2015/10/23

Người Việt đã sẵn sàng để đọc toàn bộ dữ kiện về Bác

Vũ Thạch@S:

Cảnh dư luận viên chặn đường hai vợ chồng anh Nguyễn Lân Thắng khi đi đón con tại trường mẫu giáo hôm 23/10. Họ đã phát truyền đơn trong khu vực trường mẫu giáo vu khống anh Thắng.

Sự kiện nhà cầm quyền trong vài ngày qua đã phải quýnh quáng cho một toán người đến hăm dọa tại nhà riêng và tại trường mầm non của con một nhà hoạt động dân chủ tại Hà Nội chỉ vì ông cột chuyện rửa bát của ông Hồ Chí Minh trên tàu Pháp với chuyện "rửa bát dơ nên bị bạn đánh chết" của một người trong tù công an; cùng với sự kiện trên mạng sau đó, khi các cư dân vẫn thản nhiên nhân rộng những lời bình và hình ảnh tô đậm sự khác biệt giữa lời nói với việc làm của "Bác Hồ", giữa lời hứa của ông với thực tế xã hội hiện nay; cho thấy dân tộc Việt đã sẵn sàng để đón nhận toàn bộ dữ kiện về ông Hồ Chí Minh, chứ không chỉ những gì đảng CSVN đưa ra "về Bác" hay "của Bác".

Hiển nhiên đã có nhiều tài liệu xuất hiện mà khó ai có thể phủ nhận tính khách quan của chúng:

- Đáng kể nhất là những giấy tờ chính thức từ văn khố Liên Xô cũ, từ giấy đăng ký hôn nhân giữa ông Hồ và bà Nguyễn Thị Minh Khai đến những bức thư viết tay của ông Hồ xin Stalin cho phép về Việt Nam thực hiện cải cách ruộng đất, v.v... Chắc chắn nhà nước Xô Viết không hằn thù gì ông Hồ để tạo dựng các tài liệu giả.

- Kế đến là những tài liệu do Bắc Kinh tiết lộ ra báo chí, từ những bức thư tình viết tay của ông Hồ viết cho người vợ Tàu là bà Tăng Tuyết Minh đến các hình ảnh do chính cố thủ tướng Chu Ân Lai, trong vai trò ông mai, cung cấp, v.v ... Chắc chắn những người mà chính ông Hồ nhận là bậc thầy như Bác Mao, là bạn thân như Bác Chu, không hằn thù gì ông Hồ để tạo dựng các tài liệu giả.

- Rồi đến những tài liệu mà Đảng đã thừa nhận do chính ông Hồ viết dưới các bút hiệu khác. Đọc những cuốn sách của Trần Dân Tiên ca ngợi Hồ Chí Minh (mà Đảng thừa nhận 2 người là một), người ta mới thấy mức độ giả tạo trong tính khiêm tốn của Bác; Đọc các bài viết của tác giả T.L về nước Mĩ (mà Đảng thừa nhận chính là Trần Lực, tức Bác), người ta có thể thấy rõ mức độ khinh thường của người viết đối với dân chúng; Đọc các bài viết của tác giả C.B. cố dấy lên căm thù đối với địa chủ trên báo Nhân Dân (mà Đảng bảo viết tắt từ chữ "Của Bác"), người ta có thể thấy rõ mức độ giả tạo trong cảnh chấm nước mắt của Bác sau mấy đợt Cải cách ruộng đất; v.v....

- Rồi đến những cuốn sách được viết bởi những nhân chứng có mặt từ những ngày đầu Cách Mạng và có cơ hội sống rất gần ông Hồ, như cuốn Đêm Giữa Ban Ngày của nhân chứng Vũ Thư Hiên; cuốn Hoa Xuyên Tuyết và Mặt Thật của nhân chứng Bùi Tín; và đặc biệt gần đây cuốn Đèn Cù của nhân chứng Trần Đĩnh. Cả 3 tác giả này đều còn sống và cho đến tận ngày nay đều không có mối thâm thù gì với ông Hồ để tạo dựng nên những câu chuyện giả. Các ông còn trưng dẫn vô số vật chứng và nhân vật lịch sử khó ai chối cãi được.

- Và sau hết, những tác phẩm khảo cứu lịch sử công phu của các sử gia ngoại quốc, đặc biệt cuốn Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 - 1941, của bà Sophie Quinn-Judge.

Hầu hết những tài liệu nêu trên đều đang được lưu trữ trên mạng Internet mà ai muốn tìm đọc cũng được.

Nhưng cũng có người đặt câu hỏi: Tại sao tốn công sức tìm hiểu về một người đã chết, hãy dùng năng lực đó lo chuyện tương lai có hơn không?

Đúng vậy, nhưng khổ nỗi những người lãnh đạo Việt Nam hôm nay lại vẫn buộc cả nước phải tiến lên CNXH — con đường Bác đã chọn; vẫn cấm cả dân tộc không được bước ra ngoài "tư tưởng Hồ Chí Minh"; và tai hại hơn cả, vẫn ép các thế hệ tương lai phải sống theo gương "đạo đức Bác Hồ"... Nói cách khác, giới lãnh đạo đang cột chặt một bức tượng ông Hồ khổng lồ vào mũi tàu hướng đến tương lai của dân tộc. Sức nặng ấy đang kéo mũi tàu chĩa xuống lòng biển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét