2015/11/24

Những vụ giết người chưa có câu trả lời: một trận chiến Việt Nam vẫn còn chiến đấu ở quốc gia này

Giám sát viên Michael Getler của PBS.

Giám sát viên Michael Getler của PBS vừa cho đăng bài viết nói trên trong trang Blog của PBS.

19/11/2015

Vào ngày 3 tháng Mười Một, loạt phóng sự điều tra được kính trọng của Frontline thuộc PBS, cùng với ProPublica - một tổ chức điều tra độc lập từng thắng nhiều giải thưởng, đã trình chiếu một phóng sự dài một tiếng đồng hồ mang tựa đề “Khủng Bố tại Little Saigon”, và được kèm theo nhiều dữ liệu trên mạng.

Chương trình xem xét lại các vụ sát hại, trong khoảng 1981 đến 1990, năm ký giả người Mỹ gốc Việt làm việc cho các tờ báo nhỏ tiếng Việt tại California, Texas và Virginia phục vụ cho các cộng đồng người tỵ nạn đến quốc gia này sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975. Không có vụ giết hại nào bị truy tố hay được giải quyết.

Và, như Frontline và ProPublica trình bày trong thông cáo báo chí, có “một mẫu số chung: nhiều tờ báo đó đã chỉ trích một tổ chức chống cộng nổi tiếng mang tên Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam hay “Mặt Trận” – mà mục tiêu tối hậu là khởi động lại cuộc chiến Việt Nam.” Chương trình đặt câu hỏi, và tìm cách trả lời: “Ai chịu trách nhiệm cho tình trạng khủng bố - và tại sao câu hỏi đó không được trả lời trong một thời gian dài?”

Ý chính của câu trả lời cung cấp bởi ký giả A.C. Thompson, cũng là người tường thuật phóng sự và, cùng với đạo diễn Richard Rowley, bỏ ra hai năm để điều tra lại các vụ việc này, là, như Thompson trình bày trong phóng sự: “… đến đây, tôi đã xem đủ tài liệu và phỏng vấn đủ các cựu thành viên của Mặt Trận để biết là tổ chức này có một đội sát thủ” mà ông ấy tường thuật, có tên gọi là “K-9.”

Theo dòng phóng sự, Thompson kể lại cách làm việc lơ là hay tệ hơn của cảnh sát địa phương và sự sợ hãi trong cộng đồng người Việt tỵ nạn là những yếu tố để ngăn chận việc kết án. Nhưng ông ấy còn kể về cuộc điều tra của FBI mà theo ông hồ sơ “tiết lộ một thời kỳ khủng bố trên toàn quốc - bảy vụ giết người và hàng chục vụ bạo hành, nhiều vụ nhắm vào các ký giả chỉ trích Mặt Trận.” Tuy nhiên công tố viên không thể truy tố được vụ nào và FBI đóng lại cuộc điều tra vào cuối thập niên 90.
Chương trình này còn có nhiều hơn nữa, kể cả một mối liên hệ gợi nhiều lưu ý giữa một cựu lãnh đạo Mặt Trận và một cựu viên chức có tiếng tăm của chính phủ Hoa Kỳ.

Chương trình này, không ngạc nhiên lắm, đã gây sôi nổi trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt và đưa đến hai quan điểm trái ngược nhau trong các cộng đồng người Việt địa phương ở quốc gia này và có hai kiến nghị đụng độ nhau trên trang web Change.org, nơi lưu trữ các chiến dịch kiến nghị.

Mở lại cuộc điều tra

Một kiến nghị, với hơn 500 chữ ký cho đến nay, trưng dẫn tài liệu mới của PBS và một bản tường trình trước đây vào năm 1994 của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (Committee to Protect Journalists), kêu gọi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ mở lại cuộc điều tra.

Kiến nghị cho là, phần nào: “… cái chết của họ dường như là ám sát chính trị mà nhiều phần được lưu ý nhiều hơn nếu nạn nhân là thành viên của giới truyền thông luồng chính. Rất tiếc nhưng cũng không ngạc nhiên, là cuộc điều tra của cảnh sát bị cản trở bởi thiếu sự hợp tác từ cộng đồng tỵ nạn vì sợ bị trả thù, bất đồng ngôn ngữ và sự thiếu tin tưởng nói chung vào chính quyền. Khi thiếu manh mối cụ thể và chứng cớ kết án, các hồ sơ này cuối cùng bị đóng lại và vẫn thế cho đến ngày hôm nay.
“Theo thời gian số nhân chứng đáng tin chỉ có giảm dần. Do đó, điều quan trọng là Bộ phải hành động nhanh chóng. Cộng đồng hải ngoại ngày hôm nay rất khác xa thời thập niên 90. Người di dân Việt Nam đã hội nhập vững chắc vào xã hội luồng chính; thái độ của họ đối với luật pháp và tự do báo chí đã trưởng thành đáng kể.”

Không, thay vào đó Điều tra Frontline và ProPublica

Kiến nghị lớn hơn, có hơn 1,900 chữ ký cho đến nay và kêu gọi giám sát viên điều tra, rất bất bình với cách làm phóng sự của chương trình. Kiến nghị dựa vào bản lên tiếng của Việt Tân, hay Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, một tổ chức chính trị “được sáng lập bởi nhiều thành viên nguyên thủy của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, tổ chức mà FBI tình nghi là đứng sau các vụ sát hại,” theo tường thuật của báo OC Weekly và theo sự xác nhận của chương trình phóng sự.

Tiếp theo đây là tóm gọn những điểm chính mà Việt Tân đặt vấn đề và phản hồi của Frontline/ProPublica. Bấm vào các đường dẫn để xem toàn bộ văn bản. Ý kiến của tôi nằm dưới cùng của bài đăng tải rất dài này.

Lời than phiền, phần nào, từ Duy Hoàng, phát ngôn nhân Việt Tân

Tôi ghi nhận nỗ lực đáng quí của nhóm tường thuật để soi rọi những vụ sát hại ký giả người Mỹ gốc Việt chưa tìm ra hung thủ. Nhưng quý vị không thể giải quyết một sự việc bất công – tức sự sát hại không thể tha thứ các ký giả trong thập niên 1980 - bằng cách tạo ra một bất công khác. Khi viết chỉ để tạo sản phẩm hấp dẫn, dòng nội dung của phóng sự điều tra này có vấn đề…. “Mặt Trận” (cũng được gọi là "the Front" trong chương trình) không hề có chính sách dùng bạo lực để bịt miệng những người chỉ trích. Tổ chức chúng tôi không bao giờ có một đội sát thủ hay một danh sách ám sát. Mặt Trận được thành lập từ sự kết hợp của nhiều nhóm người Việt trong cộng đồng hải ngoại và tại Việt Nam… Mục tiêu của Mặt Trận là huy động người dân Việt Nam vào một cuộc đấu tranh quần chúng để có tự do chính trị… Phóng sự điều tra này được xây trên toàn những giả thuyết và trình bày méo mó.

Dựa vào lời đồn đãi và cái gọi là chứng cớ mới

Tài liệu quảng cáo bảo rằng có năm cựu thành viên Mặt Trận ám chỉ tổ chức này liên can đến vụ sát hại. Nhưng trong số năm người được phỏng vấn, người duy nhất bảo rằng Mặt Trận có dính đến việc sát hại lại là một nguồn ẩn danh… Phóng sự sau đó rút kết luận từ bốn nguồn khác, đưa lời đồn ra như dữ kiện.

Ông Nguyễn Đăng Khoa tuyên bố rõ trước ống kính là ông không biết gì về K-9. Lời phủ nhận được nghe rõ bằng tiếng Việt nhưng không dịch ra trên màn hình.

Ông Trần Văn Bé Tư chỉ tham gia Mặt Trận một thời gian ngắn và bị trục xuất năm 1984 vì quan điểm của ông quá cực đoan. Các câu trả lời của ông về K-9 là những tuyên bố vô căn cứ của một người chưa hề thuộc về K-9. Thompson hỏi ông ta: “Gia đình Đạm Phong nghĩ là Đạm Phong vì chỉ trích Mặt Trận thế mà bị giết. Điều đó có chính xác đối với ông không?” Câu trả lời của Trần Văn Bé Tư là một lời đồn: “Tôi nghe như thế.”

Ông “Johnny” Nguyễn Văn Xung liên tục khẳng định ông ta không biết gì về việc Mặt Trận dính líu đến việc sát hại những người chỉ trích.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã nhiều lần phủ nhận lời cáo buộc về bạo hành bất kể nỗ lực của A.C. Thompson cố “dí ông” qua nhiều giờ phỏng vấn. Ấn bản trên web bảo rằng ông Nghĩa, phát biểu khi không quay phim, có biết những cá nhân trong Mặt Trận nghĩ đến chuyện dùng bạo lực. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã lên tiếng sau đó rằng lời ông đã bị kể lại sai lệch.

Phóng sự cho rằng Mặt Trận đeo đuổi một chính sách dùng bạo lực chống lại giới chỉ trích, nhưng họ chẳng tìm ra hay trưng ra tài liệu nào của Mặt Trận ra lệnh tấn công như vậy.

Ấn bản trên web nói rằng các điều tra viên “tin là Mặt Trận đã gửi ra những bản thông báo nhận trách nhiệm về các vụ phạm pháp.” Nhưng bản “thông báo” duy nhất được ký bởi một nhóm khác, gọi là VOECRN. Phóng sự cũng nói rằng FBI “đặt giả thuyết” có thể có mối liên hệ giữa VOECRN và Mặt Trận. Nhưng nhóm tường thuật dù không có chứng cớ gì vẫn chấp nhận giả thuyết đó như một dữ kiện thật. Cả phóng sự này lẫn FBI đều không có bằng chứng gì về Mặt Trận vi phạm các tội này

Thực tế về đơn vị K-9

Phóng sự cho rằng Mặt Trận điều hành một đội ám sát, bao gồm thành viên từ mỗi phân bộ. Nhưng lại không trưng dẫn một chứng cớ, tài liệu, mệnh lệnh, hoặc dữ kiện nào để minh chứng cho cáo buộc này. Ông Thompson dường như không hiểu hoặc cố tình lờ đi nguồn gốc của tên gọi K-9, để tự khán giả tự liên tưởng đến các ý nghĩa nặng nề của từ này trong tiếng Anh

Cốt chuyện đã định trước của phóng sự này

Cốt chuyện sai lạc này dám tự tin bảo rằng “Mục tiêu tối hậu của Mặt Trận là khởi động lại cuộc chiến tranh Việt Nam.” Trong phóng sự, những người Việt yêu nước bị đẩy lùi thành những cựu chiến binh đầy thù hận chỉ muốn kiếm lại địa vị xã hội đã mất. Đây là sự bóp méo trắng trợn về động cơ của rất nhiều nhà hoạt động. Lối mô tả đầy khinh thường về người Mỹ gốc Việt tràn lan khắp phóng sự và tạo hình ảnh ác ôn về những người mưu tìm tự do cho Việt Nam.

Cốt chuyện này càng đầy gượng ép nếu nhìn kỹ trường hợp đầu tiên của năm ký giả bị sát hại, ông Dương Trọng Lâm bị giết vào tháng 7 năm 1981. Mặt Trận chưa hoạt động tại Hoa Kỳ cho đến năm 1982. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa – một “lãnh đạo thượng tầng” của Mặt Trận xuất hiện trong phóng sự – phủ nhận những cáo buộc về sát hại. Vậy mà A.C. Thompson vẫn thuật lại: “Khó mà cột ông Nghĩa vào điểm nào, nhưng đến lúc này thì tôi đã thấy đủ tài liệu và phỏng vấn đủ các cựu thành viên Mặt Trận để biết tổ chức này có một đội ám sát.”

Phóng sự điều tra này không tìm được công lý cho những ký giả Mỹ gốc Việt bị sát hại trong thập niên 1980. Điều mà phóng sự đã làm là thoả mãn một cốt chuyện đã định sẵn rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt bị khủng bố bởi những người chống cộng cực đoan. Đó không phải là cái cộng đồng mà nhiều người Mỹ gốc Việt còn nhớ. Hình ảnh châm biếm này mang tính sỉ nhục đối với cộng đồng chúng tôi, cùng lúc lại tiếp tay loan tải sai lạc về cái gọi là “dấu vết khủng bố” để ám chỉ một tổ chức chống cộng mạnh của thời đó.

Trong một đoạn phim đăng trên kênh Youtube của ProPublica, chính A.C. Thompson kết luận: “Tất cả những vụ án mạng này vẫn chưa ngã ngũ, dù đã 30 năm rồi. Chúng tôi không biết chắc ai là thủ phạm.” Mặc dù chính Thompson nhìn nhận như thế, quý vị vẫn cho phát đi phóng sự và đăng tải một bài viết chứa đựng những quy kết trách nhiệm trực tiếp đối với việc sát hại năm ký giả người Mỹ gốc Việt.

FRONTLINE và ProPublica trả lời

Cuốn phim của FRONTLINE, Khủng Bố tại Little Saigon, và bài báo đính kèm của ProPublica, quay trở lại một giai đoạn đau đớn kinh qua của người Mỹ gốc Việt. Từ khi phổ biến, chúng tôi được nghe từ nhiều khán giả và độc giả bày tỏ sự tri ân sâu sắc về phóng sự của chúng tôi về cái chết của năm ký giả người Mỹ gốc Việt và sự bạo hành rộng lớn hơn trong cộng đồng tỵ nạn lớn lên tại Hoa Kỳ sau cuộc chiến Việt Nam. Cuốn phim và bài viết cho thấy FBI tin rằng một tổ chức do các cựu sĩ quan quân đội Nam Việt Nam sáng lập, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, có liên hệ đến sự bạo động.

Trong tuần qua, chúng tôi còn được nghe lời phê bình, đặc biệt đến từ một tổ chức hoạt động người Mỹ gốc Việt được gọi là Việt Tân. Việt Tân, mà các sáng lập viên là lãnh đạo của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, đã khẳng định là phóng sự của chúng tôi không chứng minh được mối liên hệ giữa tổ chức họ và sự bạo động, và ở một số khía cạnh khác, sỉ nhục văn hóa đối với người Mỹ gốc Việt. Việt Tân xác nhận là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, thường được gọi là Mặt Trận, là một nhóm chủ trương tạo thay đổi chính trị tại Việt Nam, và họ là đích nhắm của những lời đồn đãi và cáo buộc sai lệch trong nhiều năm.

Tường thuật của ProPublica và FRONTLINE bao gồm việc xem xét chưa từng xảy ra về các điều tra của cảnh sát địa phương và FBI về các vụ sát hại tại California, Texas và Virginia. Hồ sơ cảnh sát và FBI được bảo mật trong nhiều thập niên cho đến khi chúng tôi lấy được qua Đạo Luật Tự Do Thông Tin. Ngày nay quần chúng Hoa Kỳ, kể cả cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể đánh giá về thực chất và thiếu sót của nhiều năm điều tra… Các hồ sơ điều tra đó cho thấy nhân viên FBI được thuyết phục là Mặt Trận đứng sau một chiến dịch giết hại, đốt phá và đánh đập, và hồ sơ cho thấy sự bực tức khó chịu của nhân viên điều tra khi không đêm được thủ phạm ra công lý. Cạnh đó, năm cựu lãnh đạo của tổ chức này kể cho chúng tôi là tổ chức họ điều hành một tổ ám sát để đối phó với những người chỉ trích hay tình nghi là Cộng sản.

Việt Tân đồng thời khẳng định là một hay nhiều cựu thành viên Mặt Trận xuất hiện trong phim và bài viết hoặc là bị trích dẫn sai lệch hoặc như thế nào đó bị trình bày méo mó. Chưa có ai có mặt trong phim hay bài viết liên lạc với chúng tôi để nói như vậy. Việt Tân bảo là một cựu lãnh đạo Mặt Trận, Nguyễn Xuân Nghĩa, bây giờ khẳng quyết là ông ấy không bao giờ nói với phóng viên A. C. Thompson và đạo diễn Richard Rowley, rằng ông ấy có mặt trong một buổi họp với các thành viên Mặt Trận bàn về việc giết một nhà xuất bản báo. Chúng tôi sẵn sàng trả lời trực tiếp ông Nghĩa nếu ông ấy muốn nêu vấn đề phản đối với chúng tôi.

Việt Tân nói rằng Mặt Trận không có một đội ám sát. Tuy nhiên hồ sơ của FBI thì đầy những thảo luận về Mặt Trận và đơn vị, được gọi là K-9 - những thành viên tình nghi và danh sách nạn nhân. Những mục này được lập nên phần nào dựa vào lời kể của các cựu thành viên Mặt Trận. Katherine Tang-Wilcox, một nhân viên FBI đã về hưu từng giúp điều tra Mặt Trận, đã nói thẳng trong phim và bài viết: “K-9 được thành lập như một nhánh ám sát của Mặt Trận.”

… ProPublica và FRONTLINE theo vết phóng sự mà nó dẫn dắt chúng tôi. Nơi mà nó dẫn chúng tôi đến nhiều lần là Mặt Trận. Chúng tôi không bao giờ có ý muốn tạo hình ảnh ác ôn người tỵ nạn Việt Nam, và những gian khổ sâu thẳm họ phải chịu đựng trong cuộc chiến và di tản sau đó. Chúng tôi vạch trần việc làm của kẻ cực đoan, và dữ kiện là dữ kiện: Mặc dầu có thể có những khía cạnh khác của Mặt Trận, nó được lập ra với mục tiêu minh định lật đổ chế độ Cộng sản Hà Nội, và họ gây quỹ tại Hoa Kỳ để thực hiện nỗ lực đó. Họ lập ra một đội quân tạm thời và ba lần tìm cách tiến vào Việt Nam. Một nỗ lực như thế thu hút được những người tỵ nạn chiến tranh phải di tản và bị chấn thương không là điều ngạc nhiên. Điều đó lại phạm luật của Hoa Kỳ.

Điều đáng ghi nhận là chúng tôi bỏ giờ ra sinh hoạt với các cựu chiến binh của quân đội Nam Việt Nam trong lúc làm phóng sự, ở nghĩa trang vào ngày Memorial Day, ở quán cà phê, ở nhà họ, và chúng tôi biết ơn họ đã dành thời giờ cho chúng tôi. Hai phó chủ nhiệm của dự án này là nhà làm phim Tony Nguyễn và Jimmy Tòng Nguyễn, một thông dịch viên và cựu chiến binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, phụ trợ phóng sự giúp chúng tôi hiểu về bối cảnh lịch sử thích hợp và tế nhị văn hóa …

Câu chuyện của những vụ sát hại có động cơ chính trị không được giải quyết và đã bị lãng quên có thể không phải là câu chuyện mà Việt Tân muốn xuất bản trên toàn quốc, và quả thật nó là một chương ác nghiệt, chưa giải quyết trong lịch sử phong phú của một cộng đồng năng động. Nhưng đó là câu chuyện được thuật lại qua chính tài liệu, điều tra viên và phỏng vấn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt… Chúng tôi hy vọng là phóng sự mà chúng tôi thực hiện có thể dẫn đến những đầu mối phanh phui các vụ án lạnh tanh này. Không có thời hạn hủy tiêu cho vụ án giết người, và như bà Tang-Wilcox, nhân viên FBI về hưu, có nói, “Có người nào đó biết ai mang trách nhiệm cho từng hành động này.”

Ý kiến của tôi

Tôi có nhiều ý kiến về chương trình và sự tranh cãi này. Tôi không thể điều tra hay tái tường trình một cuộc điều tra dài hai năm trên nhiều tiểu bang và hai quốc gia. Nhưng, sau khi bỏ khá nhiều thời giờ ra với các dữ liệu trình bày cho khán giả trong phóng sự được trình chiếu, và cũng như với những dữ liệu đính kèm trên mạng, và sau khi đọc những lời phê bình và phản hồi, đặt một số câu hỏi của riêng tôi, và đồng thời liên lạc với một số bạn đồng nghiệp trước đây tại Việt Nam trong khoảng thời gian tôi làm ký giả ở đó năm 1965 và 1972, đây là ý kiến của tôi:

Thứ nhất, đây là một chương trình quan trọng, một việc phục vụ công chúng thật sự để tạo chú ý và rọi đèn trở lại những vụ án nghiêm trọng mà vì một số lý do gì đó, mà chương trình này đã nêu ra thích đáng, đã không được khởi tố. Phóng sự kết thúc với một bản lên tiếng của FBI với Thomspon cho biết rằng sau 15 năm điều tra, FBI và Bộ Tư Pháp kết luận rằng “cho đến giờ không có đủ bằng chứng để đeo đuổi việc truy tố.” Có thể có những yếu tố khác liên quan. Và những vụ sát hại ký giả này rõ ràng là những tội ác chống lại tự do ngôn luận cũng như đối với các cá nhân. Đây cũng là nỗ lực phóng sự kiên trì của ký giả A.C. Thompson.

Yếu tố “Nhưng”

Nhưng, như độc giả của cột báo này đã từng biết, hầu như luôn có một chữ “nhưng” trong cột báo của giám sát viên.

Tôi sẽ suy xét chính yếu nơi đây về chương trình truyền hình bởi vì đó là sự kiện chính; là điều mà người ta xem. Đó là điều mà người ta có phản ứng. Trong số ho có người lên mạng để đọc thêm các dữ liệu hay không thì không thể nào biết được. Dữ liệu trên mạng, được đề cập đến ngắn gọn ở cuối phim phóng sự, có tính bổ sung và có nhiều chi tiết hơn về hồ sơ FBI hơn trong phim chiếu. Một số dữ liệu rất dài. Bài viết đính kèm trên mạng của Thompson, làm thí dụ, là mạch văn chính trên mạng, dài 63 trang.

Tang-Wilcox là chìa khóa

Cảm nhận của tôi là ý chính của phóng sự là chính xác, phần nào đó vì uy tín chất lượng cao và quá trình của Frontline, ProPublica và Thompson.

Nhưng quan trọng hơn - quả thật, tối quan trọng về độ tin cậy – là cuộc phỏng vấn trước ống kính và sự lên tiếng của nhân viên FBI về hưu Katherine Tang-Wilcox. Nếu không có bà Tang-Wilcox, tôi nghĩ là điểm tập trung của phóng sự về cái chết của các ký giả - và những cuộc phỏng vấn trước ống kính với những người được cho là bạn Việt Nam, là kẻ tình nghi, là cựu thành viên Mặt Trận và điềm chỉ viên, cộng với việc Thompson đề cập đến một cựu lãnh đạo cao cấp khác của Mặt Trận mà tên thì không thể tiết lộ nhưng lại “chắc chắn” là K9 giết ký giả tại San Francisco và Houston - thì không thể đứng vững dưới sự duyệt xét phải gặp.

Đây là điều Tang-Wilcox nói khi được hỏi: “K9 được thành lập như nhánh ám sát của Mặt Trận để giải quyết những người hoặc là mối đe dọa cho họ và phong trào chống cộng của họ, hoặc được xem là cộng sản.” Còn đối với VOECRN, bà nói: “Tôi nhiêng về việc tin rằng VOECRN chỉ là tên do lãnh đạo Mặt Trận hay K9 đặt ra để nhận trách nhiệm – cho hành động.”

Bà nói tiếp: “Chúng tôi không bao giờ có đủ thông tin lúc đó bởi vì người ta vẫn còn sợ hãi để xác định ai trong K9. Tôi có suy nghĩ là, đặc biệt với [chủ báo] Nguyễn Đạm Phong tại Houston, có sự tin tưởng dứt khoát là Mặt Trận có trách nhiệm… Không có động cơ nào khác được khai triển, ngoài việc những bài viết mà ông đã đăng tải. Và còn cách sát hại được tiến hành - vỏ đạn được thu lại… Đó là một vụ sám sát.”

Tang-Wilcox nói là bà cảm thấy “rất tiếc là tôi không thể đem kẻ nào đó ra công lý, mang lại kết cuộc… có nhiều điều hơn là việc tôi điều tra các vụ này.” Bà trả lời “đúng vậy” khi được Thompson hỏi, những vụ này nên được mở lại “nếu có thông tin mới được khai triển. Có ai đó biết người trách nhiệm cho từng vụ này.”

Yếu tố Armitage

Một phần khác lôi cuốn của phóng sự dường như đáng được mở lại hay ít nhất là xem xét thêm, là việc người được xem là lãnh tụ của Mặt Trận có căn cứ ở Thái Lan, Hoàng Cơ Minh, và tiết lộ của Thompson là trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ của ông Minh, “một cái tên ngạc nhiên hiện ra, Richard Armiage, [lúc đó] là một viên chức cao cấp của Ngũ Giác Đài” và tài liệu cho thấy “Ngũ Giác Đài yêu cầu đơn nhập tịch của Hoàng Cơ Minh được xúc tiến nhanh.”

Điều thiếu sót mà tôi cảm thấy làm yếu sự trình bày của chương trình này là như sau. Cuộc phỏng vấn với một "người bạn cũ" của nhà xuất bản bị giết có tính cách cáo buộc thì lại ẩn danh. Những người cựu lãnh đạo khác của Mặt Trận thì nói về những vụ giết người này với những điều như :" Tôi không nghe thấy nhưng có người nói với tôi... Tôi không muốn chỉ vào ai...Đó là những điều tôi nghe thấy." Những người khác thì phủ nhận có liên can. Một cựu phóng viên của báo Los Angeles times thì nói " Có một vài điều gần như đồng thuận...có người nghĩ rằng". Tất cả có vẻ tự nhiên cho một cuộc điều tra như loại này, nhưng nó đã không mang thêm sự khả tín cho một câu chuyện không có phân giải ngay từ khởi đầu.

Chưa đến nửa phim phóng sự, Thompson nói, “Nhưng sau nhiều cuộc gặp, một số cựu lãnh đạo Mặt Trận xác nhận điều tinh nghi trong hồ sơ FBI, rằng K9 là đơn vị bí mật mà Mặt Trận dùng để nhắm vào kẻ thù.”

Điều đó ở đâu ra vậy? Dựa vào đâu để bảo rằng các cựu lãnh đạo Mặt Trận xác nhận điều này? Tới điểm đó, những người duy nhất nói điều đó trong phóng sự là “người bạn cũ” ẩn danh và nhân viên FBI về hưu Tang-Wilcox. Ở cuối chương trình, Thompson bảo với người con trai của nhà báo bị sát hại là: “Mặt Trận có một đội sát thủ. Nó có tên là K9. Các thành viên của tổ chức bảo với chúng tôi là K9 giết chết bố anh.” Điều đó có thể đúng, và trong vai trò khán giả đó là điều mà bạn nghĩ là đúng. Nhưng đối với tôi dường như phóng sự không xác định được “các thành viên của tổ chức” đã nói gì trước ống kính.

Thêm câu trả lời

Khi tôi hỏi các nhà làm phim câu hỏi của tôi “điều đó ở đâu ra vậy”, đây là câu trả lời của họ:

“Mặc dầu một số cựu thành viên Mặt Trận được xác định danh tính trong phim và bài viết, như Trần Văn Bé Tư chẳng hạn, chúng tôi đồng ý không làm rõ danh tính đa số các cựu lãnh đạo nói trên; họ sợ là sẽ gây nguy hiểm cho họ cũng như sợ bị truy tố. Chúng tôi biết họ là ai, và thông tin họ cung cấp tương ứng với tài liệu và các phỏng vấn khác. Như chúng tôi đã tường thuật, hồ sơ FBI cho thấy nhiều người bảo rằng K-9 là một đơn vị của Mặt Trận nhắm vào kẻ thù của họ, và cũng như những người được phỏng vấn trong phim và trong bài viết, kể cả Trần Văn Bé Tư và bạn của Đạm Phong. Hồ sơ FBI có chi tiết về các kẻ sát thủ tình nghi trong K-9, những người lãnh đạo có thể của K-9, và nhân viên đề cập đến K-9 như là nhánh vũ lực của Mặt Trận. Chúng tôi đề cập đến các hồ sơ này nhiều lần trong phim và một trong những nhân viên điều tra chính của vụ này, lần đầu tiên lên tiếng công khai, không thể nào nói trực tiếp hơn nữa khi bảo là “K-9 được lập ra như nhánh ám sát của Mặt Trận.”

Hồ sơ FBI

Ghi nhận công của Thompson đã thành công để lấy được hồ sơ FBI qua yêu cầu Đạo Luật Tự Do Thông Tin. Có thấy thoáng qua một số chữ trên màn ảnh nhưng hầu hết là trang trắng hoặc trang bị bôi đen. Trong phim phóng sự có đề cập đến dữ liệu trong hồ sơ FBI. Nhưng dữ liệu đính kèm trên mạng, đặc biệt là bài viết dài của Thompson, thật sự có nhiều chi tiết hơn về các hồ sơ này và tạo ra độ tin cậy hơn cho chủ đề chính của chương trình. Tại sao hầu hết những thứ này không được dùng trong phim có vẻ khó hiểu đối với tôi.

Thompson còn là người tường thuật của chính phóng sự của ông, như thế, có lúc nó mang nét một cuộc chinh phạt cá nhân và xin lỗi, không những cho những người ký giả bị sát hại, “đồng nghiệp của tôi” theo cách nói của ông, nhưng cho luôn cả truyền thông tiếng Anh đã không làm tròn nghĩa vụ với gia đình nạn nhân.

Frontline?

Đây rõ ràng là một cảm nhận sâu sắc nhưng tôi muốn thêm một ý kiến kết thúc về chương trình này và, thật ra, một chương trình Frontline khác được chiếu hồi tháng rồi về những đấu đá trong chuyện di trú tại Quốc Hội. Cả hai chương trình này không phải là những tường trình truyền thống của Frontline. Cả hai được thực hiện với sự cộng tác của một tổ chức khác. Vietnam được làm chung với ProPublica. Chương trình di trú, phim dài hai tiếng, được thực hiện với sự cộng tác của một chương trình PBS khác, Independent Lens (Ống Kính Độc Lập).

Một kết quả là thiếu vặ́ng tiếng nói và vai trò quen thuộc cố hữu của người xướng viên Frontline. Là khán giả lâu năm của Frontline, tôi nghĩ rằng, một người dẫn chuyện không là ký giả Thompson sẽ giúp rõ rệt cho chương trình Việt nam, đặt mọi chuyện vào đúng bối cảnh của nó, với khoảng cách giữa người phóng viên và chủ đề, nêu rõ được những gì thực sự mới mẻ và có thể kiểm chứng khi (lọc lựa) phát hình và trong những chỗ khác nữa, rằng cuộc chinh phạt và góc cạnh chĩa mũi dùi cá nhân sẽ không quá nổi cộm, và một cách nào đó, đã tạo ra lệch lạc.

Trong chương trình di trú, người đạo diễn phim cũng là người tường thuật, và lúc đó trong vai trò khán giả tôi nghĩ cũng không hữu hiệu; việc thuyết minh có vẻ theo tôi không ích lợi như theo hình thức truyền thống của Frontline. Tôi cũng nghĩ là chương trình thiếu kỹ năng trình bày của một chương trình Frontline tiêu biểu, với nhiều cảnh quay bằng tay nhảy giựt, khó theo dõi, quá nhiều trao đổi vụn vặt không dứt của người trong cuộc và nhiều khúc phim quay từ phía sau, của Dân biểu Louis Gutierrez (D-Ill), đang đi trong hành lang quốc hội với các phụ tá.
 
Được đăng lúc 3:58 chiều ngày 19, tháng 11, 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét