2015/10/12

Hiệp ước giao dịch TPP: 7 điều cần biết

Shawn Donnan - Financial Times
5/10/2015.


Hoa Kỳ, Nhật Bản và 10 quốc gia quanh Thái Bình Dương, chiếm 40 phần trăm kinh tế toàn cầu, đã đạt thỏa thuận vào ngày thứ Hai về hiệp định giao dịch lớn nhất ký kết trong vòng hai mươi năm nay.
Sau đây là bảy điều cần biết về Hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.

1. TPP vừa là việc giao dịch vừa là vấn đề địa chính trị.

TPP còn thường được gọi là “xương sống kinh tế” của chính sách “xoay trục” sang Á châu của Tổng thống Obama, mà mục tiêu là để Hoa Kỳ và Nhật Bản vượt qua mặt Trung Quốc, vốn không có mặt trong TPP, và lập ra một vùng kinh tế trong vành đai Thái Bình Dương để quân bằng với sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh. TPP còn đề ra các quy luật hành xử của kinh tế toàn cầu ở thế kỷ 21 từ việc chuyển tải dữ kiện xuyên qua biên giới cho đến các xí nghiệp nhà nước cạnh tranh thế nào trên thế giới.

2. Trung Quốc hiện thời không có mặt trong TPP, nhưng tương lai có thể

Mặc dầu trước đây TPP được coi như là ngón đòn của Hoa Kỳ để chặn Trung Quốc, nhưng sự suy nghĩ này có dịu lại trong những năm gần đây. Trung Quốc đang quan sát kỹ sự tiến triển của TPP và cũng đang toan tính những hiệp ước giao dịch riêng. Giới kinh doanh Hoa Kỳ nghĩ rằng tiềm năng thực sự của TPP nằm ở chỗ mở rộng cửa để các quốc gia khác gia nhập, đặc biệt là Trung Quốc.

Các thành viên hiện thời là: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Mã Lai, Mexico, Tân Tây Lan, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Hiện thời đang ngắm nghé để vào là Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân và các quốc gia Nam Mỹ như Colombia.

3. Lồng bên trong TPP là thỏa thuận giao dịch tự do giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Nhật Bản và Hoa Kỳ chưa bao giờ ký kết một thỏa thuận giao dịch song phương. Nhưng khi Nhật Bản tham gia vào vòng đàm phán TPP năm 2013 thì nảy sinh ra những cuộc đàm phán riêng giữa hai nước về nhiều thứ từ xe cộ cho đến thịt thà.

Kết quả là một thỏa thuận giao dịch trên thực tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, mà theo thời gian sẽ kéo ngã các rào cản giao dịch còn lại giữa hai nước.

4. Đây là một hiệp định then chốt cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Để có được hiệp ước TPP, Thủ tướng Abe buộc phải đối đầu với một số đối thủ chính trị nhiều thế lực trong chính trường Nhật Bản, kể cả giới vận động nông nghiệp. Nhưng ông đã nhiều lần lên tiếng chỉ rõ TPP sẽ giúp Nhật có được những cải tổ cơ cấu cần thiết giúp thúc đẩy kinh tế. Ông rất cần điều đó vì GDP của Nhật co rút lại với tốc độ 1.2 phần trăm mỗi năm.

5. TPP là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều quốc gia thành viên

Trong cuộc vận động tranh cử đang diễn ra tại Canada, TPP là một trong những điểm tranh cãi về kinh tế. Hiện thời đảng New Democratic đang đồng phiếu với đảng cầm quyền. Ông Tom Mulcair, ứng viên của đảng New Democratic hăm là nếu đảng ông thắng cử, thì ông sẽ bỏ TPP vì cho rằng thỏa thuận TPP hiện thời trong vòng bí mật, thiếu minh bạch.

Không riêng gì Canada mà tại Hoa Kỳ, Úc, và một số quốc gia khác cũng chống đối TPP vì nhiều lý do khác nhau.

6. Vấn đề thao túng tiền tệ

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại Hoa Kỳ là chuyện tiền tệ và việc phá giá để tăng tính cạnh tranh.

Ngành xe cộ Hoa Kỳ và nhóm hậu thuẫn trong Quốc Hội đang thúc đẩy để TPP có điều khoản cấm thao túng tiền tệ.

Điều này khó mà xảy ra một cách chính thức với TPP. Tuy theo nguồn thân cận trong các vòng đàm phán thì các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ các quốc gia TPP đã đồng ý với một thỏa thuận song song cam kết không phá giá tiền tệ để làm lợi cho ngành xuất khẩu của họ.

Tất cả đều là thành viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và nhiều quốc gia thuộc về nhóm G20, mỗi nhóm đều có quy luật riêng về thao túng tiền tệ. Tuy nhiên TPP sẽ có tiêu chuẩn cao hơn. Nhưng không quốc gia nào chịu cam kết sẽ bị trừng phạt nếu thao túng.

7. TPP sẽ tiên phong khai mở những tiêu chuẩn về môi trường và lao động cho các hiệp ước giao dịch.

Kể từ năm 2007, Hoa Kỳ được yêu cầu phải có thảo luận về tiêu chuẩn môi trường và lao động trong các cuộc đàm phán giao dịch. Nhưng TPP sẽ là lần đầu tiên mà các tiêu chuẩn đó phải áp dụng và có thể bị trừng phạt nếu vi phạm.

Nhiều nhà hoạt động môi trường vẫn còn hoài nghi, nhưng Hoa Kỳ cho rằng TPP sẽ giúp làm giảm buôn bán các thú vật có nguy cơ tuyệt chủng và giải quyết những vấn nạn khác như bắt cạn cá. Nếu các quốc gia không tôn trọng các cám kết thì Mỹ sẽ dùng hiệp định để buộc họ tuân thủ.

Các điều khoản lao động trong TPP sẽ buộc có thay đổi lớn về cách hoạt động tại các quốc gia như Mã Lai và Việt Nam. Khi tham gia vào TPP, các quốc gia đó phải chứng minh rằng họ tuân thủ theo các tiêu chuẩn của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế.

Các quốc gia TPP được yêu cầu phải có lương tối thiểu. Họ phải hủy bỏ những cách làm gây ra cưỡng bách lao động chẳng hạn như chủ nhân giữ lấy hộ chiếu của công nhân di dân hay đòi đóng những khoản phí tuyển mộ khiến cho công dân mắc nợ. Tại Việt Nam, chính quyền phải cho phép công nhân lập công đoàn độc lập cạnh tranh với công đoàn của nhà nước.

Hoàng Thuyên tóm lược

Nguồn: Financial Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét