2015/11/10

Nguyễn Khắc Mai: Tuyên bố Việt – Trung là rất phản dân, hại nước

Radio Chân Trời Mới - Trần Quang Thành


Chuyến viếng thăm VN trong 2 ngày 5 và 6 tháng 11/2015 vừa qua của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng CS, kiêm chủ tịch nước Trung Hoa đã làm cho dư luận người Việt rất thất vọng, đặc biệt là phần phát biểu của họ Tập tại quốc hội VN và bản tuyên bố chung Việt-Trung.

Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa là đều mà người dân VN muốn nghe, nhưng họ Tập đã không nhắc đến một lời và phía lãnh đạo CSVN cũng như quốc hội đã không dám đề cập tới.

Tuy nhiên vào ngày 7.11.2015, tại Singapore, Tập Cận Bình vẫn một mực khẳng định rằng các hòn đảo ở biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Hoa từ thời cổ đại.

Tập Cận Bình còn xảo ngôn rằng: “Mặc dù một số đảo nhỏ mà Trung hoa có chủ quyền đã bị chiếm đóng bởi những nước khác, Trung hoa vẫn cam kết giải quyết vấn đề bằng đàm phán hòa bình”.
Cho tới nay lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN vẫn im lặng trước phát biểu này của họ Tập tại Singapore.

Bình luận về toàn cảnh sự việc này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã cho phóng viên Trần Quang Thành biết như sau:
 
***
 
Trần Quang Thành: Thưa ông, như vậy ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kết thúc chuyến đi thăm 2 ngày ở Việt Nam.
Trong chuyến đi thăm này ông là người lãnh đạo Trung Quốc thứ hai phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Nhiều đại biểu Quốc hội tiếc là không thấy ông đề cập đến vấn đề Biển Đông. Nhưng khi đến Singapore ông đã tuyên bố Biển Đông tức Biển Nam Trung Hoa đã là của Trung Quốc từ thời xa xưa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đánh giá ra sao về chuyến đi của ông Tập Cận Bình trong 2 ngày qua và tuyên bố của ông tại Singapore?

Nguyễn Khắc Mai: Vấn đề này nó thú vị. Khi ở Việt Nam Tập không dám nói. Nó giấu đi. Nếu nó thò ra cái chủ quyền từ thời tổ tiên, thời cổ đại ở Biển Đông thì sẽ có người phản ứng, Quốc hội sẽ phản ứng. Trong Chính phủ, thậm chí cả trong cái nhóm gọi là thần phục Tàu nó rồi cũng có một vài cái phản ứng để làm le với nhân dân. Thế cho nên lão Tập khôn nhưng mà nó yếu đấy. Chạy khỏi Việt Nam sang Singapore mới nói là bây giờ tôi nói rõ. Nó tuyên bố lại một cái điều nó đã nói ở bên Mỹ, bên Anh là chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ đại, tổ tiên để lại. Nó không dám nói thẳng ở Việt Nam. Nó sợ sự phản ứng của dân Việt Nam. Lão này nó cáo già, nó không nói Việt Nam. Qua Singapore rồi mới nói.

Từ suy nghĩ về vấn đề này tôi đang định viết bài “Đà đao của họ Tập và dối sách của Việt Nam”. Đà đao là một món võ trong binh pháp của Trung Hoa. Người ta mô tả trong các tiểu thuyết tức là cưỡi ngựa bỏ chạy một đoạn rồi giơ đao đánh luôn một đoạn. Gọi là món đà đao. Cái trò đánh lui như thế là trò đánh lén, không dám đường đường đối mặt. Thế nhưng món đà đao ấy bây giờ Việt Nam phải đối sách thế nào? Hiện nay nó nói chủ quyền biển đảo là của nó. Nhưng mà chính quyền Việt Nam, đặc biệt là ban lãnh đạo Đảng Việt Nam im như thóc, câm như hến. Hoàng Sa không dám nói gì. Bây giờ Hoàng Sa chỉ còn 10 năm nữa thôi nếu không tranh luận, không lên tiếng, không đưa ra tòa án, không đưa ra dư luận với tư cách là chính phủ ra tuyên bố. Thì 10 năm nữa thôi nó coi chủ quyền là hiển nhiên của nó với chứng lý là nó đã chiếm giữ được 50 năm. Đây là vấn đề liệu ban lãnh đạo của Đảng sẽ tính sao. Chính phủ đã sẵn sàng việc kiện nhưng mà ban lãnh đạo tức Bộ Chính trị nó khóa máy lại không cho kiện. Nó bật đèn đỏ không cho đưa vấn đề này ra quốc tế. Đấy là một chỗ yếu của Việt Nam.

Thứ hai là ban lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội từ nhiều chục năm nay đã im hơi, lặng tiếng coi như lặng lẽ thừa nhận Trung Quốc nó chiếm đóng 7 hòn đảo Trường Sa từ đảo chìm thành đảo nổi. Nó xây đường bang, sân bay quân sự, hải cảng ở đấy. Ngược lại Việt Nam vẫn cứ yên lặng gọi là để ổn định và giữ nguyên trạng.

Giữ ổn định và nguyên trạng như hiện nay thì Tàu nó mừng quá. Tức là chấp nhận cho nó chiếm cứ Hoàng Sa và 7 cái đảo ở Trường Sa.

Cho nên có thể nói Tuyên bố Việt – Trung vừa rồi là rất phản dân, hại nước. Một thứ thái độ, một thứ ý kiến nó không rõ ràng, không rành mạch. Hai bên tôn trọng. Hai bên không làm gì gay gắt thêm để ảnh hưởng, tôn trọng lẫn nhau. Tuyên bố chung như vậy lợi quá cho bọn Tàu. Lão Tập Cận Bình nó cũng chẳng mong gì hơn Việt Nam nói như vậy. Có thể nói đây là một sự thua thiệt, một sự thất bại nhục nhã, một sự đầu hàng nhục nhã của ban lãnh đạo khi tiếp Tập Cận Bình.

Nhưng mặt trái của nó là nhân dân thấy được bộ mặt thật của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là phản dân, hại nước, không kiên quyết. Nó dọa chiến tranh. Thật ra phải nói hiện giờ Tàu chưa dám gây ra một cuộc chiến. Nó đi gây chiến chưa biết mèo nào cắn mửu nào. Cho nên nó phải tính toán. Nó dọa thế thôi. Anh cứ bị nó dọa anh sợ anh lùi từng bước. Thể hiện thái độ không rõ ràng, không rành mạch gì hết về vấn đề biển đảo. Về những cái gọi là sự vi phạm trắng trợn trong tranh chấp Biển Đông. Vấn đề rất là lớn mà sự hành xử của ban lãnh đạo không xứng đáng, thật là nhục nhã.

Thái độ của dân là thế nào? Phải tính toán như thế nào để một khi ban lãnh đạo ươn hèn, đầu hàng; một cái chính phủ, một cái quốc hội theo đuôi ban lãnh đạo của Đảng tiếp tục ươn hèn, tiếp tục đầu hàng dân tộc hy vọng nỗi gì? Cho nên nhân dân Việt Nam phải gánh lấy vận mệnh của mình. Bây giờ phải tính toán hành xử như thế nào đây? Phải bảo ban nhau như thế nào đây để tự mình giành cho mình cái quyền giữ lấy nước. Đây là một vấn đề rất lớn. Một vấn đề đặt ra rất lớn đặt ra sau việc Tập Cận Bình đến Hà Nội nói nhăng, nói cuội rất là ba hoa. Dùng từ ngữ hoa mỹ. Ngày xưa bọn Tàu nó cũng rất xạo ngôn, lộng sắc tức là nói một cái lời hoa hòe, hoa xói, hoa mỹ. Ăn mặc thì chải chuốt. Cứ xem cái đầu của nó chải bồng lên, tóc nhuộm đen, áo quần thì bảnh bao lắm không khác gì Mã Giám Sinh. Cô vợ Bành Lệ Viên ngày xưa đã đi hát cho bọn xâm lăng năm 1979. Sao lại đón cái con mụ nó đã từng tiếp tay cuộc chiến tranh 1979 giết hại đồng bào ta mà không nói năng gì hết cả. Phải vạch rõ cái bộ mặt này. Đặc biệt rất xảo trá nó đi cái xe nó để cái biển 0079. Tức là nó ngạo nghễ nói vào mặt Việt Nam tao đây này, năm 79 đã đưa quân đánh chúng mày. Bây giờ chúng mày liệu hồn làm gì được tao?! Đến mức như vậy ban lãnh đạo của mình im re. Nguyễn Phú Trọng tươi cười, hớn hở như bắt được của. Xem trên vô tuyến tôi thấy điên cả đầu, lộn cả ruột.

Trần Quang Thành: Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước sau khi nghe Tập Cận Bình phát biểu tại Singapore rằng biển đảo ở Biên Đông tức là Nam Hải là của Trung Quốc từ thời xa xưa thì ông cũng nhại lại một câu là biển đảo ở Biển Đông là của Việt Nam từ xa xưa. Ngoài ra có nói được gì đâu! Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai bình luận thế nào?

Nguyễn Khắc Mai: Thật ra ông Sang có nói được vài câu, lặp lại vài câu. Nhưng mà cũng nói trùng, nói lén thôi.

Vấn đề hiện nay là thế này. Người ta tiêu tiền vô lối, dựng cái tượng đài hàng nghìn tỉ, rồi thì hội nghị thi đua khắp nơi, khắp chốn vô tích sự tiêu đến hàng nghìn tỉ. Nhưng không dám đầu tư vài trăm tỉ cho nghiên cứu thế nào là lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Phải nói cho rõ; lập trường cho rõ; các chứng cứ pháp lý’ cho rõ. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong nước, ngoài nước nói cho được cái chủ quyền ấy như thế nào? Khẳng định cho rõ chủ quyền về pháp lý của Việt Nam. Nhờ luật sư họ viết những cuốn sách về chứng lý, pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa chủ quyền thuộc về Việt Nam. Mình không dám tổ chức một cuộc tọa đàm đến nơi, đến chốn. Tập Cận Bình nó nói như vậy tôi tổ chức một cuộc tọa đàm để bác bỏ thì bị cắt điện, rồi đem xe đến định hốt anh em đưa ra ngoại thành.
Đáng nhẽ cái việc như thế phải đầu tư đến nơi, đến chốn. Mấy ông lãnh đạo ý tứ nói năng thế nào phải cho rõ ràng.

Về mặt luật pháp những chứng cứ phải rõ ràng, công hàm Phạm Văn Đồng phải nói cho rõ lại. Những công hàm, những tuyên bố cùa chính phủ Việt Nam Cộng hòa phải nói cho rõ lại. Những chứng cứ có tính cách nhà nước về Hoàng Sa, Trường Sa nói cho rõ lại v.v… Họ tiêu nhiều món tiền rất bậy bạ, nhưng bỏ ra vài trăm tỉ cho việc nghiên cứu này đến nơi, đến chốn thì không làm. Đến nay chúng ta không có một bộ hồ sơ nào cho đến nơi đến chốn. Tôi nghe nói chính phủ cũng đang làm. Nhưng mà phải cùng với dân làm. Khi đưa ra tòa án phải tổ chức dư luận, tổ chức hội thảo trong nước và ngoài nước làm rõ vấn đề về luật pháp, về chứng cứ lịch sử.

Đấy là vấn đề về Biển Đông phải làm. Có thể nói đây là việc quốc gia đại sự nó đang xúc phạm đến cả dân tộc.

Với việc tiếp Tập Cận Bình, chưa bao giờ uy tín lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội nó thê thảm trong lòng người dân đến như vậy. Bao nhiêu người gọi điện cho tôi nói anh Mai ơi nhục ơi là nhục. Như vậy là có cái phản cảm. Họ có nghe thấy không? Hay họ bưng tai, bịt mắt để theo đuôi chính sách bá quyền đại Hán, phụ họa cho nó.Như vậy đối sách với Trung Hoa không hề đơn giản.

Trần Quang Thành: Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai.

Nguồn: Radio Chân Trời Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét