trong ngày 5 tháng 11 vừa qua là một nỗ lực tự phát của nhiều người. CSVN khó có thể ngăn chận hay đàn áp trước khi Tập Cận Bình đến Việt Nam, vì thế mà nhiều người nghĩ rằng Hà Nội đã «cho phép» vì không thấy công an ngăn chận hay bắt giữ một số người.

Đây là một thủ thuật của CSVN khi họ không ra tay đàn áp, vì không muốn dư luận công kích làm loãng chuyến viếng thăm Hà Nội của Tập Cận Bình. Nhưng chỉ trong vòng vài tiếng sau khi họ Tập đặt chân đến Việt Nam, thay vì chỉ ngăn chận, CSVN đã tung ra cuộc đàn áp rất thô bạo.

Mục tiêu của CSVN trong vụ khủng bố thô bạo này là muốn chứng tỏ sự trung thành với quan thầy rằng những ai phản đối biển Đông đều bị đàn áp và bắt giữ.

Do đó qua vụ biểu tình và đàn áp vừa qua, chúng ta thấy rằng đừng chờ đợi CSVN thoát khỏi nanh vuốt của Trung Quốc, và biển Đông mãi mãi bị Bắc Kinh chiếm đóng khi mà Việt Nam chưa thoát khỏi ách độc tài Cộng sản Việt Nam.

Thanh Thảo: Xin cám ơn ông Lý Thái Hùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét